1. Việc thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án
Điều 59 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định “Trường hợp theo bản án, quyết định mà một bên được nhận tài sản và phải thanh toán cho người khác giá trị tài sản họ được nhận, nhưng tại thời điểm thi hành án, giá tài sản thay đổi và một trong các bên đương sự có yêu cầu định giá tài sản đó thì tài sản được định giá theo quy định tại Điều 98 của Luật này để thi hành án.”
Quy định trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự khi có sự thay đổi về giá tài sản mà theo bản án, quyết định thì một bên được nhận tài sản và phải thanh toán cho người khác giá trị tài sản. Đây là trường hợp thường xảy ra khi có các tranh chấp như chia thừa kế, ly hôn, tranh chấp tài sản chung...
Thực tiễn công tác thi hành án dân sự cho thấy quy định tại Điều 59 Luật THADS vẫn còn bất cập, hạn chế, không đem lại hiệu quả trong công tác thi hành án, mà ngược lại nó còn có thể gây khó khăn cho công tác thi hành án và không đảm bảo hiệu lực thi hành bản án, quyết định của Tòa án trên thực tế. Theo chúng tôi, có thực trạng trên là do điều luật đã quy định một cách chung chung, không giới hạn đối tượng yêu cầu định giá, cũng như không quy định mức biên độ dao động giá của tài sản làm cơ sở cho yêu cầu định giá. Nên việc định giá tài sản có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình thi hành án, làm cho việc thi hành án kéo dài, giảm hiệu quả, vì:
Thứ nhất, giá tài sản thay đổi có thể do một hoặc các nguyên nhân sau kết hợp lại tạo nên:
- Giá cả thị trường luôn có sự biến động;
- Quá trình tố tụng kéo dài;
- Người được thi hành án chậm làm đơn yêu cầu thi hành án;
- Quá trình tổ chức thi hành án kéo dài.
Những nguyên nhân trên làm cho giá tài sản thay đổi là điều không thể tránh khỏi trong quá trình tổ chức thi hành án. Do đó, bất cứ lúc nào đương sự cũng có thể yêu cầu định giá, vì quyền yêu cầu này không bị khống chế bởi một biên độ dao động giá tài sản.
Thứ hai, việc một trong các bên yêu cầu định giá tài sản có thể xảy ra khi họ cho rằng việc định giá lại sẽ có lợi cho mình. Thường sẽ có các trường hợp sau:
- Người được nhận tiền yêu cầu định giá lại khi giá tài sản trên thị trường có biến động tăng hơn giá đã định trong bản án;
- Người được nhận tài sản yêu cầu định giá khi giá có biến động giảm hoặc muốn kéo dài thời gian thi hành án, hoặc nhằm làm cản trở việc thi hành án;
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan yêu cầu định giá khi giá tăng hoặc giảm mà có lợi cho họ.
Như vậy, có thể thấy việc không hạn chế người được yêu cầu định giá của pháp luật dẫn đến tình trạng là giá tài sản dù tăng hay giảm đều là nguyên nhân để đương sự yêu cầu định giá theo hướng có lợi cho mình.
Từ những nguyên nhân trên cho thấy, việc hạn chế đối tượng được quyền yêu cầu định giá và quy định giới hạn biên độ giao động giá của tài sản là điều hết sức cần thiết để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thi hành bản án, quyết định của Tòa án trên thực tế.
Thứ nhất, theo chúng tôi, cần hạn chế ở mức thấp nhất việc định giá theo quy định của điều luật trên. Đặc biệt là đối với người nhận tài sản, vì:
Một là, giá cả tài sản trên thị trường luôn biến động. Do vậy, người nhận tài sản phải chấp nhận điều này ngay từ khi thỏa thuận hoặc đã được Tòa án quyết định, việc bảo vệ quyền lợi của họ một cách tuyệt đối trong trường hợp này là không khả thi. Hơn nữa, họ được quyền sở hữu tài sản, nên dù giá cả có biến động tăng hay giảm, thì tài sản của họ vẫn có khả năng sinh lợi.
Hai là, thực tế thi hành án cho thấy khi một bên được nhận tiền, một bên được nhận tài sản thì thường bên nhận tiền là người làm đơn yêu cầu thi hành án, còn bên nhận tài sản là người phải thi hành án. Điều này cũng dễ hiểu, vì người nhận tài sản thường là người đang trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản. Vì vậy, họ không có gì phải nóng vội để yêu cầu thi hành án. Cho nên, khi có yêu cầu thanh toán giá trị tài sản (tiền) cho người khác, thì họ luôn có tâm lý muốn kéo dài, thanh toán theo kiểu nhỏ giọt. Đây có thể nói là một tâm lý chung đối với hầu hết người phải thi hành án.
Vì vậy, pháp luật chỉ nên quy định người được nhận tài sản được yêu cầu định giá, khi có sự thay đổi về giá vượt quá “biên độ” mà họ không có lỗi trong việc chậm trễ thi hành án.
Thứ hai, cần phải quy định cụ thể biên độ dao động giá của tài sản làm căn cứ để khi có sự thay đổi về giá nhưng mức thay đổi này phải đạt đến hoặc vượt mức dao động cho phép thì đương sự mới có quyền yêu cầu định giá. Biên độ dao động này tuy chỉ có tính định lượng tương đối. Nhưng nó sẽ hạn chế đáng kể việc đương sự lợi dụng quyền yêu cầu định giá để kéo dài thời gian, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án. Về quy định biên độ dao động giá của tài sản, có thể tham khảo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/9/2004 của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự, theo đó thì tài sản được xem là có biến động về giá khi: “a) Giá tài sản biến động từ 20% trở lên đối với tài sản có giá trị dưới một trăm triệu đồng; b) Giá tài sản biến động từ 10% trở lên đối với tài sản có giá trị từ một trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng; c) Giá tài sản biến động từ 5% trở lên đối với tài sản có giá trị từ một tỷ đồng trở lên”. Mặc dù Nghị định đã hết hiệu lực, nhưng tinh thần của quy định này vẫn có thể vận dụng để sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 59 Luật THADS một cách phù hợp hơn.
Từ những phân tích trên, theo chúng tôi Điều 59 và văn bản hướng dẫn phải sửa đổi bổ sung theo hướng: hạn chế quyền yêu cầu định giá của người nhận tài sản; quy định rõ biên độ giao động về giá làm cơ sở cho yêu cầu định giá của đương sự. Đồng thời, quy định rõ người phải chịu chi phí định giá, hạn chế việc yêu cầu định giá lại. Có như vậy thì quy định về yêu cầu định giá khi có sự thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án mới có ý nghĩa thực tiễn, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự.
2. Quyền ưu tiên mua tài sản
Tại khoản 3 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về cưỡng chế đối với tài sản thuộc sở hữu chung quy định:
“Khi bán tài sản chung, chủ sở hữu chung được quyền ưu tiên mua tài sản”.
Như vậy, theo quy định này, thì khi Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế kê biên bán tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án, chủ sở hữu chung còn lại được quyền ưu tiên mua tài sản. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn quyền ưu tiên mua tài sản chung được thực hiện như thế nào. Do đó, khi gặp trường hợp này các Chấp hành viên thường rất lúng túng vì không có căn cứ để xác định thời điểm ưu tiên, thời hạn ưu tiên. Qua nghiên cứu các văn bản pháp luật có liên quan thì thấy vấn đề định đoạt tài sản chung được quy định tại Điều 223 Bộ luật Dân sự và khoản 3 điều luật này quy định:
“Trong trường hợp một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua. Trong thời hạn ba tháng đối với tài sản là bất động sản, một tháng đối với tài sản chung là động sản, kể từ ngày các chủ sở hữu chung khác nhận được thông báo về việc bán và các điều kiện bán mà không có chủ sở hữu chung nào mua thì chủ sở hữu đó được quyền bán cho người khác.
Trong trường hợp bán phần quyền sở hữu mà có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua thì trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày phát hiện có sự vi phạm về quyền ưu tiên mua, chủ sở hữu chung theo phần trong số các chủ sở hữu chung có quyền yêu cầu Tòa án chuyển sang cho mình quyền và nghĩa vụ của người mua; bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại”.
Thực tế, các Chấp hành viên đã áp dụng quy định này để xử lý quyền ưu tiên mua trong trường hợp cưỡng chế bán tài sản thuộc sở hữu chung theo quy định tại Điều 74 LTHADS.
Xét về mặt ý nghĩa của quyền ưu tiên mua tài sản chung, thì việc Chấp hành viên áp dụng khoản 3 Điều 223 BLDS là hợp lý, vì quy định quyền ưu tiên mua tài sản thuộc sở hữu chung khi một chủ sở hữu chung bán phần quyền sở hữu của mình là nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu chung khác, bảo đảm tính ổn định của các mối quan hệ có liên quan đến tài sản chung như vốn góp. Tuy nhiên, xét về căn cứ pháp lý thì việc áp dụng như trên còn có những vấn đề cần phải bàn thêm.
Thứ nhất, việc Chấp hành viên bán tài sản chung theo quy định tại Điều 74 LTHADS là trường hợp bán tài sản để thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án, chủ sở hữu chung có tài sản bán ở đây là người phải thi hành án. Còn trường hợp bán tài sản theo quy định tại Điều 223 BLDS là một giao dịch thông thường không liên quan đến việc thi hành án, người có tài sản tự mình quyết định việc mua bán này.
Thứ hai, việc tổ chức thi hành án dân sự cần đảm bảo đúng thủ tục, nhanh chóng, hiệu quả thì mới bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, áp dụng thời hạn ưu tiên mua tài sản ba tháng đối với bất động sản và một tháng đối với động sản như quy định tại khoản 3 Điều 223 BLDS là quá dài, không đảm bảo hiệu quả công tác thi hành án. Thử tính, nếu áp dụng như trên thì việc tổ chức thi hành một vụ việc thi hành án phải cưỡng chế kê biên bán tài sản (BĐS) thuộc sở hữu chung sẽ hết bao nhiêu thời gian?
Thụ lý đơn yêu cầu 05 ngày; thời hạn tự nguyện 15 ngày; thời hạn xác minh củng cố hồ sơ kê biên khoảng 30 ngày; chuẩn bị kê biên, thời hạn khởi kiện cho chủ sở hữu chung 30 ngày; nếu có khởi kiện hoặc Chấp hành viên, người được thi hành án yêu cầu Tòa án xác định phần sở hữu chung, thời gian trung bình ở giai đoạn này khoản 4 tháng nếu không có vướng mắc gì; sau khi có bản án, quyết định của Tòa án về việc xác định phần sở hữu chung, Chấp hành viên tiến hành kê biên 05 ngày; thẩm định giá tài sản, khoảng 15 ngày; thời hạn ưu tiên mua tài sản 03 tháng; nếu chủ sơ hữu chung không mua thì tiến hành bán đấu giá, thời gian khoảng 45 ngày; nếu đấu giá thành, giao tài sản khoảng 30 ngày (hạn trên chỉ tính ở mức tương đối).
Như vậy, đối với một vụ việc tổ chức thi hành án mà phải cưỡng chế kê biên tài sản chung, thì thời gian trung bình khoảng hơn một năm, đó là chưa tính đến tình huống bán đầu giá không thành, phải giảm giá nhiều lần. Điều này rõ ràng không đảm bảo tính hiệu quả, trong khi chúng ta đang ra sức rút ngắn thời gian thi hành án, giảm lượng án chuyển sang năm sau, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, thì việc áp dụng thời hạn ưu tiên như trên là một trở ngại không thể tránh khỏi.
Thứ ba, việc áp dụng thời hạn ưu tiên mua tài sản của chủ sở hữu chung tại khoản 3 Điều 223 BLDS để giải quyết việc thi hành án, cưỡng chế bán tài sản là không đảm bảo tính pháp lý, vì như đã trình bày ở trên, tính chất của hai giao dịch này là khác nhau. Hơn nữa quy định tại khoản 3 Điều 223 BLDS là quy định chung còn trường hợp cưỡng chế thi hành án là lĩnh vực chuyên ngành thuộc điều chỉnh của pháp luật về thi hành án dân sự.
Do đó, cần thiết phải có hướng dẫn việc thi hành khoản 3 Điều 74 LTHADS về quyền ưu tiên mua tài sản của chủ sở hữu chung để Chấp hành viên có căn cứ giải quyết việc thi hành án đúng pháp luật và đạt hiệu quả. Theo chúng tôi văn bản hướng dẫn cần quy định rõ thời điểm, thời hạn và số lần ưu tiên mua tài sản. Về thời điểm ưu tiên nên tính từ khi các bên thỏa thuận được giá tài sản kê biên hoặc ngay sau khi có kết quả thẩm định giá tài sản; về thời hạn ưu tiên nên quy định tương đối ngắn khoảng 15 ngày đối với bất động sản và 05 ngày đối với động sản, vì trước khi kê biên 30 ngày chủ sở hữu chung đã được thông báo về việc kê biên, bán tài sản nên đã có sự chuẩn bị; còn số lần ưu tiên, chỉ nên quy định đối với lần bán đầu tiên. Quy như vậy mới giúp cho Chấp hành viên giải quyết việc thi hành án nhanh chóng, kịp thời và đúng pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án.
Hồ Quân Chính – Chi cục THADS quận Thủ Đức