1. Quy định mới, sửa đổi, bổ sung về vị trí việc làm và biên chế công chức
Những điểm mới, sửa đổi, bổ sung về vị trí việc làm và biên chế công chức bao gồm:
Một là, phân loại vị trí việc làm: Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 36/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ về vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức thì vị trí việc làm được phân 3 loại, gồm: vị trí việc làm do một người đảm nhận; vị trí việc làm do nhiều người đảm nhận và vị trí việc làm kiêm nhiệm. Tuy nhiên, kể từ ngày 20/7/2020, thời điểm Nghị định số 62/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành thì vị trí việc làm sẽ được phân làm nhiều loại, căn cứ theo khối lượng công việc hoặc theo tính chất, nội dung công việc, cụ thể như sau
[1]:
Thứ nhất, theo khối lượng công việc, vị trí việc làm được phân làm 03 loại, đó là: vị trí việc làm do một người đảm nhiệm; vị trí việc làm do nhiều người đảm nhiệm và vị trí việc làm kiêm nhiệm.
Thứ hai, theo tính chất, nội dung công việc, vị trí việc làm được phân làm 04 loại, gồm: i) vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; ii) vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên ngành; iii) vị trí việc làm nghiệp vụ chuyên môn dùng chung (tài chính, kế hoạch và đầu tư, thanh tra, pháp chế, hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ, thi đua khen thưởng, văn phòng và một số vị trí việc làm đặc thù khác) và iv) vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ. Đây là nội dung mới so với quy định của Nghị định số 36/2013/NĐ-CP.
Hai là, điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức:
Trước đây, theo quy định tại Điều 12 Nghị định 36/2013/NĐ-CP, việc điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị được bổ sung, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị được tổ chức lại hoặc giải thể theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật, đô thị hóa, an ninh trật tự;
- Tính chất, đặc điểm, yêu cầu, mức độ phức tạp, quy mô công việc, phạm vi quản lý, đối tượng phục vụ, quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị thay đổi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Trang thiết bị, phương tiện làm việc, mức độ hiện đại hóa công sở, ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị thay đổi theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay, theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, việc điều chỉnh vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức được thực hiện trong các trường hợp sau:
- Cơ quan, tổ chức có sự thay đổi một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, bao gồm thay đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức hoặc thay đổi mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
- Cơ quan, tổ chức được tổ chức lại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Ba là, về biên chế công chức:
Cùng với những thay đổi về vị trí việc làm, quy định về biên chế công chức theo Nghị định số 62/2020/NĐ-CP cũng có nhiều thay đổi đáng chú ý. Cụ thể, khoản 2 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP quy định biên chế công chức sẽ được xác định dựa vào: i) vị trí việc làm và khối lượng công việc của từng vị trí việc làm; ii) thực tế việc sử dụng biên chế công chức được giao; iii) mức độ hiện đại hóa về trang thiết bị, phương tiện làm việc và ứng dụng công nghệ thông tin và iv) đối với cơ quan, tổ chức địa phương, ngoài các căn cứ quy định tại các điểm i), ii), iii) nêu trên, biên chế công chức còn phải căn cứ vào quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và đặc điểm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, theo Nghị định 62/2020/NĐ-CP,
việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức sẽ được xét theo trường hợp cụ thể. Theo đó, khoản 1 Điều 13 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP quy định việc điều chỉnh biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức được xem xét trong các trường hợp sau: i) cơ quan, tổ chức có sự thay đổi một trong các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP
[2] (Nghị định số 21/2010/NĐ-CP ngày 08/3/2010 của Chính phủ về quản lý biên chế công chức không quy định trường hợp này); ii) Thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Trước đây, theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 21/2010/NĐ-CP thì căn cứ điều chỉnh biên chế công chức, bao gồm: i) thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; ii) thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện; iii) điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Cũng theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 12 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP, chậm nhất là ngày 15 tháng 6 hằng năm, các bộ, ngành, địa phương phải gửi hồ sơ kế hoạch biên chế công chức về Bộ Nội vụ để thẩm định, trong khi đó, khoản 1 Điều 9 Nghị định số 21/2010/NĐ-CP quy định yêu cầu này được thực hiện chậm nhất là ngày 20 tháng 7 năm trước liền kề.
2. Quy định mới về xét nâng ngạch công chức
Khoản 1 Điều 44 Luật CBCC 2008 quy định “Việc nâng ngạch phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và thông qua thi tuyển”. So với quy định của Luật CBCC 2008 thì Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 ngoài hình thức thi nâng ngạch còn bổ sung thêm hình thức xét nâng ngạch. Cụ thể khoản 8 Điều 1 Luật SĐ, BS một số điều của Luật CBCC và Luật Viên chức 2019 quy định: “Việc nâng ngạch công chức phải căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị và được thực hiện thông qua thi nâng ngạch hoặc xét nâng ngạch”.
Công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện
[3], bao gồm: a) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật quy định tại Điều 82 của Luật CBCC hợp nhất số 25/VBHN-VPQH ngày 16/12/2019; b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ trong cùng ngành chuyên môn; c) Đáp ứng yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ của ngạch công chức đăng ký dự thi thì được xét nâng ngạch công chức trong các trường hợp sau đây:
Một là, có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận.
Yêu cầu về thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ để được xét nâng ngạch công chức[4] bao gồm các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức, cụ thể:
- Đối với nâng ngạch từ ngạch nhân viên hoặc tương đương lên ngạch cán sự hoặc tương đương; từ ngạch cán sự hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên hoặc tương đương: Được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 02 lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở;
- Đối với nâng ngạch từ ngạch chuyên viên hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương: Được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ban, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;
- Đối với nâng ngạch từ ngạch chuyên viên chính hoặc tương đương lên ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương: Được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.
Hai là, được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm. Lý do bổ sung quy định về xét nâng ngạch công chức là thực tiễn có một số trường hợp có thành tích vượt trội trong công tác chưa có hình thức xét nâng ngạch không qua thi (tương tự như xét thăng hạng đối với viên chức).
[5] Do đó, bổ sung quy định xét nâng ngạch công chức là hết sức cần thiết và phù hợp với thực tiễn công tác tổ chức cán bộ.
3. Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với công chức
Chính phủ đã ban hành Nghị định 135/2020/NĐ-CP với nhiều quy định mới, sửa đổi, bổ sung về tuổi nghỉ hưu. Việc xác định tuổi nghỉ hưu đối với công chức cũng được tính dựa vào những quy định mới của Nghị định số 135/2020/NĐ-CP.
[6]
a) Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thấp hơn so với người lao động trong điều kiện bình thường: Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP quy định 04 trường hợp về hưu sớm được hưởng nguyên lương từ 2021. Theo đó, người lao động thuộc các trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với người lao động trong điều kiện bình thường quy định tại Điều 4 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP tại thời điểm nghỉ hưu được , cụ thể:
Thứ nhất, người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành.
Thứ hai, người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.
Thứ ba, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Thứ tư, người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ đủ 15 năm trở lên.
Đối với các trường hợp nêu trên, tuổi nghỉ hưu thấp nhất của người lao động là đủ 55 tuổi 3 tháng đối với lao động nam (thời điểm hưởng lương hưu là tháng 5/2021) và 50 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ (thời điểm hưởng lương hưu là tháng 6/2021).
[7] Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu thấp nhất của người lao động quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP và Phụ lục II về tuổi nghỉ hưu thấp nhất gắn với tháng, năm sinh tương ứng (Ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP), cụ thể như sau: