Một vài ý kiến trao đổi về bài viết “nghiên cứu trao đổi nghiệp vụ về bảo lãnh cho người cho vay phải chịu chi phí cưỡng chế không”
Theo quan điểm của tôi, để giải quyết khúc mắc của vấn đề này, trước hết cơ quan thi hành án dân sự phải xác định chính xác ai là người phải thi hành án. Bản án số 06/KDTM-ST của Toà án nhân dân tỉnh Bắc Ninh xử về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa ông Mai Văn Vẻ - Đông Du - Đào Viên - Quế Võ - Bắc Ninh và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á đã tuyên “ Buộc ông Mai văn Vẻ phải trả cho Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á tổng số tiền 243.800.000đ. Nếu ông Vẻ không trả thì phát mại toàn bộ tài sản thế chấp là QSDĐ của ông Nguyễn Quang Đáp - thôn Bồng lai - xã Bồng Lai - Quế Võ - Bắc Ninh là tài sản ông Đáp bảo lãnh cho khoản vay của ông Vẻ để đảm bảo việc thi hành án”. Như vậy, chúng ta phải xác định trong trường hợp này, ông Mai Văn Vẻ là người phải thi hành án, ông Nguyễn Quang Đáp là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan- là người có nghĩa vụ phải dùng tài sản của mình để đảm bảo việc thi hành án của ông Mai Văn Vẻ. Ngoài khoản tiền phải trả cho người được thi hành án là Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á còn có 2 khoản tiền phải thi hành án đó là khoản án phí 12.000.000 đồng và khoản chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự.
Thứ nhất, đối với khoản án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Khoản án phí này sẽ được tuyên trong Bản án của Tòa án. Theo nội dung bài viết, tôi có thể hiểu Bản án của Tòa án đã tuyên “Ngoài ra ông Vẻ còn phải chịu 12.000.000đ tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm”. Nội dung tuyên này độc lập với nội dung tuyên “Nếu ông Vẻ không trả thì phát mại toàn bộ tài sản thế chấp là QSDĐ của ông Nguyễn Quang Đáp - thôn Bồng lai - xã Bồng Lai - Quế Võ - Bắc Ninh là tài sản ông Đáp bảo lãnh cho khoản vay của ông Vẻ để đảm bảo việc thi hành án”. Điều đó đồng nghĩa với việc nghĩa vụ chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là nghĩa vụ độc lập của ông Mai Văn Vẻ, không liên quan đến nghĩa vụ của ông Nguyễn Quang Đáp.
Thứ hai, đối với khoản chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự. Theo quy định tại Điều 73 Luật Thi hành án dân sự về chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự thì người có nghĩa vụ thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự chỉ là người phải thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự và ngân sách nhà nước. Vì vậy, người có quyền và nghĩa vụ liên quan không phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự.
Hơn nữa, theo quy định của pháp luật dân sự thì bên bảo lãnh chỉ có phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong phạm vi bảo lãnh. Trong trường hợp này, phạm vi bảo lãnh chỉ là “khoản vay của ông Mai Văn Vẻ với Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Á”. Khoản án phí và chi phí cưỡng chế thi hành án không thuộc phạm vi bảo lãnh.
Về nhận định tại quan điểm thứ nhất trong bài viết: “tài sản là QSDĐ của ông Đáp đã đồng ý uỷ quyền (Hợp đồng uỷ quyền tại văn phòng công chứng) cho ông Vẻ thế chấp vay tại ngân hàng Đông Á thì đương nhiên ông Đáp không còn quyền về tài sản và quyền đó đã chuyển giao cho ông Vẻ” theo quan điểm của tôi là không chính xác. Quyền tài sản của ông Đáp đối với mảnh đất trên chỉ chuyển giao cho ông Vẻ khi ông Đáp đã thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất cho ông Vẻ. Dù ông Đáp đã dùng tài sản của mình để bảo đảm khoản vay cho ông Vẻ nhưng quyền của ông Đáp đối với quyền sử dụng đất dùng để bảo lãnh cũng không thể chuyển giao cho ông Vẻ mà chỉ là “bị hạn chế”. Ông Đáp vẫn có quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với miếng đất nhưng quyền định đoạt lại bị hạn chế và kiểm soát.
Từ những ý kiến ở trên, theo quan điểm của tôi, ông Nguyễn Quang Đáp chỉ có nghĩa vụ đối với khoản tiền 243.800.000 ông Vẻ phải trả ngân hàng. Sau khi ông Nguyễn Quang Đáp đã nộp đủ số tiền trên thì cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh có nghĩa vụ phải giải tỏa kê biên tài sản cho ông Đáp. Còn khoản án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm và khoản chi phí cưỡng chế thi hành án sẽ phải do người phải thi hành án là ông Mai Văn Vẻ trả. Nếu ông Mai Văn Vẻ không tự nguyện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Bắc Ninh có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản của ông Mai Văn Vẻ để đảm bảo thi hành án.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi về bài viết Nghiên cứu trao đổi nghiệp vụ về “Bảo lãnh cho người vay có phải chịu chi phí cưỡng chế không”, rất mong được sự tham gia đóng góp ý kiến của các đồng chí./.
Hoàng Thu Thủy