Một số trao đổi về công tác bồi thường nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự

06/07/2017
Bồi thường nhà nước (BTNN) là việc Nhà nước chịu trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại về vật chất, tổn thất về tinh thần do lỗi của người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án.


Đối với hoạt động thi hành án dân sự (THADS), BTNN là trách nhiệm bồi thường từ phía Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của công chức cơ quan THADS gây ra trong khi thi hành công vụ.
Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là trách nhiệm pháp lý thay thế, theo đó Nhà nước với tư cách là bên sử dụng lao động, phải có trách nhiệm bồi thường khi cán bộ, công chức do mình quản lý có hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Như vậy, BTNN có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của cán bộ, công chức gây ra; góp phần tăng cường ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, thúc đẩy quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Thời gian vừa qua, công tác BTNN trong hoạt động THADS đã và đang từng bước đi vào nề nếp, các cơ quan THADS có trách nhiệm bồi thường đã kịp thời thụ lý, xem xét giải quyết yêu cầu bồi thường khi có đủ căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật; số lượng vụ việc BTNN giải quyết dứt điểm ngày càng tăng lên (chỉ tính riêng trong năm 2016 và 05 tháng đầu năm 2017, số vụ việc BTNN trong lĩnh vực THADS được giải quyết dứt điểm và Bộ Tài chính cấp kinh phí lên đến 06 vụ việc, bằng tổng số vụ việc đã giải quyết và được cấp kinh phí của 05 năm liền kề trước đó từ năm 2010 đến năm 2015); một số vụ việc phức tạp, kéo dài nhiều năm đến nay đã được giải quyết dứt điểm, góp phần khôi phục, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho tổ chức, cá nhân, công dân nhằm ổn định tình hình chính trị, xã hội ở địa phương.
Song song với những kết quả nêu trên, trên thực tế việc áp dụng giải quyết yêu cầu bồi thường cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế như sau:
Thứ nhất, những khó khăn, vướng mắc
(1) Các vụ việc phát sinh trách nhiệm BTNN thường là những vụ việc phức tạp, từ quá trình tổ chức THA, cho đến quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhiều vụ việc đã kéo dài nhiều năm, có những vụ lên đến 20 năm, trong khi BTNN đòi hỏi phải đánh giá lại toàn bộ vụ việc để xác định có vi phạm hay không, mức độ vi phạm và xác định lỗi của người gây thiệt hại, nên việc kiểm tra, xác minh lại hồ sơ thi hành án rất khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình giải quyết bồi thường và thẩm định hồ sơ bồi thường;
(2) Pháp luật về BTNN nói chung trong đó có BTNN trong lĩnh vực THADS còn nhiều bất cập, khó khăn trong quá trình áp dụng để giải quyết, xử lý các vụ việc thực tiễn phát sinh, cụ thể như: Chưa có quy định xử lý đối với các trường hợp người yêu cầu bồi thường không phối hợp, không hợp tác với cơ quan giải quyết bồi thường; chưa có quy định về thu hồi, sửa đổi, bổ sung Quyết định giải quyết bồi thường; chưa có quy định về việc thu hồi tiền để hoàn trả NSNN trong trường hợp có người thứ ba được hưởng lợi; chưa có cơ chế bảo đảm tiếp tục tổ chức thi hành án để thu hồi về NSNN trong trường hợp tiền BTNN thực chất là nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án trong một vụ việc cụ thể; quy định về mức hoàn trả của công chức có hành vi trái pháp luật chưa đảm bảo tính răn đe nhằm nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ, hạn chế làm phát sinh trách nhiệm BTNN (ví dụ, Điều 8 của Thông tư số 04/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2014 quy định mức hoàn trả tối đa của ngừời thi hành công vụ trong trường hợp có lỗi vô ý gây ra thiệt hại được xác định không quá 3 tháng lương; trong trường hợp có lỗi cố ý được xác định không quá 36 tháng lương)...
Thứ hai, những tồn tại, hạn chế
Một là, trong công tác quản lý nhà nước về BTNN
(1) Cơ quan quản lý nhà nước về công tác BTNN chưa thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ giải quyết BTNN, lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí cho các cơ quan THADS địa phương;
(2) Hoạt động theo dõi, thống kê các vụ việc BTNN và các vụ việc có nguy cơ bồi thường mặc dù từng bước đã đi vào nề nếp, xong nhiều lúc chưa kịp thời, còn thụ động, điều này hạn chế đến việc kịp thời chỉ đạo cơ quan THADS địa phương trong việc giải quyết vụ việc;
(3) Công tác kiểm tra hoạt động giải quyết BTNN chưa được thực hiện thường xuyên và kịp thời;
(4) Việc xem xét, xác định và đôn đốc thực hiện trách nhiệm hoàn trả của người có hành vi sai phạm chưa được chú trọng, thậm chí vẫn còn bị buông lỏng, dẫn đến hạn chế tác dụng răn đe, nâng cao kỷ luật, kỷ cương công vụ trong hệ thống THADS;
(5) Còn tình trạng chậm chễ trong việc xây dựng báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng báo cáo chung của toàn hệ thống.
Hai là, trong công tác giải quyết vụ việc cụ thể
- Tỷ lệ vụ việc BTNN trong hoạt động THADS ngày càng gia tăng;
- Tỷ lệ vụ việc BTNN giải quyết xong (được Bộ Tài chính cấp kinh phí) còn chiếm tỷ lệ thấp: 13/40 vụ việc (đạt tỷ lệ 32,5%);
- Nhiều vụ việc BTNN kéo dài nhiều năm, chưa được giải quyết dứt điểm.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Những tồn tại, hạn chế nêu trên bao gồm có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, cụ thể như sau:
Nguyên nhân khách quan
- Pháp luật về THADS và pháp luật về BTNN, BĐTC nói chung và trong lĩnh vực THADS nói riêng còn nhiều bất cập (như đã nêu ở phần khó khăn, vướng mắc);
- Công tác BTNN trong THADS là lĩnh vực mới, phức tạp, trong khi tổ chức, cán bộ chịu trách nhiệm tham mưu về công tác này chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao cả về số lượng và chất lượng.
- Những vụ việc phát sinh trách nhiệm BTNN là những vụ việc rất phức tạp, từ quá trình tổ chức thi hành án cho đến quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; nhiều vụ việc đã xảy ra nhiều năm, trải qua nhiều giai đoạn giải quyết khác nhau, vì vậy, quá trình rà soát lại toàn bộ vụ việc sẽ bị kéo dài;
- Ý thức của một số người dân về pháp luật BTNN còn hạn chế, vẫn tồn tại việc chống đối, cố tình không tuân thủ pháp luật về BTNN mặc dù đã được các cơ quan nhà nước vận động, thuyết phục và giải thích.
Nguyên nhân chủ quan
- Một số cơ quan THADS, Thủ trưởng, Chấp hành viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc giải quyết các vụ việc về BTNN nên chưa thực sự quyết liệt trong việc chỉ đạo giải quyết dẫn đến một số vụ việc còn tồn đọng, kéo dài;
- Việc bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về công tác BTNN những năm qua triển khai chưa thường xuyên, sâu, rộng; trong các buổi tập huấn, hội nghị chưa đề cập nhiều đến những kỹ năng nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn về giải quyết yêu cầu bồi thường nên thực tế vẫn còn lúng túng, khó khăn trong thực thi nhiệm vụ;
Từ những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân như đã nêu ở trên, để nâng cao chất lượng công tác BTNN và hạn chế phát sinh trách nhiệm BTNN trong toàn hệ thống cơ quan THADS, cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong quản lý nhà nước công tác BTNN
Một là, Trước mắt, tiếp tục tham gia phối hợp với Cục BTNN để tham mưu hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước (sửa đổi năm 2017) theo hướng khắc phục những bất cập trong pháp luật về BTNN hiện nay. Về lâu dài, đề nghị rà soát tổng thể, trên cơ sở đó nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy trình thi hành án theo hướng đơn giản hóa, bảo đảm thống nhất nhận thức và áp dụng pháp luật trong hoạt động THADS.
Hai là, Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị chuyên sâu để bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ giải quyết bồi thường, đặc biệt tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm thực tiễn công tác THADS từ góc nhìn của công tác BTNN, BĐTC, trong đó, tập trung quán triệt, phổ biến các tình huống, trường hợp dễ xảy ra sai phạm trong quá trình tổ chức thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chú trọng đến việc truyền đạt kinh nghiệm giải quyết các vụ việc cụ thể, từ đó hạn chế tối đa phát sinh trách nhiệm bồi thường nhà nước; mở rộng thành phần tham gia cho cán bộ được phân công, theo dõi công tác giải quyết BTNN trong THADS.
Ba là, chủ động theo dõi, tổng hợp kịp thời các vụ việc BTNN, phát sinh; tập trung giải quyết, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc bồi thường, nhất là các vụ việc bức xúc, kéo dài trong nhiều năm; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết bồi thường của các cơ quan THADS. Phát huy hơn nữa vai trò của người đứng đầu các cơ quan THADS, đặc biệt là những địa phương có vụ việc giải quyết bồi thường còn còn chậm, chưa đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Bốn là, đẩy mạnh công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết BTNN, BĐTC để có biện pháp chỉ đạo giải quyết kịp thời, tránh tình trạng kéo dài, làm tăng số tiền phải BTNN, BĐTC.
Năm là, chỉ đạo các cơ quan THADS có trách nhiệm bồi thường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành trong việc thu hồi khoản tiền phải hoàn trả ngân sách Nhà nước trong những trường hợp người có lỗi gây ra thiệt hại chuyển nơi sinh sống hoặc chuyển công tác,...
Sáu là, thực hiện tốt hơn công tác dự báo, hạn chế thấp nhất các vụ việc có thể xảy ra bồi thường trong THADS, thường xuyên kiểm tra, rà soát các quyết định, hành vi thực thi công vụ trong lĩnh vực THADS có thể dẫn đến vi phạm, phải bồi thường để tổ chức rút kinh nghiệm, phòng tránh.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp hạn chế phát sinh trách nhiệm BTNN
Một là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ trong toàn bộ hoạt động của hệ thống THADS từ Trung ương đến địa phương; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp công chức có hành vi sai phạm với động cơ nhũng nhiễu, vòi vĩnh đương sự; đối với các hành vi sai phạm có dấu hiệu tội phạm đề nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý nghiêm. Thực hiện chính sách điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác để hạn chế tiêu cực, sai sót;
Hai là, xử lý nghiêm đối với các công chức có hành vi sai phạm cả trách nhiệm hoàn trả NSNN và các chế tài xử lý khác như kỷ luật, đề nghị xử lý trách nhiệm hình sự;
Ba là, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ tổ chức thi hành án để hạn chế thấp nhất những sai phạm xảy ra trong quá trình tổ chức thi hành án;
Bốn là, nâng cao chất lượng chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan cấp trên đối với cơ quan cấp dưới bảo đảm sự thống nhất xuyên suốt quá trình tổ chức thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo đến bồi thường nhà nước, bảo đảm tài chính.
Trên đây là những kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế và các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác BTNN và hạn chế phát sinh trách nhiệm BTNN trong toàn hệ thống cơ quan THADS, thực hiện hiệu quả nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên sẽ góp phần giải quyết dứt điểm một số vụ việc BTNN tồn đọng, bức xúc, kéo dài, đồng thời hạn chế sai phạm trong quá trình tổ chức thi hành án, quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tránh phát sinh một số lượng không nhỏ các yêu cầu bồi thường đối với cơ quan thi hành án dân sự hiện nay. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi, góp ý vào địa chỉ hòm thư datnp@moj.gov.vn.
Nguyễn Phúc Đạt
Tài liệu tham khảo
1. Bộ luật dân sự năm 2015;
2. Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009;
3. Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014);
4. Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03/3/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
5. Thông tư liên tịch số 04/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 23/01/2014 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện trách hiệm hoàn trả của người thi hành công vụ;
6. Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BTP-BQP ngày 07/12/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động THADS;
7. Báo cáo số 216/BC-NV3 ngày 28/6/2017 của Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục THADS.