Tiếp công dân và công tác dân vận nâng cao hiệu quả tiếp công dân về thi hành án dân sự

28/05/2018
Tiếp công dân nói chung là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua hoạt động tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.


Xuất phát từ đặc thù nhiệm vụ của công tác thi hành án dân sự - một loại hoạt động của Nhà nước nhằm đưa bản án, quyết định dân sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thực hiện trên thực tế. Thông qua thi hành án dân sự, những phán quyết của Tòa án nhân danh Nhà nước về mặt dân sự, sẽ được thi hành, bảo đảm lợi ích  của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, góp phần giữ vững kỷ cương, phép nước, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Mỗi hoạt động, thủ tục trong quá trình tổ chức thi hành án luôn ảnh hưởng trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của công dân nên việc tiếp xúc trực tiếp với công dân đã trở thành hoạt động thường trực, không thể thiếu trong mỗi công tác hàng ngày của các cơ quan thi hành án dân sự.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác này, thời gian quan Bộ Tư pháp, Tổng cục, Cục Thi hành án dân sự địa phưởng đã ban hành Quy chế tiếp công dân, văn bản chỉ đạo pháp luật về tiếp công dân. Chính vì vậy mà công tác tiếp công dân đã thu được những kết quả nhất định: từ Tổng cục đến các Cục, Chi cục Thi hành án dân sự đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của mình. Nhiều đồng chí lãnh đạo đã trực tiếp tiếp công dân theo quy định, từng bước khắc phục tình trạng khoán trắng cho mốt số Vụ, Phòng chuyên môn; tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết khiếu nại các vụ việc phức tạp ngay từ nơi phát sinh; chấn chỉnh những việc làm sai trái của cán bộ, cơ quan cấp dưới; hướng dẫn công dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đa số các cơ quan thi hành án dân sự đã phòng tiếp công dân.
Việc tiếp công dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự nhằm mục đích tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị về thi hành án dân sự. Tiếp công dân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị  về thi hành án dân sự không những góp phần thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân đã đuợc Hiến pháp ghi nhận, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa công tác tiếp công dân và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị mà còn tạo điều kiện để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân về thi hành án dân sự.
Thực hiện tốt kỹ năng tiếp công dân cũng là cách để thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận. Cụ thể, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (Nghị quyết 8b), khóa VI (27-3-1990) - Nghị quyết chuyên đề đầu tiên về công tác dân vận, một dấu mốc quan trọng nữa đó là Nghị quyết 25 - NQ/TW, ngày 03-6-2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Đây là Nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt và ý nghĩa to lớn về công tác dân vận trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Đến Đại hội lần thứ XII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân” nhằm phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 
Quán triệt tinh thần đó, trong thời gian qua, công tác dân vận được thể hiện qua kỹ năng tiếp công dân đã được quan tâm đúng mức với nhiều cách làm hay, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực. Việc nắm bắt diễn biến tâm lý, tư tưởng của nhân dân, giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vấn đề bức xúc nảy sinh từ thực tiễn; tổ chức động viên, khích lệ nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở được chú trọng thường xuyên hơn.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác này, đặc biệt là đã ban hành nhiều văn bản quy định công tác tiếp công dân như: Luật tiếp công dân năm 2013, Luật Khiếu nại (2011), Luật Tố cáo (2011) và Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành các Luật nói trên; Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về sự Lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo kèm theo Quyết định số 341/QĐ-BTP ngày 25/02/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp... Trong các văn bản trên đã quy định rất cụ thể vấn đề tổ chức công tác tiếp công dân và đều nhấn mạnh trách nhiệm của lãnh đạo và chính quyền các cấp trong công tác tiếp công dân. Có thể thấy, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã thực sự góp phần thể chế hóa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, dần đưa công tác này đi vào nề nếp, thực hiện thống nhất và có hiệu quả.
Với mục tiêu cải cách nền hành chính nhà nước đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ tốt nhất các nhu cầu của nhân dân hiện nay, giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức khi tiếp công dân nói chung, tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo nói riêng được xác định là một trong những kỹ năng quan trọng nhất đang càng được đề cao và yêu cầu phải thực hiện đối với mỗi cán bộ, công chức khi thực thi nhiệm vụ của mình trước nhân dân. Trong phạm vi bài viết này tác giả tập trung trình bày, trao đổi khái quát các quy định của pháp luật về kỹ năng cơ bản những nội dung tiếp công dân trong thi hành án dân sự, tổng hợp và chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ công tác tiếp công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự cũng như tình hình tiếp công dân trong thời gian qua để các cán bộ, công chức làm công tác này cùng tham khảo, vận dụng trong quá trình thực thi nhiệm vụ, góp phần hướng tới sự hài lòng của nhân dân tốt hơn trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân của chúng ta hiện nay.
1. Khái niệm kỹ năng tiếp công dân
Điều 2 Luật tiếp công dân năm 2013 quy định tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, không có một văn bản quy phạm nào quy định khái niệm về kỹ năng tiếp công dân. Để đưa ra được khái niệm về kỹ năng tiếp công dân cần phải làm rõ các khái niệm “kỹ năng” và dựa trên khái niệm tiếp công dân được quy định ở trên.
Theo “Từ điển hành chính” do tác giả Tô Tử Hạ chủ biên thì “kỹ năng” được  hiểu là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được về một lĩnh vực nào đó vào công việc thực tế. Theo tác giả Ivans Banki thì “Kỹ năng là khả năng tự có hoặc qua học tập được con người vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình vào những hoạt động mang tính nghề nghiệp, một công việc cụ thể và trong lĩnh vực chuyên môn của mình”. Một số quan niệm khác cho rằng “kỹ năng” là tổng hợp những thao tác thành thạo trong thực tiễn hoạt động của mỗi người, được con người vận hành một cách chủ động trong công việc chuyên môn của mình. Quan niệm này chưa đầy đủ, bởi lẽ “kỹ năng” làm một việc gì đó không chỉ đơn giản là một phép số cộng những thao tác thành thạo trong công việc nhất định mà còn bao hàm cả năng lực trí tuệ (kiến thức lý luận và thực tiễn) và khả năng vận hành những kiến thức chuyên môn nghiệp vụ trong thực tiễn cuộc sống bằng những thao tác thuần thục mang lại hiệu quả công việc cao nhất.
Nói một cách khái quát, kỹ năng là khả năng (năng lực) sử dụng và vận dụng tri thức về một lĩnh vực nào đó vào hoạt động nghề nghiệp trong cuộc sống bằng kinh nghiệm thực tiễn thông qua những thao tác thành thạo như một thói quen nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Như vậy, để có kỹ năng tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân không chỉ có kiến thức pháp luật, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về tiếp công dân, có kinh nghiệm cuộc sống xã hội mà còn phải có khả năng vận dụng thành thạo những kiến thức, hiểu biết đó để phân tích, giải đáp, hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo phù hợp với pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội để bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Từ những điều đã phân tích trên đây, chúng ta có thể đưa ra khái niệm kỹ năng tiếp công dân là năng lực của cán bộ tiếp công dân vận dụng kiến thức pháp luật và kinh nghiệm cuộc sống, đưa ra các thông tin giúp cho người khiếu nại, tố cáo biết cách xử sự hoặc giải quyết những vấn đề của họ sao cho phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính bản thân họ.
Theo khái niệm này, kỹ năng tiếp công dân đòi hỏi cán bộ tiếp công dân phải có khả năng vận dụng tri thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong tiếp công dân. Như vậy, kỹ năng tiếp công dân gồm một số kỹ năng sau đây:
+ Kỹ năng đón tiếp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (đối tượng).
+ Kỹ năng nghe, hỏi đối tượng.
+ Kỹ năng hướng dẫn, giải thích cho đối tượng.
+ Kỹ năng yêu cầu đối tượng cung cấp giấy tờ liên quan đến vụ việc.
+ Kỹ năng lập biên bản và soạn thảo văn bản đề xuất phương án thụ lý hay không thụ lý cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị và văn bản trả lời cho đối tượng và những cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan.
+ Kỹ năng lập hồ sơ, lưu trữ hồ sơ vụ việc.
Các kỹ năng tiếp công dân cơ bản trên đây có quan hệ mật thiết, biện chứng, tác động, ảnh hưởng lẫn nhau và được sử dụng trong suốt quá trình tiếp công dân về một vụ việc cụ thể với một đối tượng cụ thể. Tuỳ theo từng vụ việc tư vấn và từng loại đối tượng cụ thể mà sử dụng các kỹ năng cùng một thời điểm hoặc sử dụng kỹ năng này trước, kỹ năng kia sau.
2. Mục đích, vai trò, ý nghĩa của việc tiếp công dân
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Tiếp công dân năm 2013 “Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật”.
Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác này, thời gian quan Bộ Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự địa phương đã ban hành Quy chế tiếp công dân, văn bản hướng dẫn pháp luật về tiếp công dân. Chính vì vậy mà công tác tiếp công dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự đã thu được những kết quả nhất định: Từ Tổng cục đến các Cục, Chi cục Thi hành án dân sự đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đa số các cơ quan Thi hành án dân sự đã bố trí phòng tiếp công dân. Nhiều đồng chí lãnh đạo đã trực tiếp tiếp công dân định kỳ theo quy định, từng bước khắc phục tình trạng khoán trắng cho một số Vụ, Phòng chuyên môn; tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết khiếu nại các vụ việc phức tạp ngay từ nơi phát sinh; chấn chỉnh những việc làm sai trái của cán bộ, cơ quan cấp dưới; hướng dẫn công dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Việc tiếp công dân trong lĩnh vực thi hành án dân sự nhằm mục đích tiếp nhận các khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị về thi hành án dân sự. Tiếp công dân trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị  về thi hành án dân sự không những góp phần thực hiện tốt quyền khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân đã đuợc Hiến pháp ghi nhận, khắc phục những hạn chế, bất cập trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân về thi hành án dân sự. Đồng thời, thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa công tác tiếp công dân và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.
3. Công tác dân vận
 Đại hội lần thứ XII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân” nhằm phát huy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 
Quán triệt tinh thần đó, trong thời gian qua, công tác dân vận được thể hiện qua kỹ năng tiếp công dân đã được quan tâm đúng mức với nhiều cách làm hay, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực. Việc nắm bắt diễn biến tâm lý, tư tưởng của nhân dân, giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vấn đề bức xúc nảy sinh từ thực tiễn; tổ chức động viên, khích lệ nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở được chú trọng thường xuyên hơn.
Theo Hồ Chủ tịch, “dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân, không để sót một người nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những công việc mà đoàn thể và Chính phủ đã giao cho” (bài báo “Dân vận” của Người đăng trên Báo Sự Thật với bút danh X.Y.Z (ngày 15-10-1949).
Cũng theo Hồ Chí Minh, “công tác dân vận” là công việc của toàn bộ hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến hành tập hợp vận động, đoàn kết nhân dân, đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh vào cuộc sống, góp phần xây dựng sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi đường lối cách mạng của Đảng.          
Hồ Chủ tịch nhấn mạnh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng vai trò, vị trí và khẳng định tầm quan trọng của công tác dân vận. Quan điểm của Đảng về công tác dân vận được thể hiện xuyên suốt và thống nhất từ Cương lĩnh chính trị, văn kiện đại hội, các nghị quyết chuyên đề của Trung ương, quy chế, quy định… cùng sự vận dụng phù hợp theo từng thời kỳ cách mạng.
Trong giai đoạn hiện nay, các quan điểm đó được thể hiện tập trung, đầy đủ nhất ở Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Nghị quyết khẳng định quan điểm:
(1) Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; nhân dân là chủ.
(2) Động lực thúc đẩy phong trào nhân dân là phát huy quyền làm chủ, đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân; kết hợp hài hòa các lợi ích; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ công dân; chú trọng lợi ích trực tiếp của người dân; huy động sức dân phải đi đôi với bồi dưỡng sức dân; những gì có lợi cho dân thì hết sức làm, nhưng gì có hại cho dân thì hết sức tránh.
(3) Phương thức lãnh đạo công tác dân vận của Đảng phải gắn liền với công tác xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu để nhân dân tin tưởng, noi theo.
(4) Công tác dân vận là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể nhân dân, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Trong đó, Đảng lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, Mặt trận, đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt.
(5) Nhà nước tiếp tục thể chế hóa có chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ thành quy chế, quy định để các tổ chức trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang thực hiện công tác dân vận; các hình thức tập hợp nhân dân phải phong phú, đa dạng, khoa học, hiệu quả.
Thực hiện tư tưởng của Người, trong hoạt động thi hành án dân sự nói chung và hoạt động tiếp công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về thi hành án dân sự nói riêng, Đảng và Nhà nước cũng khuyến khích áp dụng công tác dân vận. Theo đó, công tác dân vận trong công tác tiếp công dân là việc Cơ quan Thi hành án dân sự, cán bộ tiếp công dân giải thích, hướng các quy định pháp luật về thi hành án dân sự cho công dân khiếu nại, tố cáo biết để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật; đồng thời vận động, thuyết phục công dân tự nguyện thi hành án, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về thi hành án dân sự, quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự.
4. Tình hình tiếp công dân thời gian qua
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Tổng cục THADS, Lãnh đạo Vụ giải quyết tố cáo và sự cố gắng nỗ lực không ngừng của Công chức tiếp công dân, công tác tiếp công dân của Tổng cục và các cơ quan thi hành án dân sự địa phương:
Theo báo cáo Tổng kết 03 năm thực hiện Luật tiếp công dân của Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc tiếp công dân của Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương (từ ngày 01/7/2014 đến 01/7/2017); Báo cáo Thanh tra Bộ Tư pháp tổng hợp, Báo cáo Thanh tra Chính về tình hình tiếp công dân từ ngày 01/7/2014 đến 01/7/2017, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tiếp 1552 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, phản ánh, trình bày liên quan đến việc thi hành án dân sự, không có vụ việc đông người nào, trong đó: Số lượt tiếp thường xuyên:1526 lượt, chiếm 98,32%; Số lượt tiếp định kỳ: 25 lượt, chiếm 1,6%;  Số lượt tiếp đột xuất: 1 lượt; Hầu hết người dân đến Địa điểm tiếp công dân của  Bộ Tư pháp để trình bày, khiếu nại, tố cáo liên quan đến thi hành án dân sự, cụ thể; Số lượt người đến khiếu nại:1274 lượt, chiếm 78,14%; Số lượt người đến tố cáo: 90 lượt, chiếm 5,80%; Số lượt người đến kiến nghị, phản ánh: 188 lượt, chiếm 16,06%.
Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương đã tổ chức tiếp 70.399 lượt công dân đến trình bày, phản ánh, khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự, cụ thể: Số lượt tiếp công dân thường xuyên: 54.886 lượt, chiếm 77,96%; Số lượt tiếp công dân định kỳ: 9.422 lượt, chiếm 13,38%; Số lượt tiếp công dân đột xuất: 6.091 lượt, chiếm 8,66%. Phần lớn công dân đến địa điểm tiếp công dân của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương để trình bày các nội dung phản ánh, kiến nghị về việc tổ chức thi hành án dân sự, một phần là nội dung khiếu nại, tố cáo, cụ thể như sau; Số lượt người đến khiếu nại: 15.499 lượt, chiếm 22,02%; Số lượt người đến tố cáo: 2.116 lượt, chiếm 3,01%;  Số lượt người đến kiến nghị, phản ánh: 52.779 lượt, chiếm 74,97%. Theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Tổng cục đã phân công 01 công chức  thường trực tiếp công dân, tháng 10/2016 đến nay đã bổ xung thêm 01 công chức  tiếp công dân tại Địa điểm Tiếp công dân của Bộ, đảm bảo người dân đến khiếu nại luôn được tiếp kịp thời.
Tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương, nhiều cơ quan thi hành án dân sự, nhất là cấp tỉnh, đã quan tâm, chú trọng công tác tiếp công dân, thể hiện từ khâu bố trí địa điểm, bố trí con người đến chấn chỉnh sai sót, đề ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác này. Nhiều cơ quan thi hành án dân sự tuy còn khó khăn về trụ sở, thiếu về biên chế, công việc quá tải nhưng vẫn chú trọng bố trí được địa điểm để tiếp dân. Phần lớn các cơ quan thi hành án dân sự đều chú trọng bố trí cán bộ có kinh nghiệm để làm công tác tiếp dân, đã xây dựng quy chế tiếp dân, bố trí lịch tiếp dân của Lãnh đạo. Thông qua việc tiếp dân đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, làm cho người khiếu nại, tố cáo hiểu biết rõ hơn về quyền nghĩa vụ của mình, nhận thức đúng đắn hơn về chức năng, nhiệm vụ của Chấp hành viên và công tác thi hành án dân sự. Với số lượng hàng ngàn lượt dân được các cơ quan thi hành án dân sự tiếp và hàng trăm lượt dân được Tổng cục thi hành án dân sự tiếp tại trụ sở, có nhiều trường hợp thông qua kết quả tiếp dân, tận tình giải thích, đối thoại rõ ràng, đương sự đã nhận thức rõ việc làm của cơ quan thi hành án dân sự, nên đã tự nguyện rút đơn khiếu nại, tố cáo và hợp tác với cơ quan thi hành án dân sự để tổ chức thi hành án:
Ví dụ như: bà Nguyễn Thị Thu Hà liên tục có đơn khiếu nại Công văn số 575/THA ngày 12/05/2012 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố BH. Ngày 24/6/2013, Cục Thi hành án dân sự tỉnh ĐN tổ chức tiếp dân, sau khi giải thích quy định của pháp luật về thẩm quyền của Chấp hành viên; kết quả buổi làm việc, bà Dung đã rút đơn khiếu nại đối với nội dung này.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân vẫn còn những hạn chế, thiếu sót nhất định. Một số cơ quan thi hành án dân sự còn chưa thấy hết được ý nghĩa quan trọng của công tác tiếp dân; cách hiểu và thực hiện những quy định của pháp luật về công tác tiêp công dân còn chưa thống nhất. Một số nơi, việc tiếp công dân của Thủ trưởng còn mang tính hình thức, mới dừng lại ở việc tiếp và hứa hẹn với dân, chưa thực hiện được yêu cầu tiếp công dân và trả lời cho công dân về những khiếu nại, tố cáo của họ. Khi tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân thường không nắm vững được thông tin về khiếu nại, tố cáo của công dân đã được cấp có thẩm quyền giải quyết. Việc bố trí cán bộ tiếp công dân thường chưa đảm bảo về chất lượng, thiếu am hiểu về chính sách, pháp luật, một số nơi có thái độ tiếp dân chưa đúng mực, còn thách đố dân; việc tổ chức tiếp dân về khiếu nại, tố cáo chưa chu đáo, sổ sách ghi chép, biên nhận hồ sơ, tài liệu do người đến khiếu nại, tố cáo cung cấp không đầy đủ còn để thất lạc hồ sơ, tài liệu của dân.
                                                        Lê Thị Kim Thanh
Thẩm tra viên Vụ GQKN,TC-Tổng cục Thi hành án dân sự