Một số nội dung về theo dõi thi hành án hành chính còn có ý kiến khác nhau và đề xuất giải quyết

13/01/2022
Hiện nay công tác theo dõi thi hành án hành chính của các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) được thực hiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án và Quy trình theo dõi thi hành án hành chính áp dụng trong hệ thống THADS kèm theo Quyết định số 1130/QĐ-TCTHADS ngày 16/10/2018 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thực hiện.


Việc áp dụng thực hiện những quy định về theo dõi thi hành án hành chính đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính với số bản án, quyết định thi hành xong năm sau cao hơn năm  trước. Bên cạnh những kết quả đạt được, khi áp dụng thực hiện quy trình theo dõi thi hành án hành chính vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc về việc áp dụng thực hiện. Dưới đây, tác giả xin nêu 03 nội dung còn có ý kiến khác nhau trong quá trình theo dõi thi hành án hành chính và đề xuất giải quyết cụ thể như sau:
Đối với việc theo dõi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính không có nội dung bác/không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đương sự
Ví dụ vụ việc minh họa:
Quyết định buộc thi hành án hành chính số 02/2021/QĐ-THA ngày 10/8/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh A, tại nội dung phần quyết định thể hiện:
“1. Buộc thi hành án đối với Công ty cổ phần nuôi trồng và Chế biến thủy hải sản B, địa chỉ: ấp C, xã D, huyện E, tỉnh A.
Nội dung phải thi hành Quyết định của Bản án hành chính sơ thẩm số 06/2020/HC-ST ngày 25/6/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh A: Bác yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện Công ty cổ phần nuôi trồng và Chế biến thủy hải sản B về việc yêu cầu hủy các quyết định sau: Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 31/QĐ-XPVPHC ngày 12 tháng 7 năm 2019 của Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh A; Quyết định số 257/QĐ-TTr ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh A về việc giải quyết khiếu nại của Công ty cổ phần nuôi trồng và Chế biến thủy hải sản B (lần đầu); Quyết định số 164/QĐ-STNMT ngày 29 tháng 10 năm 2019 của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh A về việc giải quyết khiếu nại của Công ty cổ phần nuôi trồng và Chế biến thủy hải sản B (lần 2)…
Quá trình nghiên cứu để thực hiện theo dõi thi hành án hành chính đối với Bản án hành chính sơ thẩm số 06/2020/HC-ST ngày 25/6/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh A còn có các quan điểm khác nhau về có phải theo dõi hay không theo dõi thi hành án hành chính đối với bản án nêu trên, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện mà Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính thì cơ quan THADS thì cơ quan THADS không phải thực hiện theo dõi thi hành án hành chính vì những vụ việc này không có nội dung theo dõi và đối tượng phải thực hiện.
Quan điểm thứ hai cho rằng, trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện mà Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính thì cơ quan THADS vẫn phải thực hiện theo dõi thi hành án hành chính vì Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính nên phải thực hiện theo dõi.
Tác giả cho rằng, tại khoản 1 Công văn số 16/TCTHADS-NV3 ngày 05/01/2021 của Tổng cục THADS hướng dẫn nghiệp vụ theo dõi THAHC trong hệ thống THADS (thực hiện từ ngày 01/01/2021) đã hướng dẫn: “1. Về phạm vi bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính thực hiện theo dõi: Cơ quan THADS chỉ thực hiện theo dõi thi hành án hành chính đối với bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 312 Luật TTHC năm 2015 (không phân biệt bản án, quyết định của Tòa án có nội dung chấp nhận hay bác/không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đương sự)…”. Như vậy, cơ quan THADS thực hiện theo dõi thi hành án hành chính đối với bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính mà Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính (không phân biệt bản án, quyết định của Tòa án có nội dung tuyên chấp nhận hay bác/không chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện của đương sự).
Do đó, kể từ ngày 01/01/2021, khi nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án (kể cả quyết định buộc thi hành án hành chính của bản án có nội dung tuyên bác/không chấp nhận đơn yêu cầu khởi kiện), cơ quan THADS phải thực hiện các nội dung theo dõi thi hành án hành chính theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, trong đó có nội dung phân công Chấp hành viên theo dõi (trừ khoản 2 về việc ra thông báo nghĩa vụ tự nguyện thi hành án). cơ quan THADS cần căn cứ vào nội dung quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án để xác định nội dung và đối tượng phải theo dõi thi hành án hành chính. Việc theo dõi thi hành án hành chính kết thúc khi có căn cứ xác định người phải thi hành án đã thực hiện xong các nội dung phải thi hành theo quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án.
Nếu quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án chưa xác định được nội dung và đối tượng phải thi hành như ví dụ minh họa trên đưa ra, cơ quan THADS căn cứ khoản 6 Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án đề nghị Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính giải thích bằng văn bản để làm căn cứ thực hiện theo dõi. Trường hợp văn bản giải thích của Tòa án vẫn không xác định được nội dung và đối tượng phải thi hành thì cơ quan THADS cần trao đổi lại hoặc báo cáo, xin ý kiến của cơ quan cấp trên để được xem xét, hướng dẫn.
