Vài nét lịch sử quy định về biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định

06/12/2016

Cưỡng chế thi hành án dân sự là hoạt động quan trọng trong quá trình thi hành án dân sự. Bản án, quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan, tổ chức khác được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự phải được nghiêm chỉnh thi hành; trường hợp đương sự không tự nguyện thi hành thì bị áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc phải thi hành án. Có nhiều biện pháp cưỡng chế trong thi hành án dân sự, trong đó có biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đề cập vài nét lịch sử quy định về biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định.



1. Giai đoạn trước năm 1989
Dưới chế độ phong kiến, pháp luật về thi hành án dân sự ở nước ta điều chỉnh hoạt động thi hành án dân sự cùng với hoạt động xét xử của Toà án, các luật lệ lúc bấy giờ được ban hành như: Bộ luật Hồng Đức, Bộ luật Gia Long chưa phân định rõ ràng giữa thủ tục thi hành án và thủ tục xét xử. Đến giai đoạn đất nước ta dưới thời nửa phong kiến nửa thuộc địa, pháp luật về thi hành án dân sự quy định thủ tục thi hành án dân sự chủ yếu do tổ chức Thừa phát lại thực hiện; theo quy định tại Luật Tố tụng dân sự ban hành kèm theo Nghị định ngày 16/3/1910 của Toàn quyền Đông Dương thì Thừa phát lại được giao làm nhiều công việc có tính chất hành chính tại Toà án và thi hành các bản án.
Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Sắc lệnh số 47, với 6 chương, gồm 12 điều, theo đó quy định các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung và Nam vẫn tạm thời giữ nguyên như cũ, nếu những luật lệ ấy không trái với những điều thay đổi ấn định trong Sắc lệnh này. Tiếp đó, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy định về thi hành án dân sự, trong đó có quy định về cưỡng chế thi hành án dân sự, như: Nghị định số 37 ngày 01/12/1945 về “Tổ chức Bộ Tư pháp”, Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hoà về “Tổ chức các Toà án và các ngạch thẩm phán”, Sắc lệnh số 130 ngày 19/7/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà “về việc ấn định thể thức thi hành phải ghi trên các bảng toàn sao hay trích sao án hoặc mệnh lệnh do Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ban hành”, Thông tư số 24-BK ngày 26/4/1949 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp "Về việc thi hành án Hình và án Hộ", Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà về "Cải cách bộ máy tư pháp và luật tố tụng", Thông tư số 4176-HCTP ngày 28/11/1957 và Thông tư số 4296-DS ngày 09/12/1957 của Bộ Tư pháp, Thông tư số 01-TTg ngày 04/01/1966 của Phủ Thủ tướng, Thông tư số 04-NCPL ngày 14/4/1966 của Bộ Tư pháp, Nghị định số 49-CP ngày 09/4/1968, Thông tư liên bộ số 128-TT-LB ngày 09/4/1968 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động và Tổng Công đoàn, Thông tư số 442-TC ngày 04/7/1968 Toà án nhân dân tối cao "Về việc đẩy mạnh công tác thi hành án", Quyết định số 186/TC ngày 13/10/1972 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao “Về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên”, Thông tư số 187-TC ngày 13/10/1972 của Toà án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành Quyết định số 186/TC ngày 13/10/1972 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao. Ngày 23/10/1979, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 827/CV kèm theo "Điều lệ tạm thời về công tác thi hành án" có quy định về thủ tục thi hành án dân sự. Hiến pháp năm 1980 là cơ sở cho nhiều văn bản pháp luật khác liên quan đến công tác thi hành án dân sự được ban hành. Điều 16 Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 1981 và Nghị định số 143-HĐBT ngày 22/11/1981 của Hội đồng Bộ trưởng về “Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tư pháp” đã giao cho Bộ Tư pháp đảm nhiệm công tác quản lý Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức, trong đó có công tác thi hành án dân sự v.v.
Tuy nhiên, các văn bản pháp luật nêu trên chưa quy định rõ ràng về biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định.
2. Giai đoạn 1989 đến 2004
Tại Điều 37 Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 28/8/1989, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/1990 quy định về cưỡng chế chấm dứt hành vi trái pháp luật, theo đó “khi người phải thi hành án không tự nguyện chấm dứt hành vi trái pháp luật thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế chấm dứt hành vi đó”.
Pháp lệnh Thi hành án dân sự được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 17/4/1993, Chủ tịch nước công bố ngày 21/4/1993, có hiệu lực kể từ ngày 01/6/1993 tại Điều 43 về cưỡng chế chấm dứt hành vi trái pháp luật quy định “khi người phải thi hành án không tự nguyện chấm dứt hành vi trái pháp luật thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế chấm dứt hành vi đó”.
3. Giai đoạn 2004 đến 2008
Pháp lệnh Thi hành án dân sự được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 11/4/2004, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2004 quy định tại mục 4, với 2 điều: Điều 55 quy định cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc làm công việc nhất định theo bản án, quyết định của Toà án “trong trường hợp người phải thi hành án không thực hiện công việc buộc phải làm theo bản án, quyết định của Toà án mà công việc đó có thể giao cho người khác thực hiện thì Chấp hành viên giao cho người có điều kiện thực hiện. Chi phí do người phải thi hành án chịu. Nếu công việc buộc phải làm theo bản án, quyết định của Toà án phải do chính người phải thi hành án thực hiện thì Chấp hành viên xử lý theo quy định tại Điều 56 của Pháp lệnh này”. Điều 56 quy định cưỡng chế thi hành nghĩa vụ không được làm công việc nhất định theo bản án, quyết định của Toà án “trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện chấm dứt công việc không được làm theo bản án, quyết định của Toà án thì Chấp hành viên ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật và ấn định cho người phải thi hành án trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày đương sự nhận được quyết định xử phạt hành chính để thực hiện. Nếu họ vẫn không chấm dứt thực hiện công việc không được làm thì Chấp hành viên đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
4. Từ 2008 đến nay
Luật Thi hành án dân sự đầu tiên ở nước ta được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 14/11/2008 số 26/2008/QH12, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2009, có quy định về cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định; tiếp đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 125/NĐ-CP ngày 14/10/2013, trong đó có đề cập đến cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện công việc nhất định.
Ngày 25/11/2014, Quốc hội ban hành Luật số 64/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015; sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (bao gồm Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2014), có hiệu lực kể từ ngày 01/9/2015 và thay thế Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự; Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự và Nghị định số 125/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 nêu trên, trong đó có quy định về cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định.
Quy định về cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định từ năm 2008 đến nay có sự thay đổi, hoàn thiện hơn so với giai đoạn liền kề trước đó, thể hiện ở những nội dung sau đây:
- Thứ nhất, thay thế từ ngữ “buộc làm” bằng “buộc thực hiện” công việc nhất định.
Việc đổi mới từ ngữ “làm” bằng “thực hiện” là phù hợp với cách hiểu của người Việt, bởi vì theo cuốn Đại Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, NXB Văn hóa thông tin xuất bản năm 1998 do Nguyễn Như Ý (chủ biên) thì từ “làm” có rất nhiều nghĩa, như: (1) bỏ sức lao động ra để có thể thành quả hay cái thiết yếu cho cuộc sống của mình; (2) bỏ sức lao động và việc thuộc một nghề nào đó; (3) bỏ công sức ra tổ chức, tiến hành một việc lớn hoặc có tính chất trọng thể; (4) Gánh lấy quyền hạn, nhiệm vụ gắn với địa vị, cương vị nào đó; (5) được dùng vào mục đích nào đó; (6) gây ra, tạo ra trực tiếp, coi như là nguyên nhân; (7) thành: chia làm hai nhóm, tách làm đôi, gộp vào làm một; (8) tạo ra cho mình dáng vẻ hay thái độ trong một hoàn cảnh ứng xử nào đó; (9) hoạt động cụ thể trong đời sống sinh hoạt; (10) giết gia súc, gia cầm làm thực phẩm: làm gà, làm vịt, làm cá) [tr.961], do đó khó hiểu hơn “thực hiện” là làm cho trở thành cái có thật bằng hoạt động cụ thể theo trình tự, thao tác nhất định. Mặt khác từ “thực hiện” ghép với từ “buộc” với nghĩa “làm cho phải lâm vào tình thế phải chấp nhận điều trái ý muốn; bắt phải chịu, phải chấp nhận” tạo thành cụm từ “buộc thực hiện” sát nghĩa, phù hợp hơn trong hoạt động thi hành án dân sự.
- Thứ hai, không quy định thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ
Theo quy định tại Điều 56 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, sau khi ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, Chấp hành viên tiếp tục ấn định cho người phải thi hành án phải thực hiện nghĩa vụ trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày đương sự nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thực hiện; nếu họ vẫn không thực hiện thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 119 Luật Thi hành án dân sự thì không quy định thời hạn phải thực hiện nghĩa vụ là bao lâu; vì vậy, kể cả ngay sau khi xử phạt mà người phải thi hành án không chấm dứt thực hiện công việc mà bản án, quyết định tuyên buộc phải chấm dứt thì Chấp hành viên đã có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án.
- Thứ ba, quy định cụ thể hơn về thực hiện cưỡng chế buộc thực hiện công việc trong trường hợp nhất định
Trường hợp cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định, theo đó Chấp hành viên ra quyết định buộc giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định. Trước khi cưỡng chế giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng, Chấp hành viên phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương đó thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án hoặc người đang trông giữ người chưa thành niên không giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền, ấn định thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người đó giao người chưa thành niên cho người được giao nuôi dưỡng. Hết thời hạn đã ấn định mà người đó không thực hiện thì Chấp hành viên tiến hành cưỡng chế buộc giao người chưa thành niên hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án[1].
Cưỡng chế buộc nhận người lao động trở lại làm việc được quy định theo hướng trường hợp người sử dụng lao động không nhận người lao động trở lại làm việc theo bản án, quyết định thì Chấp hành viên ra quyết định phạt tiền đối với người sử dụng lao động là cá nhân hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức sử dụng lao động, đồng thời ấn định thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ra quyết định phạt tiền để người sử dụng lao động thực hiện việc nhận người lao động trở lại làm việc. Hết thời hạn đã ấn định mà người sử dụng lao động không thực hiện thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án. Trường hợp không thể bố trí người lao động trở lại làm công việc theo nội dung bản án, quyết định thì người sử dụng lao động phải bố trí công việc khác với mức tiền lương tương đương theo quy định của pháp luật lao động; trường hợp người lao động không chấp nhận công việc được bố trí và yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán các chế độ theo quy định của pháp luật lao động thì người sử dụng lao động phải thực hiện việc thanh toán để chấm dứt nghĩa vụ thi hành án. Người sử dụng lao động phải thanh toán cho người lao động khoản tiền lương trong thời gian chưa bố trí được công việc theo bản án, quyết định, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi người lao động được nhận trở lại làm việc[2]. Người sử dụng lao động không tự nguyện thanh toán tiền lương cho người lao động thì bị áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án. Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên có nội dung buộc người sử dụng lao động phải tiếp tục trả lương cho người lao động kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến ngày nhận người lao động trở lại làm việc thì việc thi hành án được thực hiện theo đúng nội dung của bản án, quyết định; trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên không có nội dung buộc người sử dụng lao động phải tiếp tục trả lương cho người lao động kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật cho đến ngày nhận người lao động trở lại làm việc thì việc thi hành án vẫn được thực hiện[3].
Với những đổi mới nêu trên đã thể hiện sự tiến bộ hơn của pháp luật về cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định và cũng dễ thực hiện hơn trong thực tiễn thi hành án dân sự.
                                                            Thạc sỹ Lê Anh Tuấn
Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp
 
[1]. Điều 120 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
[2]. Điều 121 Luật Thi hành án dân sự năm 2008.
[3]. Điều 21 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ.