“Đình chỉ thi hành án trong trường hợp thi hành án cấp dưỡng”

15/11/2010
Cấp dưỡng nuôi con chung là trách nhiệm của vợ, chồng đã được pháp luật quy định như là một nghĩa vụ bắt buộc trong quan hệ hôn nhân và gia đình.


Nghĩa vụ đó trong thời kỳ hôn nhân tồn tại phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm cũng như nhận thức của từng người. Sau khi hôn nhân không còn tồn tại, lúc đó nghĩa vụ cấp dưỡng đặt ra đối với người con chưa đủ 18 tuổi là trách nhiệm của người không trực tiếp nuôi dạy đứa trẻ và pháp luật có đầy đủ chế tài để buộc người cha hoặc mẹ phải thực hiện việc cấp dưỡng cho người kia để đảm bảo việc nuôi dạy đứa trẻ được tốt nhất.

Cơ chế để thực hiện việc cấp dưỡng trước tiên là do các bên trong quan hệ cấp dưỡng tự thoả thuận thực hiện. Nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết và thông thường khi giải quyết việc ly hôn thì các đương sự thường có yêu cầu hoặc các bên tự thoả thuận và được Toà án công nhận liên quan đến việc cấp dưỡng nuôi con chung khi đứa trẻ chưa đủ 18 tuổi.

Khi nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung đã được Toà án ghi nhận hoặc buộc người không trực tiếp nuôi dạy con phải thực hiện thì người cha hoặc mẹ đang trực tiếp nuôi dạy đứa trẻ có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành theo căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự.

Việc thi hành nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung là trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự, tuy nhiên trong quá trình thực tiễn thi hành một số Bản án, quyết định của Toà án có liên quan đến nghĩa vụ cấp dưỡng có một số vướng mắc từ phía các quy định của pháp luật. Xin nêu ra đây một ví dụ và phân tích để mọi người cùng rút ra kinh nghiệm, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các đồng chí, đồng nghiệp.

Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 70/2009/QĐST-HNGĐ, ngày 30/9/2009 của Toà án nhân dân huyện B có ghi nhận về phần cấp dưỡng nuôi con:

... Hai bên thoả thuận chị Vũ Thị Tuyết nuôi con chung là cháu Vũ Thị Yến Nhi, sinh ngày 04/12/2007, anh Vũ Hồng Lĩnh tự nguyện cấp dưỡng nuôi con chung với mức 500.000 đ/01 tháng kể từ tháng 10/2009 cho đến khi cháu Nhi đủ 18 tuổi, phương thức cấp dưỡng là mỗi tháng một lần...

Sau khi Chị Vũ Thị Tuyết có đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ theo đúng quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện B đã ban hành Quyết định thi hành án số 10/QĐ-THA, ngày 04/10/2009 cho thi hành khoản cấp dưỡng nuôi con chung đối với anh Vũ Hồng Lĩnh như phần nội dung của Quyết định công nhận sự thoả thuận số 70/2009/QĐST-HNGĐ đồng thời phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành theo đúng quy định.

Trong quá trình tổ chức thi hành, Chấp hành viên đã thu được của anh Vũ Hồng Lĩnh tổng số tiền 3.000.000 đ tương đương với nghĩa vụ thi hành án cấp dưỡng là 06 tháng kể từ tháng 10/2009 và tiến hành chi trả cho chị Vũ Thị Tuyết đảm bảo đúng thời gian quy định.

Đến tháng 4/2010, Chấp hành viên báo gọi anh Vũ Hồng Lĩnh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng quý thứ III của mình nhưng anh Lĩnh không nộp thêm được khoản nào?

Đến cuối tháng 10/2010, chị Vũ Thị Tuyết có văn bản đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự huyện B không tiếp tục tổ chức thi hành khoản cấp dưỡng nuôi con đối với anh Vũ Hồng Lĩnh nữa và cung cấp lý do chị sắp lấy chồng mới.

Căn cứ vào văn bản đề nghị của chị Vũ Thị Tuyết, Chấp hành viên đã tham mưu cho Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện B ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với anh Vũ Hồng Lĩnh theo căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự và đưa hồ sơ vào lưu trữ.

Về việc đình chỉ này, cá nhân tôi có quan điểm như sau:

Cần phải nói thêm, khi chị Vũ Thị Tuyết có đơn yêu cầu thi hành án thì về nguyên tắc đã được quy định, chị chỉ có quyền làm đơn yêu cầu đối với những nghĩa vụ đã đến hạn, mà ở đây nghĩa vụ cấp dưỡng là định kỳ hàng tháng tức là chị Tuyết chỉ có thể làm đơn yêu cầu thi hành án đối với từng tháng và với mỗi tháng chị Tuyết có đơn yêu cầu, cơ quan Thi hành án dân sự huyện B phải ra 01 quyết định thi hành án.

Đó là về mặt lý luận và nguyên tắc mà trên thực tế không cơ quan Thi hành án dân sự nào hướng dẫn cũng như áp dụng cách xử lý như trên. Về mặt thực tế thì Chi cục Thi hành án dân sự huyện B cũng đã ra 01 quyết định thi hành án cho toàn bộ thời gian anh Vũ Hồng Lĩnh phải cấp dưỡng, cụ thể là từ tháng 10/2009 đến khi cháu Vũ Thị Yến Nhi đủ 18 tuổi.

Như vậy, nếu tính toán theo nội dung quyết định thi hành án thì đến thời điểm chị Tuyết có văn bản đề nghị không tiếp tục tổ chức thi hành án nữa tức là đến cuối tháng 10/2010, anh Vũ Hồng Lĩnh còn chưa thi hành:

- Tiền cấp dưỡng nuôi con từ tháng 4/2010 đến hết tháng 10/2010 là 07 tháng tương đương 3.500.000 đ.

- Tiền cấp dưỡng nuôi con từ tháng 11/2010 đến khi cháu Vũ Thị Yến Nhi đủ 18 tuổi.

Cơ quan Thi hành án dân sự huyện B đã ra quyết định đình chỉ thi hành án đối với toàn bộ nghĩa vụ anh Lĩnh phải thực hiện còn lại, như vậy cộng với nghĩa vụ anh đã thực hiện thì cũng là hết nghĩa vụ anh phải thực hiện trong quyết định thi hành án.

Điều đáng quan tâm ở đây là liệu cơ quan Thi hành án dân sự huyện B đình chỉ như vậy có vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự hay không vì điểm c khoản 1 Điều 50 quy định:

Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong các trường hợp sau đây:

“... Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thư ba...”

Người thứ ba trong quan hệ thi hành án này chính là cháu Vũ Thị Yến Nhi và cơ quan Thi hành án lấy gì để chứng minh rằng không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cháu Yến Nhi? Hay là cơ quan Thi hành án sẽ bắt chị Tuyết cam kết rằng chị yêu cầu không tổ chức thi hành án nữa nhưng phải đảm bảo không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cháu Yến Nhi?

Vấn đề này rất khó xác định và để có thể tránh được việc Viện kiểm sát nhân dân sẽ kháng nghị trong việc đình chỉ vì vi phạm nguyên tắc nói trên. Cá nhân tôi xin đưa ra hướng giải quyết như sau:

- Đối với nghĩa vụ cấp dưỡng mà anh Vũ Hồng Lĩnh chưa thực hiện từ tháng 4/2010 đến hết tháng 10/2010 (là thời điểm chị Tuyết có đơn đề nghị không tiếp tục tổ chức thi hành) thì cơ quan Thi hành án dân sự huyện B có đủ căn cứ để ra quyết định đình chỉ thi hành án theo điểm c khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự mà không vi phạm nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cháu Yến Nhi. Vì mặc dù anh Lĩnh không cấp dưỡng nhưng chị Tuyết vẫn nuôi dạy cháu Yến Nhi bình thường ít nhất là đến thời điểm này. Như vậy không thể nói là việc đình chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cháu Yến Nhi được.

- Đối với nghĩa vụ cấp dưỡng mà anh Vũ Hồng Lĩnh chưa thực hiện từ tháng 11/2010 đến khi cháu Yến Nhi đủ 18 tuổi.

Về bản chất thì cơ quan Thi hành án dân sự huyện B đã ra quyết định thi hành án cả đối với những nghĩa vụ chưa đến hạn phải thực hiện, vì vậy cần phải có động tác để xử lý khoản nghĩa vụ này.

Cơ quan Thi hành án dân sự huyện B cần căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Luật Thi hành án dân sự để ra quyết định thu hồi một phần Quyết định thi hành án đã ban hành vì lý do là quyết định thi hành án trước đây đã ban hành căn cứ vào quyết định của Toà án và đơn yêu cầu của chị Tuyết, nay chị Tuyết đã có văn bản không yêu cầu tổ chức thi hành nữa thì có thể coi là đơn yêu cầu thi hành án đã không còn giá trị nữa. Việc ra quyết định thu hồi như vậy là hợp lý và đảm bảo được quyền, lợi ích hợp pháp của cháu Yến Nhi vì đối với những thời gian còn ở tương lai thì cơ quan Thi hành án không thể chắc chắn rằng là việc đình chỉ sẽ không ảnh hưởng đến cháu Yến Nhi. Khi ra quyết định thu hồi một phần quyết định thi hành án, cơ quan thi hành án sẽ không bị ràng buộc bởi nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba. Từ đó có thể tránh được những khiếu nại của đương sự hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát liên quan đến nguyên tắc này.

Như vậy, có thể tóm tắt lại như sau:

Đối với những nghĩa vụ đã đến hạn nhưng chưa thực hiện thì cơ quan Thi hành án có thể ra quyết định đình chỉ thi hành án khi người được thi hành án có văn bản yêu cầu không tiếp tục tổ chức thi hành nữa, còn đối với những nghĩa vụ chưa đến hạn thực hiện nhưng vì đã được ban hành trong quyết định thi hành án nên cơ quan Thi hành án dân sự cần ra quyết định thu hồi một phần quyết định thi hành án đó.

Sau khi có quyết định đình chỉ và quyết định thu hồi, cơ quan Thi hành án dân sự mới có thể đưa hồ sơ vào lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Trên đây là phân tích từ một ví dụ từ thực tiễn thi hành, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng chí, đồng nghiệp.

Lương Thanh Tùng