Một số vấn đề liên quan đến trình tự thủ tục Thi hành án dân sự

27/06/2011
Công tác thi hành án dân sự là hoạt động thực thi Bản án, Quyết định của Tòa án nhằm đưa các phán quyết của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thực thi trên thực tế. Hoạt động thi hành án một mặt bảo đảm việc thực hiện quyền lực của Nhà nước, mặt khác nó là công cụ hữu hiệu để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân khi bị xâm hại. Hiệu quả của hoạt động thi hành án phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có các quy định về trình tự, thủ tục thi hành án.


Qua gần hai năm thi hành các quy định của Luật Thi hành án dân sự cho thấy, những quy định về thủ tục thi hành án dân sự đã góp phần tháo gỡ kịp thời những tồn tại, vướng mắc trong công tác thi hành án, đặc biệt, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết án tồn đọng, một vấn đề nhức nhối, kéo dài trong nhiều năm qua, thể hiện đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta. Những vấn đề chung về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự, như trách nhiệm chuyển giao và giải thích bản án, quyết định của toà án, thời hiệu yêu cầu thi hành án, phí thi hành án, thẩm quyền ra quyết định thi hành án, thẩm quyền, điều kiện, thủ tục uỷ thác, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, trả đơn yêu cầu thi hành án, thông báo về thi hành án, miễn giảm thi hành án... đã có những qui định khá cụ thể phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, với tiến trình cải cách tư pháp và cải cách hành chính trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, trong quá trình thực thi công tác này một số trường hợp vẫn còn có những cách hiểu khác nhau ảnh hưởng tới tiến độ, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Tại khoản 3 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có qui định Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành quyết định thi hành án đó”. Thủ trưởng cơ quan thi hành án căn cứ vào thời gian Luật định từ khi nhận được Bản án, Quyết định của Toà án tiến hành ra Quyết định thi hành án sau đó phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành. Hình thức phân công có thể bằng nhiều hình thức như ký nhận sổ giao nhận hồ sơ thi hành án, giữa Thủ trưởng cơ quan thi hành án với Chấp hành viên hoặc người được Thủ trưởng cơ quan ủy quyền, với Chấp hành viên được phân công trực tiếp tổ chức thi hành hoặc các hình thức khác. Trong quá trình kiểm sát các hoạt động thực thi pháp luật của Chấp hành viên, Cơ quan thi hành án, Viện kiểm sát cho rằng việc phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc thi hành án, theo khoản 3 Điều 36  phải được thể hiện bằng một Quyết định của Thủ trưởng cơ quan thi hành án. Thiết nghĩ đây là một trong rất nhiều các tác nghiệp của Cơ quan thi hành án, Chấp hành viên cơ quan thi hành án, việc phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc thi hành án không nhất thiết phải ban hành bằng một Quyết định; Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về thi hành án dân sự cũng không có Điều khoản nào qui định việc phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành vụ việc thi hành án, Thủ trưởng Cơ quan thi hành án phải ban hành bằng một Quyết định. Mặt khác về tổ chức, hoạt động của Cơ quan thi hành án cũng luôn biến động: Về mặt tổ chức như điều động, luân chuyển, biệt phái các Chấp hành viên từ địa bàn này đến địa bàn khác công tác hoặc về mặt chuyên môn: Đối với các việc thi hành  án khó khăn phức tạp, có yếu tố nước ngoài  cần phải ủy thác Tư pháp… Cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện có quyền đề nghị Cơ quan cấp tỉnh rút lên để thi hành hoặc trong quá trình tác nghiệp có những vấn đề phát sinh cần phải giao cho Chấp hành viên khác tổ chức thi hành, trong các trường hợp này Thủ trưởng cơ quan thi hành án đương nhiên phải ra Quyết định thu hồi quyết định trước đó để ra một Quyết định phân công cho Chấp hành viên khác tổ chức thi hành, hiện nay các văn bản pháp luật về thi hành án cũng không có qui định cụ thể nào về thu hồi Quyết định trong các  trường hợp này Song trên thực tế tại một số địa phương Viện kiểm sát vẫn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự phài khắc phục và thực hiện việc ban hành Quyết định phân công Chấp hành viên tổ chức chức thi hành việc thi hành án.

Về hoạt động của Chấp hành viên:

Theo qui định của pháp luật Chấp hành viên có quyền độc lập tác nghiệp và chỉ tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi của mình. Thực tiễn công tác thi hành án dân sự không phải lúc nào Chấp hành viên cũng toàn quyền để thực thi nhiệm vụ được giao. Cơ quan thi hành án dân sự về mặt quản lý Nhà nước chịu sự quản lý mang tính song chùng trực thuộc; quản lý ngành dọc Cơ quan thi hành án dân sự địa phương trực thuộc Tổng cục thi hành án dân sự Bộ Tư pháp quản lý, mặt khác chịu sự kiểm tra giám sát của hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp tại địa phương do vậy hoạt động của Chấp hành viên ít nhiều cũng ảnh hưởng bởi cơ chế này. Cơ quan thi hành án dân sự địa phương ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo ngành dọc còn có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương nơi công tác, trong quá trình thực thi nhiệm vụ một số trường hợp vì mục đích ổn định chính trị, xã hội tại địa phương Chấp hành viên không thể chỉ tuân theo pháp luật. Một số phát sinh khác phát sinh ngay trong nội tại một số ít Cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự Thủ trưởng cơ quan thi hành án là chức danh quản lý Nhà nước có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn về mặt chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức thuộc quyền, Chấp hành viên vẫn là người phải chịu trách nhiệm chính về những hoạt động tác nghiệp của mình. Tuy vậy trên thực tế có trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án can thiệp sâu vào hoạt động của Chấp hành viên đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ và hiệu quả giải quyết việc thi hành án của  Chấp hành viên. Chấp hành viên là người được Thủ trưởng Cơ quan thi hành án giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức thi hành việc thi hành án đồng thời là chủ thể chịu trách nhiệm chính trước pháp luật về những hành vi của mình và được pháp luật bảo vệ. Trong lĩnh vực thi hành án dân sự là hoạt động rất đa dạng động chạm đến quyền, lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức, liên quan đến nhiều lĩnh vực, Chấp hành viên dù muốn cũng không có đủ khả năng đáp ứng tất cả các lĩnh vực chuyên môn, trong những trường hợp như vậy đòi hỏi phải có sự tham gia phối kết hợp với những cơ quan chuyên môn cùng giải quyết. Thực tế công tác thi hành án có vụ việc tranh chấp về tài sản giữa các đương sự về giá trị tài sản không lớn song trong giai đoạn xét xử đã sảy ra đơn thư khiếu nại đến nhiều cơ quan, ban ngành, ngay từ đầu thụ lý giải quyết đã được Chấp hành viên, cơ quan thi hành án xác định là vụ việc phức tạp, Chấp hành viên bằng nhiều biện pháp đã kiên trì động viên, thuyết phục các đương sự và đã thống nhất được biện pháp giải quyết giữa các đương sự, tránh phải xử dụng đến biện pháp cưỡng chế thi hành án, vừa gây tốn kém cho đương sự mất thời gian công sức của Chấp hành viên, cán bộ Cơ quan thi hành án. Tuy nhiên tranh chấp giữa các bên chỉ là 2 đến 3 cm (Centimet) đất và công trình xây dựng, lại được chia thành nhiều đoạn, ở địa hình không thuận lợi cho việc xác định mốc giới. Đương sự yêu cầu phải có sự tham gia của cơ quan chuyên môn có kỹ năng đo đạc chính xác đến từng cm, trường hợp này ngay cả các loại máy móc chuyên ngành thực hiện cũng đã rất khó. Chấp hành viên đề xuất Thủ trưởng cơ quan mời cơ quan chuyên môn để xác định mốc giới cho các bên tranh chấp, tuy vậy Thủ trưởng Cơ quan thi hành án cho rằng Chấp hành viên có đủ năng lực giải quyết vụ việc không cần thiết phải mời cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực này, dẫn tới thỏa thuận giữa các bên không thực hiện được và đương nhiên các đương sự không tiếp tục cộng tác với Chấp hành viên để giải quyết vụ việc dẫn tới tình trạng án có điều kiện giải quyết tiếp tục tồn đọng kéo dài, không những ảnh hưởng tới việc hoàn thành nhiệm vụ của Chấp hành viên mà còn ảnh hưởng tới thành tích của cả cơ quan, đơn vị.

Vấn đề về thu phí xác minh thi hành án          

Tại khoản 1 Điều 44 Luật Thi hành án dân sự có quy định: “Trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu, nếu người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì có thể yêu cầu Chấp hành viên tiến hành xác minh”. Tại khoản 2 Điều 73 Luật Thi hành án dân sự quy định người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án, trong đó có khoản chi phí xác minh theo quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật này.

Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về nội dung, mức chịu, thủ tục thu, nộp khoản này. Do vậy, cơ quan thi hành án dân sự chưa có cơ sở thu chi phí xác minh đối với người được thi hành án. Luật Thi hành án có hiệu lực đã gần hai năm, đến nay các khoản chi phí xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án hiện nay vẫn do Cơ quan thi hành án tổ chức thi hành vụ việc phải chịu, có quan điểm mang tính sé rào cho rằng Chấp hành viên cơ quan thi hành án trực tiếp thỏa thuận với người được thi hành án về khoản thu phí xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án dựa trên cơ sở các qui định hiện hành về chế độ công tác phí cộng với các khoản chi phí thực tế (nếu có) do Chấp hành viên thỏa thuận với người được thi hành án để thu, xử lý các khoản thu được tương tự các khoản thu về phí thi hành án. Song cũng chỉ là quan điểm mang tính cá nhân, thực tế các cơ quan thi hành án dân sự cũng không thể tùy tiện áp dụng dẫn tới các sai phạm trong hoạt động thi hành án dân sự. Mong muốn của các Cơ quan thi hành án dân sự địa phương, nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Hệ thống các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự cũng không ngừng phải được hoàn  thiện, cải sửa, bổ sung để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Trần Ngọc Bản