Cưỡng chế trả giấy tờ sở hữu, sử dụng tài sản trong thi hành án dân sự - một vấn đề khó khăn, vướng mắc ở thực tiễn

21/09/2011
Trong các biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự được quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, thì biện pháp cưỡng chế buộc chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ là một trong những biện pháp cưỡng chế không phức tạp nhưng vướng mắc khi áp dụng điều luật này vào thực tiễn. Đó là vấn đề thu hồi giấy tờ có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng  tài sản của đối tượng phải thi hành án sau khi cưỡng chế thi hành án mà không thu hồi được. Giải quyết vấn đề này, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng đã quy định rất mới và thông thoáng tại Điều 106, khoản 4, Điều 116. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành án, áp dụng những điều này lại gặp phải những vướng mắc. Tác giả bài viết này muốn nêu lên một tình huống thực tế để cùng trao đổi với đồng nghiệp. Đó là một vụ tranh chấp hợp đồng dân sự giữa bà Nguyễn Thị S với bà Huỳnh Thị H được Tòa án nhân dân tỉnh H tuyên tại bản án sô 20/DSPT ngày 25/3/2009: “Buộc bà vợ chồng bà H phải trả căn nhà số 195 đường K  và bản gốc giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà đó cho bà nguyễn Thị  bà S”


Sau khi án có hiệu lực thi hành, bà S có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án thi hành án thụ lý và ra quyết định thi hành án. Việc tổ chức thi hành án được thực hiện theo đúng quy trình pháp luật nhưng vợ chồng bà H không tự nguyện thi hành, nên cơ quan thi hành án tiến hành cưỡng chế thi hành án giao nhà theo quy định tại điều 115 Luật Thi hành án dân sự và buộc vợ chồng bà H giao trả bản gốc giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà đó. Sau khi cưỡng chế và giao nhà xong cho bà S nhưng vợ chồng bà H vẫn không giao giấy tờ sở hữu căn nhà cho bà S. Chính vì không có giấy tờ sở hữu nhà cho nên bà S không làm thủ tục theo quy định được. Đòi hỏi cơ quan thi hành án phải tiến hành tiếp một giai đoạn nữa theo quy định tại điều 116 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, để buộc vợ chồng bà H giao giấy tờ căn nhà đó theo quyết định bản án đã tuyên. Tại Điều 116 quy định: “Chấp hành viên ra Quyết định cưỡng chế buộc người phải thi hành án trả giấy tờ cho người được thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án không thực hiện thì Chấp hành viên cưỡng chế buộc người đó trả giấy tờ để thi hành án...Trường hợp giấy tờ không thu hồi được nhưng có thể cấp lại thì Chấp hành viên yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định hủy giấy tờ đó và cấp giấy tờ mới cho người được thi hành án...”  Nhưng quy định này chỉ mang tính chất để cơ quan thi hành án làm hết trách nhiệm theo quy định mà thôi, chứ thực tế người phải thi hành án không tự nguyện giao hoặc họ cất ở đâu thì Cơ quan thi hành án và các ngành chức năng cũng đành thôi. Chính vì thế, cơ quan thi hành án tiếp tục có văn bản đề nghị các cơ quan có thẩm quyền đăng ký có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền sở hữu cho bà S.

Sau khi có văn bản của cơ quan thi hành án đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hủy và cấp lại giấy tờ mới thay thế giấy tờ sở hữu mà không thu hồi được theo quy định tại Điều 106, khoản 4 và Điều 116 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 thì các cơ quan có thẩm quyền đăng ký lại cho rằng, tại khoản 3 Điều 42 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 19/10/2004 của Chính Phủ hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003 và khoản 3 Điều 25 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã quy định “...việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành...” Quy định như vậy, cho nên cơ quan có thẩm quyền đăng ký không thực hiện theo văn bản đề nghị của cơ quan thi hành án mà thực hiện theo văn bản pháp luật chuyên ngành của họ. Chính vì thế, mà việc thu hồi, hoặc hủy giấy tờ sở hữu, sử dụng tài sản lại bị vướng mắc ở thực tiễn thi hành và không chỉ riêng cho trường hợp nêu trên mà còn diễn biến trong những vụ việc cưỡng chế kê biên nhà ở, quyền sử dụng đất...không thu hồi giấy tờ sở hữu, sử dụng tài sản được thì khi xử lý tài sản xong, không thể hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục sang tên, trước bạ cho người được nhận tài sản hoặc người mua trúng đấu giá thành tài sản thi hành án. Sự vướng mắc ở đây, cũng có hai quan điểm cho rằng, do nguyên nhân từ sự không đồng bộ và không thống nhất ở các quy định trong các văn bản pháp luật đã ban hành và một quan điểm nữa cho rằng, do nguyên nhân từ sự nhận thức quá máy móc điều luật của cơ quan có thẩm quyền đăng ký giấy tờ sở hữu, sử dụng tài sản, chứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã quy định rõ và thông thoáng để giải quyết vấn đề vướng mắc này cụ thể tại Điều 106, khoản 4 và Điều 116 và  đây chỉ là những ý kiến trao đổi mà thôi.

Tuy nhiên, địa phương chúng tôi, đã có phương pháp riêng và có văn bản  xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND cùng cấp - Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự (theo khoản 1, Điều 174 Luật Thi hành án dân sự), để chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp giải quyết sự vướng mắc này, thế là vụ việc nêu trên cũng được giải quyết, cơ quan có thẩm quyền đăng ký cũng ra quyết định thu hồi và cấp lại giấy tờ mới cho bà S theo quy định Luật Đất đai.

Thực tiễn thi hành án dân sự, còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, không chỉ trong  hoạt động thi hành án mà còn gặp phải trong tác nghiệp thi hành án và để hiệu quả công tác thi hành án đạt cao thì đòi hỏi sự đồng thuận của các ngành nội chính, các cơ quan hữu quan và sự chỉ đạo sát sao của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự sẽ góp phần rất quan trọng trong việc giải quyết những vướng mắc ở thực tiễn thi hành án dân sự và không thể thiếu của sự thống nhất trong quy định pháp luật thì hiệu quả công tác thi hành án dân sự càng hiệu quả hơn./.

                          Lê Lanh