Một số vấn đề về kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong thi hành án dân sự

18/06/2018
Khoản 1, khoản 3 Điều 107 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”, “ Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa,bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.” Điểm g khoản 2 Điều 6 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 cũng quy định một trong những công tác của Viện kiểm sát nhân dân khi  thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp là kiểm sát việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính.


Kháng nghị, kiến nghị là một trong nhiều nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung và kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính nói riêng. Vấn đề kháng nghị, kiến nghị trong thi hành án dân sự được quy định tại các Điều 5, 28 và  Điều 30 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (trong lĩnh vực kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp); các Điều 12, 64 (kháng nghị quyết định của Tòa án về miễn giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước), Điều 160, 161 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự). Ngoài ra vấn đề này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 34, 35 và Điều 36 Quy chế công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 810/QĐ-VKSNDTC-V11 ngày 20 tháng 12 năm 2016 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Bài viết dưới đây sẽ đi sâu phân tích một số vấn đề kháng nghị, kiến nghị trong thi hành án dân sự nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự hiện nay.
1. Tình hình ban hành kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân
Theo số liệu thống kê của ngành Kiểm sát[1], trong 3 năm (2014, 2015 và 2016) Viện kiểm sát nhân dân (Viện kiểm sát nhân dân )các cấp đã ban hành 669 bản kháng nghị, trong đó 155 bản kháng nghị cấp tỉnh, 514 bản kháng nghị cấp huyện; 31 bản bản kháng nghị đối với Tòa án nhân dân, 636 bản đối với Cơ quan thi hành án dân sự, 02 bản đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Số bản kháng nghị được chấp nhận là 643, đạt tỷ lệ 96,11%.
Về kiến nghị, trong 3 năm từ 2014 đến 2016, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã đã ban hành 5152 bản kiến nghị trong đó gồm 744 cấp tỉnh, 4408 cấp huyện; 547 bản đối với TAND, 4434 đối với cơ quan thi hành án dân sự, 171 đối với các cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong đó số bản kiến nghị được chấp nhận 5110,  đạt 99,18%, 27 kiến nghị được chấp nhận 1 phần; 9 kiến nghị không được cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan tổ chức có liên quan chấp nhận hoặc không trả lời; 4 kiến nghị được Viện kiểm sát nhân dân cấp trên đồng tình, nhất trí ; Viện kiểm sát nhân dân rút 02 kiến nghị, chiếm tỷ lệ 0,04%.
Từ số liệu trên có thể thấy, công tác kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong thi hành án dân sự ngày càng có vai trò quan trọng, ảnh hưởng lớn đến công tác thi hành án dân sự.
2. Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân
*. Thẩm quyền kháng nghị
Theo quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Viện kiểm sát nhân dân phải kháng nghị. Cơ quan, người có thẩm quyền phải giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.
Theo khoản 1 Điều 160 Luật Thi hành án dân sự: “Viện kiểm sát kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân” đồng thời, khoản 2 Điều 12 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung năm 2014 đã có sự bổ sung theo hướng rõ ràng, cụ thể hơn so với Luật Thi hành án dân sự năm 2008, theo đó, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong thi hành án dân sự là:“Kháng nghị hành vi, quyết định của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, cấp dưới có vi phạm pháp luật nghiêm trọng xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu đình chỉ việc thi hành, thu hồi, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật”.
Đối tượng kháng nghị là hành vi hoặc quyết định. Tính chất của vi phạm pháp luật phải “nghiêm trọng”, có thể hiểu như sau: Hành vi hoặc quyết định đó là cụ thể, trái với quy định của pháp luật (có quy định cụ thể của pháp luật- nhiều dạng vi phạm bản chất đã là thuộc trường hợp nghiêm trọng), đã gây ra hậu quả hoặc sẽ gây ra hậu quả, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân xét thấy cần phải ngăn chặn hoặc phải khắc phục (nhiều trường hợp cần ngăn chặn hoặc khắc phục ngay vì kháng nghị thì pháp luật có quy định thời hạn trả lời, thời hạn thực hiện kháng nghị)[2].
* Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong thi hành án dân sự
Khoản 2 Điều 160 Luật Thi hành án dân sự đã quy định rõ về thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát cấp trên đối với quyết định, hành vi phạm trong lĩnh vực thi hành án dân sự của Thủ trưởng, Chấp hành viên Cơ quan thi hành án dân sự. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của viện kiểm sát cấp trên là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện được hành vi vi phạm. Thời hạn nhận được quyết định của Viện kiểm sát nhân dân có sự liên quan mật thiết đến thời hạn gửi quyết định của Cơ quan thi hành án dân sự. Về thời hạn gửi quyết định cho Viện kiểm sát, theo Điều 38 Luật Thi hành án dân sự, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.
* Nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân
Căn cứ vào khoản 8 Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì Viện kiểm sát nhân dân có quyền: “Kháng nghị quyết định của Tòa án, quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của pháp luật; yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật”.
Trong quá trình kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án dân sự thì Viện kiểm sát nhân dân có thể kháng nghị với bất kỳ quyết định hay hành vi nào của Chấp hành viên và Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Trong khi thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Quyết định của Trọng tài thương mại, Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, Chấp hành viên phải ra các quyết định về thi hành án và thực hiện những hành vi tác nghiệp cụ thể. Tất cả các quyết định về thi hành án và các hành vi tác nghiệp cụ thể liên quan đến tổ chức thi hành các bản án, quyết định nêu trên đều có thể bị Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và cấp trên trực tiếp kháng nghị nếu Viện kiểm sát nhân dân cho rằng các quyết định và hành vi đó trái quy định pháp luật.
Các quyết định của Chấp hành viên có thể bị kháng nghị rất đa dạng, ví dụ như: Quyết định kê biên tài sản; Quyết định phong toả tài khoản; Quyết định giải toả việc phong tỏa tài khoản...Các hành vi mà Chấp hành viên có thể bị Viện kiểm sát kháng nghị thường là các hành vi liên quan đến việc Chấp hành viên không ra hoặc chậm ra các quyết định về thi hành án nêu trên, hoặc ra các quyết định về thi hành án không đúng, thực hiện những việc mà pháp luật cấm không được làm, thực hiện không đúng nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên...
Các quyết định về thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cũng có thể bị Viện kiểm sát cùng cấp và cấp trên trực tiếp kháng nghị nếu Viện kiểm sát cho rằng các quyết định có vi phạm pháp luật. Ví dụ: Quyết định thi hành án; Quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ quyết định thi hành án; Quyết định hoãn thi hành án; Quyết định đình chỉ thi hành án...
Cũng tương tự như Chấp hành viên, các hành vi mà Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thể bị Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị là các hành vi liên quan đến việc không ra các quyết định về thi hành án nêu trên, hoặc ra các quyết định về thi hành án không đúng, thực hiện những việc làm trong thi hành án mà pháp luật cấm không được làm, thực hiện không đúng nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự...
* Trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân
Theo khoản 1 Điều 161 Luật Thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân đối với quyết định, hành vi về thi hành án của mình hoặc của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị.
Như vậy, khi nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân đối với quyết định, hành vi của chính Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hay của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự đều có trách nhiệm trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân kể cả trường hợp Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp kháng nghị thì thẩm quyền trả lời kháng nghị vẫn là Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự bị kháng nghị.
* Giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân
Đối với trường hợp chấp nhận kháng nghị, khoản 1 Điều 161 Luật Thi hành án dân sự quy định:“Trường hợp chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có văn bản trả lời kháng nghị, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân.
Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không nhất trí với kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thì giải quyết như sau:
- Đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện:
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi có quyết định, hành vi bị kháng nghị phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh. Tuy nhiên điểm a khoản 2 Điều 161 Luật Thi hành án dân sự lại chưa nêu cụ thể về thời hạn phải thực hiện việc báo cáo lên thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh. Do đó, việc bổ sung quy định về thời hạn báo cáo lên cấp trên về việc không chấp nhận kháng nghị của cơ quan thi hành án dân sự là rất cần thiết.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh trong trường hợp này phải xem xét, trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành.
- Đối với cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh:
Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có quyết định, hành vi bị kháng nghị phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc BTP và Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc BTP xem xét và trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc BTP có hiệu lực thi hành.
- Đối với cơ quan thi hành án cấp quân khu:
Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu có quyết định, hành vi bị kháng nghị phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Viện kiểm sát quân sự trung ương. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng phải xem xét và trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo. Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành.
Trường hợp các văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Tư pháp, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng mà không có căn cứ thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét lại văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có trách nhiệm xem xét và trả lời bằng văn bản cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.
3. Kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong thi hành án dân sự
Theo quy định tại Điều 5 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng, không thuộc trường hợp kháng nghị thì Viện kiểm sát nhân dân kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.
Theo điểm đ khoản 2 Điều 12 Luật Thi hành án dân sự: Khi kiểm sát thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn kiến nghị xem xét hành vi, quyết định liên quan đến thi hành án có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng của Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp hoặc cấp dưới yêu cầu khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý người vi phạm; kiến nghị cơ quan, tổ chức liên quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
Đối tượng kiến nghị cũng là hành vi hoặc quyết định vi phạm pháp luật (phải vi phạm quy định, điều luật cụ thể); hành vi có thể là đơn lẻ hoặc lặp đi lặp lại (tình trạng). Tính chất của vi phạm ở mức độ ít nghiêm trọng (có thể hiểu là chưa đạt mức vi phạm nghiêm trọng như nêu trên). Ngoài ra, kiến nghị có thể áp dụng với các trường hợp hành vi hoặc quyết định tuy có tính chất vi phạm pháp luật nghiêm trọng nhưng không còn thời hạn kháng nghị. Bên cạnh đó, trường hợp phát hiện cơ quan, tổ chức có liên quan có sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị yêu cầu cơ quan, tổ chức khắc phục nguyên nhân, điều kiện dẫn tới vi phạm pháp luật và áp dụng biện pháp phòng ngừa[3].
Riêng đối với hoạt động kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự (là một nội dung của công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp), Điều 30 Luật TC Viện kiểm sát nhân dân  quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp: “Viện kiểm sát nhân dân thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật”. Theo Điều 159 Luật Thi hành án dân sự: Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát nhân dân có kiến nghị đối với Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có căn cứ, đúng pháp luật
Lưu ý: Ngoài những quy định nêu trên về kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát thi hành án dân sự và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự; theo Điều 315 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án (về vụ án hành chính), bảo đảm việc thi hành bản án, quyết định kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật. Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thi hành án hành chính và cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức phải chấp hành bản án, quyết định của Tòa án để có biện pháp tổ chức thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án”. Theo quy định này, khi kiểm sát việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (trừ trường hợp thi hành phần về tài sản trong bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính), Viện kiểm sát nhân dân có quyền kiến nghị mà không có quyền kháng nghị.
4. Một số vấn đề vướng mắc trong việc thực hiện kháng nghị, kiến nghị trong thi hành án dân sự:
Một là: Điều 5 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 có quy định về kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động tư pháp, tuy nhiên về khái niệm thế nào là “vi phạm pháp luật nghiêm trọng”; “vi phạm pháp luật ít nghiệm trọng” hiện nay vẫn chưa được làm rõ nên còn có những quan điểm khác nhau trong việc áp dụng pháp luật, đặc biệt là trong việc thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị.
Hai là: Theo các quy định pháp luật về kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp và trong công tác kiểm sát thi hành án dân sự thì pháp luật có quy định thời hạn kháng nghị (Điều 160 Luật Thi hành án dân sự) mà không quy định thời hạn kiến nghị; có quy định thời hạn để cơ quan, tổ chức, cá nhân bị kháng nghị có trách nhiệm thực hiện và trả lời cho Viện kiểm sát nhân dân về kết quả thực hiện kháng nghị (Điều 161 Luật Thi hành án dân sự) mà không có quy định thời hạn trả lời và thực hiện kiến nghị dẫn đến việc áp dụng các quy định của pháp luật chưa thống nhất về vấn đề này .
Ba là: Điều 12 Luật Thi hành án dân sự và Điều 28 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 quy định Viện kiểm sát thực hiện quyền kiến nghị đối với cơ quan, tổ chức có liên quan. Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự cũng như các văn bản hướng dẫn lại chưa quy định trách nhiệm và thời hạn Tòa án phải trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân dẫn đến trong thực tiễn có những trường hợp việc thi hành án bị kéo dài do phải chờ đợi trả lời của tòa án đối với kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân.
Bốn là: Pháp luật hiện hành chỉ mới quy định về quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong việc kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính mà chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ, trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình kiểm sát. Do đó cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình kiểm sát thi hành án nói chung và trong vấn đề kiến nghị, kháng nghị nói riêng; bổ sung quy định về các chế tài cần áp dụng trong những trường hợp kháng nghị, kiến nghị không chính xác, gây ảnh hưởng đến quá trình tổ chức thi hành án, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự.
Hoạt động kiểm sát nói chung và kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong thi hành án dân sự nói riêng giữ một vai trò rất quan trọng đối với công tác thi hành án dân sự, đặc biệt trong quản lý hoạt động nghiệp vụ thi hành án. Qua đó, giúp cho các cơ quan thi hành án dân sự khắc phục kịp thời những hạn chế và tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật. Đồng thời hoạt động này cũng có những ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tổ chức thi hành án dân sự, quyền và lợi ích của các đương sự. Do đó việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện vấn đề này là vô cùng cần thiết.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội

 


[1] Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, tài liệu Hội nghị “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính” tổ chức ngày 24/7/2017 tại Nghệ An, trang 59.

[2] Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Chuyên đề Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát thi hành án dân sự, HC, tài liệu Hội nghị “Nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự, hành chính” tlđd ,trang 68