Những điều cần biết về Biên lai thu tiền trong hoạt động thi hành án dân sự

10/09/2014
Biên lai dùng để thu tiền trong hoạt động thi hành án dân sự có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong hoạt động của Ngành, nó là phương tiện để cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện việc thu tiền của các bên đương sự nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan, đây cũng là bằng chứng thể hiện sự chấp hành các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự của người nộp tiền trong thực tế. Chính vì vậy việc tìm hiểu các quy định về Biên lai thu tiền thi hành án đóng một vai trò vô cùng quan trọng.


* Các quy định về Biên lai thu tiền thi hành án dân sự

Luật Thi hành án dân sự năm 2008, Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính đã có những quy định cụ thể về biểu mẫu, công dụng, phương pháp lập và trách nhiệm ghi Biên lai thu tiền trong hoạt động thi hành án dân sự, qua đó lần đầu tiên cơ quan Thi hành án dân sự có thể sử dụng các biên lai khác nhau phục vụ cho từng nội dung (thu tiền thi hành án, thu tạm ứng án phí, thu tiền nộp ngân sách nhà nước và thu tiền theo đơn yêu cầu) trong hoạt động của mình. Có thể nói việc quy định mang tính chuyên môn hóa về công dụng của từng loại Biên lai đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu, nộp tiền thi hành án dân sự.

Để giúp các địa phương chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, ngày 29/9/2010, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Quyết định số 2797/QĐ-TCT-TCTHA, theo đó giao Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm in, phát hành, quản lý, sử dụng Biên lai thu tiền thi hành án cho đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc. Nhờ đó Tổng cục Thi hành án dân sự đã quản lý có hiệu quả việc sử dụng Biên lai để thu tiền thi hành án của các địa phương trong cả nước.

Ngày 17/9/2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 153/2012/TT-BTC ngày 17/9/2012 về hướng dẫn việc in, phát hành, quản lý và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước. Chứng từ thu tiền phí, lệ phí quy định tại Thông tư này là Biên lai thu tiền phí, lệ phí do cơ quan thu phí, lệ phí lập khi thu các khoản phí, lệ phí thuộc ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Căn cứ quy định tại Pháp lệnh số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 28/08/2001 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì án phí, phí thi hành án nằm trong danh mục phí thuộc lĩnh vực tư pháp, do đó việc thu tiền án phí, phí thi hành án của cơ quan Thi hành án dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 153/2012/TT-BTC. Bộ Tài chính cũng nêu rõ “Bãi bỏ quy định về việc in, phát hành và sử dụng các loại chứng từ thu tiền phí, lệ phí tại các văn bản quy phạm pháp luật trái với quy định tại Thông tư này”, đồng nghĩa với đó là Biên lai thu tiền nộp ngân sách Nhà nước (Mẫu số: C30-THA ban hành kèm theo Thông tư số 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính) không còn phù hợp trong việc sử dụng để thu tiền án phí, phí thi hành án.

* Biểu mẫu Biên lai theo quy định pháp luật hiện hành

Trước thực tiễn đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã kịp thời ban hành Quyết định số 1527/QĐ-TCTHADS ngày 24/12/2013 về quy trình in, phát hành, quản lý, sử dụng biên lai thu tiền thi hành án, với những quy định tạo sự thống nhất chung trong các cơ quan Thi hành án dân sự về Biên lai thu tiền, cũng như đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Tiếp tục giao cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm in, phát hành, quản lý, sử dụng Biên lai cho đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc. Danh mục Biên lai thu tiền thi hành án gồm 05 loại: Biên lai thu tiền (Mẫu số: C28-THA); Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí toà án (Mẫu số: C29-THA); Biên lai thu tiền nộp ngân sách nhà nước (Mẫu số: C30-THA); Biên lai thu tiền thi hành án theo đơn yêu cầu (Mẫu số: C31-THA) và Biên lai thu phí và lệ phí (Mẫu số: 01BLP4-001).

Hình thức và nội dung ghi trên Biên lai C28-THA, C29-THA, C30-THA, C31-THA về cơ bản vẫn được giữ nguyên như quy định tại Quyết định số 2797/QĐ-TCT-TCTHA, theo đó mỗi quyển Biên lai có 50 số, mỗi số có 4 liên “Liên 01: Lưu tại cuống (nền màu trắng chữ màu đen); Liên 02: Lưu hồ sơ kế toán (nền trắng chữ màu xanh lá cây); Liên 03: lưu hồ sơ chấp hành viên (Nền trắng chữ màu tím); Liên 04: giao cho đương sự (Nền trắng chữ màu đỏ)”. Có hai điểm đổi mới, đó là số biên lai gồm 07 chữ số tự nhiên liên tiếp thay cho quy định cũ là 05 chữ số tự nhiên liên tiếp và riêng mẫu C30-THA chỉ sử dụng để thu phạt, sung công và các khoản nộp ngân sách Nhà nước khác (ngoại trừ án phí, phí thi hành án).

Quyết định số 1527/QĐ-TCTHAD quy định thêm mẫu 01BLP4-001 để phục vụ việc thu án phí, phí thi hành án, loại Biên lai này mỗi quyển cũng có 50 số, mỗi  số có 04 liên nhưng có sự đổi mới về thứ tự các liên, cụ thể: Liên 01: lưu tại cuống (Nền màu trắng chữ màu đen); Liên 02: giao cho người nộp tiền (Nền trắng chữ màu đỏ); Liên 03: lưu hồ sơ thi hành án (Nền trắng chữ màu tím) và Liên 04: giao cho kế toán (Nền trắng chữ màu xanh lá cây).

* In ấn, thông báo phát hành Biên lai trước khi đưa vào sử dụng

Công tác tổ chức in ấn và phát hành Biên lai trước khi đưa vào sử dụng thu tiền thi hành án đều có cấp có thẩm quyền quản lý, theo dõi. Việc in ấn Biên lai phải được các Cục Thi hành án dân sự ký kết hợp đồng với công ty in đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Bộ Tài chính. Sau khi tổ chức in, cơ quan Thi hành án dân sự phải ban hành thông báo phát hành Biên lai gửi Tổng cục Thi hành án dân sự, đồng thời niêm yết tại trụ sở cơ quan trong vòng 15 ngày trước khi đưa vào sử dụng, riêng mẫu 01BLP4-001 phải gửi thêm cho cơ quan Thuế cùng cấp. Quy định hiện hành nghiêm cấm việc sử dụng Biên lai khi chưa có thông báo phát hành.

* Cấp phát và sử dụng Biên lai để thu tiền thi hành án

Nói chung mọi hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự đều có liên quan đến tác nghiệp của chấp hành viên, nên về cơ bản Biên lai là nhằm phục vụ cho việc thu tiền của chấp hành viên đối với các bên đương sự. Tuy nhiên riêng Biên lai C29-THA không được cấp cho chấp hành viên hay đồng nghĩa chấp hành viên không được thu tiền tạm ứng án phí, mà công tác được giao cho cán bộ thi hành án. Trong các loại biên lai thu tiền thi hành án, mẫu C28-THA có công dụng đa năng nhất, nó dùng để thu tiền trong hoạt động thi hành án ngoài những hạng mục thu đã được mẫu C29-THA, C30-THA, C31-THA và 01BLP4-001 đảm nhận, như: Thu tiền đảm bảo trước khi có án, thu tiền bán tài sản, thu tiền chi phí xác minh,…

Theo quy định thì được cấp phát cho người sử dụng không quá 02 quyển Biên lai cùng loại, tuy nhiên để thuận tiện trong công tác quản lý chỉ nên cấp mỗi lần 01 quyển cùng loại. Biên lai thu phải dùng từ số nhỏ đến số lớn, đến khi hết quyển mới dùng sang quyển khác. Trước khi lĩnh Biên lai mới, thì người sử dụng phải thanh quyết toán toàn bộ Biên lai đã lĩnh và nộp lại quyển Biên lai (liên lưu) đã dùng hết cho cán bộ quản lý Biên lai, đồng thời đối chiếu giữa sổ kế toán và từng số Biên lai đã sử dụng, sau đó sẽ nộp cho Cục Thi hành án dân sự để đưa vào lưu trữ.

Phải sử dụng đúng chức năng của từng loại Biên lai và phải ghi trước mặt người nộp tiền, đồng thời đặt giấy than lót dưới để khi viết một lần in sang các liên có nội dung như nhau, đảm bảo đầy đủ, rõ ràng các nội dung đã in sẵn, ghi rõ họ, tên, chữ ký người thu tiền, không được tẩy xoá, làm nhòe, nhàu nát. Tờ Biên lai nếu bị hỏng phải gạch chéo không được xé rời mà phải lưu đủ 04 liên ở quyển để thanh toán.

Khi thực hiện thanh hủy các loại Biên lai không còn giá trị sử dụng do bị hư hỏng,... (kể cả các loại Biên lai bị mất đã thu hồi lại được) phải báo cáo với Tổng cục Thi hành án dân sự, riêng Biên lai Mẫu số: 01BLP4-001 có thêm thông báo với cơ quan Thuế cùng cấp. Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày thông báo với Tổng cục Thi hành án dân sự và cơ quan Thuế cùng cấp phải thành lập Hội đồng để tiến hành thanh hủy theo quy định.

Trường hợp phát hiện Biên lai bị mất hoặc bị huỷ hoại, đơn vị kế toán phải thực hiện ngay các công việc sau: Kiểm tra, xác định và lập biên bản về số lượng, hiện trạng, nguyên nhân tài liệu kế toán bị mất hoặc bị huỷ hoại và thông báo cho tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

* Báo cáo thanh quyết toán Biên lai

Hàng tháng, người sử dụng Biên lai phải báo cáo tình hình sử dụng Biên lai để làm cơ sở cho Chi cục Thi hành án dân sự, Văn phòng Cục tổng hợp tình hình sử dụng của đơn vị mình báo cáo cho Cục Thi hành án dân sự vào ngày 10 tháng đầu quý tiếp theo, riêng Mẫu số: 01BLP4-001 phải báo cáo thêm cho cơ quan Thuế cùng cấp. Ngày 30/9 hàng năm, các đơn vị phải thực hiện quyết toán số Biên lai đã sử dụng và chuyển số tồn sang năm sau. Cục Thi hành án dân sự tổng hợp tình hình sử dụng Biên lai của các đơn vị trực thuộc gửi Tổng cục Thi hành án dân sự chậm nhất ngày 25 tháng 01 của năm sau.

Các đơn vị phải mở đầy đủ các loại sổ sách kế toán Biên lai, phản ánh đầy đủ, kịp thời chính xác tình hình nhập, xuất, tổn thất, sử dụng Biên lai của đơn vị và định kỳ vào 31/3 và 30/9 hàng năm phải tổ chức kiểm kê Biên lai.

* Lưu trữ Biên lai

Các đơn vị phải bố trí nơi để Biên lai đảm bảo sắp xếp ngăn nắp thứ tự từng loại, từng ký hiệu, phải lập thẻ kho để thuận lợi cho việc bảo quản, cấp phát, kiểm tra và theo dõi quản lý, đồng thời giao cho Thủ kho của cơ quan Thi hành án đồng thời là Thủ kho ấn chỉ. Hàng năm các đơn vị sử dụng Biên lai có trách nhiệm nộp lại liên lưu về Cục Thi hành án dân sự. Biên lai thu tiền thi hành án được lưu trữ, bảo quản trong kho theo chế độ lưu trữ, bảo quản chứng từ có giá.

* Xử lý vi phạm trong việc in, phát hành, quản lý và sử dụng Biên lai

Việc xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về in, phát hành, quản lý và sử dụng Biên lai được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn; Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán; Nghị định số 39/2011/NĐ-CP ngày 26/5/2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.

* Quy trình in, phát hành, quản lý và sử dụng Biên lai thu tiền thi hành án

Các biểu mẫu, sổ sách, báo cáo phục vụ cho việc phát hành, quản lý việc sử dụng Biên lai thu tiền thi hành án ban hành kèm theo Quyết định số 1527/QĐ-TCTHADS ngày 24/12/2013 của Tổng cục Thi hành án dân sự, gồm:

- Thông báo phát hành Biên lai (Mẫu số: 01-TBPH; Mẫu số: 02-TBPH);

- Sổ theo dõi ấn chỉ (Mẫu số S01): Dùng để theo dõi tình hình cấp phát Biên lai của Cục Thi hành án dân sự cho Văn phòng Cục và Chi cục Thi hành án dân sự; của Văn phòng Cục và Chi cục Thi hành án dân sự cho người trực tiếp sử dụng;

- Sổ lĩnh và thanh toán Biên lai (Mẫu số S02): Dùng cho Văn phòng Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự theo dõi tình hình nhận và sử dụng Biên lai của người trực tiếp sử dụng;

- Sổ tổng hợp theo dõi tình hình sử dụng Biên lai (Mẫu số S03): Dùng để theo dõi tình hình sử dụng Biên lai toàn đơn vị;

- Báo cáo thanh toán Biên lai (Mẫu số B01): Dùng để cho người trực tiếp sử dụng Biên lai thanh toán theo quy định, báo cáo này kèm theo Phụ lục B01-PL1 và Phụ lục B01-PL2;

- Báo cáo thanh toán Biên lai (Mẫu số B02): Dùng cho Chi cục Thi hành án dân sự báo cáo Cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự tổng hợp các đơn vị trực thuộc và báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự;

- Báo cáo tình hình sử dụng Biên lai (Mẫu số B03): Dùng cho cơ quan Thi hành án báo cáo tình hình sử dụng Biên lai với cơ quan Thuế cùng cấp;

- Thông báo mất, cháy Biên lai (Mẫu số: B03-TB);

- Báo cáo mất, cháy Biên lai (Mẫu số: B04-BC);

- Thông báo kết quả hủy Biên lai (Mẫu số: 05-TBKQ);

- Bảng tổng hợp kiểm kê Biên lai (Mẫu số: BTH01): Dùng để tổng hợp kết quả kiểm kê Biên lai hàng năm của từng đơn vị;

- Báo cáo tổng hợp kiểm kê Biên lai (Mẫu số: BTH02): Dùng để tổng hợp  kiểm kê Biên lai hàng năm đối với tất cả các đơn vị.

Bài viết này chỉ xin chia sẻ một số điểm khái quát về quy định hiện hành đối với công tác biên lai. Việc cập nhật những quy định mới trong công tác in, phát hành, quản lý, sử dụng Biên lai thi hành án để triển khai thực hiện nghiêm túc nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, qua đó đảm bảo quyền lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật là điều hết sức cần thiết.

Lê Ngọc Anh

Văn phòng Cục THADS tỉnh Thừa Thiên Huế