Một số góp ý hoàn thiện văn bản pháp luật thi hành án dân sự từ góc nhìn thực tiễn

10/10/2020
Bài viết này đưa ra một số khó khăn, vướng mắc của người làm công tác thi hành án dân sự trong việc áp dụng Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó, đưa ra những kiến nghị góp phần hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự hiện nay.


Ngày 01/9/2020, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có Quyết định số 701/QĐ-TCTHADS ban hành Kế hoạch rà soát, đánh giá các quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đây là đợt rà soát toàn diện quy mô trên toàn hệ thống thi hành án dân sự. Là người hiện đang công tác thi hành án ở cơ sở, thường xuyên tiếp xúc với người dân cũng như áp dụng các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, tôi xin đóng góp một số ý kiến để hoàn thiện pháp luật về thi hành án dân sự như sau:
1. Góp ý về các quy định chung
Điều 2 Luật THADS
Sau khi Luật THADS được ban hành và sửa đổi bổ sung (năm 2014), Bộ luật tố tụng dân sự đã được ban hành năm 2015 và đã quy định thêm những trường hợp bản án sơ thẩm được thi hành ngay tại khoản 2 Điều 482 mà tại khoản 2 Điều 2 Luật THADS chưa đề cập đến. Do đó, đề nghị cập nhật vào khoản 2 Điều 2 Luật THADS hiện hành các trường hợp tại khoản 2 Điều 482 Bộ luật TTDS.
Điều 482. Những bản án, quyết định của Tòa án được thi hành (BLTTDS)
1. Bản án, quyết định dân sự của Tòa án được thi hành là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, bao gồm:
a) Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm;
b) Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm;
c) Quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm của Tòa án; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định tại Điều 360 của Bộ luật này;
d) Bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
2. Những bản án, quyết định sau đây của Tòa án cấp sơ thẩm được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, khiếu nại, kháng nghị, kiến nghị:
a) Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân; quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công;
b) Quyết định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Ngoài ra, cần quy định rõ: chỉ thi hành những khoản được Bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm nêu rõ là được thi hành ngay (cho phù hợp với quy định tại Điều 266 Bộ luật TTDS. Quy định như vậy để tránh hậu quả pháp lý phát sinh khi Bản án sơ thẩm không nêu rõ “được thi hành ngay” nhưng cơ quan thi hành án dân sự ban hành Quyết định thi hành án ngay, sau đó, cấp phúc thẩm sửa án, hủy án, dẫn đến tranh chấp, bồi thường không đáng có.
Ví dụ:
Bản án lao động sơ thẩm số 01/2017/LĐ-ST ngày 29/6/2017 của Tòa án nhân dân huyện Q, tỉnh Đ về việc tranh chấp lao động giữa nguyên đơn ông Đinh Hữu và Công ty cổ phần Quy đã tuyên:
“Buộc Công ty cổ phần Quy phải trả cho ông Hữu tiền 8 tháng lương, tổng cộng: 253.900.000 đồng.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên phải thi hành án còn phải chịu lãi theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định.”
(Ngoài ra, bản án không tuyên thêm các nghĩa vụ thi hành án theo đơn yêu cầu nào khác).
Ngày 01/7/2017, ông Hữu có yêu cầu thi hành án đối với khoản tiền lương.
Ngày 02/7/2017, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Q, tỉnh Đ ban hành Quyết định thi hành án số 1000/QĐ-CCTHADS căn cứ điểm a Khoản 2 Điều 2 và Điều 36 Luật thi hành án dân sự sửa đổi bổ sung. Theo đó, buộc Công ty cổ phần Quy phải trả cho ông Hữu tiền 8 tháng lương, tổng cộng: 253.900.000 đồng.
Ngày 02/7/2017, Chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án đã giao quyết định thi hành án cho đương sự. Đến ngày 19/7/2017, Công ty Quy vẫn không tự nguyện thi hành án, Chấp hành viên đã tiến hành xác minh. Kết quả xác minh: Công ty cổ phần Quy có số tiền trong tài khoản tại Ngân hàng TP là 1 tỷ đồng. Chấp hành viên yêu cầu Công ty cổ phần Quy nộp tiền thi hành án nhưng Công ty Quy không chịu thi hành với lý do là Công ty còn kháng cáo phúc thẩm. Cùng ngày 19/7/2017, Chấp hành viên khấu trừ số tiền 253.900.000 đồng trong tài khoản của Công ty cổ phần Quy tại Ngân hàng TP. Số tiền này được Chi cục Thi hành án huyện Q chuyển khoản cho ông Hữu vào ngày 20/7/2017. Việc thi hành án kết thúc.
Ngày 01/02/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Đ có Bản án số 04/2018/LĐ-PT quyết định nội dung:
“Sửa  Bản án lao động sơ thẩm số 01/2017/LĐ-ST ngày 29/6/2017 của Tòa án nhân dân huyện Q.
 Buộc Công ty cổ phần Quy phải trả cho ông Hữu 8 tháng lương, tổng cộng: 206.848.000 đồng.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, bên phải thi hành án còn phải chịu lãi theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định.”
Như vậy, số tiền đã thi hành vượt quá số tiền cần phải thi hành trong Bản án phúc thẩm (có hiệu lực pháp luật). Ngoài ra, trong quá trình xem xét vụ việc theo thủ tục phúc thẩm, Tòa án đã không xét đến việc cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành khoản tiền này như thế nào.
* Ghi chú:
Điều 266. Bản án sơ thẩm (BLTTDS)
1. Tòa án ra bản án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Bản án gồm có phần mở đầu, phần nội dung vụ án và nhận định và phần quyết định của Tòa án, cụ thể như sau:
(…)
c) Trong phần quyết định phải ghi rõ các căn cứ pháp luật, quyết định của Hội đồng xét xử về từng vấn đề phải giải quyết trong vụ án, về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, án phí, chi phí tố tụng và quyền kháng cáo đối với bản án; trường hợp có quyết định phải thi hành ngay thì phải ghi rõ quyết định đó.
(…)
Điều 3 Luật THADS
Định nghĩa Chi phí cưỡng chế thi hành án:Chi phí cưỡng chế thi hành án là các khoản chi phí do người phải thi hành án chịu để tổ chức cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp pháp luật quy định chi phí cưỡng chế thi hành án do người được thi hành án hoặc do ngân sách nhà nước chi trả.”
Định nghĩa “Chi phí cưỡng chế thi hành án” như vậy chưa sát với bản chất khái niệm: Cần làm rõ: Chi phí cưỡng chế thi hành án là gì? Ví dụ: là chi phí phát sinh trong quá trình tổ chức cưỡng chế thi hành án. Sau đó mới nêu thêm: chi phí này do tổ chức cá nhân nào chịu. Hiện nay, tại Điều 3 Luật THADS chỉ nêu 3 đối tượng chịu chi phí cưỡng chế: người phải thi hành án, người được thi hành án, Ngân sách nhà nước nhưng trên thực tế phát sinh các tình huống, thì tại Khoản 2 Điều 117 Luật Thi hành án dân sự và  trong các văn bản hướng dẫn thi hành đã phát sinh người thứ 3 có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải chịu:
Điều 117. Cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất

2. Việc xử lý tài sản gắn liền với đất được chuyển giao thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản đó tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao cho người được thi hành án. Nếu người có tài sản không thực hiện thì Chấp hành viên cưỡng chế tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Chi phí cưỡng chế do người có tài sản chịu.
Khoản 3 Điều 23 Nghị định 62/2015/NĐ-CP (hợp nhất):
Điều 23. Thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ

3. Trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân đang phải trả tiền, tài sản cho người phải thi hành án mà khoản tiền, tài sản đó đã được xác định bằng bản án, quyết định của Tòa án đang có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu tổ chức, cá nhân đó giao nộp số tiền, tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự để thi hành án. Nếu tổ chức, cá nhân đó không thực hiện thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án cần thiết đối với tổ chức, cá nhân đó để thu tiền, tài sản thi hành án.
Chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp này do tổ chức, cá nhân bị cưỡng chế thi hành án chịu.
Trường hợp này, người chịu chi phí là người thứ 3 bị cưỡng chế để thi hành án cho đương sự trong Bản án, Quyết định khác.
Điều 6 Thông tư 200/2016/TT-BTC cũng nêu rõ các trường hợp người thứ 3 phải chịu:
Điều 6. Chi phí cưỡng chế thi hành án do người thứ ba chịu  
1. Người thứ ba chịu các khoản chi phí cưỡng chế thi hành án trong các trường hợp sau đây:
a) Người thứ ba đang quản lý tài sản không tự nguyện giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá mà bị cưỡng chế thi hành án thì phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án trong trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 17 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP;
b) Người thứ ba là tổ chức, cá nhân đang giữ tiền, tài sản của người phải thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.”
Do đó, tôi kiến nghị cần nêu lại khái niệm “Chi phí cưỡng chế thi hành án” và nếu đã nêu đối tượng chịu chi phí thì cần nêu đầy đủ, tránh bỏ sót.
2. Góp ý về hệ thống tổ chức thi hành án dân sự
Góp ý về Khoản 2 Điều 6  Quyết định số  61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp.
Điều 6. Vị trí, chức năng và cơ cấu tổ chức, công chức của Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện
1. Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện là cơ quan trực thuộc Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, thực hiện chức năng thi hành án dân sự, đôn đốc thi hành án hành chính và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
2. Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện có Chi cục trưởng đồng thời là Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Phó Chi cục trưởng đồng thời là Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự, Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Thẩm tra viên thi hành án, Thư ký thi hành án và công chức khác.
Thứ nhất là thay từ đôn đốc bằng từ theo dõi cho phù hợp với pháp luật về tố tụng hành chính hiện nay.
Thứ hai là kiến nghị: bổ sung cụm từ  “Thẩm tra viên chính” vào  khoản 2, Điều 6 nêu trên.
Lý do: Tại Chi cục ngoài Chấp hành viên sơ câp còn có Chấp hành viên trung cấp. Trong khi đó, thẩm tra viên chỉ có quyền hạn thực hiện thẩm tra hồ sơ các vụ việc đã và đang thi hành do Chấp hành viên sơ cấp thực hiện theo kế hoạch được duyệt hoặc theo sự phân công. Như vậy, những hồ sơ do Chấp hành viên trung cấp tại Chi cục thực hiện sẽ không có người thẩm tra tại chỗ. Ngoài ra, việc quy định thêm thẩm tra viên chính ở chi cục tạo cơ hội công bằng về thăng tiến trong nghề nghiệp cho công chức, cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan do công chức được bồi dưỡng nâng cao về nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc.
3. Góp ý về thủ tục thi hành án dân sự
Về cấp, chuyển giao, nhận bản án, quyết định (Điều 28 Luật THADS)
Hiện nay, đối với Bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật khi chuyển giao cho cơ quan thi hành án thì tôi nhận thấy Tòa án có 3 cách sau:
- Đóng dấu “Án có hiệu lực pháp luật” vào trang đầu của bản án, quyết định (nhiều Tòa án trong cả nước)
- Chuyển cùng Trích lục Bản án, trong trích lục ghi rõ: Bản án có hiệu lực pháp luật (các Tòa án ở Bình Dương).
-  Chuyển cùng Thông báo về việc Bản án có hiệu lực pháp luật: trong Thông báo đó nêu rõ: Bản án có hiệu lực pháp luật  vào ngày dd/mm/yyyy (các Tòa án ở Lâm Đồng).
Nhận thấy, cách làm thứ ba (Thông báo v/v Bản án có hiệu lực pháp luật) là cách làm khoa học, rõ ràng, thể hiện trách nhiệm của Tòa án cũng như thuận tiện cho quá trình thi hành án như: xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án, tính thời hạn sung công và tính lãi trong một số trường hợp, Chi cục đề nghị thống nhất quy định rõ tại Luật THADS thực hiện theo cách thứ 3. Đặc biệt là những bản án, quyết định chỉ có hiệu lực 1 phần thì nêu rõ phần nào có hiệu lực pháp luật. Lưu ý rằng, thực tế mặc dù không có kháng cáo, kháng nghị phần án phí  sơ thẩm, mà chỉ có kháng cáo, kháng nghị về nội dung tranh chấp nhưng nếu nội dung kháng cáo, kháng nghị được chấp nhận thì phần án phí sơ thẩm sẽ được cấp phúc thẩm sửa lại cho phù hợp, do đó, cần xác định rõ để tránh tranh cãi xảy ra không cần thiết:
Điều 148. Nghĩa vụ chịu án phí phúc thẩm (BLTTDS)

2. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật này.
3. Trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự kháng cáo không phải chịu án phí phúc thẩm; nghĩa vụ chịu án phí được xác định lại khi giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.
 Thời hiệu yêu cầu thi hành án:
Hiện nay, nhiều người phải thi hành án (đặc biệt là những người bị kết án hoặc cần xuất cảnh) có nhu cầu tự nguyện thi hành án khi Bản án, Quyết định đã hết thời hiệu yêu cầu thi hành. Mặc dù đã có Công văn số 648/TCTHAD-NV2 ngày 03 tháng 3 năm 2020 của Tổng cục Thi hành án dân sự “về việc thi hành án đối với người phải thi hành án đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích” tháo gỡ một phần vướng mắc, tạo điều kiện cho đương sự nhưng vấn đề này cần được quy định vào văn bản quy phạm pháp luật.
Tôi  kiến nghị: chỉ áp dụng thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với người được thi hành án, không áp dụng thời hiệu yêu cầu thi hành án đối với người phải thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án tự nguyện thi hành ngay nghĩa vụ khi yêu cầu thi hành án (người phải thi hành án có thể tự nguyện yêu cầu thi hành án bất cứ lúc nào).
Về ra quyết định thi hành án
Điều 6. Chủ động ra quyết định thi hành án (Nghị định 62/2015/NĐ-CP hợp nhất)
1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung đối với các khoản thuộc diện chủ động thi hành trong một bản án, quyết định, trừ các trường hợp sau đây:
a) Có người được trả lại tiền, tài sản thì ra một quyết định thi hành án đối với người đó.
b) Có người phải thi hành nhiều khoản khác nhau thì ra một quyết định thi hành án đối với người đó.
c) Một người vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ thì ra một quyết định thi hành án đối với người đó.
(....)
Quá trình thi hành án, việc ban hành chung một quyết định thi hành án gây bất lợi cho Chấp hành viên trong việc theo dõi hồ sơ: Ví dụ: một bản án về gây rối trật tự công cộng có 100 người phải thi hành án, mỗi người phải thi hành khoản án phí. Theo quy định trên thì chỉ ban hành 1 Quyết định thi hành án chủ động chung cho 100 người.
Trong khi đó, mỗi người chấp hành án ở mỗi Trại giam khác nhau, có người tại ngoại. Vê tình trạng thi hành án: có người có điều kiện có người lại chưa có điều kiện, người thi hành xong, người thi hành được một phần, người chưa thi hành được. Chấp hành viên phải lập nhiều bảng phụ bấm ghim bên cạnh bìa hồ sơ để theo dõi tiến độ: nhận thông báo của trại giam, tống đạt, xác minh, tình trạng (có/ chưa có điều kiện), tình hình thu tiền... khiến cho hồ sơ rất dày, có những hồ sơ 2 trang bìa vẫn không đủ để ghi tên của đương sự, việc theo dõi hồ sơ rất khó khăn, dễ xảy ra nhầm lẫn bỏ sót. Ngoài ra, trong các án hình sự, khi người phải thi hành án thi hành xong nghĩa vụ thì cơ quan thi hành án phải thông báo về việc thực hiện xong nghĩa vụ của người bị kết án cho Sở Tư pháp, nên nếu tách từng người thi hành án thành một Quyết định thi hành án thì sẽ thuận tiện cho chấp hành viên, cơ quan thi hành án, Viện kiểm sát, Sở Tư pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và cho chính đương sự. Việc tách ra như vậy cũng thể hiện rõ ràng nội dung thi hành án của từng đương sự (rõ ràng về thông điệp cần truyền tải).
Tôi kiến nghị quy định như sau: Trong một bản án, quyết định có nhiều người phải thi hành án thì ra một quyết định thi hành án đối với mỗi người phải thi hành án, trường hợp có một nhóm người phải thi hành chung một khoản thì ra chung một quyết định thi hành án cho nhóm người phải thi hành án đó.
  • Thi hành án đối với liên đới:
Theo quy định tại Bộ luật dân sự:
Điều 288. Thực hiện nghĩa vụ liên đới
1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.
4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.
Trong khi đó, Nghị định 62/2015/NĐ-CP (hợp nhất) lại quy định tại Điều 6 và Điều 7:
Trường hợp thi hành quyền, nghĩa vụ liên đới thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra một quyết định thi hành án chung cho những người có quyền, nghĩa vụ liên đới.
Quy định như vậy đối với nghĩa vụ liên đới là không tôn trọng quyền lựa chọn của người có quyền:
Người có quyền có thể lựa chọn: chỉ định từng người thực hiện phần nghĩa vụ của mình, không yêu cầu liên đới hoặc chỉ định bất cứ người nào trong số những người có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Việc lựa chọn này có thể thực hiện khi yêu cầu thi hành án. Do đó, cần quy định lại việc ban hành quyết định thi hành án cho phù hợp với tính chất của nghĩa vụ liên đới.
Ví dụ: A, B, C phải liên đới bồi thường cho M số tiền 90.000.000 đồng, chia phần mỗi người 30.000.000 đồng.
Nếu ngay khi yêu cầu thi hành án mà Q chỉ định A thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì ban hành Quyết định thi hành án buộc A thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Nếu Q chỉ định A, B, C từng người thực hiện nghĩa vụ của mình thì ban hành Quyết định thi hành án đối với A, B, C riêng rẽ nghĩa vụ từng người.
Về thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án:
Mâu thuẫn giữa thứ tự thanh toán tại khoản 1 và khoản 3 Điều 47.
Theo Khoản 1 Điều 47 Luật THADS: quy định thứ tự ưu tiên thanh toán như sau:
1. Số tiền thi hành án, sau khi trừ các chi phí thi hành án và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này thì được thanh toán theo thứ tự sau đây:
a) Tiền cấp dưỡng; tiền lương, tiền công lao động, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp mất sức lao động; tiền bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất về tinh thần;
b) Án phí, lệ phí Tòa án;
c) Các khoản phải thi hành án khác theo bản án, quyết định.
(lưu ý số tiền tại khoản a được thanh toán trước án phí).
Tuy nhiên, tại khoản 3 lại quy định:
3. Trường hợp xử lý tài sản cầm cố, thế chấp mà bên nhận cầm cố, thế chấp là bên được thi hành án hoặc trường hợp bán tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể thì số tiền thu được từ việc bán tài sản cầm cố, thế chấp, bị kê biên được ưu tiên thanh toán cho bên nhận cầm cố, thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ được bảo đảm sau khi trừ án phí của bản án, quyết định đó, chi phí cưỡng chế và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này.
Khoản 3 không loại trừ các trường hợp quy định tại điểm a, khoản 1 như một ngoại lệ được thanh toán trước án phí.
Ví dụ:  Trong một bản án tuyên: A phải nộp 3.200.000 đồng án phí. A phải bồi thường về sức khỏe cho B 40.000.000 đồng, bồi thường về tài sản cho C là 20.000.000 đồng. Tài sản của A là chiếc xe máy được tuyên kê biên để bảo đảm khoản bồi thường sức khỏe cho B.
Giả sử, chiếc xe máy được xử lý, sau khi trừ chi phí, thu được 30.000.000 đồng.
Theo khoản 1: B được thanh toán 30.000.000 đồng. Án phí: 0 đồng. C được thanh toán: 0 đồng.
Theo khoản 3: Án phí: 3.200.000 đồng. B được thanh toán: 26.800.000 đồng. C được thanh toán: 0 đồng.
Như vậy, việc không thống nhất giữa quy định tại khoản 1 và khoản 3 trong trường hợp  tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành một nghĩa vụ cụ thể mà nghĩa vụ đó được nêu trong điểm a, khoản 1.
Kiến nghị: bổ sung vào khoản 3: “trừ những nghĩa vụ được nêu tại điểm a, khoản 1 thì được thanh toán trước án phí.”
*Đối với các khoản tiền được quy định tại Điểm a, Khoản 5, Nghị định 62/2015/NĐ-CP (hợp nhất) chưa bao quát các khoản tiền tại Đ 47 Điều 117 Luật THADS và còn bất cập về thời gian để sung vào công quỹ nhà nước.
Điều 49. Thủ tục thanh toán tiền, trả tài sản thi hành án

5. Cơ quan thi hành án dân sự làm thủ tục gửi tiền vào ngân hàng, gửi tài sản bằng hình thức thuê bảo quản hoặc bảo quản tại kho cơ quan thi hành án dân sự đối với khoản tiền, tài sản theo quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự trong trường hợp sau đây:
a) Khoản tiền, tài sản chưa xác định được địa chỉ của người được nhận hoặc khoản tiền hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông báo, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này mà người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án không đến nhận.
Sau khi gửi tiền, tài sản, nếu người được nhận tiền, tài sản đến nhận thì cơ quan thi hành án dân sự chi trả tiền, tài sản cho người được nhận. Phần lãi tiền gửi được cộng vào số tiền gửi ban đầu và trả cho người được nhận.
Hết thời hạn 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc 01 năm, kể từ ngày thông báo đối với trường hợp thu được tiền sau thời điểm 05 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà người được thi hành án không đến nhận thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định sung công quỹ nhà nước và chuyển nộp số tiền, tài sản đó vào ngân sách nhà nước.
Cụ thể: Điểm thiếu sót (bỏ sót các trường hợp):
Tại Điều 49 Nghị định 62/2015/NĐ-CP(sửa đổi, bổ sung) nêu trên chỉ nêu trường hợp: khoản tiền mà người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án không đến nhận. Như vậy, vẫn còn các khoản tiền khác chưa đề cập đến:
- khoản tiền mà người phải thi hành án yêu cầu thi hành án và tự nguyện nộp (tuy người được thi hành án không yêu cầu).
- Khoản tiền thanh toán cho chủ sở hữu chung theo Điểm b, khoản 2, Điều 74 Luật THADS.
- Khoản tiền thanh toán cho người phải thi hành án theo Khoản 5 Điều 115 Luật THADS, điểm c Khoản 2 Điều 47 Luật THADS.
Kiến nghị: tôi kiến nghị bổ sung các trường hợp này vào khoản 5, Điều 49 Nghị định 62/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung).
* Điểm bất cập về thời gian sung công:
Ví dụ:
Trường hợp 1: Án có hiệu lực pháp luật ngày 05/01/2015. Đến ngày 06/9/2019 (chưa đủ 5 năm kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật), cơ quan thi hành án thu được tiền, đồng thời thông báo người được thi hành án đến nhận tiền. Người được thi hành án không đến nhận dù đã được thông báo hợp lệ 3 lần. Theo quy định trên thì đến ngày 06/01/2020 (sau 5 năm kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật), phải đưa số tiền này vào sung công. Từ ngày thu tiền đến ngày sung công: 4 tháng.
Trường hợp 2: Cũng án trên, nếu ngày thu tiền và thông báo là 07/12/2020 (sau 5 năm kể từ ngày án có hiệu lực pháp luật) thì ngày sung công là 08/12/2021(sau 1 năm kể từ ngày thông báo). Từ ngày thu tiền đến ngày sung công là hơn 1 năm (12 tháng).
Do đó, quy định như trên sẽ không công bằng, thiệt thòi cho người được thi hành án ở trường hợp 1.
Ngày Bản án có hiệu lực Ngày thông báo Tính mốc thời điểm thông báo so với ngày Bản án có hiệu lực Ngày sung công Thời gian từ thông báo đến sung công Ghi chú
(1) (2) (3) (4) (5) (6)
05/01/2015 06/9/2019 Trước 5 năm 06/01/2020
=(1) + 5 năm + 1 ngày
4 tháng Sung công khi hết thời hạn 5 năm từ ngày có hiệu lực
05/01/2015 07/12/2020 Sau 5 năm 08/12/2020
= (2)+ 1 năm + 1 ngày
1 năm 1 ngày Sung công khi hết thời hạn 1 năm từ ngày thông báo
Tôi  kiến nghị: sửa thành: “… 01 năm, kể từ ngày thông báo đối với trường hợp thu được tiền sau thời điểm 04 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật…” thì mới bảo đảm tất cả các trường hợp cơ quan thi hành án giữ khoản tiền thu được từ 1 năm trở lên, bảo đảm công bằng cho mọi trường hợp.
 * Việc gửi tiết kiệm: các tổ chức tín dụng không cung cấp dịch vụ tiết kiệm không kỳ hạn dành cho khách hàng là cơ quan, tổ chức: trên thực tế không thực hiện được việc gửi tiết kiệm theo hình thức tiết kiệm không kỳ hạn.
Tôi  kiến nghị: sửa đổi hình thức gửi tiết kiệm thành tiết kiệm có kỳ hạn 1 tháng thì mới khả thi.
Nguyễn Thị Hồng
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận