Thông báo cho những người được thi hành án chưa yêu cầu thi hành án: Trách nhiệm của Chấp hành viên?

09/04/2019
Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự đã quy định bổ sung một số quyền và trách nhiệm của Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án. Một trong số đó là trách nhiệm “thông báo cho những người được thi hành án chưa có yêu cầu thi hành án để yêu cầu thi hành án”. quy định tại ....... Tuy nhiên, trong quá trình Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ này đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần có hướng giải quyết, cụ thể:


1. Quy định về trách nhiệm thông báo liên quan đến việc ra quyết định thi hành án trong trường hợpnhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định, nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án
Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định: “1. ...Trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định, nhưng chỉ có một hoặc một số người có yêu cầu thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với những người đã có yêu cầu, đồng thời thông báo cho những người được thi hành án khác theo bản án, quyết định đó biết để yêu cầu thi hành án trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ. Hết thời hạn trên, nếu người được thông báo không yêu cầu thi hành án thì Chấp hành viên tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã có yêu cầu hoặc người đại diện của những người đã có yêu cầu để quản lý. Quyền và lợi ích hợp pháp của những người được thi hành án đối với tài sản đó được giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.”
Điều 289 Bộ luật dân sự về thực hiện nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền liên đới quy định:
“1. Nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền liên đới là nghĩa vụ mà theo đó mỗi người trong số những người có quyền đều có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ có thể thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bất cứ ai trong số những người có quyền liên đới.
3. Trường hợp một trong số những người có quyền liên đới miễn cho bên có nghĩa vụ không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người có quyền liên đới khác.”
Ví dụ: Bản án tuyên A có nghĩa vụ trả cho B, C, D, E ngôi nhà 3 tầng, diện tích 50m2. Ngày 15/1/2019, B làm đơn yêu cầu thi hành án.
Một số câu hỏi đặt ra trong trường hợp này là:
Thứ nhất, cơ quan thi hành án dân sự có ra quyết định thi hành án bao gồm toàn bộ phần nghĩa vụ cho tất cả những người được thi hành án theo yêu cầu của một hay một số người được thi hành án hay không? Theo nguyên tắc chung quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên có nhiệm vụ “thi hành đúng nội dung bản án, quyết định”. Trong khi đó, đây là trường hợp nhiều người được nhận một tài sản cụ thể hoặc nhận chung một khoản tiền theo bản án, quyết định- quyền liên đới, không tách rời. Do đó, khi ra Quyết định thi hành án thì phải xác định toàn bộ phần nghĩa vụ cho tất cả những người được thi hành án khác. Đồng thời, theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự thì “Thời hạn ra quyết định thi hành án theo yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu thi hành án”.
Như vậy, sau khi nhận được đơn yêu cầu của B, trong thời hạn 5 ngày làm việc, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án với nội dung: “A có nghĩa vụ trả cho B, C, D, E ngôi nhà 3 tầng, diện tích 50m2 là đầy đủ toàn bộ quyền lợi của bên có quyền liên đới, phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 289 Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 7  Nghị định số 62/NĐ-CP thì "Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với những người đã có yêu cầu", trong trường hợp này chỉ có duy nhất B đã yêu cầu thi hành án.
Thứ hai, sau khi ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của B, trong thời hạn 30 ngày được thông báo, nếu có người được thi hành án làm đơn yêu cầu thì có ra quyết định thi hành án cho họ hay không? Ví dụ: Sau khi cơ quan thi hành án dân sự thông báo, ngày 20/1/2019, C làm đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 10/2/2019, D làm đơn yêu cầu thi hành án. E chưa làm đơn yêu cầu.
Vậy, việc ra quyết định thi hành án với C và D được thực hiện như thế nào? Câu hỏi đầu tiên là có ra quyết định thi hành án hay không? Theo nguyên tắc thì khi đương sự yêu cầu thi hành án hợp lệ thì cơ quan thi hành án phải ra quyết định thi hành án trong thời hạn pháp luật quy định.
Nếu có ra quyết định thi hành án thì nội dung của quyết định thi hành án sẽ như thế nào? Trường hợp ra quyết định thi hành án cho C và D thì quyết định thi hành án có phải có đầy đủ nội dung: “A có nghĩa vụ trả cho B, C, D, E ngôi nhà 3 tầng, diện tích 50m2” hay không? Như vậy, nếu quyết định thi hành án đầu tiên đã được ban hành với toàn bộ quyền liên đới thì việc ra  03 quyết định thi hành án độc lập cơ quan thi hành án dân sự sẽ phải thống kê thành 3 việc khác nhau, như vậy, nghĩa vụ của A sẽ bị “nhân lên gấp 3 lần”. Điều này là vô lý.
Trường hợp không ra quyết định thi hành án thì xử lý yêu cầu thi hành án của C,D ra sao, căn cứ nào để chi trả tiền hoặc tài sản cho họ? Tại  khoản 1 Điều 7 Nghị định 62/2015/NĐ-CP  quy định: Chấp hành  viên "tổ chức giao tài sản, khoản tiền đó cho người đã có yêu cầu hoặc người đại diện của những người đã có yêu cầu để quản lý. Quyền và lợi ích hợp pháp của những người được thi hành án đối với tài sản đó được giải quyết theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật". Như vậy, Nghị định cũng đã quy định họ cũng thuộc đối tượng được giao tiền, tài sản; quy định trên của Nghị định là phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, theo đó đã chỉ rõ cách thức, biện pháp giải quyết quyền lợi của người chưa yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, Nghị định thiếu quy định về thủ tục xử lý yêu cầu thi hành án của những người yêu cầu thi hành án sau khi họ nhận được thông báo của Chấp hành viên.
Thứ ba, nếu thời điểm yêu cầu thi hành án của C và D là khác nhau thì cơ quan thi hành án ra một hay hai quyết định thi hành án? Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 62/NĐ-CP thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án cho mỗi yêu cầu thi hành án. Trường hợp trong bản án, quyết định có một người phải thi hành án cho nhiều người được thi hành án và các đương sự yêu cầu thi hành án vào cùng thời điểm thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho nhiều yêu cầu.
Thứ tư, thời hạn thông báo là 30 ngày để người được thi hành án làm đơn yêu cầu thi hành án liệu có mâu thuẫn, có hạn chế quyền của người được thi hành án so với quy định về thời hiệu yêu cầu thi hành án là 05 năm hay không? Việc quy định Chấp hành viên phải thông báo cho người được thi hành án có "bao cấp" và  ngược với quyền "tự quyết" của người được thi hành án hay không?
Bên cạnh đó, có thể thấy việc quy định trách nhiệm thông báo của Chấp hành viên cho người được thi hành án chưa lường hết các trường hợp như đương sự có yếu tố nước ngoài, không xác định được địa chỉ của đương sự, đương sự thay đổi địa chỉ.., việc thông báo có thể không có kết quả mong đợi, làm kéo dài việc thi hành án, dẫn đến trách nhiệm của Chấp hành viên.
Từ đó, có thể thấy quy định trên của Nghị định chưa giải quyết hết các trường hợp phát sinh, mặt khác, việc quy định trách nhiệm của Chấp hành viên phải thông báo cho những người được thi hành án chưa có yêu cầu là không cần thiết, kéo dài thời gian tổ chức thi hành án, gây khó khăn cho cơ quan thi hành án dân sự trong việc ra các quyết định thi hành án.
2. Quy định về trách nhiệm thông báo liên quan đến việc xác định thứ tự thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án
Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định về thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án như sau:
"1. Trường hợp thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên xác định số tiền được thanh toán của những người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế.
Trường hợp bản án, quyết định đang do cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành xác định nhiều người được thi hành án nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu thi hành án mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án, quyết định thì cơ quan thi hành án dân sự thanh toán cho người đã yêu cầu thi hành án theo tỉ lệ mà họ được nhận, số tiền còn lại gửi vào ngân hàng theo loại tiền gửi kỳ hạn 01 tháng, đồng thời thông báo và ấn định thời hạn không quá 01 tháng cho những người được thi hành án chưa yêu cầu về quyền yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp đã hết thời hiệu.
Hết thời hạn thông báo mà cơ quan thi hành án dân sự không nhận được yêu cầu thi hành án thì số tiền đã gửi và tiền lãi được thanh toán tiếp cho những người đã có yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm hết thời hạn thông báo; số tiền còn lại, nếu có, được thanh toán cho những người được thi hành án theo các quyết định thi hành án khác tính đến thời điểm thanh toán hoặc trả lại cho người phải thi hành án".
Từ quy định trên về xử lý “Trường hợp thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 47 Luật Thi hành án dân sự thì Chấp hành viên xác định số tiền được thanh toán của những người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế” cho thấy pháp luật không quy định rõ mục đích của việc xác định  người được thi hành án đã có đơn yêu cầu và không quy định rõ người được thi hành án trong một hay nhiều bản án, quyết định của Tòa án tính đến thời điểm thanh toán tiền.
 Tiếp theo (tại khổ thứ 2) lại quy định “Trường hợp bản án, quyết định đang do cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành xác định nhiều người được thi hành án nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu thi hành án mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án, quyết định thì cơ quan thi hành án dân sự thanh toán cho người đã yêu cầu thi hành án theo tỉ lệ mà họ được nhận, số tiền còn lại gửi vào ngân hàng theo loại tiền gửi kỳ hạn 01 tháng, đồng thời thông báo và ấn định thời hạn không quá 01 tháng cho những người được thi hành án chưa yêu cầu về quyền yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp đã hết thời hiệu” là không rõ ràng. Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 11/2016 ngày 01/8/2016 thì “…cơ quan thi hành án dân sự xác định rõ những bản án, quyết định đang trực tiếp tổ chức thi hành có trước thời điểm có quyết định cưỡng chế thi hành án mà có nhiều người được thi hành án để xác định người đã yêu cầu thi hành án, người chưa yêu cầu thi hành án; số tiền được thanh toán của người đã yêu cầu thi hành án và của người chưa yêu cầu thi hành án theo các bản án, quyết định đó”.
Như vậy, chưa có sự thống nhất giữa các quy định của Luật, Nghị định số 62/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 11 về thanh toán tiền thi hành án, dẫn đến trong thực tiễn thi hành gặp rất nhiều khó khăn.
Giải quyết vấn đề này, tác giả thấy rằng: Về nguyên tắc,  quyền lợi của người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án phải được ưu tiên hơn so với người chưa yêu cầu thi hành án. Đối với trường hợp chưa yêu cầu thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự chưa có cơ sở để xác định được số tiền chính xác mà người phải thi hành án có nghĩa vụ phải thi hành  đối với các bản án, quyết định của Tòa án. Bên cạnh đó, cơ quan thi hành án đã thu được tiền của người phải thi hành án rất khó xác định nghĩa vụ của người phải thi hành án ở các bản án, quyết định mà cơ quan thi hành án nơi khác đang thi hành dẫn đến không thể thực hiện trên thực tế. Quy định này cũng dẫn đến việc vi phạm nguyên tắc “Việc áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết” theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
Từ các vướng mắc trên,  tác giả thấy rằng, nguyên tắc của việc tổ chức thi hành án cho tổ chức, cá nhân (không thuộc các khoản chủ động thu cho ngân sách nhà nước) là: các cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án và tổ chức thi hành án khi có yêu cầu thi hành án. Nguyên tắc của quan hệ dân sự nói chung là “tự do, tự nguyện và thỏa thuận”. Do đó, việc quy định trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc thông báo cho những người được thi hành án chưa có yêu cầu thi hành án là không cần thiết, không phù hợp với nguyên tắc tổ chức thi hành án; làm kéo dài thời gian tổ chức thi hành án; quy định như vậy cũng dẫn đến việc cơ quan thi hành án dân sự- cơ quan hành chính nhà nước đã can thiệp vào các quan hệ dân sự, có thể làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người được thi hành án đã yêu cầu trước đó, cũng như không khuyến khích việc người được thi hành án sớm làm đơn yêu cầu thi hành án để bảo vệ quyền lợi của mình. Vấn đề này cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.