Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án tín dụng, ngân hàng

02/05/2018
Thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cơ quan thi hành án dân sự, không chỉ đảm bảo việc hoàn thành chỉ tiêu được giao hàng năm của các cơ quan thi hành án dân sự mà còn góp phần tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng cải thiện được thanh khoản, mở rộng tín dụng hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ.


1. Thực trạng việc tổ chức thi hành án dân sự cho các tổ chức tín dụng ngân hàng
Theo số liệu thống kê thì các cơ quan thi hành án dân sự đang tiến hành tổ chức thi hành án cho 42 tổ chức tín dụng trong nước; 08 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; 06 ngân hàng liên doanh tại Việt Nam. Trong đó:
- Từ ngày 01/10/2016 đến ngày 30/9/2017, tổng số phải thi hành loại này là 22.473 việc, với số tiền là 99.311 tỷ 812 triệu 726 nghìn đồng, tương ứng với 2,58% về việc và 60,74% về tiền so với tổng số việc và tiền phải thi hành của toàn quốc.
Kết quả: Thi hành xong: 4.440 việc, thu được số tiền là 27.701 tỷ 223 triệu 513 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 19,76% về việc và 27,89% về tiền, tăng so với năm 2016 cả về giá trị tuyệt đối (tăng 1.092 việc và tăng 8.046 tỷ 633 triệu 225 nghìn đồng) và về tỷ lệ (tăng 2,41% về việc và 2,9% về tiền).
- Từ 01/10/2017 đến 31/3/2018 (6 tháng đầu năm 2018), tổng số phải thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng là 21.508 việc, tương ứng với số tiền  94.928 tỷ 627 triệu 164 nghìn đồng (chiếm tỷ lệ 3.38% về việc và 58.25% về tiền toàn quốc ) và bằng 95,7 % số việc, 95 % về tiền phải thi hành của năm 2017. Kết quả các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong 1.676 việc, thu được số tiền 6.446 tỷ 442 triệu 565 nghìn đạt tỷ lệ 7.79% về việc và 11.28% về tiền.
Từ số liệu thống kê cho thấy số việc phải thi hành án cho tổ chức tín dụng, ngân hàng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong số việc phải thi hành án hàng năm (năm 2017 chiếm 2,58%, 6 tháng đầu năm 2018 cũng đã tăng nhưng cũng chỉ chiếm 3.38%). Tuy nhiên, số tiền trong các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng chiếm tỷ lệ rất cao trong số tiền phải tổ chức thi hành án (năm 2017 chiếm 60,74%, 6 tháng đầu năm 2018 chiếm 58.25%). Một số địa phương có số việc và tiền phải thi hành án lớn (Ví dụ  thành phố Hồ Chí Minh (2.245 việc; trên 35.930 tỷ); Hà Nội (3.561 việc, trên 15.957 tỷ), Đồng Nai (689 việc, trên 1.777 tỷ đồng), Long An (929 việc; trên 2.479 tỷ đồng), Cần Thơ (820 việc, trên 2.121 tỷ đồng), An Giang (738 việc; trên 3.002 tỷ đồng), Kiên Giang (739 việc, trên 1.221 tỷ đồng) và Sóc Trăng (579 việc, trên 720 tỷ đồng).
Từ số liệu trên cho thấy, kết quả thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành chỉ tiêu được giao của các cơ quan thi hành án dân sự mà cụ thể là chỉ tiêu về tiền.
2. Những khó khăn vướng mắc trong việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng
Đặc điểm nổi bật của loại việc này là có tài sản để đảm bảo cho các nghĩa vụ thi hành án. Đây cũng là điểm thuận lợi cho các cơ quan thi hành án khi tổ chức thi hành đối với loại việc này đó là không phải xác minh, tìm kiếm tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Do đó, việc tổ chức thi hành án cũng có nhiều thuận lợi và thời gian tổ chức thi hành án cũng không bị kéo dài.
Tuy nhiên, trên thực tế, cơ quan thi hành án dân sự khi xử lý tài sản bảo đảm thì nhiều trường hợp không thu đủ số tiền phải thi hành án[1], mặt khác, việc xử lý tài sản bảo đảm rất khó khăn, phức tạp, cụ thể:
Thứ nhất, khó khăn việc xác minh hiện trạng tài sản bảo đảm là bất động sản[2]; truy tìm tài sản là động sản [3]. Chi phí xác minh tài sản lớn nhưng cơ quan thi hành án dân sự không được cấp hoặc cấp không đủ. Chính quyền địa phương một số tỉnh, thành phố cho rằng cơ quan thi hành án dân sự không có trong danh mục các cơ quan nhà nước để miễn, giảm phí yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin liên quan đến quyền sử dụng đất nên cũng gây khó cho quá trình tổ chức thi hành án. 
