Nghiên cứu điều luật này chúng tôi thấy, việc ban hành điều luật này là cần thiết, tạo thêm mối quan hệ giữa cơ quan xét xử với cơ quan Thi hành án dân sự. Cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc do bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, thiếu chính xác, cụ thể, không phù hợp với thực tế. Điều luật này cụ thể hóa một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, quy định tại điểm d Điều 23 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
Đoạn đầu, khoản 3 Điều 52a quy định: "Trường hợp phát hiện quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành không đúng hoặc bản án, quyết định tuyên không rõ, không thể thi hành được hoặc không đủ tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 29a của Luật này thì cơ quan Thi hành án dân sự thông báo bằng văn bản cho Tòa án đã ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành".
Nếu Điều 29a được Quốc hội thông qua, thì khoản 2 Điều 29a quy định thời hạn ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành theo đơn yêu cầu. Khoản 1 Điều 29b quy định Tòa án chuyển giao cho cơ quan Thi hành án dân sự quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành đối với bản án, quyết định quy định tại khoản 1 Điều 29a. Khoản 4 Điều 29a quy định thời hạn Tòa án gửi quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành cho Viện Kiểm sát, người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự không có điều, khoản nào quy định sau khi nhận được quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, người được thi hành án, người phải thi hành án và người có quyền, nghĩa vụ liên quan phải làm gì hoặc đến cơ quan nào để được thi hành án.
Như vậy, cơ quan Thi hành án dân sự không có được quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành (kèm theo bản án, quyết định và tài liệu liên quan nếu có) theo quy định tại khoản 2 Điều 29a. Nên không có căn cứ cho rằng "quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành không đúng hoặc bản án, quyết định tuyên không rõ, không thể thi hành được hoặc không đủ tài liệu" để thông báo bằng văn bản cho Tòa án đã ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành biết.
Hơn nữa, không những "Quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành không đúng hoặc bản án, quyết định tuyên không rõ, không thể thi hành được hoặc không đủ tài liệu" theo quy định tại khoản 2 Điều 29a vi phạm, mà quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành không đúng hoặc bản án, quyết định tuyên không rõ, không thể thi hành được hoặc không đủ tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 29a cũng có thể vi phạm, nhưng ở đây không quy định cho cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền thông báo cho Tòa án biết những vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 29a. Giả sử, trong quá trình thi hành án, phát hiện những thiếu sót, vi phạm của Tòa án quy định tại khoản 1 Điều 29a không có căn cứ để khắc phục, dẫn đến án tồn đọng mà phải "Bó tay".
Theo chúng tôi, đoạn 1 khoản 3 Điều 52a cần sửa đổi như sau: "Trường hợp phát hiện quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành không đúng hoặc bản án, quyết định tuyên không rõ, không thể thi hành được hoặc không đủ tài liệu thì cơ quan Thi hành án dân sự thông báo bằng văn bản cho Tòa án đã ra quyết định đưa bản án, quyết ra thi hành", quy định như vậy là đầy đủ bao gồm cả khoản 1 và 2 Điều 29a.
Để phù hợp với Điều 29a, điểm d khoản 1 Điều 23 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cần phải sửa đổi như sau: "Yêu cầu cơ quan đã ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành không đúng, phải phải đính chính, sửa chữa, thu hồi, hủy bỏ quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành hoặc cung cấp tài liệu đầy đủ cho cơ quan Thi hành án dân sự. Trường hợp bản án, quyết định tuyên không rõ, không thể thi hành được thì phải trả lời kiến nghị của cơ quan Thi hành án dân sự trong thời hạn quy định".
Đoạn tiếp theo của khoản 3 Điều 52a quy định: "… Trường hợp bản án, quyết định tuyên không rõ, không thể thi hành được thì phải trả lời kiến nghị của cơ quan Thi hành án dân sự trong thời hạn quy định tại khoản 5 Điều 170a và khoản 2 Điều 179 của Luật này".
Khoản 5 Điều 170a là một chế định mới quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án các cấp. Khi cơ quan Thi hành án dân sự có văn bản kiến nghị xem xét lại bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, thì phải trả lời trong thời hạn luật định. Ở đoạn tiếp theo của khoản 3 Điều 52a quy định: "… Trường hợp bản án, quyết định tuyên không rõ, không thể thi hành được…", không phải "Xem xét lại bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm" như khoản 5 Điều 170a quy định.
Hơn nữa, thẩm quyền "Xem xét lại bản án, quyết định của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm" không chỉ Chánh án Tòa án cấp tỉnh, pháp luật quy định thẩm quyền này bao gồm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự Trung ương (đối với các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quân sự các cấp), còn Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện và Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu không có thẩm quyền này.
Do vậy, điều luật quy định như vậy theo chúng tôi không phù hợp. Cần được sửa đổi như sau: "… Trường hợp bản án, quyết định tuyên không rõ, không thể thi hành được thì phải trả lời kiến nghị của cơ quan Thi hành án dân sự trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 179 của Luật này".
Để phù hợp với điều luật này, khoản 2 Điều 179 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 cũng phải sửa đổi như sau: "Phải đính chính, sửa chữa, thu hồi, hủy bỏ quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành không đúng hoặc cung cấp tài liệu đầy đủ cho cơ quan Thi hành án dân sự, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan Thi hành án dân sự. Có văn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ, không thể thi hành được trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan Thi hành án dân sự. Trường hợp vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời không quá 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu".
Trên đây là ý kiến cá nhân của chúng tôi góp ý về "Thông báo về kết quả thi hành án cho Tòa án", quy định tại Điều 52a và một số điều luật khác của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của qúy độc giả.
Phạm Công Ý