Những điểm mới quan trọng về chấp hành viên, cán bộ thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự

08/07/2009
Từ 01/7/2009, Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực thi hành theo đó có nhiều điểm mới liên quan đến chấp hành viên và cán bộ thi hành án dân sự. Cụ thể:


Thứ nhất: đổi mới về quy định ngạch chấp hành viên (CHV).

Theo quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 (THADS) thì CHV có hai ngạch được bổ nhiệm theo cấp hành chính (CHV cấp tỉnh và CHV cấp huyện) thực tiễn trong thời gian đã gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn cho việc sắp xếp, điều động, luân chuyển CHV giữa các cơ quan THADS, chưa động viên, khuyến khích được người có tài năng và kinh nghiệm của CHV trong thời gian qua. Để khắc phục những bất cập trên Điều 17 Luật THADS năm 2008 quy định rõ dựa vào tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác CHV có ba ngạch là CHV sơ cấp, CHV trung cấp và CHV cao cấp.

          Thứ hai: đổi mới quy định về thi tuyển, bổ nhiệm và nhiệm kỳ của CHV.

Để hạn chế những bất cập, thủ tục rườm rà trong việc tuyển chọn để bổ nhiệm CHV theo nhiệm kỳ thì Luật THADS năm 2008 quy định hình thức thi tuyển lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn, năng lực để bổ nhiệm CHV, hơn nữa CHV là một chức danh tư pháp gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn về thi hành án do pháp luật quy định. Việc bổ nhiệm không theo nhiệm kỳ sẽ tạo ra sự yên tâm để CHV làm tốt công tác thi hành án và phù hợp với Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị: "Nghiên cứu thực hiện cơ chế thi tuyển để chọn người bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp. Tăng thời hạn bổ nhiệm chức danh tư pháp hoặc thực hiện chế độ bổ nhiệm không có kỳ hạn".

          Thứ ba: bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của CHV

+ CHV được quyền áp dụng biện pháp bảo đảm.

Điều 14 Pháp lệnh THADS năm 2004 quy định CHV có 7 nhiệm vụ, quyền hạn cơ bản, tuy nhiên trong quá trình thực hiện thì CHV chưa chủ động sáng tạo, chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Khoản 2 điều 7 Pháp lệnh cũng quy định "trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, huỷ hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì CHV có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế quy định tại điều 37 pháp lệnh này". Nhưng pháp luật về thi hành án lại chưa có quy định cụ thể các biện pháp bảo đảm thi hành án nên việc thực hiện các quyền của CHV còn nhiều hạn chế. Trên cơ sở đó, khoản 5 điều 20 Luật THADS đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của CHV đó là "quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án" đồng thời đã quy định chặt chẽ hơn về thẩm quyền, thủ tục, thời hạn và trách nhiệm trong việc áp dụng từng biện pháp bảo đảm thi hành án.

+ CHV được sử dụng công cụ hỗ trợ khi thi hành công vụ.

Thực tiễn cho thấy, THADS là một công việc khó khăn, phức tạp. Sự chống đối của người phải thi hành án đa dạng, dưới nhiều hình thức khó lường trước được và để bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của CHV tại khoản 9 điều 20 Luật THADS đã quy định CHV "được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của Chính phủ".

Ngoài ra, Luật THADS năm 2008 còn quy định về những việc CHV không được làm quy định tại điều 21.

 Khánh Ngọc