Thứ hai, khó khăn trong việc xác định thứ tự xử lý tài sản bảo đảm của bên thứ ba thế chấp tài sản của mình để bảo đảm các khoản vay của người phải thi hành án vì còn nhiều ý kiến cho rằng phải xử lý hết tài sản của người phải thi hành án mới xử lý tài sản thế chấp (tài sản bảo đảm) của bên thứ ba[4].
Thứ ba, khó khăn trong việc thẩm định giá đối với một số tài sản đặc thù (tài sản ít lưu thông trên thị trường như dây chuyển sản xuất loại hàng chuyên dùng…); đối với các quyền tài sản; một số trường hợp người phải thi hành án chống đối, không hợp tác cản trở tổ chức thẩm định thực hiện việc xác định giá.
Thứ tư, còn nhiều ý kiến khác nhau trong việc thực hiện quyền ưu tiên mua tài sản chung đối với tài sản đã thế chấp [5].
Thứ năm, khó khăn trong việc giao tài sản và hoàn thiện thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng cho người mua trúng đấu giá.[6]
Thứ sáu, việc xác định thứ tự ưu tiên thanh toán cho Ngân hàng trong trường hợp người phải thi hành án phải thi hành nhiều bản án, quyết định của Tòa án (có bản án, quyết định của Tòa án có tài sản bảo đảm cho Ngân hàng, có bản án, quyết định của Tòa án không có tài sản bảo đảm cho những người được thi hành án khác) và cơ quan thi hành án đã thu được tiền từ việc xử lý tài sản không bảo đảm nhưng chưa xử lý hoặc xử lý chưa xong tài sản bảo đảm.
Thứ bảy, việc hoãn thi hành án trong trường hợp Tòa án thụ lý tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm đã được bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành tuyên kê biên, xử lý để đảm bảo thu hồi khoản nợ cho tổ chức tín dụng.
3. Nguyên nhân của những khó khăn vướng mắc nêu trên
Những khó khăn vướng mắc nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: sự bất cập trong các quy định pháp luật; người phải thi hành án chống đối cản trở việc thi hành án; bản án, quyết định của Tòa án tuyên chưa rõ ràng; sự thiếu tinh thần trách nhiệm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng khi cho vay và quản lý tài sản bảo đảm; sự phối hợp và hợp tác của các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức thi hành án.... Trong khuôn khổ bài viết này chỉ tập trung vào 02 nguyên nhân đó là:
3.1. Sự bất cập, chồng chéo, chưa rõ ràng của pháp luật có liên quan:
Trong thời gian qua, hệ thống các quy định của pháp luật được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp 2013. Các quy định pháp luật dần được hoàn thiện; các mâu thuẫn, bất cập chồng chéo trong hệ thống pháp luật dần được loại bỏ, khắc phục. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định mới ban hành khi áp dụng trên thực tế đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong đó có cả các quy định pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự.
Thứ nhất, chưa có quy định cụ thể trong việc xác định tư cách của bên thứ ba cầm cố, thế chấp tài sản để bảo đảm cho nghĩa vụ của người phải thi hành án là người phải thi hành án hay là người có nghĩa vụ liên quan. Trường hợp xác định họ là người phải thi hành án thì quyền và nghĩa vụ của trong thi hành án được thực hiện theo Điều 7a Luật Thi hành án dân sự. Còn nếu xác định họ là người có nghĩa vụ liên quan thì quyền và nghĩa vụ của họ được thực hiện theo Điều 7b Luật Thi hành án dân sự. Như vậy, trong trường hợp xác định họ là người có nghĩa vụ liên quan thì họ đã bị hạn chế một số quyền như thỏa thuận với người được thi hành án về thời gian, địa điểm, phương thức, nội dung thi hành án, yêu cầu thay đổi Chấp hành viên…Do đó, việc không xác định rõ tư cách của bên thứ ba dùng tài sản của mình cầm cố, thế chấp cho tổ chức tín dụng, ngân hàng để bảo đảm khoản vay cho người phải thi hành án đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ cũng như khó khăn cho việc tổ chức thi hành án.
Thứ hai, pháp luật thi hành án dân sự chưa có quy định cụ thể về việc hoãn thi hành án hoặc tiếp tục xử lý tài sản bảo đảm có liên quan đến vụ án hình sự hoặc tranh chấp dân sự mà tài sản này không bị các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng biện pháp ngăn chặn.
Ví dụ: bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên về việc xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Đến khi cơ quan thi hành án dân sự tiến hành xử lý tài sản thì người phải thi hành án (hoặc chủ sở hữu tài sản) đã thông đồng với người khác để khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm để kéo dài việc thi hành án. Trên thực tế, việc Tòa án giải quyết các tranh chấp đó cũng không làm thay đổi kết quả xét xử của các bản án, quyết định (liên quan đến xử lý tài sản thế chấp) đang có hiệu lực thi hành án. Tuy nhiên, khi nhận được thông báo thụ lý nếu cơ quan thi hành án dân sự không ban hành quyết định hoãn thi hành án theo điểm d khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự sẽ đối diện với khiếu nại của đương sự hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát.
Thứ ba, quy định về ủy thác thi hành án còn chưa thực sự phù hợp, có khả năng làm chậm thời gian xử lý tài sản. Đó là việc quy định trước khi ủy thác, cơ quan thi hành án dân sự phải xử lý xong tài sản tạm giữ, thu giữ, tài sản kê biên tại địa bàn có liên quan đến khoản ủy thác[7] gây ra khó khăn và kéo dài thời gian thi hành án đối với trường hợp nghĩa vụ thi hành án được bảo đảm bởi nhiều tài sản ở nhiều địa phương khác nhau.
 Thứ tư, quy định về xử lý, thanh lý tài sản bảo đảm trong trường hợp thi hành quyết định phá sản còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án. Ví dụ: Ngày 08/9/2017 Tòa án nhân dân tỉnh H ra Quyết định tuyên bố phá sản số 01/2017/QĐ-TBPS đối với Công ty cổ phần H.T. Theo đó Tòa án đã tuyên bố: tại Mục     1.5 như sau: “ Về tài sản bảo đảm của người thứ ba đối với khoản nợ có bảo đảm của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Khu Công nghiệp HD không là tài sản của Công ty cổ phần H.T được thực hiện theo các Quyết định hoặc Bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp”.
Trong trường hợp này cơ quan thi hành án dân sự lúng túng trong việc ra quyết định thi hành án đối với khoản xử lý tài sản của bên thứ ba theo tuyên bố phá sản tại mục 1.5 nêu trên.
Thứ năm, các quy định pháp luật hiện hành đều bảo vệ người mua trúng đấu giá, tuy nhiên, mới chỉ nêu được nguyên tắc còn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo vệ quyền đó (mặc dù tại Điều 103 Luật Thi hành án dân sự đã bổ sung quy định về việc cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá nhưng trên thực tế việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá trong trường hợp này vẫn chưa nhận được sự đồng thuận của các cơ quan hữu quan).  
Thứ sáu, quy định về ủy thác tư pháp làm tăng chi phí thi hành án và kéo dài thời gian tổ chức thi hành án trong trường hợp chủ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã bỏ trốn khỏi Việt Nam.
3.2. Sự không tuân thủ đúng các quy định pháp luật của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án
- Chậm tổ chức thi hành án hoặc cố tình trì hoãn việc tổ chức thi hành án. Đây là nguyên nhân phổ biến, mặc dù hầu hết các việc thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng có tài sản bảo đảm nhưng Chấp hành viên chưa thật sự kiên quyết áp dụng các quy định của pháp luật để tổ chức thi hành án, rất nhiều vụ việc từ khi ra quyết định thi hành án đến nay hơn 4 năm nhưng Chấp hành viên vẫn chưa tiến hành kê biên, xử lý tài sản.
- Chấp hành viên đã không tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án như: (i) Không hoặc chậm tiến hành xác minh tài sản bảo đảm, xác minh điều kiện thi hành án; (ii) Chậm thực hiện thông báo; (iii) Vi phạm thời hạn niêm yết thông báo cưỡng chế, thông báo bán đấu giá; (iv) Chậm xử lý tài sản bảo đảm bảo hoặc có sai sót trong quá trình kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; (v) Không kiên quyết tổ chức giao tài sản cho người mua trúng đấu giá; (vi) Vi phạm thời hạn thanh toán tiền thi hành án.
- Một số Chấp hành viên thiếu kỹ năng tổ chức thi hành án nên khi được giao thi hành án đối với những vụ việc có số tiền phải thi hành án lớn hoặc tài sản phải xử lý nhiều đã lúng túng hoặc để xảy ra sai sót[8].
4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án thu hồi các khoản nợ cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng
Để thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự nói chung và thi hành án dân sự cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần tập trung vào các giải pháp quan trọng sau:
4.1 Công tác xây dựng thế chế
Ngày 21/6/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14, theo đó một số quy định của Nghị quyết đã “vượt qua” các quy định pháp luật hiện hành. Mặc dù các quy định của Nghị quyết chỉ áp dụng thí điểm trong thời gian 05 năm kể từ ngày 15/8/2017, tuy nhiên để đảm bảo tính ổn định thống nhất việc áp dụng pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án, đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu trình Chính phủ và Quốc hội xem xét nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2019, hoàn thiện chính sách pháp luật về thi hành án dân sự phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong thời gian tới cũng như phù hợp với các quy định Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội.
Kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm sửa đổi, hoàn thiện các Luật có liên quan trực tiếp đến thi hành án dân sự như: Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật giá. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành Luật đăng ký tài sản, Nghị định về giao dịch bảo đảm.
Kiến nghị các cơ quan liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn liên quan đến thuế chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản bảo đảm theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội.
Kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan hữu quan sớm ban hành Thông tư hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng để thống nhất trong xét xử và thi hành án.
Tuy nhiên, việc hoàn thiện thể chế cần có thời gian nhất định, do đó để công tác thi hành án cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng trong thời gian tới đạt hiêu quả tốt hơn, trước mắt đề nghị Tổng cục thi hành án dân sự cần tiếp tục rà soát các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, trên cơ sở đó tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Tư pháp trao đổi, thống nhất với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết đảm bảo các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án phải được tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật.
4.2. Đối với các cơ quan thi hành án dân sự và Chấp hành viên
Thứ nhất, đối với Thủ trưởng các cơ quan thi hành án dân sự
- Có sự kiểm soát chặt chẽ các hồ sơ ngay từ khâu tiếp nhận đến thụ lý ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành án. Đảm bảo việc ra quyết định thi hành án phải đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án và đơn yêu cầu thi hành án của các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
- Có sự phân công hợp lý hồ sơ thi hành án giữa các Chấp hành viên trong đơn vị, đảm bảo phát huy năng lực của các Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành vụ việc. Tránh tình trạng tập trung các vụ việc thi hành án tín dụng, ngân hàng cho một số Chấp hành viên dẫn đến sự quá tải trong công việc.
- Chỉ đạo Chấp hành viên xây dựng các kế hoạch giải quyết các vụ việc phức tạp hoặc có số tiền phải thi hành án lớn. Thường xuyên kiểm tra tiến độ giải quyết hồ sơ của các Chấp hành viên tránh tình trạng hồ sơ “bị quên” hoặc “bị chậm”; kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho Chấp hành viên đặc biệt là các khó khăn trong công tác phối hợp. Giải quyết kịp thời khiếu nại của đương sự trong quá trình tổ chức thi hành án tránh tình trạng khiếu nại gay gắt, khiếu nại vượt cấp.
- Kịp thời báo cáo và xin ý kiến của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự cấp huyện đối với những khó khăn, vướng mắc mà cần có sự tham gia giải quyết của các cơ quan hữu quan.
Thứ hai, đối với các Chấp hành viên
- Khi tiếp nhận quyết định thi hành án được phân công tổ chức thi hành, Chấp hành viên phải nghiên cứu kỹ nội dung bản án, quyết định của Tòa án. Đối chiếu giữa quyết định thi hành án với phần quyết định của bản án, quyết định của Tòa án tránh tình trạng hồ sơ đang hoặc đã tổ chức thi hành án xong mới phát hiện ra quyết định thi hành án có vấn đề.
- Xác định rõ các công việc cần phải thực hiện trong quá trình tổ chức thi hành án, các vấn đề cần phải xác minh, làm rõ về điều kiện thi hành án, tài sản bảo đảm của người phải thi hành án... để có sự phân bổ thời gian giải quyết phù hợp, tránh tình trạng chậm hoặc bỏ sót thủ tục thi hành án. Trong quá trình tổ chức thi hành án Chấp hành viên phải tuân thủ chặt chẽ các thủ tục về thi hành án (về cả hình thức lẫn nội dung) cũng như thực hiện lưu trữ đầy đủ các tài liệu.
- Đối với tài sản của người thứ ba thế chấp để bảo đảm nghĩa vụ cho người phải thi hành án, trước khi kê biên, xử lý tài sản của thì Chấp hành viên cần làm việc với chính quyền địa phương, tổ trưởng dân phố để tuyên truyền, giải thích rõ nghĩa vụ thi hành án của người thứ ba để chính quyền nắm được thông tin, có sự chia sẻ và hỗ trợ cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình kê biên, xử lý tài sản.
- Đối với doanh nghiệp phải thi hành án, Chấp hành viên nên thực hiện các quyền mà pháp luật đã cho phép như cấm xuất cảnh để hạn chế người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp dời khỏi Việt Nam gây khó khăn cho việc tổ chức thi hành án. 
- Tiến hành kiểm tra năng lực của các tổ chức làm dịch vụ liên quan đến quá trình tổ chức thi hành án như: tổ chức đo vẽ đất, tổ chức thẩm định giá, tổ chức đấu giá tài sản … trước khi quyết định lựa chọn và ký hợp đồng dịch vụ. Khi ký các hợp đồng dịch vụ Chấp hành viên phải xác định rõ thời hạn mà các tổ chức đó phải hoàn thành tránh tình trạng kéo dài làm ảnh hưởng đến thời gian tổ chức thi hành án, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hợp đồng đặc biệt là hợp đồng với các tổ chức đấu giá nhằm đảm bảo việc thực hiện hợp đồng theo nội dung đã ký kết và đúng quy định pháp luật.
- Trước khi thực hiện việc kê biên, Chấp hành viên phải xác định rõ các khoản thuế, phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản và trách nhiệm nộp cũng như khả năng nộp (đối với trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ nộp), các loại thuế, phí khác mà người phải thi hành án còn nợ (nếu có) … trên cơ sở đó thông báo công khai để người có nhu cầu đăng ký mua tài sản biết, cân nhắc trước khi quyết định.
- Chấp hành viên chỉ tiến hành làm việc đại diện của tổ chức tín dụng, ngân hàng khi họ được ủy quyền. Chấp hành viên phải yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng phải nộp giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất ngay sau khi kê biên (yêu cầu này phải được thể hiện bằng văn bản), trường hợp các tổ chức tín dung, ngân hàng không chấp hành Chấp hành viên nên tiến hành xử phạt vi phạm về hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 24/8/2015) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
- Chấp hành viên phải thực hiện việc cung cấp thông tin trong trường hợp kê biên hoặc giải tỏa kê biên tài sản thi hành án theo đúng quy định tại Điều 11 của Thông tư liên tịch số 15/2013/TTLT-BTP-BGTVT-BTNMT-BCA ngày 05/11/2013 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Công an hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản. 
- Kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án để lãnh đạo đơn vị biết và chỉ đạo, giải quyết.
                                                                             Văn Thị Tâm Hồng
 

[1] Tổ chức tín dụng cho Công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thủy sản Cam Ranh được vay hơn 63 tỷ đồng, nhưng khi kê biên, thẩm định giá, tài sản thế chấp chỉ gần 3,9 tỷ đồng (chỉ khoảng 6% khoản nợ).
[2]  Đối với tài sản là quyền sử dụng đất thì không đúng với giấy chứng nhận quyền sử dụng đã cấp (có trường hợp diện tích thực tế lớn hơn, có trường hợp thì diện tích thực tế nhỏ hơn). Tài sản trên đất cũng không đúng với khi thế chấp (có sự xây dựng, cơi nói thêm).
[3] Tài sản là tàu, xà lan, ô tô, máy móc các tổ chức tín dụng quản lý lỏng lẻo dẫn đến bên bảo đảm di chuyển đi đâu không rõ.
[4] Điều 299 Bộ luật dân sự năm 2015              quy định tài sản bảo đảm được xử lý trong trường hợp đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
[5] Tài sản chung của hộ gia đình đã thế chấp và được Tòa án tuyên xử lý để thu hồi nợ, khi cơ quan thi hành án xử lý thì có nhiều ý kiến cho rằng các thành viên trong hộ gia đình được quyền ưu tiên mua tài sản dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài.
[6] Điều 12 Nghị quyết số 42/2017/QH14 quy định: số tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm. Như vậy, cơ quan THADS không được trích tiền để người phải thi hành án thuê nhà thì khi cơ quan THADS cưỡng chế giao nhà cho người mua trúng đấu giá thì họ không có chỗ ở. Ngoài ra, Điều 15 quy đinh: “Việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan đến chuyển nhượng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế. Bên nhận bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng không phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí khác của bên bảo đảm từ số tiền chuyển nhượng tài sản bảo đảm khi thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm.” . Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người có tài sản bảo đảm còn nợ tiền thuế hoặc tiền phí, họ lại không có điều kiện để nộp hoặc họ cố tình không nộp thì cơ quan thuế, cơ quan đăng ký không làm thủ tục sang tên cho người mua trúng đấu giá, dẫn đến người mua trúng đấu giá khởi kiện ra Tòa yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện nộp các loại tiền thuế mà người phải thi hành án còn nợ.
[7] Theo quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Thi hành án dân sự
[8] Có Chấp hành viên đã không thực hiện được việc tính lãi suất theo hợp đồng tín dụng nên đương sự khiếu nại gần 4 năm mới giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá.