Việc thi hành khoản khoản thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được - Cần một giải pháp mạnh

12/06/2012
Thi hành án dân sự là một hoạt động quan trọng nhằm hiện thực hóa kết quả của quá trình tố tụng và giải quyết tranh chấp trong thực tiễn. Do đó, tổ chức thi hành dứt điểm bản án, quyết định có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Trong những năm qua, nhất là từ khi Luật Thi hành án dân sự được ban hành, công tác thi hành án dân sự đã có những chuyển biến tích cực, kết quả thi hành án năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, mặc dù số lượng việc phát sinh mới hàng năm không ngừng tăng lên, nhưng dưới sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Tư pháp và sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ của toàn thể chấp hành viên, thẩm tra viên, cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự, kết quả thi hành xong về việc, về tiền nói chung, số việc, tiền thu cho ngân sách nhà nước nói riêng so với số việc, số tiền có điều kiện thi hành hàng năm luôn vượt chỉ tiêu giao (năm 2009 kết quả về việc đạt 78,72%, về tiền đạt 67,08%; năm 2010 kết quả về việc đạt 86,35%, về tiền đạt 80,1%; năm 2011 kết quả về việc đạt 87,96%, về tiền đạt 76,1%. Tuy nhiên, trong thực tế mặc dù được Đảng, Nhà nước quan tâm, các cơ quan Thi hành án dân sự tích cực tổ chức thi hành bản án, quyết định nhưng kết quả thực tế việc thi hành án vẫn chưa đáp ứng được mong muốn của xã hội, số lượng bản án chưa được thi hành hàng năm vẫn chiếm một tỷ lệ lớn trong số phải thi hành nhưng chưa được thi hành dứt điểm. Theo báo cáo của các cơ quan Thi hành án dân sự địa phượng, hiện nay trong toàn quốc còn 289.399 việc với 27.959.050.258 nghìn đồng chưa tổ chức thi hành xong (bao gồm cả việc thi hành cho công dân, cơ quan, tổ chức và thu cho ngân sách nhà nước).


Qua phân tích cho thấy, trong số việc chưa thi hành này có khoảng 239.122 việc mới thụ lý tại thời điểm báo cáo, việc thuộc diện thi hành đều cơ quan Thi hành án đang tổ chức thi hành, việc thuộc diện hoãn, tạm đình chỉ, cơ quan thi hành án dân sự cần phải chờ đến khi hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ hoặc khi đến kỳ mới tổ chức thi hành….Nhưng số còn lại khoảng 47.834 việc, mặc dù chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự đã tích cực áp dụng mọi biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để đôn đốc người phải thi hành, kể cả áp dụng các biện pháp xét giảm, miễn thi hành án đối với việc thi hành án là các khoản thu cho ngân sách nhà nước, nhưng vẫn không thể thi hành được, gây bức xúc trong dư luận xã hội và tạo áp lực lớn cho cơ quan Thi hành án dân sự. Theo thống kê, tính đến ngày 01/7/2009 số tiền còn phải thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được vì các lý do chủ quan, khách quan khoảng 693.059.098 nghìn đồng, trong đó án phí 96.422.004 nghìn đồng, tiền phạt 368.457.015 nghìn đồng, tiền, tài sản tịch thu 56.570.199 nghìn đồng va các khoản tiền phải thu  khác 171.609.880 nghìn đồng. Riêng các khoản thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được do những nguyên nhân khách quan như: người phải thi hành án không có tài sản, không xác định được nơi cư trú của người phải thi hành án, người phải thi hành án là người nước ngoài đã xuất cảnh, khoảng 46.597 việc với số tiền 662.897.359 nghìn đồng, cụ thể như sau:

- Khoản phải thi hành là án phí: 92.365.615 nghìn đồng.

- Khoản phải thi hành là tiền phạt: 362.130.515 nghìn đồng.

- Khoản phải thi hành là tiền, tài sản tịch thu: 55.334.519 nghìn đồng.

- Các khoản tiền phải thi hành khác: 153.066.710 nghìn đồng.

Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng các khoản thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được là do:

Thứ nhất, người phải thi hành án không có tài sản

Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước không thi hành được (khoảng 29.837 việc với số tiền là 453.786.796 nghìn đồng). Việc xác định người phải thi hành án không có tài sản được thực hiện thông qua biên bản xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án do Chấp hành viên phối hợp với cơ quan Công an, chính quyền địa phương nơi cư trú của người phải thi hành án, cơ quan, tổ chức nơi người phải thi hành án làm việc xác minh và xác định được người phải thi hành án không có tài sản. Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự hiện hành, những trường hợp sau đây được coi là không có tài sản:

- Người phải thi hành án không có tài sản (hiện vật như nhà, đất, các tài sản là động sản như ô tô, xe máy; các quyền tài sản mà theo quy định của pháp luật được mua, bán, chuyển nhượng như quyền sở hữu đối với phát minh, sáng chế, quyền tác giả…);

- Có tài sản nhưng tài sản có giá trị quá nhỏ, không đủ chi phí cưỡng chế hoặc tài sản không được kê biên theo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án dân sự;

- Không có thu nhập hoặc thu nhập chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu của người phải thi hành án và những người sống phụ thuộc vào người phải thi hành án.

Thứ hai, không xác định được nơi cư trú của người phải thi hành án

Đây là nguyên nhân gây ra số việc thi hành cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được đứng thứ hai sau nguyên nhân không có tài sản (16.657 việc với số tiền là 207.052.226 nghìn đồng đồng). Nguyên nhân này xuất phát từ việc người phải thi hành án bỏ đi khỏi địa phương không để lại thông tin về nơi cư trú mới, doanh nghiệp ngừng hoạt động, chuyển địa điểm không để lại địa chỉ, các cơ quan hữu quan như Công an, chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế cũng không nắm được thông tin của doanh nghiệp này. Đồng thời, người phải thi hành án cũng không còn bất cứ tài sản gì tại địa phương.

Thứ ba, đương sự là người nước ngoài

Đây là trường hợp sau khi có bản án, quyết định hoặc sau khi chấp hành xong hình phạt tù, cơ quan chức năng đã cho phép người phải thi hành án là người nước ngoài xuất cảnh, nhưng họ chưa thi hành xong nghĩa vụ của mình. Theo danh sách cho các địa phương gửi về, hiện có 103 việc với 2.058.337 nghìn đồng người phải thi hành án là người đã xuất cảnh. Những việc này, cơ quan Thi hành án dân sự đã làm đầy đủ tất cả các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật kể cả việc lập hồ sơ thực hiện việc ủy thác tư pháp hoặc thực hiện theo các nguyên tắc của pháp luật quốc tế nhưng vẫn không giải quyết được.

Thứ tư, quy định của pháp luật về án phí, tiền phạt và tịch thu tài sản chưa phù hợp thực tiễn, không mang tính khả thi

Một số quy định của pháp luật liên quan đến phạt tiền, án phí, tịch thu tài sản phạm tội…chưa hợp lý, thiếu tính khả thi; quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành về điều kiện, trình tự, thủ tục lập hồ sơ xét giảm, miễn thi hành án còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra như việc quy định phạt người sử dụng ma túy 20.000.000 đồng, mức án phí có giá ngạch cao so với khả năng thi hành của người phải thi hành án….

Như vậy, qua phân tích nêu trên cho thấy việc thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được bao gồm 4 loại cơ bản sau:

- Người phải thi hành án quá nghèo, không có tài sản, thu nhập để thi hành án hoặc tuy có tài sản, nhưng giá trị tài sản quá nhỏ, không đủ chi phí cưỡng chế hoặc thuộc diện không được kê biên theo quy định tại Điều 87 Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi tắt là người phải thi hành án không có tài sản);

- Không xác định được nơi cư trú của người phải thi hành án; người phải thi hành án là doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động nhưng không xác định được địa chỉ của doanh nghiệp mà không có người kế thừa hoặc không xác định được người kế thừa thực hiện nghĩa vụ (sau đây gọi tắt là không xác định được nơi cư trú của người phải thi hành án);

- Người phải thi hành án là người nước ngoài đã xuất cảnh, cơ quan Thi hành án đã tiến hành thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, kể cả ủy thác tư pháp nhưng vẫn không có kết quả (sau đây gọi tắt là người phải thi hành án là người nước ngoài đã xuất cảnh).

Để xử lý đối với những khoản thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được nêu trên, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật như: Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Luật thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực từ ngày 01/7/2009, Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày ngày 14/11/2008 về việc thi hành Luật Thi hành án dân sự và nhiều văn bản pháp luật có liên quan đến thi hành án dân sự khác quy định cơ chế giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các chỉ thị chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác thi hành án dân sự (Chỉ thị số 20/2001/CT-TTg ngày 11/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự), trong đó có những giải pháp mang tính đột phá góp phần giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng như giao cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thu khoản phải thi hành cho ngân sách nhà nước không quá 500.000 đồng, thí điểm chuyển trai giam thu các khoản phải thi hành đối với người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù….

Những văn bản này đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý việc thi hành án dân sự tồn đọng. Trên cơ sở đó, nhiều bản án, quyết định có hiệu lực của Toà án án (quyết định dân sự trong bản án hình sự; bản án dân sự, hành chính, lao động, kinh tế...), đặc biệt là một số bản án, quyết định tồn đọng lâu năm do vướng mắc về cơ chế xử lý, đã được các cơ quan thi hành án dân sự giải quyết xong; nhiều việc tồn đọng lâu năm thuộc diện thu cho ngân sách nhà nước nhưng người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án đã được giảm, miễn thi hành, góp phần làm giảm một số lượng lớn việc thi hành án dân sự tồn đọng.

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động thi hành án dân sự cho thấy các quy định hiện hành về miễn, giảm thi hành án và đình chỉ thi hành án chưa giải quyết được các vướng mắc trong thực tiễn dẫn tới tình trạng có một số lượng lớn việc thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước vẫn không thể thi hành được.

Theo thống kê, tính đến ngày 01/7/2009, số việc không thể thi hành thuộc diện thu cho ngân sách nhà nước vì lý do khách quan và chủ quan khoảng 47.834 việc với xấp xỉ 693.059.098 nghìn đồng. Đây là số việc cơ quan thi hành án đã tổ chức thi hành trong nhiều năm chưa có kết quả, thậm chí có nhiều việc kéo dài từ năm 1988 đến nay (số việc dưới 5 năm là 30.496 việc với số tiền còn phải thi hành là 363.159.488 nghìn đồng, số việc từ 5 đến 10 năm là 12.835 việc với số tiền còn phải thi hành là 187.339.014 nghìn đồng, số việc trên 10 năm là 4.503 việc, với số tiền còn phải thi hành là 142.560.596 nghìn đồng).

Đối với số việc này, mặc dù không thể thi hành được, nhưng theo quy định của pháp luật về thi hành án hiện hành, cơ quan Thi hành án dân sự vẫn phải tổ chức xác minh, theo dõi gây lãng phí lớn về thời gian và kinh phí. Theo tính toán sơ bộ của các địa phương, chi phí cho việc theo dõi, xác minh đối với số này bình quân mỗi năm Nhà nước phải chi ra gần 60 tỷ đồng và khoảng gần 400.000 ngày đi xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (47.834 việc x 1 ngày/việc x 2 lần x 4 người).

Ngoài ra, qua khảo sát thực tiễn tại một số địa phương còn cho thấy trong những ngày cán bộ tư pháp, Công an xã đi xác minh tại địa chỉ của người phải thi hành án cùng Chấp hành viên, thì sẽ vắng mặt tại trụ sở, không giải quyết được công việc của dân, gây lãng phí về thời gian đi lại của họ mà không giải quyết được công việc nên gây bức xúc cho người dân.

Do đó, đòi hỏi phải có biện pháp để giải quyết dứt điểm số việc thi hành đối với khoản thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được nhằm giảm chi phí không cần thiết cho việc xác minh, theo dõi điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, trong khi những việc này không thể thi hành được, tạo điều kiện cho cơ quan Thi hành án dân sự tập trung nhân lực, vật lực để thi hành những việc phát sinh mới không ngừng tăng lên hàng năm. Đồng thời, giảm bớt sự bức xúc của dư luận đồi với công tác thi hành án dân sự.

Để giải quyết tình trạng này, qua phân tích thực trạng và quá trình xử lý việc thi hành đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được cho thấy nguyên nhân dẫn đến việc thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được chủ xuất phát từ các yếu tố khách quan. Đồng thời các cơ quan chức năng cũng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết để giải quyết nhưng do vướng mắc về mặt cơ chế, nên không có kết quả. Do đó, để giải quyết tình trạng này, đòi hỏi phải có một cơ chế mạnh để xử lý – cơ chế miễn thi hành đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được. Cơ chế này vượt khỏi phạm vi điều chỉnh của pháp luật về thi hành án dân sự hiện hành, nên Quốc hội cần ban hành Nghị quyết về việc miễn thi hành đối với những khoản thu cho ngân sách nhà nước không thể thi hành được.

Hoàng Thế Anh
P.Giám đốc TrTDLTT&TKTHADS
Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp