Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính và khiếu nại về thi hành án dân sự

04/09/2014
Khiếu nại là một quyền hiến định, được quy định tại Điều 74 của Hiến pháp năm 1992, đến Hiến pháp năm 2013 quyền này tiếp tục được ghi nhận tại Điều 30 “Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.


Quyền khiếu nại được quy định chi tiết tại Luật Khiếu nại năm 2011, Điều 1 quy định phạm vi điều chỉnh của Luật: Luật này quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước; khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức; tiếp công dân; quản lý và giám sát công tác giải quyết khiếu nại. Luật cũng quy định: Trường hợp Luật khác có quy định khác về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì áp dụng theo quy định của Luật đó (khoản 5 Điều 3).

Trong phạm vi bài viết này tác giả chỉ đề cập đến sự khác biệt giữa khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính và khiếu nại về thi hành án dân sự.

Khiếu nại về thi hành án dân sự có sự khác biệt với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính là do công tác thi hành án dân sự là một trong những công tác đặc thù, nhạy cảm vì liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Các quyền và lợi ích hợp pháp này đã được ghi nhận trong các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, việc hiện thực hóa các quyền này được thực hiện thông qua cơ quan Thi hành án dân sự. Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định: Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự có quyền hạn ra quyết định về thi hành án theo thẩm quyền (Điều 23); Chấp hành viên có nhiệm vụ kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền trong việc thi hành các bản án, quyết định của tòa án (Điều 20). Do đó, các quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án, chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án theo quy định pháp luật sẽ động chạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nên dẫn đến nhiều khiếu nại. Mặt khác, quá trình tổ chức thi hành một bản án, quyết định cho thấy có rất nhiều loại quyết định được ban hành, nhiều hành vi được thực hiện; quyết định hành vi được thực hiện trước là tiền đề cho quyết định hành vi sau, nên cần có cơ chế giải quyết nhanh gọn với sự phân biệt thời hạn và quy trình giải quyết để kịp thời khẳng định hiệu lực của quyết định, hành vi trước đã bị khiếu nại. Do đó, khác với quy định của pháp luật về khiếu nại, tại Điều 146 Luật Thi hành án dân sự 2008 đã phân nhóm quyết định hành vi của Thủ trưởng, chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự thành 04 nhóm khác nhau theo từng giai đoạn thi hành án dân sự, cụ thể: Nhóm quyết định, hành vi trước khi áp dụng các biện pháp bảo đảm, cưỡng chế; nhóm quyết định, hành vi về áp dụng biện pháp bảo đảm; nhóm quyết định, hành vi về việc cưỡng chế thi hành án và nhóm quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. Tương ứng với nhóm đối tượng bị khiếu nại, thì thời hiệu thực hiện quyền khiếu nại là 03 ngày đến 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được các hành vi vi phạm, để người khiếu nại phải kịp thời phát hiện đối tượng bị khiếu nại; giúp cho việc khắc phục các sai phạm được kịp thời, giảm thiểu những hậu quả phát sinh từ những hành vi, quyết định vi phạm.  

Thời gian qua, theo dõi, tổng hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự cho thấy: Từ năm 2009 đến nay, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tiếp nhận và giải quyết số lượng lớn đơn, thư khiếu nại, tố cáo kiến nghị, phản ánh của đương sự: Năm 2009 là 3.906 đơn; năm 2010 là 3.590 đơn; Năm 2011 là 3.202 đơn; năm 2012 đã tiếp nhận, xử lý tổng số 3.932 đơn và 10 tháng đầu năm 2014 (từ tháng 10/2013 đến tháng 7/2014), Tổng cục Thi hành án dân sự đã tiếp nhận, xử lý 3.036 đơn. Về đối tượng bị khiếu nại tập trung chủ yếu ở 02 nhóm, cụ thể:

Một là, nhóm quyết định, hành vi về việc cưỡng chế thi hành án, ví dụ: Đương sự khiếu nại quyết định kê biên tài sản của chấp hành viên, khiếu nại việc chấp hành viên cưỡng chế kê biên tài sản của người phải thi hành án;

 Hai là, nhóm quyết định, hành vi sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, ví dụ: Đương sự khiếu nại chấp hành viên không thực hiện đúng quy định về trình tự thủ tục bán tài sản đã kê biên (Điều 101 Luật Thi hành án dân sự).

Từ thực tiễn giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự, nghiên cứu các quy định của Luật Khiếu nại cho thấy khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính và khiếu nại về thi hành án dân sự khác nhau cơ bản ở các điểm sau:

1. Về đối tượng bị khiếu nại

Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính: Đối tượng bị khiếu nại là quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức. Công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật này quy định, đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Điều 2 của Luật Khiếu nại năm 2011).

Đối tượng bị khiếu nại trong lĩnh vực thi hành án dân sự là quyết định, hành vi của Thủ trưởng và chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự. Đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, chấp hành viên nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình (Khoản 1 Điều 140 Luật Thi hành án dân sự).

2. Trình tự khiếu nại

Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính: Theo quy định của Luật Khiếu nại thì khiếu nại lần đầu, người khiếu nại có quyền khiếu nại trực tiếp đến người có quyết định thi hành, hành vi hành chính hoặc có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án mà không nhất thiết phải khiếu nại với người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại. Việc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án vẫn có thể thực hiện ở bất kì giai đoạn nào trong quá trình giải quyết khiếu nại (Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011).

Đối với khiếu nại về thi hành án dân sự thì khiếu nại lần đầu, người khiếu nại có quyền khiếu nại trực tiếp đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng, chấp hành viên cơ quan Thi hành án, cụ thể: Điều 142 Luật Thi hành án dân sự quy định:

1. Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện.

2. Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh giải quyết đối với các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh;

b) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện;

c) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

3. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giải quyết đối với các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh;

b) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh.Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.

4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành;

b) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

5. Thủ trưởng cơ quan Thi hành án cấp quân khu giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của chấp hành viên cơ quan Thi hành án cấp quân khu.

6. Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng giải quyết các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án cấp quân khu;

b) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án cấp quân khu. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành.

7. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành;

b) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng được quy định tại điểm b khoản 6 Điều này.

3. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại và của luật sư, trợ giúp viên pháp lý (từ Điều 12 đến Điều 16 Luật Khiếu nại năm 2011)

Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính: Luật Khiếu nại quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại và luật sư bảo đảm sự phù hợp với trình tự, thủ tục khiếu nại và giải quyết khiếu nại, cụ thể là:

- Đối với người khiếu nại, Luật Khiếu nại đã quy định người khiếu nại có quyền được ủy quyền cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Người khiếu nại cũng được biết, đọc, sao chụp, sao chép và xem các tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại; được yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại, cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình để giao nộp cho người giải quyết khiếu nại.

- Đối với người bị khiếu nại, có quyền được biết, đọc, sao chụp, sao chép và xem các tài liệu, chứng cứ do người giải quyết khiếu nại thu thập để giải quyết khiếu nại; yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đang lưu giữ, quản lý thông tin, tài liệu liên quan tới nội dung khiếu nại, cung cấp thông tin, tài liệu đó cho mình để giao cho người giải quyết khiếu nại; đồng thời phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực của pháp luật; bồi thường hoặc bồi hoàn thiệt hại, khắc phục hậu quả do quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật của mình gây ra.

- Đối với luật sư, trợ giúp viên pháp lý có quyền tham gia vào quá trình giải quyết khiếu nại; thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại khi được ủy quyền; xác minh, thu thập chứng cứ có liên quan đến nội dung khiếu nại và cung cấp chứng cứ cho người giải quyết khiếu nại; được nghiên cứu hồ sơ vụ việc, ghi chép, sao chụp những tài liệu cần thiết có trong hồ sơ vụ việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khiếu nại.

Đối với khiếu nại trong lĩnh vực thi hành án dân sự: Điều 143 Luật Thi hành án dân sự quy định người khiếu nại có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Người khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Tự mình khiếu nại hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khiếu nại;

b) Nhờ luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình khiếu nại;

c) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

d) Được biết các bằng chứng để làm căn cứ giải quyết khiếu nại; đưa ra bằng chứng về việc khiếu nại và giải trình ý kiến của mình về bằng chứng đó;

đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm và được bồi thường thiệt hại, nếu có;

e) Được khiếu nại tiếp nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại;

g) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại.

2. Người khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;

b) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

c) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực thi hành và quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tại điểm b khoản 4 và điểm b khoản 7 Điều 142 của Luật này.

Điều 144 quy định quyền và nghĩa vụ của người bị khiếu nại như sau:

1. Người bị khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Được biết các căn cứ khiếu nại của người khiếu nại; đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của quyết định, hành vi bị khiếu nại;

b) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại.

2. Người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Giải trình về quyết định, hành vi bị khiếu nại, cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan khi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại yêu cầu;

b) Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành và quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tại điểm b khoản 4 và điểm b khoản 7 Điều 142 của Luật này;

c) Bồi thường, bồi hoàn, khắc phục hậu quả do quyết định, hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

4. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại

Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính: Luật Khiếu nại năm 2011 quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc về người có quyết định hành chính, hành vi hành chính, khiếu nại lần hai do Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết lần đầu giải quyết, từ Điều 17 đến Điều 26. Đáng chú ý, là Luật xác định rõ trách nhiệm giải quyết tranh chấp giải quyết khiếu nại của Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại hành chính.

Khiếu nại về thi hành án dân sự Điều 142 Luật Thi hành án dân sự quy định thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thi hành án như sau:

1. Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện.

2. Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh giải quyết đối với các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của chấp hành viên thuộc quyền quản lý của cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh;

b) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện;

c) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.

3. Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp giải quyết đối với các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh;

b) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cấp tỉnh. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành.

4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải quyết các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành;

b) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực thi hành quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

5. Thủ trưởng cơ quan Thi hành án cấp quân khu giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của chấp hành viên cơ quan Thi hành án cấp quân khu.

6. Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng giải quyết các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án cấp quân khu;

b) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án cấp quân khu. Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành.

7. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải quyết các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại đối với quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành;

b) Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan quản lý Thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng được quy định tại điểm b khoản 6 Điều này.

5. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại

5.1 Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính:

Luật Khiếu nại năm 2011 quy định về thụ lý giải quyết khiếu nại, thời hạn, thời hiệu khiếu nại và giải quyết khiếu nại; thẩm tra, xác minh; thu thập tài liệu liên quan... đến việc ra quyết định giải quyết khiếu nại như sau:

Về thụ lý giải quyết khiếu nại: Điều 27 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định:

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại thuộc thẩm quyền mà không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 11 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý giải quyết; thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến và cơ quan thanh tra Nhà nước cùng cấp biết, trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.

Về thời hạn: Điều 28 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định:

Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Về trình tự giải quyết khiếu nại lần đầu: Điều 30 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định:          

Việc xác minh nội dung khiếu nại: 1. Trong thời hạn quy định tại Điều 28 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu có trách nhiệm sau đây:

a) Kiểm tra lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của người có trách nhiệm do mình quản lý trực tiếp, nếu khiếu nại đúng thì ra quyết định giải quyết khiếu nại ngay;

b) Trường hợp chưa có cơ sở kết luận nội dung khiếu nại thì tự mình tiến hành xác minh, kết luận nội dung khiếu nại hoặc giao cơ quan thanh tra nhà nước cùng cấp hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm (sau đây gọi chung là người có trách nhiệm xác minh) xác minh nội dung khiếu nại, kiến nghị giải quyết khiếu nại.

2. Việc xác minh phải bảo đảm khách quan, chính xác, kịp thời ... (Điều 29)

Việc tổ chức đối thoại: 1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại; việc đối thoại phải tiến hành công khai, dân chủ. (Điều 30)

Khiếu nại lần hai hoặc khởi kiện vụ án hành chính: Điều 33 Luật Khiếu nại năm 2011 quy định:

1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.

Trường hợp khiếu nại lần hai thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, các tài liệu có liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

2. Hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 28 của Luật này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. (Điều 33).

5.2 Khiếu nại về thi hành án dân sự: Điều 148 Luật Thi hành án dân sự quy định:

Về thụ lý đơn khiếu nại: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết và không thuộc trường hợp quy định tại Điều 141 của Luật này, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu phải thụ lý để giải quyết và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại biết. Trường hợp người có thẩm quyền không thụ lý đơn khiếu nại để giải quyết thì phải thông báo và nêu rõ lý do.

Về thời hạn giải quyết khiếu nại: Điều 146 Luật Thi hành án dân sự quy định:

1. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

2. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại là 05 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

3. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 30 ngày, lần hai là 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

Trường hợp cần thiết, đối với những vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.

4. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm d khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu là 15 ngày, lần hai là 30 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

Về trình tự giải quyết khiếu nại lần đầu: Điều 150 Luật Thi hành án dân sự quy định:         

Sau khi thụ lý đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiến hành xác minh, yêu cầu người bị khiếu nại giải trình, trong trường hợp cần thiết, có thể trưng cầu giám định hoặc tổ chức đối thoại để làm rõ nội dung khiếu nại, yêu cầu của người khiếu nại và hướng giải quyết khiếu nại.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại đối với khiếu nại thuộc thẩm quyền.  

Về thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai: Điều 150 Luật Thi hành án dân sự quy định:

1. Trường hợp tiếp tục khiếu nại thì người khiếu nại phải gửi đơn kèm theo bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu và tài liệu liên quan cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai.

2. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có các quyền được quy định tại Điều 145 của Luật này và có quyền yêu cầu người giải quyết khiếu nại lần đầu, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và những bằng chứng liên quan đến nội dung khiếu nại; triệu tập người bị khiếu nại, người khiếu nại để tổ chức đối thoại khi cần thiết; xác minh; trưng cầu giám định, tiến hành các biện pháp khác theo quy định của pháp luật để giải quyết khiếu nại. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi nhận được yêu cầu phải thực hiện đúng các yêu cầu đó.

Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai phải ra quyết định giải quyết khiếu nại.  

Từ thực tiễn công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay đang đứng trước tình trạng số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự rất lớn: chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2014 (từ tháng 10/2013 đến tháng 7/2014), toàn Ngành đã tiếp nhận 8.150 đơn thư khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự[1], tăng 872 đơn (12%) so với cùng kỳ năm 2013 (7.294 đơn khiếu nại và 856 đơn tố cáo), tương ứng với 5.867 việc. Kết quả, đã giải quyết xong 2.716/3.014 việc thuộc thẩm quyền (2.546 việc khiếu nại và 170 việc tố cáo), đạt tỷ lệ 90,11%; số việc đang tiếp tục giải quyết là 298 việc (tăng 50 việc so với cùng kỳ năm 2013). Qua theo dõi cho thấy, các vụ việc khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự tập trung chủ yếu tại Tp.Hồ Chí Minh (567 đơn khiếu nại, 01 đơn tố cáo), Hà Nội (414 đơn khiếu nại, 53 đơn tố cáo) và một số địa phương có lượng án lớn như: Đồng Nai (264 đơn khiếu nại, 17 đơn tố cáo), Tiền Giang (310 đơn khiếu nại), Bình Dương (244 đơn khiếu nại, 14 đơn tố cáo)..v..v.. Tại Tổng cục Thi hành án dân sự đã tiếp nhận, xử lý 3160 đơn, thư tương đương với 1.284 vụ việc (trong đó khiếu nại có 2591 đơn/1099 việc; tố cáo có 569 đơn/185 việc), trong đó có 108 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tổng cục. Kết quả Tổng cục đã giải quyết xong (ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận giải quyết tố cáo) 88/108 vụ việc đạt 81,48%; đã rà soát, phân loại, kiểm tra và chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, phức tạp, tồn đọng, kéo dài về thi hành án dân sự và kết quả tổng hợp tính đến tháng 7/2014 toàn ngành thi hành án dân sự còn tồn đọng 41 vụ việc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến số lượng đơn thư khiếu nại nhiều như trên là do bất kỳ quyết định, hành vi nào của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cũng đều là đối tượng của quyền khiếu nại của cả người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan, Luật Thi hành án dân sự đã được cân nhắc cho phép thiết kế cơ chế giải quyết khiếu nại được quy định riêng tại Luật và có tính đặc thù so với quy trình giải quyết khiếu nại quy định tại Luật Khiếu nại 2011 nêu trên. Quá trình thực hiện thời hạn giải quyết khiếu nại như Luật Thi hành án dân sự 2008 quy định, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại mặc dù đã nỗ lực nhưng không đáp ứng được thời hạn do thời hạn quá ngắn, trong khi việc thi hành án dân sự rất phức tạp, đòi hỏi thời gian để địa phương báo cáo, sao gửi hồ sơ, thời gian để nghiên cứu hồ sơ thi hành án, hồ sơ giải quyết khiếu nại (trong trường hợp giải quyết lần hai), nghiên cứu pháp luật thi hành án dân sự và pháp luật chuyên ngành khác để giải quyết khiếu nại về mặt nội dung; nhiều trường hợp phải tổ chức xác minh, đối thoại, trao đổi, làm việc với các cơ quan, ban hành hữu quan để thống nhất quan điểm giải quyết vụ việc. Để đáp ứng được thời hạn khắc phục những bất cập, không khả thi về mặt thời hạn tại Điều 1 mục 30 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự được Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014) và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2014) đã sửa đổi, bổ sung Điều 146 như sau:

“Điều 146. Thời hạn giải quyết khiếu nại

1. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm a và điểm d khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

2. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 15 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

3. Đối với quyết định, hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 140 của Luật này thì thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 45 ngày, lần hai không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn khiếu nại.

4. Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa, đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, vụ việc có tính chất phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại.”

Như vậy, có thể nói khiếu nại về thi hành án dân sự là quyền, là hành vi của các chủ thể như đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án; còn hoạt động giải quyết khiếu nại là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước, chỉ được thực hiện bởi người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại theo trình tự, thủ tục do Luật Thi hành án dân sự quy định. Khi công dân thực hiện quyền khiếu nại có nghĩa vụ cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền các tài liệu, chứng cứ về sự vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân từ phía cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan Thi hành án dân sự. Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại một mặt sử dụng những tài liệu, chứng cứ tiếp nhận từ người khiếu nại; mặt khác thu thập, xác minh thêm thông tin, tài liệu từ những nguồn khác đối chiếu với quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan để ban hành quyết định giải quyết khiếu nại một cách chính xác. 

Từ những phân tích trên tác giả nhận thấy điểm khác nhau cơ bản giữa khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính và khiếu nại về thi hành án dân sự là thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại và vai trò của Viện Kiểm sát trong việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật, cụ thể:

Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính: theo quy định của Luật Khiếu nại thì khiếu nại lần đầu, người khiếu nại có quyền khiếu nại trực tiếp đến người có quyết định thi hành, hành vi hành chính hoặc có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án mà không nhất thiết phải khiếu nại với người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại. Việc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án có thể thực hiện ở bất kì giai đoạn nào trong quá trình giải quyết khiếu nại (Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011).

Ví dụ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội ban hành Quyết định thu hồi 100m2 đất ở đối với ông Nguyễn Văn A để giải phóng mặt bằng, mở rộng đường giao thông tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm. Không nhất trí, ông A gửi đơn khiếu nại Quyết định thu hồi đất nêu trên đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm.

Đối tượng bị khiếu nại trong trường hợp này là quyết định thu hồi đất của Chủ tịch Ủy ban nhân quận Bắc Từ Liêm. Ông Nguyễn Văn A có quyền khiếu nại trực tiếp đến Chủ tịch Ủy ban nhân quận Bắc Từ Liêm đề nghị xem xét lại quyết định thu hồi đất trên khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án và việc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án vẫn có thể thực hiện ở bất kì giai đoạn nào trong quá trình giải quyết khiếu nại.

Khiếu nại về thi hành án dân sự: người khiếu nại lần đầu có quyền khiếu nại trực tiếp đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng, chấp hành viên cơ quan Thi hành án dân sự. Không nhất trí với quyết định giải quyết lần đầu, người khiếu nại có quyền khiếu nại lên cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu, quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 có hiệu lực thi hành. Đặc biệt, Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án có hiệu lực thi hành (Điều 25 Nghị định 58 ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự). Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật theo quy định tại điểm b khoản 4 và điểm b khoản 7 Điều 142 của Luật Thi hành án dân sự trong các trường hợp sau đây: Quyết định, hành vi bị khiếu nại là trái pháp luật nhưng quyết định giải quyết khiếu nại cho rằng quyết định, hành vi đó là đúng pháp luật; việc giải quyết khiếu nại đã vi phạm quy định của pháp luật về thủ tục giải quyết khiếu nại về thi hành án; có tình tiết mới làm thay đổi cơ bản kết quả giải quyết khiếu nại.

Điểm khác biệt nữa là Luật Khiếu nại năm 2011 không quy định Viện Kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, còn khiếu nại về thi hành án dân sự thì Điều 159 Luật Thi hành án dân sự quy định: Viện Kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Viện Kiểm sát có quyền yêu cầu, kiến nghị đối với cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để bảo đảm việc giải quyết khiếu nại có căn cứ, đúng pháp luật.

Ví dụ: Bà Nguyễn Thị H phải thi hành án trả nợ cho Ngân Hàng MB 1.000.000.000đ. Bà H có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành án nên Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y, tỉnh V ra Quyết định cưỡng chế số 25/THA ngày 10/12/2003 kê biên toàn bộ tài sản nhà, đất của bà H để đảm bảo thi hành án. Không nhất trí, bà H gửi đơn khiếu nại Quyết định cưỡng chế số 25/THA nêu trên đến Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y. 

Đối tượng bị khiếu nại trong trường hợp này là Quyết định cưỡng chế số 25/THA ngày 10/12/2003 của Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y, tỉnh V. Bà Nguyễn Thị H có quyền khiếu nại đến Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y nếu có căn cứ cho rằng quyết định này là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Y ban hành quyết định giải quyết lần đầu, nếu không đồng ý bà H có quyền khiếu nại đến Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh V. Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh V có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quyền xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật theo quy định tại điểm b khoản 4 và điểm b khoản 7 Điều 142 của Luật Thi hành án dân sự.

Trên đây là những điểm khác biệt giữa khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính và khiếu nại về thi hành án dân sự tác giả đưa ra để các đồng chí, đồng nghiệp quan tâm, theo dõi và cùng trao đổi, để tránh nhầm lẫn khi áp dụng pháp luật.

Nguyễn Thị Thu Hằng

Vụ GQKNTC, Tổng cục THADS