Nâng cao trách nhiệm của Lãnh đạo, Chấp hành viên, cán bộ cơ quan thi hành án dân sự trong thực thi nhiệm vụ

29/04/2018
Trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ Tư pháp đã tích cực chỉ đạo toàn Hệ thống Thi hành án dân sự triển khai quyết liệt toàn diện, đồng bộ, kịp thời các mặt công tác. Các cơ quan thi hành án dân sự thi hành xong số việc đạt tỉ lệ 52,61% (tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2017). Kết quả đạt được góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội; quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan đến công tác thi hành án dân sự.


Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, thời gian gần đây tình hình vi phạm, tội phạm xảy ra trong Hệ thống thi hành án dân sự nổi lên nhiều vụ việc nổi cộm liên quan đến nhiều vụ việc thi hành án có giá trị lớn; các sai phạm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ thi hành án và sai phạm tài chính, kế toán có xu hướng giảm nhưng sai phạm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và sai phạm khác có chiều hướng gia tăng.
Kết quả kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, theo dõi việc thực hiện kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân các cấp và phòng chống tham nhũng trong các cơ quan thi hành án dân sự cho thấy cán bộ, công chức cơ quan thi hành án dân sự còn nhiều thiếu sót trong việc tổ chức thi hành án như: Vi phạm trong việc ra các quyết định về thi hành án; thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án về thông báo, tống đạt các văn bản, quyết định về thi hành án; xác minh điều kiện thi hành án; ủy thác thi hành án; thu, chi tiền thi hành án; cưỡng chế kê biên, bán đấu giá tài sản; chưa theo dõi trình tự xử lý tài sản thế chấp để kịp thời kê biên dẫn đến tài sản bị giải chấp, chuyển nhượng, gây thiệt hại cho đương sự; vi phạm về những việc Chấp hành viên không được làm; Thủ trưởng cơ quan thi hành án chưa thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác tài chính kế toán, kho vật chứng. Ngoài ra, có một số cán bộ, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự bị khởi tố và xem xét hình sự về các tội như: Tội lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt, tham ô tài sản; Tội thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, tổ chức thi hành án dân sự; Tội ra quyết định trái pháp luật; Tội nhận hối lộ; Tội đánh bạc .v.v.
Nguyên nhân dẫn đến vi phạm, tội phạm:
* Về nguyên nhân chủ quan:
- Do một số lãnh đạo, Chấp hành viên, Kế toán, Thủ kho cơ quan thi hành án dân sự thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, chưa thực hiện đúng quy trình, thủ tục pháp luật; nhận thức pháp luật chưa thống nhất; có trường hợp lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc quy định chưa rõ của luật để gây khó khăn cho đương sự;
- Có trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ. Pháp luật đã quy định rõ về trình tự thủ tục thi hành án, tuy nhiên, cán bộ, Chấp hành viên khi thực thi nhiệm vụ không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, thực hiện không đúng quy định về trình tự thủ tục thi hành án; thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ gây hậu quả nghiêm trọng đến mức bị khởi tố hình sự.
- Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong Hệ thống thi hành án dân sự ngày càng diễn biến phức tạp là do sự nể nang, né tránh của người có thẩm quyền. Thực tế nhiều người đều biết, báo chí đưa tin và phản ánh chính xác. Tuy nhiên, đến khi cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự địa phương mới biết mức độ vi phạm, phạm tội của cán bộ, Chấp hành viên là rất nghiêm trọng.
* Về nguyên nhân khách quan: Một số lãnh đạo đơn vị thiếu kiểm tra, đôn đốc nhất là trong công tác tài chính kế toán và quản lý tang vật. Luật, văn bản hướng dẫn  về công tác thi hành án dân sự chưa đồng bộ nên viêc áp dụng trong một số trường hợp còn vướng mắc, chưa thống nhất.
Nhằm nâng cao trách nhiệm của Lãnh đạo, Chấp hành viên, cán bộ cơ quan thi hành án dân sự trong thực thi nhiệm vụ, Hệ thống thi hành án dân sự cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Về phía Tổng cục Thi hành án dân sự:
- Tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị trực thuộc để nắm bắt được thực trạng, những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong Hệ thống thi hành án dân sự tỉnh, từ đó có giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời.
- Hướng dẫn, đôn đốc các Cục Thi hành án dân sự tăng cường kiểm tra các đơn vị trực thuộc phát hiện, chấn chỉnh các thiếu sót, sai phạm nếu có. Thực hiện khen thưởng, kỷ luật công bằng để động viên kịp thời cán bộ, công chức, người lao động.
- Tổ chức các khóa học nghiệp vụ để củng cố bồi dưỡng kiến thức, chú trọng hướng dẫn công tác thi hành án dân sự về nhận thức pháp luật, trình tự, thủ tục thi hành án, nghiệp vụ về Tài chính, kế toán đặc biệt về công tác thu chi thi hành án cho kế toán và thủ trưởng các đơn vị; tăng cường, chú trọng hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án dân sự, kịp thời phát hiện, đề xuất hoàn thiện Hệ thống pháp luật về công tác thi hành án dân sự, bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
- Thực hiện Thông báo số 16/TB-VPCP ngày 12/01/2018 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2018:
+ Tập trung tham mưu giúp Chính phủ triển khai hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước; đề xuất các biện pháp cụ thể nâng cao kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính trong việc chấp hành bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, đôn đốc, kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không chấp hành án hành chính theo quy định. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế về thi hành án hành chính.
+ Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và cảnh báo, phòng ngừa những vi phạm, sai sót trong toàn Hệ thống thi hành án. Tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra của các tổ chức hữu quan, Mặt trận, đoàn thể, Ủy ban Kiểm tra các cấp, trong đó, đặc biệt lưu ý vai trò kiểm sát của Viện kiểm sát đối với công tác thi hành án dân sự.
- Nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong khắc phục và phòng ngừa vi phạm, tội phạm xảy ra trong Hệ thống thi hành án dân sự, tại Hội nghị nội bộ trong dịp sơ kết công tác thi hành án dân sự 06 tháng đầu năm 2018, Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các biện pháp sau:
Một là, chỉ đạo khắc phục ngay các vi phạm, thiếu sót trong công tác thi hành án dân sự và hậu quả do hành vi phạm tội của cán bộ, Chấp hành viên gây ra;
Hai là, quán triệt thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về công tác phòng chống vi phạm, tội phạm, cụ thể:
+ Nghị quyết số 63/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm;
+ Nghị quyết số 111/2015/QH 13 ngày 27/11/2015 của Quốc hội về cong tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Toà án nhân dân và công tác thi hành án năm 2016 và các năm tiếp theo;
+ Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.
+ Chỉ thị số 01/CT-BTP ngày 11/2/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc tăng cường phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong thi hành án dân sự. Theo đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự địa phương và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp quán triệt nghiêm túc, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tiêu cực, tham nhũng; thực hiện chuẩn mực đạo đức của các chấp hành viên, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp; quán triệt những việc cán bộ, công chức không được làm cũng như đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp nhận, xử lý kịp thời các dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng xảy ra trong đơn vị.
2. Về phía các cơ quan thi hành án dân sự địa phương:
Một là, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự về khắc phục và phòng ngừa vi phạm, tội phạm xảy ra trong Hệ thống thi hành án dân sự.
Hai là, thực hiện nghiêm Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 của  Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành bản Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công  chức, viên chức Ngành Tư pháp. Theo đó, cán bộ, công  chức, viên chức Hệ thống thi hành án dân sự cần thực hiện các chuẩn mực về lòng trung thành, phấn đấu của cán bộ, công  chức, viên chức Ngành Tư pháp đối với mục tiêu xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN gắn liền với đặc trưng nhiệm vụ của Ngành; về thái độ ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức của Ngành trong quan Hệ với nhân dân; về nguyên tắc, phương pháp thực hiện công tác tư pháp; về phẩm chất đạo đức đối với đồng nghiệp và bản thân mà cán bộ, công chức, viên chức của Ngành cần nêu gương thực hiện. Đó là:
(1). Với Tổ quốc - Trung thành, phấn đấu vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
(2). Với nhân dân - Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.
(3). Với công tác tư pháp - Trách nhiệm, tận tụy, sáng tạo, kỷ cương, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư.
(4). Với đồng nghiệp - Đoàn kết, thân ái, hợp tác, cùng tiến bộ.
(5). Với bản thân - Nêu gương cần, kiệm, liêm, chính, thượng tôn pháp luật.
Ba là, quán triệt Lãnh đạo, Chấp hành viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án, Kế toán, Thủ kho, Thủ quỹ và công chức khác tại Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự thuộc địa phương mình chấp hành đúng quy định pháp luật về thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao;  
Bốn là, tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ, hướng dẫn đôn đốc các Chi cục thực hiện nghiêm các quy định về quản lý kho vật chứng.
Năm là, chú trọng tăng cường công tác kiểm tra, khắc phục, tổ chức rút kinh nghiệm và phòng ngừa các dạng vi phạm thiếu sót nêu trên, nhất là hiện tượng tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án dân sự; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác thu chi, quản lý tài chính, kế toán, công tác quản lý tiền, tang vật là tài sản của cơ quan thi hành án dân sự các cấp, cụ thể:
+ Thực hiện và hướng dẫn, chỉ đạo các Chi cục trực thuộc, Chấp hành viên, kế toán, thống kê khẩn trương rà soát, hoàn tất hồ sơ thủ tục, xử lý các khoản tiền tạm thu, tạm giữ, các khoản phải trả về thi hành án, phân tích nguyên nhân, báo cáo Tổng cục để có biện pháp xử lý theo quy định.
+ Thực hiện tốt chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các Chi cục trực thuộc, Chấp hành viên, kế toán, thống kê.
+ Tăng cường công tác kiểm tra các đơn vị trực thuộc để nắm bắt được thực trạng, những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong Hệ thống thi hành án dân sự tỉnh, từ đó có giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời.
+ Cục trưởng cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm ban hành và thực hiện nghiêm quy trình nội bộ quy định công tác phối hợp đối chiếu, kiểm tra giám sát giữa các bộ phận, cá nhân Chấp hành viên, kế toán, thống kê đặc biệt là quy trình thanh toán biên lai, thu chi tiền, tài sản tang vật, ...
Qua kiểm tra phát hiện những sai lệch, tìm nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân có liên quan, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; chỉ đạo thực hiện rút kinh nghiệm đối với các đơn vị trực thuộc, trong đó tập trung vào các mặt tồn tại hạn chế để đảm bảo các đơn vị không lặp lại các sai phạm trên.
Lan Anh