Chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế trong trường hợp nào?

29/02/2016
Kế hoạch cưỡng chế là một trong những công việc quan trọng của Chấp hành viên trước khi tiến hành cưỡng chế thi hành án. Việc lập kế hoạch cưỡng chế chi tiết, cụ thể có một ý nghĩa rất lớn đối với việc tổ chức cưỡng chế thi hành án thành công.


Theo quy định tại điều 72 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014

1. Chấp hành viên lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án trong trường hợp cần huy động lực lượng.

2. Kế hoạch cưỡng chế thi hành án có các nội dung chính sau đây:

a) Tên người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế;

b) Biện pháp cưỡng chế cần áp dụng;

c) Thời gian, địa điểm cưỡng chế;

d) Phương án tiến hành cưỡng chế;

đ) Yêu cầu về lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế;

e) Dự trù chi phí cưỡng chế.

3. Kế hoạch cưỡng chế phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan Công an cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thực hiện theo kế hoạch, yêu cầu của Chấp hành viên.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kế hoạch cưỡng chế của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cơ quan Công an có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và lập phương án bảo vệ cưỡng chế.

Cơ quan Công an có trách nhiệm bố trí lực lượng, phương tiện cần thiết để giữ gìn trật tự, bảo vệ hiện trường, kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi tẩu tán tài sản, cản trở, chống đối việc thi hành án, tạm giữ người chống đối, khởi tố vụ án hình sự khi có dấu hiệu phạm tội.”

Có thể thấy Điều luật trên đã quy định tương đối cụ thể về việc lập kế hoạch cưỡng chế của chấp hành viên. Tại khoản 1 điều 72 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã có sự đổi mới so với quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Thi hành án dân sự năm 2008: “1. Trước khi tiến hành cưỡng chế thi hành án, Chấp hành viên phải lập kế hoạch cưỡng chế, trừ trường hợp phải cưỡng chế ngay.” Khác với trước đây, chấp hành viên phải lập kế hoạch cưỡng chế đối với tất cả các trường hợp tiến hành cưỡng chế, không phân biệt hình thức, biện pháp cưỡng chế, trừ trường hợp phải cuỡng chế ngay. Điều luật sửa đổi đã giới hạn việc lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án chỉ áp dụng đối với các trường hợp cưỡng chế cần huy động lực lượng. Theo tinh thần của điều 72 Luật THADS sửa đổi bổ sung năm 2014,  chỉ trong các trường hợp cưỡng chế có huy động lực lượng, chấp hành viên mới phải lập kế hoạch cuỡng chế. Quy định này đã góp phần giảm tải một công việc khá lớn cho chấp hành viên. Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng lại phát sinh các quan điểm khác nhau về việc thế nào là cưỡng chế có huy động lực lượng và cưỡng chế không huy động lực luợng.

Chúng ta cùng phân tích một ví dụ thực tiễn:

Theo Quyết định thi hành án số 275/TĐYC ngày 03/7/2014 của Chi cục THADS huyện X. Ông Vũ Văn A và bà Nguyễn Thị B, trú tại: thôn V, xã Y, huyện X, phải thi hành khoản thanh toán nợ, cụ thể:

Ông Vũ Văn A và bà Nguyễn Thị B phải thanh toán trả cho Ngân hàng TMCP HN số tiền nợ gốc là 2.000.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn là 223.391.862 đồng, lãi quá hạn là 851.796.869 đồng, tiền phạt chậm trả lãi là 66.673.163 đồng, tổng số tiền phải trả là 3.141.861.894 đồng ( Ba tỷ, một trăm bốn mươi mốt triệu, tám trăm sáu mốt nghìn, tám trăm chín tư đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực và người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, ông Vũ Văn A và bà Nguyễn Thị B còn phải trả cho người được thi hành án khoản tiền lãi theo mức lãi suất 0,6%/năm tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.

Trường hợp ông Vũ Văn A và bà Nguyễn Thị B không thanh toán trả cho Ngân hàng HN toàn bộ số tiền nêu trên thì Ngân hàng HN có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự kê biên, phát mại tài sản thế chấp là quyền sử dụng thửa đất số 180, tờ bản đồ số 03, diện tích 400 m2 ở thôn V, xã Y, huyện X, và toàn bộ tài sản trên đất theo Hợp đồng thế chấp số 053T33/2011/HĐTCTS- BTB/SHBHY ngày 29/8/2011 đã công chứng tại văn phòng công chứng AB để đảm bảo thu hồi nợ.

Quá trình tổ chức thi hành án,Chấp hành viên đã tiến hành áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án. Do xác minh người phải thi hành án là ông A, bà B tự nguyện cho kê biên tài sản thế chấp. Khi tiến hành cưỡng chế, chấp hành viên không mời lực lượng công an huyện tham gia bảo vệ việc cưỡng chế. Chấp hành viên chỉ mời các hành phần tham gia cưỡng chế bao gồm: Chấp hành viên, thư ký thi hành án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện, Đại diện phòng Tài nguyên môi trường huyện, cơ quan định giá, đại diện chính quyền địa phuơng gồm 01 phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, cán bộ địa chính xã, cán bộ Tư pháp và 02 công an viên cấp xã đi tham gia cưỡng chế; Chấp hành viên không lập kế hoạch cưỡng chế mà chỉ viết giấy mời các thành phần tham gia.

Trong quá trình giải quyết việc thi hành án trên, có hai quan điểm được đưa ra.

Quan điểm thứ nhất : Việc không lập kế hoạch cưỡng chế đối với trường hợp trên của chấp hành viên là đúng. Chấp hành viên có mời các thành phần tham gia cưỡng chế nhưng đó là các thành phần tham gia bắt buộc theo quy định của pháp luật, không phải là lực lượng bảo vệ cưỡng chế, do đó đây không phải là việc cưỡng chế có huy động lực lượng nên không cần phải lập kế hoạch cưỡng chế.

Quan điểm thứ hai : Việc Chấp hành viên không lập kế hoạch cưỡng chế trong trường hợp trên là sai. Bởi vì, Chấp hành viên vẫn tiến hành mời các thành phần của các cơ quan hữu quan bên ngoài tham gia cưỡng chế nên vẫn xem là có huy động lực luợng tham gia cưỡng chế, do vậy chấp hành viên vẫn phải lập kế hoạch cưỡng chế.

Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 và Nghị định 62/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Thông tư số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30 tháng 3 năm 2012 Quy định việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong thi hành án dân sự cũng không có quy định cụ thể về khái niệm thế nào là cưỡng chế có huy động lực lượng và cưỡng chế không huy động lực luợng.

Chính vì vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về điều luật trên nên nhiều Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự vẫn chưa thống nhất khi áp dụng quy định này.

Theo quan điểm của cá nhân tác giả, đối với những vụ việc cưỡng chế mà tình hình thực tế không phức tạp, Chấp hành viên chỉ mời những thành phần bắt buộc tham gia, không huy động lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế thì không cần phải lập kế hoạch cưỡng chế. Từ đó cũng góp phần giảm tải khối lựong công việc cho chấp hành viên theo đúng tinh thần của điều luật .Do vậy, đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn nữa về vấn đề này để thuận lợi hơn cho Chấp hành viên trong quá trình áp dụng pháp luật.

Hoàng Thị Thanh Hoa,

Chi cục THADS huyện Phú Xuyên, Hà Nội