Ủy thác tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án dân sự và vấn đề còn bỏ ngỏ

18/03/2014
Uỷ thác tư pháp về dân sự là yêu cầu bằng văn bản của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về việc thực hiện một hoặc một số hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật nước có liên quan hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ủy thác tư pháp chính là một hình thức để thực hiện tương trợ tư pháp được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.


Theo quy định tại Điều 13 của Luật Tương trợ tư pháp thì Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong các trường hợp sau đây:

- Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho người đang ở nước được yêu cầu;

- Triệu tập người làm chứng, người giám định đang ở nước được yêu cầu;

- Thu thập, cung cấp chứng cứ ở nước được yêu cầu để giải quyết vụ việc dân sự tại Việt Nam;

- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cơ sở pháp lý để áp dụng ủy thác tư pháp về dân sự trong thi hành án dân sự ngoài các quy định của Luật tương trợ Tư pháp, Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/9/2011 của liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân tối cao thì việc thực hiện tương trợ tư pháp trong thi hành án dân sự mới chỉ được quy định tại Điều 181 Luật thi hành án dân sự và Điều 34a Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự.

Trong đó, Điều 181 Luật thi hành án dân sự có quy định dẫn chiếu đến các quy định của Luật tương trợ tư pháp và pháp luật về tương trợ tư pháp. Điều 34a của Nghị định 125 xây dựng trên cơ sở Luật tương trợ tư pháp, Thông tư liên tịch số 15 quy định cụ thể về ủy thác tư pháp về dân sự của Tòa án nhân dân. Tuy nhiên, Điều 34a Nghị định 125 chưa dự liệu hết các tình huống phát sinh trong quá trình ủy thác tư pháp về dân sự trong thi hành án dân sự. Việc quy định chưa đầy đủ và còn nhiều bỏ ngỏ trong vấn đề này dẫn đến khó khăn, lúng túng cho chấp hành viên và cơ quan Thi hành án dân sự địa phương khi áp dụng.

Khoản 1 Điều 34a Nghị định 125 quy định:“ Cơ quan Thi hành án dân sự trong quá trình thi hành bản án, quyết định có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp.

Trình tự, thủ tục, hồ sơ và chi phí yêu cầu cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp và hồ sơ ủy thác tư pháp thực hiện theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

 Sau khi nhận được đủ kết quả ủy thác tư pháp theo đúng nội dung yêu cầu, cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện việc thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Trường hợp kết quả ủy thác chưa đúng, chưa đủ theo nội dung đã yêu cầu hoặc sau ba tháng kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ nhất mà không nhận được thông báo về kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì cơ quan Thi hành án dân sự tiếp tục ủy thác tư pháp.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có thông báo về việc thực hiện ủy thác tư pháp không có kết quả hoặc sau sáu tháng kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ hai cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao mà không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì cơ quan Thi hành án dân sự căn cứ vào những tài liệu đã có để giải quyết việc thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Đối với việc thi hành án về giao giấy tờ, tài liệu liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có thông báo về việc thực hiện ủy thác tư pháp không có kết quả hoặc hết thời hạn một năm kể ngày từ Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ (lần thứ hai) cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao mà đương sự không đến nhận thì cơ quan Thi hành án dân sự làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó”.

Như vậy, theo quy định trên mới dự liệu được trường hợp cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có thông báo về việc thực hiện ủy thác tư pháp không có kết quả hoặc sau sáu tháng kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ hai cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao mà không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì giải quyết việc thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Trước đây, rất nhiều khó khăn cho các cơ quan Thi hành án dân sự nói riêng và cơ quan có thẩm quyền ủy thác của Việt Nam nói chung trong việc ủy thác mà không có kết quả, đó là việc ủy thác tư pháp về dân sự trước hết dựa trên các cơ sở điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp về dân sự. Trường hợp không có điều ước quốc tế thì sẽ dựa vào nguyên tắc có đi có lại. Thực tế hiện nay, việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại với một số nước cũng chưa phát huy nhiều tác dụng do trên thực tế nước đó chưa có ủy thác tư pháp về dân sự cho Việt Nam. Vì thế, việc thực hiện ủy thác tư pháp có kết quả hay không hoàn toàn phụ thuộc vào sự hợp tác của nước tiếp nhận yêu cầu ủy thác tư pháp của Việt Nam. Ngoài ra, việc không có kết quả ủy thác tư pháp còn có thể do hồ sơ yêu cầu nước ngoài thực hiện ủy thác tư pháp không đúng theo quy định của pháp luật của nước nhận yêu cầu, kể cả việc đóng lệ phí, nên các hồ sơ này dù đã được gửi đến đúng cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài nhưng cũng không được thực hiện; tên địa chỉ của người được thông báo không chính xác hoặc người đó đã chuyển chỗ ở mà không xác định được.

Dù vậy, với việc ban hành Thông tư liên tịch số 15 ngày 15/9/2011 hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của vấn đề này. Với những hướng dẫn cụ thể, cơ quan tòa án và các cơ quan Thi hành pháp luật của Việt Nam đã phần nào hạn chế được tình trạng án tồn, án chậm xử lý do không nhận hoặc chậm nhận được kết quả ủy thác.

Thông tư liên tịch trên cũng quy định về việc giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài đã tiến hành ủy thác tư pháp hợp lệ nhưng không có kết quả. Theo đó, sau sáu tháng kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ hai cho cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao mà không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp thì Tòa án yêu cầu ủy thác tư pháp sẽ căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã thu thập được để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật mà không phải tiếp tục yêu cầu ủy thác tư pháp. Cho nên để việc ủy thác nhận được kết quả, về lâu dài, Việt Nam cần đẩy mạnh việc ký hiệp định tương trợ với nhiều nước hơn nữa, nhất là những nước có đông công dân Việt Nam sinh sống.

Tuy nhiên, trong trường hợp cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài có thông báo về việc đã thực hiện ủy thác tư pháp, đã tống đạt văn bản cho đương sự nhưng đương sự không có ý kiến bằng văn bản, nhất là trong trường hợp định giá, bán đấu giá tài sản thì cơ quan Thi hành án khi xử lý tài sản theo Luật thi hành án dân sự có phải thông báo cho đương sự theo thủ tục ủy thác tư pháp không?

Vấn đề này đã phát sinh trong thực tế và cơ quan Thi hành án dân sự thực sự lúng túng trong quá trình thực hiện. Ví dụ như tại Bản án hình sự sơ thẩm số 22/2013/HSST ngày 14/8/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Q quyết định:

- Buộc Công ty TNHH MTV vận tải hành khách trong và ngoài nước ANL, địa chỉ LK, huyện XXT, thành phố Viên Chăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào phải nộp 7.770.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm; tiếp tục bồi thường 155.400.000 đồng cho ông NT và khoản lãi suất chậm thi hành án theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định trên số tiền và thời gian chậm thi hành án.

- Trả lại 01 xe ô tô nhãn hiệu YUTOM cho Công ty TNHH MTV vận tải hành khách trong và ngoài nước ANL; tiếp tục tạm giữ  xe ô tô biển kiểm soát U2-0199 để đảm bảo thi hành án.

Căn cứ Bản án có hiệu lực pháp luật, đơn yêu cầu thi hành án của ông NT, Cục thi hành án dân sự tỉnh Q đã ra Quyết định thi hành án chủ động số 23/QĐ-CTHA và Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu số 27/QĐ-CTHA cho thi hành đối với các khoản nêu trên.

 Như vậy, trong vụ việc trên, do bên phải thi hành án ở nước ngoài nên Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Q phải lập hồ sơ ủy thác tư pháp theo quy định tại Điều 11 Luật Tương trợ tư pháp; Điều 10, Điều 23 Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp. Sau khi lập hồ sơ ủy thác tư pháp, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Q gửi hồ sơ yêu cầu thực hiện tương trợ tư pháp về Bộ Tư pháp, thông qua Vụ Pháp luật Quốc tế để thực hiện ủy thác tư pháp theo quy định tại Điều 14 Luật Tương trợ tư pháp và điểm b Khoản 3 Điều 34a Nghị định 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013. Quá trình gửi hồ sơ ủy thác tư pháp sẽ phát sinh các tình huống sau:

- Nếu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có thông báo về việc thực hiện ủy thác tư pháp không có kết quả thì cơ quan Thi hành án dân sự căn cứ vào những tài liệu đã có để giải quyết việc thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

- Nếu việc ủy thác lần đầu không nhận được kết quả thì cơ quan Thi hành án tiếp tục lập hồ sơ ủy thác và sau sáu tháng kể từ ngày Bộ Tư pháp gửi hồ sơ ủy thác tư pháp hợp lệ lần thứ hai cho cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc Bộ Ngoại giao mà không nhận được thông báo kết quả thực hiện ủy thác tư pháp.

Khó khăn vướng mắc ở đây chính là trường hợp ủy thác lần đầu sau thời gian bao nhiêu lâu không nhận được kết quả thì sẽ tiếp tục ủy thác lần thứ hai? Về vấn đề này, hiện nay pháp luật chưa có quy định.

Trong trường hợp ủy thác lần thứ hai mà mà tiếp tục không nhận được hồi âm thì theo quy định, cơ quan Thi hành án dân sự căn cứ vào những tài liệu đã có để giải quyết việc thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Tuy nhiên, trong bài viết này tác giả muốn nói đến khó khăn trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài có thông báo về việc đã thực hiện ủy thác tư pháp, đã thông báo được cho người phải thi hành án nhưng người phải thi hành án không có ý kiến bằng văn bản về việc xử lý chiếc xe theo bản án được trả lại cho đương sự nhưng được tạm giữ đảm bảo thi hành án như trên thì trường hợp này có được coi là trường hợp thực hiện ủy thác không có kết quả không ? Nếu coi như trường hợp ủy thác không có kết quả thì quá trình thực hiện theo Luật Thi hành án dân sự về trình tự thủ tục định giá, bán đấu giá có phải tiếp tục thông báo cho đương sự về việc thỏa thuận giá, thỏa thuận tổ chức thẩm định giá… trong quá trình xử lý chiếc xe không ? Về vấn đề này, pháp luật về ủy thác tư pháp dân sự trong thi hành án dân sự cũng chưa có quy định.

- Trường hợp tài sản là chiếc xe trên sau khi bán đấu giá nhưng số tiền không đủ để đảm bảo thi hành các khoản án phí, tiền bồi thường thì pháp luật cũng chưa quy định việc xác minh hoặc ủy thác xác minh, tiếp tục giải quyết việc thi hành án tại nước ngoài.

Do đó, trong tiến trình sửa đổi Luật Thi hành án dân sự và tiếp đó là các Nghị định hướng dẫn thi hành, để tạo điều kiện thuận lợi cũng như tạo ra hành lang pháp lý cho các cơ quan Thi hành án dân sự áp dụng trong quá trình thực hiện ủy thác tư pháp, đề nghị cần sửa đổi, bổ sung, quy định cụ thể các trường hợp trong ủy thác tương trợ tư pháp. Cụ thể :

- Cần có quy định rõ việc ủy thác tư pháp lần đầu không nhận được kết quả thì sau thời gian 30 hoặc 45 ngày sẽ tiếp tục ủy thác lần thứ hai, từ đó sẽ có căn cứ để tiếp tục được thực hiện việc ủy thác lần thứ hai.

- Cần quy định rõ hậu quả pháp lý của việc đã có thông báo cho đương sự nhưng đương sự không có ý kiến gì thì trường hợp này coi như việc thông báo cũng không đạt kết quả và cơ quan Thi hành án thực hiện theo Luật Thi hành án dân sự mà không phải thông báo cho đương sự theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Thi hành án dân sự.

- Bổ sung điều kiện trả đơn theo Điều 51 Luật Thi hành án dân sự  trong trường hợp người phải thi hành án là người nước ngoài không còn tài sản gì tại Việt Nam thì được trả đơn yêu cầu thi hành án.

Ngoài ra, quá trình nghiên cứu để sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành, đề nghị Ban soạn thảo, Tổ biên tập cần tiếp tục nghiên cứu, dự liệu các tình huống phát sinh để kịp thời điều chỉnh, phù hợp với thực tế tổ chức thi hành án trong việc ủy thác tư pháp đối với việc thi hành án có yếu tố nước ngoài.

Nguyễn Thị Nhàn

Vụ Nghiệp vụ 2 - Tổng cục THADS