Một số nội dung thông báo về thi hành án trong công tác thi hành án dân sự

30/06/2018
Trong công tác thi hành án dân sự thì thông báo về thi hành án là một thủ tục rất quan trọng theo quy định của pháp luật. Thông báo về thi hành án là hình thức chuyển tải thông tin thông qua việc chuyển các văn bản, giấy tờ hoặc tài liệu khác chứa đựng nội dung thông tin đến đối tượng được nhận thông báo, do người có thẩm quyền thực hiện theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định.


Việc hiểu và thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành, cũng như nhận diện các vướng mắc, khó khăn, hạn chế, tồn tại và đưa ra các giải pháp phù hợp với thông báo về thi hành án là hoàn toàn cần thiết, góp phần bảo đảm hiệu quả của việc thi hành án dân sự, bảo đảm hiệu lực thi hành của các bản án, quyết định được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự, cần được lưu ý, chú trọng một số nội dung sau đây:
1. Về các quy định pháp luật thông báo về thi hành án dân sự
Các quy định chung thông báo về thi hành án hiện nay được quy định ở các điều khoản, văn bản pháp luật, như Luật Thi hành án dân sự năm 2018 được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014  (Điều 38, 39, 40, 41, 42, 43). Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự (Điều 12). Điều 2 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ thi hành án dân sự, Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính quy định việc lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, kinh phí cưỡng chế thi hành án và một số văn bản pháp luật khác. Bên cạnh những quy định chung thông báo về thi hành án thì còn có những quy định chi tiết, cụ thể đối với từng nội dung thông báo về thi hành án.
Như vậy, có thể thấy rằng thông báo về thi hành án hiện nay được quy định với nhiều điều khoản rải rác tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Bởi thế, thông báo về thi hành án cần phải được hệ thống hóa, phân chia, sắp xếp logic theo từng nội dung của phạm trù thông báo về thi hành án mới đảm bảo dễ thực hiện, hiệu quả, đúng pháp luật, nhất là thời hạn thông báo về thi hành án trong thi hành án dân sự.
2. Các hình thức thông báo về thi hành án 
Với 03 hình thức thông báo về thi hành án dân sự tại điểm c khoản 3 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự và quy định chi tiết tại các Điều 40, 41, 42, 43 Luật Thi hành án dân sự đòi hỏi phải thực hiện đúng theo từng hình thức, với các cấp độ khác nhau thông báo về thi hành án.
- Thông báo trực tiếp
Đây là hình thức thông báo được pháp luật quy định trước tiên trong các hình thức thông báo về thi hành án. Hình thức thông báo trực tiếp được quy định với 02 nội dung trực tiếp là chủ thể có thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện thông báo trực tiếp thực hiện thông báo và thông báo được thông báo trực tiếp đến đối tượng được nhận thông báo. Mức độ trực tiếp của thông báo về thi hành án của hình thức thông báo này thể hiện trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật.
Thủ tục thông báo trực tiếp cho cá nhân yêu cầu văn bản thông báo cho cá nhân phải được giao trực tiếp và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ. Trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan từ chối không nhận thông báo thì người thực hiện thông báo trực tiếp phải lập biên bản, có chữ ký của người chứng kiến và việc thông báo được coi là hợp lệ. Trường hợp người được thông báo vắng mặt thì văn bản thông báo được giao cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự. Trường hợp giao thông báo qua người khác nhận thay thì người thông báo phải lập biên bản ghi rõ họ tên, chức vụ, địa chỉ của người nhận thay; ngày, giờ nhận thay; quan hệ giữa họ với người được thông báo; cam kết giao tận tay hoặc thông báo ngay cho người được thông báo. Việc giao thông báo phải lập thành biên bản. Biên bản có chữ ký của người nhận và người giao thông báo. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ. Trường hợp người được thông báo không có người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú hoặc có nhưng người đó từ chối nhận văn bản thông báo hoặc người được thông báo vắng mặt mà không rõ thời điểm trở về thì người thực hiện thông báo phải lập biên bản về việc không thực hiện được thông báo, có chữ ký của người chứng kiến và thực hiện việc niêm yết công khai theo quy định. Trường hợp có uỷ quyền thì việc thông báo các văn bản về thi hành án được thực hiện đối với người được uỷ quyền.
Thủ tục thông báo trực tiếp cho người được thông báo là cơ quan, tổ chức thì văn bản thông báo phải được giao trực tiếp cho người đại diện theo pháp luật hoặc người chịu trách nhiệm nhận văn bản của cơ quan, tổ chức đó và phải được những người này ký nhận. Trường hợp cơ quan, tổ chức được thông báo có người đại diện tham gia việc thi hành án hoặc cử người đại diện nhận văn bản thông báo thì những người này ký nhận văn bản thông báo. Ngày ký nhận là ngày được thông báo hợp lệ.
Trường hợp người được thông báo đã chuyển đến địa chỉ mới thì phải thông báo theo địa chỉ mới của người được thông báo. Trong trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thay đổi về địa chỉ liên lạc thì họ phải kịp thời thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền tổ chức thi hành án biết để thực hiện việc thông báo theo địa chỉ mới; nếu như đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không thông báo địa chỉ mới thì việc thông báo theo địa chỉ được xác định trước đó được coi là hợp lệ.
- Niêm yết công khai
Việc niêm yết công khai văn bản thông báo chỉ được thực hiện khi không rõ địa chỉ của người được thông báo hoặc không thể thực hiện được việc thông báo trực tiếp, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo hoặc cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thực hiện việc niêm yết. Việc niêm yết được thực hiện theo thủ tục niêm yết văn bản thông báo tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, trụ sở Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người được thông báo cư trú hoặc cư trú cuối cùng và tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của người được thông báo. Việc xác định nơi cư trú được thực hiện theo pháp luật về cư trú.
Trường hợp niêm yết để bán đấu giá tài sản thì nơi niêm yết thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá. Điều 35 Luật Đấu giá tài sản quy định tổ chức đấu giá tài sản niêm yết việc đấu giá đối với tài sản là động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi trưng bày tài sản (nếu có) và nơi tổ chức cuộc đấu giá ít nhất là 07 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá; đối với tài sản là bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá. Ngoài việc niêm yết việc đấu giá tài sản, tổ chức đấu giá tài sản thực hiện thông báo công khai việc đấu giá tài sản theo quy định tại Điều 57 của Luật Đấu giá tài sản theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá; đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc; trường hợp đấu giá theo thủ tục rút gọn thì tổ chức đấu giá tài sản thông báo công khai một lần việc đấu giá tài sản trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá. Thời gian thông báo công khai lần thứ hai ít nhất là 07 ngày làm việc đối với tài sản là động sản, 15 ngày đối với tài sản là bất động sản trước ngày mở cuộc đấu giá. Việc thông báo công khai được thực hiện đồng thời với việc niêm yết đấu giá tài sản. Nội dung thông báo công khai việc đấu giá tài sản bao gồm: Tên, địa chỉ của tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá; thời gian, địa điểm đấu giá tài sản; tên tài sản, nơi có tài sản đấu giá; giá khởi điểm của tài sản đấu giá trong trường hợp công khai giá khởi điểm; tiền đặt trước; thời gian, địa điểm, điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá.
Thông báo về thi hành án thực hiện bằng hình thức niêm yết công khai thì phải lập biên bản về việc niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết; số, ngày, tháng, năm, tên của văn bản thông báo; có chữ ký của người chứng kiến. Thời gian niêm yết công khai văn bản thông báo là 10 ngày, kể từ ngày niêm yết. Ngày niêm yết là ngày được thông báo hợp lệ.
- Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng
Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu. Trường hợp xác định đương sự đang có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của địa phương đó hai lần trong 02 ngày liên tiếp. Trường hợp xác định đương sự không có mặt tại địa phương nơi đương sự cư trú thì việc thông báo được thực hiện trên báo ngày trong hai số liên tiếp hoặc trên đài phát thanh, đài truyền hình của trung ương hai lần trong 02 ngày liên tiếp. Ngày thực hiện việc thông báo lần hai trên phương tiện thông tin đại chúng là ngày được thông báo hợp lệ.
Ngoài việc thông báo về thi hành án trên phương tiện thông tin đại chúng thực hiện theo quy định tại Điều 43 Luật Thi hành án dân sự như nêu trên thì cơ quan thi hành án dân sự có thể được công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Thi hành án dân sự, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp.
3. Đối tượng được nhận thông báo về thi hành án 
Đối tượng được nhận thông báo về thi hành án phải xác định chính xác căn cứ quy định của pháp luật và theo từng loại thông báo là quyết định, văn bản hoặc tài liệu khác. Các thông báo có nội dung khác nhau thì đối tượng được nhận thông báo cũng khác nhau vì do nội dung của từng văn bản, tài liệu thông báo quyết định.
Đối với đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự thì quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó. Quyết định về thi hành án là loại văn bản đa dạng và có phạm vi rộng, bao gồm tất cả các quyết định phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án từ khi ra quyết định thi hành án đến khi kết thúc thi hành án và do hai chủ thể có thẩm quyền ký ban hành đó là Thủ trưởng và Chấp hành viên. Hiện nay có nhiều quyết định về thi hành án, như: Quyết định thi hành án; quyết định ủy thác, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ, xác định việc chưa có điều kiện thi hành án; quyết định thu phí thi hành án; quyết định giải quyết khiếu nại; quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án; quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định. Các quyết định về thi hành án được ban hành theo mẫu thống nhất quy định tại Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, theo đó có 128 biểu mẫu quyết định về thi hành án dân sự, bao gồm 03 mẫu quyết định về thi hành án của Tổng cục Thi hành án dân sự, 64 mẫu quyết định về thi hành án của Cục Thi hành án dân sự và 61 mẫu quyết định về thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự.
Giấy báo, giấy triệu tập trong thi hành án dân sự được ban hành để thông báo cho đương sự, người có quyền, lợi ích liên quan đến trụ sở cơ quan thi hành án dân sự hoặc một địa điểm nhất định nào đó theo quy định của pháp luật để giải quyết hoặc tham gia vào việc thi hành án. Căn cứ để ban hành giấy báo, giấy triệu tập trong thi hành án, trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên quy định tại khoản 3 Điều 20 Luật Thi hành án dân sự và người khác có thẩm quyền, căn cứ vào các nội dung vụ việc cụ thể để lựa chọn mẫu giấy báo, giấy triệu tập sao cho phù hợp với nội dung thông báo và thực hiện hiệu quả. Văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án là loại văn bản phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án mà không phải là quyết định về thi hành án hoặc giấy báo, giấy triệu tập do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự hoặc Chấp hành viên ban hành với mục đích truyền tải thông tin mà thông tin đó hàm chứa quyền hoặc nghĩa vụ của người được nhận văn bản thông báo. Văn bản khác trong thi hành án được thể hiện dưới dạng thông báo hoặc công văn như: Thông báo từ chối nhận yêu cầu thi hành án, thông báo tạm đình chỉ thi hành án, thông báo nhận ủy thác, thông báo cưỡng chế thi hành án, thông báo dự trù chi phí cưỡng chế thi hành án, thông báo kê biên tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng, thông báo quyền ưu tiên mua tài sản chung, thông báo quyền yêu cầu định giá lại của đương sự.
Đối với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thì theo quy định tại Điều 38 Luật Thi hành án dân sự và Điều 13 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định, các quyết định về thi hành án phải được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; các quyết định, kết luận về giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự và Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự được gửi cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ban hành để thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Đối với Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể thời hạn gửi quyết định về thi hành án dân sự, tuy nhiên để hạn chế việc Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thể bị Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị quyết định về thi hành án khi thời gian thi hành án đã thực hiện khá dài làm kéo dài thời gian thi hành án, đồng thời bảo đảm thuận lợi cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp thực hiện chức năng kháng nghị thì cơ quan thi hành án dân sự cần gửi quyết định về thi hành án cho Viện kiểm sát nhân dân cấp trên trực tiếp cùng thời hạn với Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Nội dung này căn cứ quy định tại Điều 160 Luật Thi hành án dân sự, theo đó Viện kiểm sát kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện hành vi vi phạm.
Quyết định cưỡng chế thi hành án phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện quyết định cưỡng chế thi hành án.
4. Chủ thể cần trực tiếp thực hiện thông báo về thi hành án 
Mặc dù pháp luật quy định việc thông báo trực tiếp cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan do Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo; do bưu tá; người được cơ quan thi hành án ủy quyền; tổ trưởng tổ dân phố; trưởng thôn, làng, ấp, bản, khóm, buôn, phum, sóc; Ủy ban nhân dân, công an cấp xã; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị; Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi người được thông báo có địa chỉ, cư trú, công tác, chấp hành hình phạt tù giao văn bản cần thông báo cho người được thông báo. Tuy nhiên, xuất phát từ yêu cầu cần nhanh chóng, chính xác của việc thông báo về thi hành án thì Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án (Thư ký thi hành án giúp Chấp hành viên thi hành vụ việc) cần trực tiếp thông báo thực hiện việc giao văn bản, giấy tờ, tài liệu khác cho người được thông báo, bởi lẽ việc trực tiếp này sẽ xác định ngay được thời điểm người nhận thông báo đã nhận được thông báo về thi hành án, nhất là đối với người phải thi hành án. Chấp hành viên trực tiếp giao quyết định thi hành án cho người phải thi hành án ngay trong ngày nhận được quyết định thi hành án do Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phân công tổ chức thi hành thì xác định ngay được thời điểm đầu tiên của thời hạn tự nguyện thi hành án quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự là “10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án”, từ đó xác định được thời điểm sớm tiến hành xác minh điều kiện thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 44 và thời điểm được áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án dân sự, trừ trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự. Ngược lại, Chấp hành viên thực hiện thông báo về thi hành án thông qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác thì phải thực hiện thông qua thủ tục “trung gian”, ví dụ như thực hiện thông báo qua dịch vụ bưu chính bằng thư bảo đảm thì phải chờ thông tin từ đơn vị dịch vụ bưu chính viễn thông xác thực người phải thi hành án đã nhận được quyết định thi hành án mới có cơ sở chắc chắc để tiến hành xác minh điều kiện thi hành án hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự theo quy định hoặc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng thì phải bảo đảm số lần và thời hạn thông báo trên báo hoặc đài hoặc Trang Thông tin điện tử, Cổng Thông tin điện tử theo quy định của pháp luật. Khoảng thời gian thực hiện thủ tục “trung gian” đương nhiên làm kéo dài thời gian thông báo so với thông báo do Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự trực tiếp thực hiện. Vì thế, Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án dân sự trực tiếp thực hiện thông báo về thi hành án thì ở mức độ nhất định góp phần làm rút ngắn thời gian thi hành án đối với việc thi hành án dân sự.
Hình thức thông báo trực tiếp do Chấp hành viên, công chức làm công thác thi hành án thực hiện được ưu tiên tiến hành. Thế nhưng, trong trường hợp nhất định, việc lựa chọn hình thức thông báo khác sẽ nhanh hơn, có thể rút ngắn thời gian thi hành án hơn thông báo trực tiếp do Chấp hành viên, công chức làm công tác thi hành án thực hiện, bởi thế việc lựa chọn hình thức thông báo trong trường hợp đặc thù phải được xem xét, lựa chọn cho phù hợp. Cụ thể là: Trường hợp đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự. Trong trường hợp thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác theo yêu cầu của người được nhận thông báo thì Chấp hành viên phải lưu vào hồ sơ thi hành án văn bản thể hiện yêu cầu, văn bản cần thông báo và văn bản thể hiện kết quả thông báo như bức điện tín, thư điện tử, báo cáo bản fax đã được gửi. Trường hợp do đường sá xa xôi, giao thông không thuận tiện; người được thông báo có nhiều địa chỉ liên lạc, nơi ở không cố định, thường vắng mặt ở nhà vào giờ hành chính; đương sự đang bị giam, tạm giam; người được thi hành án chưa yêu cầu thi hành án; các trường hợp khác mà việc thông báo trực tiếp có khó khăn thì việc thông báo được thực hiện qua dịch vụ bưu chính bằng thư bảo đảm. Ngày gửi thư bảo đảm là ngày thông báo hợp lệ. Trường hợp thông báo đối với người đang bị giam, tạm giam được thực hiện theo địa chỉ nơi người đó đang bị giam, tạm giam. Giám thị trại giam, tạm giam có trách nhiệm giao văn bản thông báo cho người được thông báo.
5. Ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thông báo về thi hành án 
Ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự được Nhà nước bảo đảm theo quy định tại Điều 24 Luật Thi hành án dân sự năm 2008[1]. Hệ thống Thi hành án dân sự hiện nay được tổ chức theo Ngành dọc từ Trung ương đến địa phương cấp huyện (ở Trung ương có Tổng cục Thi hành án dân sự với 8 đơn vị trực thuộc, ở cấp tỉnh có 63 Cục Thi hành án dân sự, cấp huyện có 710 Chi cục Thi hành án dân sự). Tổng số công chức, viên chức, người lao động toàn Hệ thống Thi hành án dân sự tính đến hết ngày 31/03/2018 gồm có 9.359 biên chế[2]. Trong bối cảnh lượng án phải thi hành không ngừng tăng cao nhưng biên chế không tăng, thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, thời gian qua, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự.
Với yêu cầu rút ngắn thời gian thi hành án thì việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thông báo về thi hành án là rất cần thiết và hoàn toàn có cơ sở. Theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hiện nay, ngoài việc thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác và niêm yết công khai thì việc thông báo về thi hành án dân sự còn được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chỉ được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc khi đương sự có yêu cầu và trên phương tiện thông tin nhất định. Quy định tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự mới chỉ bó hẹp trong phạm vi “có thể” hoặc chỉ khi “có yêu cầu” của đối tượng được nhận thông báo nên chưa tạo ra cơ chế chủ động cho việc thực hiện thông báo và nhận thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng đối với cơ quan thi hành án dân sự. Thời hạn thông báo trong thi hành án dân sự đối với từng loại việc thông báo không hoàn toàn giống nhau, mặt khác hậu quả pháp lý phát sinh khi hết thời hạn thông báo hoặc khi người được thông báo nhận được thông báo cũng rất khác nhau. Có thể có trường hợp người được thông báo nhận được thông báo sớm thì bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích của họ và ngược lại họ nhận được thông báo khi cận ngày hoặc hết hạn thông báo thì khó khăn trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ hoặc mất đi quyền, nghĩa vụ trong thi hành án dân sự và dẫn đến việc thi hành án bị kéo dài. Việc thông báo về thi hành án dân sự thông qua ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện cho việc thực hiện các thủ tục thi hành án dân sự nhanh hơn, góp phần rút ngắn thời gian thi hành án.
6. Chi phí thông báo về thi hành án dân sự
Thực hiện thông báo về thi hành án cần chi phí nhất định, có trường hợp tốn kém nhiều chi phí, vì thế phải bảo đảm các chi phí cho việc thực hiện thông báo về thi hành án. Chi phí thông báo về thi hành án tùy từng trường hợp nhất định xác định là hoạt động thường xuyên của cơ qaun thi hành án dân sự hoặc là một nội dung chi của chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự; đối tượng chịu chi phí thông báo có thể là ngân sách nhà nước hoặc người phải thi hành án hoặc người được thi hành án. Do vậy, trong việc thực hiện thông báo về thi hành án đòi hỏi phải xác định đúng đối tượng, nội dung, mức chi và thủ tục tạm ứng, chi, quyết toán chi phí thông báo về thi hành án.
Khoản 4 Điều 39 Luật Thi hành án dân sự quy định chi phí thông báo do người phải thi hành án chịu, trừ trường hợp pháp luật quy định ngân sách nhà nước chi trả hoặc người được thi hành án chịu. Điều 73 Luật Thi hành án dân sự, Điều 43 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự và Thông tư số 200/2016/TT-BTC quy định cụ thể các chi phí về thi hành án mà người phải thi hành án, người được thi hành án và ngân sách nhà nước chi trả. Điều 4 Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính quy định người phải thi hành án chịu các khoản chi phí thông báo về cưỡng chế, gồm chi phí thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện thông báo cưỡng chế thi hành án (cán bộ thi hành án, đại diện chính quyền địa phương, đại diện tổ chức xã hội và các thành phần khác). Điều 7 Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính quy định Ngân sách nhà nước chi cho các khoản thông báo cưỡng chế trong các trường hợp chi phí về thông báo cưỡng chế thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án, người được thi hành án được miễn, giảm chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 44 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự; chi phí về thông báo cưỡng chế thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản nhưng giá trị tài sản chỉ đủ để thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 44a Luật Thi hành án dân sự; chi phí thông báo cưỡng chế thi hành án khi đang tiến hành cưỡng chế nhưng phải ngừng do sự kiện bất khả kháng quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự, trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án, tạm ngừng thi hành án để giải quyết khiếu nại theo quy định tại Điều 49 và Điều 50 Luật Thi hành án dân sự.
Mức chi thông báo về thi hành án ngoài chi trả theo thực tế, hợp đồng (chi văn phòng phẩm, thuê phương tiện, phí đăng tin v.v.) thì còn khoản chi có tính chất đặc thù là chi bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia vào quá trình thông báo về thi hành án quy định tại khoản 3 Điều 8 Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính với mức Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát viên, cảnh sát là 70.000 đồng/người/ngày; dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương và các đối tượng khác là 100.000 đồng/người/ngày. Thủ tục tạm ứng, thanh quyết toán chi phí thông báo về thi hành án là một thủ tục về lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn thực hiện quy định tại Thông tư số 200/2016/TT-BTC ngày 09/11/2016 của Bộ Tài chính.
7. Hoàn thiện pháp luật và xử lý lý nghiên vi phạm thông báo về thi hành án dân sự
Về cơ bản, quy định pháp luật thông báo về thi hành án hiện nay đã bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện thông báo về thi hành án, mặc dù vẫn còn những hạn chế, vướng mắc, khó khăn cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện pháp luật thông báo về thi hành án. Nội dung hoàn thiện pháp luật thông báo về thi hành án tập trung vào những nội dung: Giảm bớt một số thời hạn thông báo về thi hành án. Quy định cụ thể, rõ ràng hơn thủ tục thực hiện thông báo về thi hành án, với việc bổ sung vào Luật thủ tục thực hiện thông báo về thi hành án bằng các ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả các ứng dụng mạng xã hội như Twitter, Facebook, Zalo, Viber, Line.
Mặt khác, để đảm bảo thực hiện nghiêm thông báo về thi hành án thì cần xử lý nghiêm những hành vi vi phạm thông báo về thi hành án. Việc xử lý vi phạm trên cở sở căn cứ quy định về quyền, nghĩa vụ của các chủ thể, như: Người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có nghĩa vụ thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định, yêu cầu của Chấp hành viên trong thi hành án; thông báo cho cơ quan thi hành án dân sự khi có thay đổi về địa chỉ, nơi cư trú. Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người được thi hành án hoặc người đại diện theo ủy quyền của người được thi hành án có yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, trừ trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối cung cấp thì phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do. Trường hợp người phải thi hành án chuyển trại giam, trại tạm giam hoặc được đặc xá, được miễn chấp hành hình phạt tù hoặc chết thì Giám thị trại giam, trại tạm giam nơi người đó chấp hành hình phạt tù phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án dân sự.
           Tuấn Trang
 
 
[1] Điều 24 Luật Thi hành án dân sự: “Nhà nước bảo đảm biên chế, kinh phí, trụ sở làm việc, công cụ hỗ trợ thi hành án, ứng dụng công nghệ thông tin và phương tiện, trang thiết bị cần thiết khác cho cơ quan thi hành án dân sự”.
[2] Báo cáo 108/BC-BTP ngày 03/5/2018 của Bộ Tư pháp