Vướng mắc trong việc thực hiện khấu trừ thu nhập của người phải thi hành án

19/01/2016
Quá trình tổ chức thi hành các Bản án, quyết định của Tòa án đã được cơ quan Thi hành án dân sự thi hành có hiệu quả trong nhiều năm qua, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong quá trình tổ chức thực thi các Bản án, quyết định của Tòa án thì còn có một số khó khăn cần phải có chỉ đạo giải pháp tháo gỡ kịp thời để cơ quan thi hành án có thể thực hiện một cách hiệu quả, triệt để những nội dung mà Bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên.


Tôi xin đơn cử trường hợp vướng mắc (nhiều hồ sơ vụ việc) mà hiện nay các Cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Hải Dương chưa thực hiện được hoặc thực hiện mỗi nơi một khác, không thống nhất vì còn hiểu khác nhau... đó là: Việc khấu trừ thu nhập của người bị Tòa án tuyên phạt cải tạo không giam giữ tại địa phương.

Bản án hình sự sơ thẩm số 10/2015/HSST ngày 12/02/2015 của TAND huyện TH, tỉnh HD tuyên:

Áp dụng khoản 1, 3 Điều 248, điểm h,p khoản 1 Điều 46, Điều 20, khoản 2 Điều 30, Điều 31, 52 của Bộ luật hình sự xử phạt Phạm Văn T 09 tháng cải  tạo không giam giữ, giao cho UBND xã H giám sát, giáo dục trong thời hạn cải tạo không giam giữ…

Khấu trừ 5% thu nhập hàng tháng của bị cáo Phạm văn T sung công quỹ Nhà nước trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ.

Hình phạt bổ sung: Phạt bị  cáo T 3.000.000đ (Ba triệu đồng) sung công quỹ Nhà nước.

Ngoài ra bị cáo T còn phải nộp khoản án phí, lãi xuất chậm THA…

Bản án có hiệu lực và cơ quan THADS đã ra quyết định tổ chức thi hành án theo đúng nội dung bản án đã tuyên. Tuy nhiên, bị cáo T đã tự nguyện thi hành án xong khoản tiền phạt, án phí. Đối với khoản khấu trừ thu nhập 5% /tháng đương sự T trình bày bị cáo sau khi bị bắt đã mất việc làm và mất cả thu nhập. Hiện không có thu nhập gì nên không nộp khoản tiền khấu trừ thu nhập. Đương sự sẽ nộp khi có thu nhập trở lại.

Ở đây có thể thấy xảy ra một số trường hợp, mà trường hợp nào Cơ quan THA cũng khó có cơ sở vững chắc để thu khoản tiền đã nêu nếu chỉ căn cứ vào Luật THADS năm 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành:

Trường hợp thứ nhất: Bản án tuyên như vậy có được coi là không rõ ràng, khó thi hành, không có tính khả thi hay không? Thực tế con số khấu trừ 5% thu nhập chỉ là chung chung, bởi vì: Nếu Chấp hành viên Chi cục THA thực hiện việc khấu trừ thu nhập thì không có con số (số tiền) cụ thể. Theo tôi, việc khấu trừ chỉ có thể thực hiện phù hợp với những đương sự có thu nhập rõ ràng, ổn định (Cán bộ, công chức, viên chức, lực lương vũ trang, …), đối với những đương sự thu nhập không rõ ràng, không ổn định lại đang phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ thì lấy thu nhập ở đâu mà thi hành? Vả lại, đối với những người có thu nhập đột xuất (được tặng cho tài sản, tài sản lớn, thu nhập cao…) thì sao?. Đồng thời, bản án tuyên chỉ khấu trừ thu nhập của bị cáo trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, vậy nếu hết thời hạn cải tạo không giam giữ rồi mà đương sự chưa nộp được thì sao? Cơ quan thi hành án có được tiếp tục đôn đốc để thu tiền? 

Trường hợp thứ hai: Đặt giả sử đương sự T tự nguyện xin nộp khoản tiền khấu trừ thu nhập 5% nêu trên với trình bày là đương sự làm thuê, thợ xây,… thu nhập không đều, không ổn định, bình quân khoảng 2 triệu đồng/ tháng. Vậy, Chấp hành viên có thu khoản tiền khấu trừ? căn cứ nào để Chấp hành viên thu khoản tiền đương sự tự nguyện nộp?

Có quan điểm cho rằng: Trên cơ sở trình bày và sự tự nguyện của đương sự, Chấp hành viên thống nhất chốt con số thu nhập cụ thể với đương sự rồi thu 5%/ số thu nhập hàng tháng x 09 tháng cải tạo không giam giữ. Hoặc Chấp hành viên hàng tháng tổ chức đôn đốc, xác minh thu nhập của đương sự làm căn cứ khấu trừ.

Theo quan điểm của tôi, nếu thực hiện theo ý thứ nhất vô hình chung Chấp hành viên đã không tuân thủ nội dung quyết định của Bản án, bởi vì: Về nguyên tắc, cơ quan Thi hành án phải thực hiện theo đúng nội dung của Bản án đã tuyên, thực tế Bản án đã tuyên đương sự phải nộp theo tháng (theo kỳ), Chấp hành viên chỉ có thể căn cứ vào thu nhập thực tế, từng tháng và có cơ sở vững chắc để khẳng định thu nhập của đương sự. Ở đây, cơ sở để thu khoản tiền khấu trừ thu nhập chỉ căn cứ duy nhất vào trình bày của đương sự là không có cơ sở vững chắc. Bản chất của người phải thi hành án thường tìm cách lẩn tránh, che giấu…tài sản, thu nhập của mình. Đồng thời, việc Chấp hành viên thu liền ngay 09 tháng là không đúng với quyết định của Bản án. Thực tế thu nhập của đương sự có thể tháng trước, tháng sau cao hơn, thấp hơn… Nếu Chấp hành viên thực hiện theo ý thứ hai thì vấn đề đặt ra ở đây, căn cứ nào để Chấp hành viên khẳng định vững chắc thu nhập của thực tế của đương sự? Đặt giả sử bất ngờ đương sự được tặng cho… khối tài sản lớn thì có được coi là khoản thu nhập hợp pháp và thực hiện việc khấu trừ không? Nếu tài sản được coi là thu nhập hợp pháp nhưng lại là tài sản có giá trị lớn (nhiều tỉ đồng) thì khi khấu trừ số tiền lên đến vài trăm triệu đồng liệu có phù hợp với qui định của Pháp luật trong khi đó họ chỉ phạm tội ít nghiêm trọng, các đương sự khác cùng phạm tội chỉ phải nộp khoản tiền rất nhỏ (ví dụ: như đánh bạc nhỏ, trộm căp vặt…)?

Trường hợp thứ ba: Đặt giả sử hết thời hạn chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ 09 tháng rồi mà trong thời gian đó họ có hoặc không có thu nhập họ vẫn không nộp thì Cơ quan thi hành án có tiếp tục đôn đốc đương sự thi hành án không? Hay là Bản án coi như đã thi hành và được xếp vào diện án thi hành xong? Ở đây có ba quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Bản án tuyên khấu trừ thu nhập của đương sự trong thời hạn 09 tháng chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, trong thời gian đó đương sự có thu nhập nhưng họ không nộp, Chấp hành viên tính số tiền/ số thu nhập hàng tháng cụ thể và tiếp tục đôn đốc thi hành cho đến khi thi hành được trên thực tế, hồ sơ mới xếp vào diện hồ sơ xong. Trường hợp đương sự không có thu nhập thì việc thi hành án chấp dứt và hồ sơ thi hành án được xếp vào diện xong.

Quan điểm thứ hai: Trong thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ dù họ có thu nhập hay không có thu nhập mà hết thời hạn 09 tháng vẫn chưa thi hành được thì Hồ sơ vẫn được xếp vào diện hồ sơ xong, bởi vì: Bản án chỉ tuyên khấu trừ thu nhập trong khoảng thời gian cụ thể là 09 tháng cải tạo không giam giữ.

Quan điểm thứ ba: Bất luận trong trường hợp nào mà đương sự vẫn chưa thi hành thì Cơ quan thi hành án vẫn tiếp tục đôn đốc thi hành cho đến khi thi hành được trên thực tế hoặc đưa vào diện án chưa có điều kiện, án tuyên không rõ, khó thi hành.

Đối với ba quan điểm trên, quan điểm cá nhân tôi đồng tình với qua điểm thứ nhất. Tuy nhiên, khi thực hiện theo quan điểm thứ nhất sẽ có những  khó khăn, vướng mắc nhất định, như: Chỉ có thể áp dụng phù hợp được với những đương sự có thu nhập rõ ràng, ổn định và cụ thể; số tiền khấu trừ ít và họ có thu nhập thấp. Nếu áp đụng đối với những đương sự có khối tài sản lớn, thu nhập nhiều thì việc khấu trừ sẽ không phù hợp và sẽ gây phản ứng… Thực tế Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện thời chưa có qui định và hướng dẫn cụ thể để có thể thực hiện một cách có hiệu quả, đúng pháp luật đối với các vụ việc đã nêu dẫn đến việc áp dụng thực hiện còn lúng túng, áp dụng không thống nhất, đồng bộ…

Trên đây chỉ là quan điểm cá nhân mong được trao đổi, hy vọng rằng Bộ Tư Pháp, Tổng cục THADS sớm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu hướng dẫn cụ thể để các cơ quan THADS áp dụng, thực hiện thống nhất thống nhất đối với những vụ việc nêu trên.

Vũ Công An

Chấp hành viên Chi cục THADS huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương