1. Kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ là một yêu cầu khách quan
Quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ là hai mặt không tách rời trong thực tiễn công tác quản lý. Hoạt động quản lý ngành nhằm đề ra các chủ trương, chính sách phát triển toàn ngành, tạo môi trường thuận lợi, phát huy tính chủ động và nâng cao hiệu quả hoạt động cho các tổ chức, đơn vị chuyên ngành phát triển. Quản lý theo lãnh thổ nhằm tổ chức sự điều hòa, phối hợp các hoạt động của các ngành, các tổ chức kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng trên phạm vi cả nước cũng như trên từng đơn vị hành chính lãnh thổ. Việc kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ là một yêu cầu thiết yếu, khách quan. Trên cơ sở phân định rõ chức năng quản lý, các quy định và phân công, phân cấp mà xây dựng nội dung và mức độ thống nhất quản lý ngành cho từng ngành theo đặc điểm ngành; nội dung quản lý lãnh thổ và nội dung, mức độ kết hợp quản lý theo ngành và quản lý theo lãnh thổ nhằm phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng nguồn lực của cả nước, của từng vùng kinh tế, từng địa phương cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia và lợi ích từng địa phương trong sự nghiệp phát triển một cách có lợi nhất những lợi thế của địa phương.
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng ta khẳng định để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cần phải “Xây dựng không gian phát triển kinh tế thống nhất trên cả nước, trong từng vùng theo nguyên tắc kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ. Phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm trong quản lý kinh tế, xã hội giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm sự tập trung thống nhất quản lý của Trung ương và phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương”. Điều 11 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng nhấn mạnh yêu cầu “Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ, phân định rõ nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa chính quyền địa phương các cấp đối với các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn lãnh thổ”.
Để tổ chức hiệu quả hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trên từng địa bàn lãnh thổ, cùng với việc khẳng định Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự “được tổ chức thành hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương, bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất”, Điều 173, 174, 175 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Khoản 5 Điều 5 và Khoản 4 Điều 6 Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp đều nhấn mạnh và cụ thể hóa yêu cầu kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành với quản lý theo lãnh thổ.
2. Vị trí, vai trò của hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ngày càng được mở rộng
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án có vai trò ngày càng quan trong trong việc góp phần bảo đảm thượng tôn pháp luật, các nguyên tắc pháp quyền, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trực tiếp giải phóng nguồn lực kinh tế “đóng băng” trong các tranh chấp, bảo vệ quyền sở hữu tài sản của các nhà đầu tư và nâng cao sự tín nhiệm của nền kinh tế Việt Nam.
- Tạo nền tảng xã hội ổn định
Để phát triển sản xuất kinh doanh, mỗi nền kinh tế phải tạo lập một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định và có tính tin cậy cao. Trong môi trường đó, ổn định xã hội là điều kiện tiên quyết, có tính chất quyết định để có thể triển khai đồng bộ, toàn diện các giải pháp phát triển kinh tế khác. Nhà nước phải bảo đảm thượng tôn pháp luật, các nguyên tắc pháp quyền, thúc đẩy đồng thuận xã hội, phòng chống tội phạm hiệu quả, xét xử công bằng các tranh chấp và thi hành nghiêm túc các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Nói cách khác, Nhà nước phải bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tạo nền tảng ổn định vững chắc để phát triển các quan hệ kinh tế.
- Trực tiếp giải phóng nguồn lực kinh tế
Để kiến tạo môi trường cho kinh tế phát triển, Nhà nước cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó, phải tập trung giải phóng những nguồn lực kinh tế “mất giá trị tạm thời” do bị kê biên, phong tỏa, “đóng băng” trong các tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại mà hàng năm trị giá lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Đồng thời, phải chú trọng đẩy mạnh xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, góp phần lành mạnh hóa nền kinh tế, giảm lãi suất cho vay, khơi thông dòng chảy tài chính phục vụ phát triển kinh tế.
- Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Trước yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, Nghị quyết Trung ương Năm khóa XII vừa qua đã ghi nhận và khẳng định Thi hành án dân sự là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư và khuyến khích phong trào khởi nghiệp.
Phát triển kinh tế tư nhân yêu cầu Nhà nước khẩn trương hoàn thiện thể chế bảo vệ các nhà đầu tư, trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế về sở hữu và bảo vệ quyền sở hữu tài sản. Các quyền sở hữu tài sản của nhà đầu tư phải được tôn trọng và bảo đảm hiệu lực thực thi. Không hình sự hóa các mối quan hệ kinh tế và dân sự. Các quy định về đăng ký và giao dịch tài sản, nhất là bất động sản, phải tiếp tục được phát triển theo hướng minh bạch, liên thông, dễ tiếp cận, bảo đảm cho các quyền tài sản được giao dịch thông suốt, không rơi vào trạng thái ách tắc, trì trệ. Các dịch vụ hành chính công phải được hiện đại hóa để tiết kiệm thời gian, chi phí, không tạo gánh nặng tâm lý đối với người dân và doanh nghiệp.
Trong đời sống kinh doanh, công cụ quan trọng để các nhà đầu tư tiến hành các giao dịch phục vụ hoạt động sản xuất là hợp đồng. Cùng với đó là các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ liên quan trực tiếp đến quyền sở hữu như cầm cố, thế chấp... Hoàn thiện và bảo đảm cơ chế thực thi nghiêm minh, có hiệu quả pháp luật về hợp đồng cùng với việc nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp để bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp là yếu tố quan trọng tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh. Vấn đề các nhà đầu tư quan tâm khi đến làm ăn tại mỗi quốc gia là hiệu lực, hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu tài sản trong trường hợp xảy ra tranh chấp, họ sẽ phải mất bao nhiêu thời gian và chi phí để có thể thu hồi thành công tài sản, đồng vốn của họ.
Theo Ngân hàng thế giới, cùng với các yếu tố khác như khởi sự kinh doanh, tín dụng, xây dựng, đăng ký sở hữu, thuế, bảo hiểm, điện năng, cấp thoát nước, thông quan hàng hóa thì hiệu lực thi hành bản án là một tiêu chí hết sức quan trọng cho sự tín nhiệm của mỗi nền kinh tế. “Công lý chậm trễ là công lý bất công”. Một nền kinh tế có hệ thống tư pháp hiệu lực với các thiết chế đủ năng lực bảo đảm việc thực thi các nghĩa vụ hợp đồng sẽ bảo vệ các quyền tài sản, thúc đẩy mạnh mẽ các thị trường tín dụng và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tương tự, một cơ chế phá sản hiệu quả, nhanh và tiết kiệm sẽ giúp tái phân phối các nguồn lực, rút ngắn thời gian thu hồi tài sản, tiền vốn và sớm đưa các nhà đầu tư trở lại sản xuất, kinh doanh bình thường.
3. Mô hình tập trung “mềm”
Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, hoạt động thi hành án dân sự trở thành một công cụ quan trọng góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng. Giai đoạn này, thi hành án dân sự do Ban Tư pháp xã hoặc Thừa phát lại thực hiện.
Năm 1950, Việt Nam thực hiện cuộc cải cách tư pháp lần thứ nhất xây dựng nền tư pháp nhân dân với thiết chế trung tâm là Tòa án nhân dân. Hoạt động thi hành án dân sự thời kỳ này được giao cho Thẩm phán huyện thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án.
Năm 1960, lần đầu tiên Việt Nam ban hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân. Hoạt động thi hành án dân sự tiếp tục do Tòa án nhân dân thực hiện và quản lý. Để chuyên môn hóa công tác này, các Tòa án có chức danh nhân viên chấp hành án. Từ năm 1972, các Tòa án cấp huyện có chức danh Chấp hành viên để thi hành các bản án, quyết định của Tòa án mình và của Tòa án cấp trên hoặc của Tòa án khác ủy thác. Năm 1974, thành lập Phòng Chỉ đạo thi hành án thuộc Tòa án nhân dân tối cao giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo dõi, kiểm tra, đôn đốc công tác thi hành án tại các tòa án địa phương và xây dựng các văn bản chỉ đạo chung về thi hành án.
Từ năm 1980, Bộ Tư pháp quản lý Toà án nhân dân địa phương về mặt tổ chức, trong đó có công tác thi hành án dân sự. Thành lập Vụ Quản lý Tòa án thuộc Bộ Tư pháp, Phòng quản lý Toà án thuộc Sở Tư pháp, thành lập Phòng Thi hành án thuộc Toà án nhân dân cấp tỉnh.Từ năm 1989, hoạt động thi hành án dân sự chỉ do Chấp hành viên thực hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chánh án Toà án nhân dân nơi Chấp hành viên công tác, đồng thời, chịu sự quản lý, kiểm tra tổ chức và hoạt động của cơ quan Tư pháp cấp trên.
Năm 1993, hoạt động thi hành án dân sự được chuyển giao từ Tòa án nhân dân các cấp sang các cơ quan thuộc Chính phủ. Trên cơ sở đó, thành lập Cục Quản lý Thi hành án thuộc Bộ Tư pháp, Phòng Thi hành án thuộc Sở Tư pháp cấp tỉnh và Đội thi hành án thuộc Phòng Tư pháp cấp huyện.Từ năm 2004, vị thế của các cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục được nâng cao và trở thành hệ thống cơ quan tương đối độc lập.
Năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam ban hành Luật Thi hành án dân sự. Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương theo nguyên tắc tập trung thống nhất gồm Tổng cục thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp, Cục thi hành án dân sự cấp tỉnh và Chi cục thi hành án dân sự cấp huyện. Giai đoạn này, các cơ quan thi hành án dân sự được bổ sung nhiệm vụ theo dõi thi hành án hành chính.
Trong thực tiễn quản lý, có ba nguyên tắc chính chi phối hoạt động của tổ chức hành chính nhà nước, cụ thể là trong mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, bao gồm: Tập quyền, phân quyền và tản quyền.
- Tập quyền là nguyên tắc trung ương nắm giữ mọi quyền hành, là cơ quan duy nhất quyết định và điều hành mọi công việc quốc gia. Cơ quan hành chính nhà nước trung ương điều khiển, kiểm soát cấp dưới.
Ưu điểm của nguyên tắc này là (1) Bộ máy hành chính trung ương - đại diện và bênh vực cho quyền lợi quốc gia, không bị ảnh hưởng bởi quyền lợi địa phương, không có bè phái, mâu thuẫn giữa trung ương và địa phương, (2) Thống nhất được các biện pháp quản lý hành chính trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia để kiểm soát và điều khiển các bộ máy hành chính địa phương, (3) Có đầy đủ phương tiện hoạt động hơn các địa phương về mặt tài chính, kỹ thuạt và nhân lực, (4) Trong những tình huống khẩn cấp (chiến tranh, khủng hoảng…), tập trung mọi quyền lực trong tay bảo vệ lợi ích chung của quốc gia, phối hợp được hoạt động của các địa phương ở tầm chiến lược, thích hợp để bảo vệ quyền lợi tối cao của tổ quốc và tránh được các xung đột quyền lợi giữa các địa phương.
Tuy nhiên, chế độ quản lý này có thể dẫn đến một nền hành chính cai trị, cai quản, thiếu dân chủ do (1) Xa địa phương nên các cơ quan trung ương không lưu ý đến và ít hiểu biết đặc điểm của mỗi địa phương, không kịp thời nắm tình hình địa phương, tâm tư, nguyện vọng và nhu cầu của nhân dân địa phương, do đó, một số chính sách của trung ương ban hành hoặc không khả thi ở địa phương hoặc không được nhân dân địa phương ủng hộ, (2) Do phải quản lý nhiều công việc nên bộ máy hành chính trung ương cồng kềnh, nhiều tầng nấc, bận rộn, quá tải. Vì tập trung quá nhiều việc, các cơ quan hành chính nhà nước trung ương không thể theo dõi và giải quyết kịp thời mọi vấn đề của địa phương, làm thiệt hại quyền lợi của địa phương và cả trung ương, (3) Thiếu dân chủ, ít tạo điều kiện để phát huy tính tự quản và sáng tạo của địa phương trong việc phát huy thế mạnh của từng địa phương, nhân dân địa phương không được hoặc rất ít được tham gia vào công việc quốc gia.
- Phân quyền lãnh thổ (địa phương) là sự phân giao quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm, phương tiện vật chất, tài chính, nhân sự… cho chính quyền địa phương. Chính quyền trung ương công nhận quyền tự quản trong phạm vi và mức độ khác nhau của ccs đơn vị hành chính địa phương các cấp. Tại địa phương, nhân dân được bầu người thay mặt mình để đảm đương công việc hành chính địa phương. Các chính quyền địa phương trở thành các đơn vị tự quản, được tự chủ quyết định các vấn đề thuộc quyền địa phương.
Nguyên tắc này có ưu điểm là (1) Bảo vệ và phát triển quyền lợi, nhu cầu của địa phương, tôn trọng những đặc điểm đặc thù của từng địa phương, các công việc được quyết định phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương, (2) Hợp với tinh thần dân chủ vì khuyến khích, tạo điều kiện để nhân dân tham gia vào công việc quản lý địa phương. Nhân dân địa phương thực hiện quyền dân chủ trong hành chính bằng cách bầu ra cơ quan hành chính nhà nước địa phương, như vậy là khuyến khích nhân dân địa phương tham gia vào công việc quốc gia, (3) Chính quyền địa phương có quyền tự quản, tự trị nên có thể bênh vực quyền lợi địa phương hữu hiệu hơn, (4) Là hình thức tổ chức thuận lợi nhất cho người dân kiểm tra chính quyền, hạn chế nạn tham nhũng, lãng phí, phiền hà, sách nhiễu, vi phạm pháp luật ở địa phương, (5) Giảm bớt khối lượng công việc của bộ máy hành chính nói chung và chính quyền trung ương nói riêng. Vai trò của chính quyền trung ương thu hẹp, tập trung vào công việc quốc gia mang tầm chiến lược quan trọng.
Nhược điểm của nguyên tắc này bao gồm: (1) Các nhà chức trách địa phương do nhân dân địa phương bầu ra có thể không đủ khả năng chuyên môn để đảm đương công việc hành chính, (2) Các nhà hành chính địa phương được bầu ra là lãnh tụ của các nhóm xã hội (dòng họ, tôn giáo…) nên có thể không hoàn toàn vô tư trong công việc, (3) Do sự kiểm soát của trung ương lỏng lẻo nên có xu hướng lạm chi công quỹ hoặc sử dụng không có hiệu quả ngân sách địa phương, (4) Có thể xảy ra trường hợp các nhà chức trách địa phương do quá chú trọng vào quyền lợi địa phương mà sao nhãng quyền lợi quốc gia.
- Tản quyền là biện pháp vừa khắc phục những khuynh hướng sai lệch của tập quyền sinh ra tập trung quan liên, vừa khắc phục khuynh hướng sai lệch phân tán, địa phương chủ nghĩa. Để công việc địa phương được giải quyết nhanh hơn, chính quyền trung ương chuyển một phần quyền lực của mình cho chính quyền địa phương và bổ nhiệm các công chức địa phương đại diện cho các cơ quan trung ương sử dụng quyền hành chính, chịu trách nhiệm trước chính quyền trung ương.
Tản quyền là chính sách thông qua đó các công chức nhà nước trung ương tại địa phương, do nhà nước trung ương cử xuống địa phương, được giao những thẩm quyền mà trước kia do các bộ trực tiếp nắm giữ. Theo nguyên tắc này, quyền lực nhà nước vẫn được tập trung vào trung ương, nhưng nhà nước trung ương cử, bổ nhiệm đại diện của mình về các đơn vi hành chính - lãnh thổ trực thuộc để tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Các đại diện của trung ương không những thực hiện quyền giám sát địa phương mà còn trực tiếp thực hiện quyền lực ngay tại địa phương thông qua các nhân viên, các cơ quan do mình bổ nhiệm, thành lập. Theo nguyên tắc tản quyền, quyền quyết định được phân chia cho nhiều cơ quan và cá nhân. Trong số những cơ quan này, có một cơ quan đứng đầu, các cơ quan còn lại trực thuộc cơ quan cấp trên, như vậy, cơ quan đứng đầu là trung tâm của các cơ quan tản quyền trực thuộc. Chính vì vậy, tản quyền cũng là tập trung quyền lực, nhưng các cơ quan tản quyền được tổ chức theo thứ bậc cả về văn bản và về nhân sự.
Tản quyền về bản chất chỉ là sự biểu hiện của tập trung, nhưng để hạn chế những nhược điểm của tập quyền, giảm mật độ tập trung của chính quyền trung ương tại thủ phủ của nó, hạn chế tình trạng quan liêu của chính quyền trung ương trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh tại các cộng đồng lãnh thổ, để thực hiện các công việc của mình chính quyền trung ương đặt các bộ phận cơ cấu của mình tại các địa phương để giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của trung ương. Các cơ cấu tản quyền thực chất là “người” đại diện của chính quyền trung ương, cấp trên trong quan hệ với cấp dưới để giải quyết các vấn đề phát sinh ở địa phương thuộc thẩm quyền của cấp trên. Mô hình hành chính tản quyền có thể được thực hiện mang tính tổng thể cho mọi lĩnh vực hoạt động quản lý. Nhưng cũng có thể chính phủ trung ương tập trung chỉ một số lĩnh vực và thực hiện mô hình tản quyền xuống địa phương. Khái niệm ngành dọc ở Việt Nam là một kiểu mô hình hành chính tập trung nhưng tản quyền về các địa phương. Hiện nay ở nước ta các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc theo ngành dọc có thể hiểu thuộc cơ cấu “tản quyền” như: Hải quan, Thống kê, Kho bạc, Ngân hàng nhà nước, Kiểm toán nhà nước, Thi hành án dân sự...
Nói cách khác, tản quyền thực chất là một hình thức của tập quyền. Theo nguyên tắc này, quyền lực nhà nước vẫn được tập trung ở trung ương, nhưng chính quyền trung ương cử (bổ nhiệm) đại diện của mình về các lãnh thổ trực thuộc để tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Như vậy, tản quyền là sự uyển chuyển của hành chính tập quyền nhằm giảm bớt công việc của chính phủ trung ương và đưa về các vùng lãnh thổ. Chính phủ trung ương thiết lập ở mỗi vùng (có thể là một tỉnh, có thể là liên tỉnh) một thể chế đại diện có thẩm quyền thay mặt chính phủ trung ương giải quyết tại chỗ một số công việc của chính phủ với sự phối hợp cùng chính quyền địa phương.
Hành chính tản quyền có ưu điểm là giảm công việc của chính phủ đang bị ứ đọng ở trung ương và trong chừng mực nhất định có tính toán đến các đặc điểm địa phương, lợi ích địa phương khi giải quyết công việc của trung ương. Người đại diện chính phủ trung ương trong mô hình hành chính tản quyền là người có khả năng giải quyết tốt các mối quan hệ lợi ích giữa trung ương với địa phương trong một số công việc nhất định. Về bản chất, tản quyền khác với phân cấp quản lý ở chỗ đây không phải là quá trình chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong hệ thống mà chỉ xảy ra trong nội bộ của một cơ quan hành chính nhà nước. Chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính không thay đổi, chỉ thay đổi cách thức triển khai và thực hiện. Trước đây, cơ quan thực hiện các công vụ có trụ sở ở trung ương, nay chuyển các cơ quan đó về đóng tại địa phương để thực thi nhiệm vụ. Đó thực chất là phân công công việc và chịu trách nhiệm cho các bộ phận, các đơn vị con. Các đơn vị của chính phủ đặt tại địa phương được gọi là đơn vị ngoại nhiệm. Tản quyền chỉ là sự phân định thẩm quyền trong một cơ quan hành chính nhà nước, không phải là sự phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền như phân cấp.
Nguyên tắc tản quyền trong có những đặc điểm sau: Đặc điểm: (1) Quyền lực nhà nước vẫn được tập trung vào trung ương; (2) Nhà nước trung ương không những thực hiện quyền giám sát địa phương mà còn trực tiếp thực hiện quyền lực ngay tại địa phương thông qua các nhân viên, các cơ quan do mình bổ nhiệm, thành lập; (3) Các cơ quan tản quyền chỉ thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn do chính phủ giao, không có quyền can thiệp vào công việc của chính quyền địa phương; (4) Các cơ quan tản quyền cấp dưới có thẩm quyền, nhưng là thẩm quyền là do được uỷ quyền chứ không phải là thẩm quyền độc lập; (6) Các cơ quan tản quyền được tổ chức theo thứ bậc hành chính cả về văn bản (văn bản cấp trên hiệu lực cao hơn cấp dưới, cấp dưới phải chấp hành văn bản cấp trên, trái thì bị cưỡng chế) và về nhân sự; (7) Sự kiểm tra thực hiện bởi cấp trên trực tiếp theo thứ bậc hành chính, có hiệu lực hành chính (có quyền huỷ bỏ, đình chỉ, sửa đổi, thay thế văn bản của cơ quan cấp dưới cả vì lý dó bất hợp pháp và bất hợp lý);...
Ưu điểm: (1) Bảo đảm lợi ích trung ương; (2) Do cơ quan tản quyền gần dân, hiểu được quyền lợi cũng như tâm tư và nguyện vọng của nhân dân địa phương nên một số vấn đề của trung ương được giải quyết ở địa phương bảo đảm tính kịp thời, sát thực với tình hình địa phương, đảm bảo được quyền lợi địa phương; (3) Đơn giản hoá tổ chức và điều hành của bộ máy hành chính trung ương, đồng thời tăng cường hiệu năng của bộ máy hành chính địa phương. Các nhà chức trách địa phương "gánh vác" công việc đỡ trung ương, tạo điều kiện để chính quyền trung ương tập trung giải quyết những vấn đề mang tính chiến lược tầm quốc gia; (4) Các cơ quan tản quyền đóng ngay ở địa phương nên gần dân hơn, có thể dung hoà được quyền lợi giữa trung ương và địa phương, tạo được uy tín của trung ương đối với nhân dân địa phương.
4. Một số kết quả nổi bật đạt được
Những kết quả nổi bật trong thi hành án dân sự, thi hành án hành chính trong thời gian qua:
- Kết quả về việc, về tiền ngày càng tăng, năm 2016 thi hành xong trên 530 nghìn việc và trên 29 nghìn tỷ đồng. Năm 2017,thi hành xong gần 550 nghìn việc và trên 35 nghìn tỷ đồng. Công tác thi hành án hành chính ngày càng đi vào nề nếp. Năm 2017, trong số 361 bản án, quyết định có nội dung theo dõi, đã thi hành xong 276 việc.
- Hệ thống văn bản pháp luật về thi hành án dân sự đã được hoàn thiện với 02 Nghị định, 01 Chỉ thị, 08 Thông tư liên tịch và 13 Thông tư. Các Quy chế phối hợp liên ngành; các Quy chế, Quy trình nội bộ được chú trọng ban hành, tạo hành lang pháp lý ổn định, vững chắc triển khai nghiêm túc, hiệu quả, toàn diện các mặt công tác thi hành án.
- Công tác hướng dẫn nghiệp vụ trong toàn Hệ thống ngày càng đi vào nề nếp. Bộ Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm thống nhất nghiệp vụ trong toàn Hệ thống. Công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất, toàn diện và chuyên đề các nội dung liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác xác minh, kê biên và xử lý tài sản để thi hành án cũng được chú trọng, qua đó, chấn chỉnh, khắc phục sai sót trong thực tiễn.
- Công tác phối hợp liên ngành tiếp tục được đặc biệt quan tâm chú trọng ở cả trung ương cũng như địa phương. Nhiều Quy chế phối hợp liên ngành với các bộ, ngành liên quan như Tòa án, Kiểm sát, Nội chính, Công an, Ngân hàng, Bảo hiểm xã hội được ban hành và triển khai hiệu quả, giúp các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Công tác tiếp công dân tại các cơ quan thi hành án dân sự đã tiến bộ một bước. Hiệu quả, chất lượng, kỹ năng dân vận trong lĩnh vực này từng bước được nâng cao. Việc thực hiện quy định người phải đứng đầu cơ quan trực tiếp tiếp công dân đã đi vào nề nếp. Đáng chú ý là những năm qua, trong bối cảnh số việc và tiền tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp nhưng số việc khiếu nại, tố cáo giảm đã thể hiện sự chuyển biến rõ rệt trong công tác thi hành án dân sự.
- Để nâng cao hiệu quả chỉ đạo giải quyết đối với một số vụ việc trọng điểm, vụ việc thi hành án dân sự có khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, Bộ Tư pháp đã ban hành Quy định về tiêu chí xác định việc thi hành án dân sự trọng điểm và Quy định về tiêu chí xác định khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự phức tạp, kéo dài và trách nhiệm tổ chức thực hiện để các địa phương đã rà soát, tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm các vụ việc loại này.
- Công tác tuyên truyền pháp luật thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và các văn bản có liên quan được chú trọng qua đó giúp người dân, đương sự nhận thức đầy đủ quyền và nghĩa vụ, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung và ý thức chấp hành bản án nói riêng.
- Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và tổ chức thi hành án được chú trọng. Các cơ quan thi hành án dân sự đã vận hành hiệu quả Cổng, Trang thông tin điện tử, đăng tải công khai danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án, rà soát, công bố các thủ tục hành chính. Từ 01/6/2017, toàn quốc đã thống nhất thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, qua đó góp phần rút ngắn thời gian thi hành án, nêu cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
- Công tác xây dựng và phát triển Hệ thống được chú trọng, đến 30/9/2017, đã thực hiện 9.347/9.657 biên chế; toàn quốc có 3.867 Chấp hành viên; 736 Thẩm tra viên và 1.929 Thư ký thi hành án; kiện toàn, bổ nhiệm 62/63 Cục trưởng, 01 Quyền Cục trưởng và 136 Phó Cục trưởng; 641/710 Chi cục trưởng, 25 Quyền Chi cục trưởng, 44 Phó Chi cục trưởng phụ trách và 1.021 Phó Chi cục trưởng.
- Năm 2017, có 63 Cục và 675 Chi cục được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc; 59 Cục và 201 Chi cục được đầu tư xây dựng kho vật chứng. Kinh phí ngân sách và trang thiết bị làm việc như xe ô tô, máy tính, máy in, máy photocoppy được bảo đảm. Hệ thống truyền hình trực tuyến đa phương tiện, Phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê dân sự được triển khai đến 63 Cục Thi hành án dân sự địa phương.
Ths.Nguyễn Xuân Tùng
Chánh Văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự