Một số trao đổi về việc từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án theo khoản 4 Điều 7 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự

14/06/2016
Việc tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho cá nhân, công dân, cơ quan – tổ chức và đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Đây được xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc tổ chức thi hành án đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự đang còn gặp nhiều khó khăn. Trường hợp dưới đây là một ví dụ:


Ông Nguyễn Văn A và bà Nguyễn Thị B là vợ chồng có tài sản chung là ngôi nhà 02 tầng tọa lạc trên mảnh đất có 60m2. Sau một thời gian chung sống giữa ông A và bà B thường xẩy ra mâu thuẫn, bà B bỏ nhà ra ở riêng và yêu cầu Tòa án xử ly hôn và chia tài sản chung của vợ chồng. Nội dung bản án tòa án xét xử như sau:
 “Giao cho bà B được sở hữu 01 (một) ngôi nhà hai tầng và sử dụng 60m2 tại thửa số 5, tờ bản đồ số 6, địa chỉ: khối 1, thành phố 2, tỉnh N. Buộc bà B phải trích giao chênh lệch giá trị tài sản cho ông A số tiền là: 1 tỷ đồng.” (Bản án số 10/LHPT ngày 10/10/2015”
Ngày 15/10/2015 bà Nguyễn Thị B có đơn yêu cầu thi hành án để yêu cầu Chi cục Thi hành án huyện H, thi hành giao đất cho bà theo nội dung Bản án trên.
Sau khi nhận đơn yêu cầu thi hành án của bà B, cơ quan thi hành án dân sự đã căn cứ khoản 4 Điều 7 Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự để từ chối đơn yêu cầu của bà B.
Vấn đề đặt ra: việc cơ quan thi hành án dân sự áp dụng khoản 4 Điều 7 Nghị định 62/NĐ-CP để từ chối nhận đơn yêu cầu của bà B đúng hay sai?
Trên thực tế, để giải quyết vấn đề trên đang xuất hiện 02 quan điểm:
i) Quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc Cơ quan Thi hành án dân sự áp dụng khoản 4 Điều 7 Nghị định 62 để từ chối đơn yêu cầu của bà B là có căn cứ pháp lý.
Lý do:
Bản án chỉ giao cho bà B được sử dụng mảnh đất và sở hữu ngôi nhà trên chứ không xác định đối tượng nào phải giao cho bà B. Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) thì khái niệm người phải thi hành án được quy định: “là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành.”. Do đó, trong trường hợp trên, khi không xác định được đối tượng phải thi hành án (ai là người có trách nhiệm giao cho bà B) thì không có nghĩa vụ phải thi hành án.
ii) Quan điểm thứ 2: cho rằng việc áp dụng khoản 4 Điều 7 Nghị định 62 để từ chối đơn yêu cầu thi hành án là không có căn cứ, không đúng quy định của pháp luật.
Bởi:
Một là, xuất phát từ quyền lợi ích chính đáng của người được được pháp luật bảo vệ, mà cụ thể được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi bổ sung năm 2014) : “Yêu cầu thi hành án, đình chỉ thi hành một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định, áp dụng biện pháp bảo đảm, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định trong Luật này;”, có thể thấy theo nội dung Bản án trên, bà B chính là người được thi hành án và bà có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho bà.  
Hai là, nếu cho rằng đối tượng phải thi hành án và nghĩa vụ thi hành án không được bản án của tòa án xác định cụ thể là không chính xác. Bởi, đây là bản án ly hôn, tài sản được tòa án giao cho bà B sử dụng là tài sản chung của vợ chồng. Do đặc tính tài sản không thể chia đôi để mỗi bên quản lý, sử dụng một nửa nên tòa án căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của các bên để giao cho 1 người được sử dụng toàn bộ tài sản và người đó có trách nhiệm phải trả tiền chênh lệch phần giá trị tài sản cho người còn lại là có căn cứ (vấn đề này phù hợp với quy định tại điều 59 và Điều 62 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014). Điều này đồng nghĩa với việc, người được nhận tiền chênh lệch giá trị tài sản phải có nghĩa vụ giao cho người được nhận tài sản phần tài sản của mình. Với tính chất như vậy, ở tình huống trên, có thể hiểu người vợ (bà B) là người được thi hành án, quyền lợi bà B được hưởng là sử dụng thửa đất trên. Tài sản được hưởng là tài sản chung đứng tên hai vợ chồng, nên khi bà B được tòa giao cho sử dụng toàn bộ tài sản thì đồng nghĩa với việc ông A phải là người có trách nhiệm phải giao cho bà B phần tài sản còn lại của mình. Kể cả trường hợp, ông A hiện tại không phải là người đang sinh sống, sử dụng thửa đất đó nhưng nghĩa vụ phải giao cho bà B không thể tách rời khỏi trách nhiệm cụ thể ông A.  Do đó, căn cứ khoản 3 Điều 3 Luật Thi hành án dân sự (được sửa đổi, bổ sung năm 2014): “Người phải thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức phải thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định được thi hành” để xác định ông A là người phải thi hành án là hoàn toàn phù hợp và đúng với quy định của pháp luật.
* Quan điểm người viết:
Như chúng ta đã biết, công tác thi hành án dân sự là hoạt động đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan – tổ chức được pháp luật bảo vệ. Trên cơ sở đó, hoạt động thi hành án mang tính chất quan trọng trong việc bảo vệ kỷ cương, trật tự xã hội,  góp phần xây dựng và củng cố niềm tin cho nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Do đó, nếu chỉ vì những lý do đơn giản, những suy luận thiếu căn cứ thực tế hay những quy định chưa rõ ràng mà từ chối đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của công dân thì tính công bằng, sự minh bạch, và lẽ phải của pháp luật sẽ bị ảnh hưởng. Hay nói cách khác Công Lý không được thực thi. Trên cơ sở đó, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Bởi:
Khoản 4 Điều 7 Nghị định 62 quy định như sau: “Cơ quan thi hành án dân sự từ chối yêu cầu thi hành án theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 31 Luật Thi hành án dân sự trong trường hợp bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành”. Theo đó, việc từ chối nhận đơn yêu cầu của người được thi hành án khi đáp ứng đủ hai điều kiện:
i) Bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án;
ii) Bản án, quyết định không xác định cụ thể nghĩa vụ phải thi hành án
Điều đó có nghĩa, nếu thiếu đi một trong hai điều kiện trên, cơ quan Thi hành án dân sự không được từ chối nhận đơn yêu cầu của người được thi hành án.
Mặt khác, cho dù bản án không chỉ đích danh người phải thi hành án nhưng từ những dữ liệu trong bản án, chúng ta có đủ căn cứ để xác định đối tượng phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành như lập luận trên của quan điểm thứ hai.
Chính vì vây, việc không thụ lý đơn yêu cầu thi hành án của cơ quan thi hành án ở tình huống trên là trái quy định của pháp luật và làm ảnh hưởng đến, quyền lợi ích của công dân.
Trên đây là một vài ý kiến của bản thân về việc từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án theo quy định tại khoản 4, Điều 7, Nghị định 62. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của các đồng nghiệp và bạn đọc.
Đặng Quyền Sang