Trao đổi ý kiến về bất cập tại Điều 59, Điều 74 Luật THADS của tác giả Hồ Quân Chính

09/11/2011
Trước tiên cần phải khẳng định rằng Luật THADS ra đời là một bước đột phá rất quan trọng đối với công tác THADS. Sau nhiều năm thực hiện Pháp lệnh THADS các năm 1993, 2004 và các hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc và đổi mới, Luật THADS năm 2008 chính thức đi vào thực tiễn được hơn 2 năm đã bộc lộ rất nhiều điểm tiến bộ, vượt trội, giúp cho Chấp hành viên và cơ quan THADS thuận lợi hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, Luật THADS cũng không phải là đã hoàn toàn phù hợp với thực tiễn, nằm trong ngay các quy định của Luật cũng có một số vấn đề cần phải nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc để có thể sửa đổi, bổ sung một cách kịp thời.


Liên quan đến vấn đề này, xin trao đổi với các đồng chí, đồng nghiệp về ý kiến của tác giả Hồ Quân Chính về quy định tại các Điều 59, 74 của Luật THADS cụ thể như sau:

Về quy định tại Điều 59 Luật THADS:

Theo ý kiến của tác giả Hồ Quân Chính, Điều luật này dễ để cho các đương sự trong vụ việc mà một bên được nhận tài sản và phải thanh toán cho bên kia giá trị tài sản mà họ được nhận lợi dụng quyền yêu cầu định giá để dây dưa trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình (Trả tiền hoặc tài sản) và làm cho việc thi hành án bị kéo dài. Tác giả cũng đề nghị sửa đổi Điều luật theo hướng quy định hạn chế quyền yêu cầu định giá của đương sự trong loại vụ việc nêu trên. Cụ thể là quy định biên độ “thay đổi về giá” đến mức độ nào đó thì họ mới có quyền yêu cầu định giá. Về vấn đề này, cá nhân tôi có ý kiến như sau:

Thứ nhất, cần hiểu rằng việc yêu cầu định giá cũng như định giá lại tài sản là quyền của đương sự mà theo Luật THADS nó không bị giới hạn bởi bất kỳ điều kiện nào khác. Duy nhất chỉ có quy định tại điểm b khoản 1 Điều 99 Luật THADS được hiểu là đương sự có quyền yêu cầu định giá lại tài sản đã kê biên trước khi có thông báo công khai việc bán đấu giá, mặc dù vậy đây cũng không được hiểu là điều kiện ràng buộc quyền yêu cầu định giá lại của đương sự mà chỉ là vấn đề đến mốc thời điểm nào (Ở đây là trước khi có thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản) thì yêu cầu định giá lại của họ được chấp nhận.

Quay trở lại vấn đề này, bản thân tôi nghĩ rằng không nên và cũng không thể giới hạn quyền yêu cầu định giá của đương sự theo hướng như tác giả nêu bởi vì gắn với quyền yêu cầu định giá của đương sự, Luật THADS cũng đã quy định nghĩa vụ của đương sự khi yêu cầu định giá (lại) tài sản là phải chịu chi phí định giá. Quyền yêu cầu định giá của đương sự là hoàn toàn chính đáng bởi nếu họ là người được nhận tiền thì vốn dĩ số tiền đã được xác định cụ thể trong Bản án, quyết định nhưng giá trị của tài sản thì có biến động thường xuyên, thậm chí hàng ngày nên đã xảy ra tình trạng không tương xứng giữa tài sản và giá trị của tài sản tính thành tiền.

Thứ hai, cũng tại quy định tại Điều 59, bản thân tôi thấy có bất cập như sau:

Mục đích của việc đương sự yêu cầu định giá là để Chấp hành viên đưa ra một mức giá khác với mức giá đã được ấn định trong Bản án, quyết định. Nhưng vấn đề là ở chỗ, sau khi đã xác định được giá trị tài sản ở thời điểm hiện tại thì Chấp hành viên làm gì tiếp theo với mức giá đó?

Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật THADS thì Chấp hành viên có trách nhiệm thi hành đúng với nội dung Bản án, quyết định (Trừ trường hợp thi hành án theo thoả thuận của các đương sự). Tức là trong trường hợp này, Chấp hành viên chỉ có thể buộc người được nhận tài sản phải trả cho người được nhận tiền đúng bằng giá trị tài sản đã được tuyên trong Bản án, quyết định.

Như vậy, có thể nói rằng, Điều 59 Luật THADS quy định về quyền yêu cầu định giá của đương sự trong loại vụ việc này là hoàn toàn chính đáng và phù hợp. Tuy nhiên nếu chí quy định mang tính bỏ ngỏ như vậy thì cũng là vấn đề gây khó khăn cho Chấp hành viên. Các cơ quan chức năng cần có quy định cụ thể theo hướng trao quyền cho Chấp hành viên được tổ chức thi hành nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản là giá trị đã được xác định theo yêu cầu của một trong các bên đương sự và giá này khác với giá trị do Toà án đã quyết định.

Về quy định tại Điều 74 Luật THADS:

Tác giả đưa ra so sánh quan hệ sở hữu giữa các đồng sở hữu quy định trong Bộ luật dân sự và quan hệ sở hữu giữa người phải thi hành án và chủ sở hữu chung trong THADS và nêu ra rằng :” việc Chấp hành viên bán tài sản chung theo quy định tại Điều 74 Luật THADS là trường hợp bán tài sản để thực hiện biện pháp cưỡng chế thi hành án, chủ sở hữu chung có tài sản bán ở đây là người phải thi hành án. Còn trường hợp bán tài sản theo quy định tại Điều 223 BLDS là một giao dịch thông thường không liên quan đến việc thi hành án, người có tài sản tự mình quyết định việc mua bán này.”

Cá nhân tôi thấy rằng nhận định của tác giả là không sai về mặt hình thức của vấn đề so sánh, nhưng về bản chất thì chưa ổn. Tôi xin lấy ví dụ như sau và phân tích:

(1): A và B có một khối tài sản chung là quyền sử dụng đất, khi tham gia quan hệ dân sự thông thường thì khi A muốn bán phần sở hữu của mình trong khối tài sản chung đó thì đương nhiên theo quy định tại khoản 3 Điều 223 Bộ luật Dân sự, B được quyền ưu tiên mua trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày B được thông báo về việc bán và điều kiện bán. Trong quan hệ này không có vấn đề gì đáng bàn.

(2): B và C có một khối tài sản chung là ngôi nhà 03 tầng, và C đang là người phải thi hành án trong quan hệ THADS.

Khi Chấp hành viên kê biên toàn bộ ngôi nhà (Do tài sản không thể phân chia được hoặc việc phân chia sẽ làm giảm đáng kể giá trị ngôi nhà) để đảm bảo thi hành nghĩa vụ của C. Lúc này quyền ưu tiên mua của B được quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật THADS. Tuy nhiên, luật không quy định rõ cụ thể thời hạn ưu tiên mua như thế nào.

Trong cả 2 quan hệ nói trên, ta đều thấy rằng B cùng là một vai trò duy nhất là một đồng sở hữu, trong ví dụ (1) thì là đồng sở hữu với A, trong ví dụ (2) là đồng sở hữu với C. Chỉ khác là vai trò của A và C là khác nhau nên việc định đoạt phần sở hữu của họ cũng là khác nhau, trong ví dụ (1) thì A tự định đoạt, ví dụ (2) thì Chấp hành viên định đoạt.

Từ đây có thể thấy ngay rằng dù là A tự định đoạt hay là Chấp hành viên định đoạt trong 2 ví dụ trên thì cũng phải đảm bảo quyền của B như nhau, do đó khoản 3 Điều 74 quy định sẽ được dẫn chiếu đến áp dụng khoản 3 Điều 223 Bộ luật Dân sự là hoàn toàn hợp lý. Không thể vì lý do một đối tượng có tài sản chung với người phải thi hành án mà quyền ưu tiên mua của họ lại bị hạn chế hơn khi Chấp hành viên bán phần sở hữu của đồng sở hữu kia trong khi quyền ưu tiên mua của họ trong quan hệ dân sự thông thường được đảm bảo đầy đủ. Chính vì những lý do đó mà cá nhân tôi nghĩ rằng không thể quy định quyền, nghĩa vụ của người có quyền lợi liên quan trong THADS lại khác với quy định về quyền, nghĩa vụ của họ trong đạo luật chung.

Nói tóm lại, các quy định của Luật THADS dù là có những điểm mới, tiến bộ nhưng cũng không để đặt mình trong một quan hệ riêng biệt mà phải phù hợp các quy định pháp luật khác, đặc biệt là các quy định là các đạo luật gốc, không thể sửa đổi Luật THADS theo hướng xây dựng cho Chấp hành viên và cơ quan thi hành án một “Sân chơi riêng”, một “Mảnh trời riêng” mà phải đặt quan hệ thi hành án vào tổng thể các quan hệ trong xã hội và các quy định chung của pháp luật./.

Lương Thanh Tùng