Đối với việc xác định thời hạn tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án
Ví dụ vụ việc minh họa:
Ngày 23/3/2021 TAND cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Bản án số 131/2021/HC-PT có nội dung tuyên: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Hiếu và ông Võ Văn Trung, bà Võ Thị Năm, bà Võ Thị Hà, bà Võ Thị Lùn, ông Võ Văn Nuôi; Hủy các Quyết định số 365/QĐ-UBND ngày 15/6/2015 của Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết; Quyết định số 775/QĐ-UBND ngày 14/12/2015 của Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết; Quyết định số 406/QĐ-UBND ngày 20/7/2016 của Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết; Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết phải ban hành lại Quyết định theo quy định của pháp luật”. Tiếp đó, ngày 05/7/2021, TAND tỉnh H ban hành quyết định buộc thi hành án hành chính số 01/2021/QĐ-TA đối với bản án nêu trên.
Quá trình nghiên cứu để thực hiện theo dõi thi hành án hành chính đối với Bản án số 131/2021/HC-PT ngày 23/3/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh còn có các quan điểm khác nhau liên quan đến thời hạn tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, thời hạn tự nguyện thi hành án là 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án (theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính năm 2015), nhưng khó khăn là cơ quan THADS không có cơ sở để xác định “ngày” người phải thi hành án đã nhận được bản án, quyết định của Tòa án là khi nào để làm căn cứ xác định thời hạn tự nguyện thi hành án vì việc tống đạt bản án, quyết định cho đương sự là trách nhiệm của Tòa án.
Quan điểm thứ hai cho rằng, cơ quan THADS thực hiện theo dõi thi hành án hành chính và ban hành thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án khi nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án (theo hướng dẫn tại khoản 1 Công văn số 16/TCTHADS-NV3 ngày 05/01/2021 của Tổng cục THADS) nhưng quyết định buộc thi hành án hành chính ban hành sau vài tháng so với bản án của Tòa án, khi đó thời hạn tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án đã hết thì cơ quan THADS có ban hành thông báo tự nguyện thi hành án không. Theo đó, thời gian Tòa án ban hành quyết định buộc thi hành án hành chính là hơn 03 tháng so với thời điểm bản án phúc thẩm của Tòa án ban hành.
Tác giả cho rằng, tại Công văn số 16/TCTHADS-NV3 đã hướng dẫn cụ thể về thời điểm, nội dung và trình tự, thủ tục cơ quan THADS thực hiện theo dõi thi hành án hành chính. Theo đó, cơ quan THADS thực hiện theo dõi thi hành án hành chính khi nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án; nội dung theo dõi thi hành án hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP (trừ khoản 2 về việc ra thông báo nghĩa vụ tự nguyện thi hành án) và trình tự, thủ tục theo dõi thi hành án hành chính thực hiện theo Quyết định số 1130/QĐ-TCTHADS ngày 16/10/2018 của Tổng cục THADS ban hành Quy trình theo dõi thi hành án hành chính (trừ khoản 1 mục 2 phần III về việc ra thông báo nghĩa vụ tự nguyện thi hành án).
Theo hướng dẫn nêu trên, khi nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án, cơ quan THADS không phải ra văn bản thông báo tự nguyện thi hành án cũng như không phải xác định thời hạn tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án vì Điều 312 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định Tòa án chỉ ra quyết định buộc thi hành án hành chính khi đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành.
Đối với việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh
Ví dụ vụ việc minh họa:
Bản án hành chính số 707/2021/HC-ST ngày 05/6/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh A có nội dung tuyên: “… Hủy Quyết định số 11846/QĐ-UBND ngày 24/9/2015 của Chủ tịch UBND huyện B; Hủy Quyết định số 3416/QĐ-UBND ngày 04/7/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh A…”.
Quá trình nghiên cứu để thực hiện theo dõi thi hành án hành chính đối với Bản án số 707/2021/HC-ST ngày 05/6/2021 của Tòa án nhân dân tỉnh A còn có các quan điểm khác nhau về việc người phải thi hành án phải ban hành quyết định để hủy các quyết định hành chính đã bị Tòa án tuyên hủy, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh… thì các quyết định hoặc phần quyết định bị hủy này đương nhiên không còn hiệu lực. Do vậy các cơ quan hành chính không cần thiết phải ban hành quyết định để hủy các quyết định hành chính đã bị Tòa án tuyên hủy.
Quan điểm thứ hai cho rằng, tuy bản án, quyết định của Tòa án đã tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh… nhưng cơ quan hành chính vẫn phải phải ban hành quyết định để thu hồi, hủy bỏ quyết định hành chính đã bị Tòa án tuyên hủy.
Tác giả cho rằng, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 311 Luất Tố tụng hành chính năm 2015 và hướng dẫn tại tiểu mục 1 mục 2 phần III Quyết định số 1130/QĐ-TCTHADS ngày 16/10/2018 của Tổng cục THADS ban hành Quy trình theo dõi thi hành án hành chính, do Quyết định số 11846/QĐ-UBND ngày 24/9/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện B và Quyết định số 3416/QĐ-UBND ngày 04/7/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh A đã bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên hủy nên các quyết định này đương nhiên hết hiệu lực kể từ thời điểm Bản án số 707/2021/HC-ST có hiệu lực thi hành và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện B, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh A không phải ra quyết định hủy bỏ đối với các quyết định nêu trên mà chỉ ra văn bản thông báo gửi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về các quyết định hành chính này đã bị Tòa án tuyên hủy.
Nguyễn Thanh Nam, Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục Thi hành án dân sự