Trên cơ sở các Nghị quyết của Đảng và tổng kết kinh nghiệm từ các đợt thi tuyển Chấp hành viên trong hệ thống thi hành án dân sự, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng lần đầu tiên quy định một trong các tiêu chuẩn để được bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp đó là phải trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp. Như vậy, có thể khẳng định rằng chủ trương thi tuyển đối với một số chức danh trước khi bổ nhiệm vào ngạch trong các Nghị quyết của Đảng là có cơ sở, do vậy, việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật quy định về nội dung này là hết sức cần thiết. Sau gần 05 năm thực hiện Thông tư số 10/2012/TT-BTP ngày 15/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định tổ chức thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp, đến nay Thông tư này cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với các quy định mới của Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 và các văn bản pháp luật khác có liên quan cũng như các yêu cầu mới trong công tác tổ chức cán bộ. Chính vì vậy, ngày 23/03/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2017/TT-BTP hướng dẫn một số nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/05/2017, trong đó có các nội dung mới về thi tuyển, bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp (sau đây gọi tắt là Thông tư số 02/2017/TT-BTP). Bài viết dưới đây sẽ phân tích những điểm mới cơ bản, sửa đổi, bổ sung của Thông tư số 02/2017/TT-BTP về thi tuyển, bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp và bổ nhiệm Thẩm tra viên thi hành án dân sự.
Những điểm mới quan trọng về thi tuyển, bổ nhiệm vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp, bổ nhiệm Thẩm tra viên thi hành án dân sự của Thông tư số 02/2017/TT-BTP so với Thông tư số 10/2012/TT-BTP ngày 15/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định tổ chức thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp trước đây, bao gồm:
Một là, về đối tượng đăng ký dự thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp. Thông tư số 10/2012/TT-BTP quy định đối tượng đăng ký dự thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp bao gồm công chức các cơ quan thi hành án dân sự địa phương; công chức các cơ quan khác có nhu cầu đăng ký dự thi và những người chưa phải là công chức có nhu cầu đăng ký dự thi. Đây là quy định mở nhằm mở rộng đối tượng tham gia thi tuyển để bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp, khắc phục tình trạng thiếu nguồn bổ nhiệm Chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự. Sau gần 05 năm thực hiện, do yêu cầu công việc thi hành án dân sự ngày càng nâng cao, đòi hỏi đối tượng tham gia thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp phải đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện ở mức độ nhất định như trình độ cử nhân luật, qua đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ thi hành án và thời gian làm công tác pháp luật, v.v. theo quy định tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự, sửa đổi, bổ sung năm 2014, nên quy định về đối tượng đăng ký dự thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp theo quy định của Thông tư số 02/2017/TT-BTP cũng yêu cầu tiêu chuẩn cao hơn, cụ thể bao gồm công chức các cơ quan thi hành án dân sự, đang giữ ngạch Thẩm tra viên hoặc Thư ký thi hành án hoặc chuyên viên; công chức các cơ quan khác có nhu cầu đăng ký dự thi, đang giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương và sỹ quan tại ngũ trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hai là, về các môn thi vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp. Xuất phát từ những yêu cầu mới về đối tượng tham gia kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp nên các môn thi đối với kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp cũng được sửa đổi cho phù hợp. Cụ thể, Thông tư số 10/2012/TT-BTP quy định tùy thuộc vào đối tượng tham gia thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp mà các môn thi có thể bao gồm môn nghiệp vụ chuyên ngành thi hành án dân sự, môn thi trắc nghiệm Pháp luật về thi hành án dân sự, môn Kiến thức chung, môn Ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc thiểu số và môn tin học văn phòng. Tuy nhiên, do đối tượng tham gia thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp theo quy định mới của Thông tư số 02/2017/TT-BTP là những người đang giữ ngạch Thẩm tra viên hoặc Thư ký thi hành án, chuyên viên hoặc tương đương nên người đăng ký thi tuyển vào ngạch Chấp hành viên sơ cấp chỉ phải tham gia các bài thi bao gồm: Bài thi trắc nghiệm pháp luật về thi hành án dân sự, thời gian 45 phút và Bài thi viết kỹ năng thi hành án dân sự, thời gian 180 phút.
Ba là, Thông tư số 02/2017/TT-BTP đã bổ sung thêm hướng dẫn cụ thể về hồ sơ bổ nhiệm Chấp hành viên đối với trường hợp quy định tại các khoản 6, 7 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự. Xuất phát từ tình hình thực tiễn công tác tổ chức cán bộ và do yêu cầu bổ sung, tăng cường đội ngũ lãnh đạo các cơ quan thi hành án dân sự, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 đã bổ sung mới khoản 6 và khoản 7 về tiêu chuẩn bổ nhiệm Chấp hành viên, đó là người đang là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên được điều động đến công tác tại cơ quan thi hành án dân sự, người đã từng là Chấp hành viên nhưng được bố trí làm nhiệm vụ khác và có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 18 thì có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên ở ngạch tương đương không qua thi tuyển; trường hợp đặc biệt do nhu cầu bổ nhiệm Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 18 đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên có thể được bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp không qua thi tuyển.
Trên cơ sở đó, Điều 63 Thông tư số 02/2017/TT-BTP quy định về hồ sơ bổ nhiệm Chấp hành viên đối với trường hợp quy định tại các khoản 6, 7 Điều 18 Luật thi hành án dân sự, như sau:
- Hồ sơ bổ nhiệm Chấp hành viên đối với trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 18 Luật thi hành án dân sự, bao gồm:
+ Tờ trình bổ nhiệm Chấp hành viên;
+ Sơ yếu lý lịch theo mẫu do Bộ Nội vụ ban hành có xác nhận của cơ quan quản lý công chức hoặc theo quy định của Bộ Quốc phòng đối với trường hợp bổ nhiệm Chấp hành viên trong quân đội;
+ Bản sao Quyết định của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, Chấp hành viên (đối với những trường hợp đã từng là Chấp hành viên);
+ Giấy chứng nhận sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên cấp còn trong thời hạn quy định;
+ Bản kê khai tài sản;
+ Bản sao các văn bằng, chứng chỉ có chứng thực;
+ Văn bản nhận xét, đánh giá và đồng ý cho chuyển công tác của Thủ trưởng đơn vị nơi công chức đó đang công tác.
- Hồ sơ bổ nhiệm Chấp hành viên đối với trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 18 Luật thi hành án dân sự, bao gồm:
+ Các tài liệu theo quy định tại các điểm a, b, d, đ, e khoản 1 Điều 63 Thông tư số 02/2017/TT-BTP, cụ thể bao gồm: Tờ trình bổ nhiệm Chấp hành viên; Sơ yếu lý lịch theo mẫu do Bộ Nội vụ ban hành có xác nhận của cơ quan quản lý công chức hoặc theo quy định của Bộ Quốc phòng đối với trường hợp bổ nhiệm Chấp hành viên trong quân đội; Giấy chứng nhận sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên cấp còn trong thời hạn quy định; Bản kê khai tài sản; và Bản sao các văn bằng, chứng chỉ có chứng thực.
+ Tài liệu, giấy tờ xác định thời gian làm công tác pháp luật;
+ Văn bản thống nhất về chủ trương bổ nhiệm Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự của cấp ủy hoặc chính quyền địa phương theo phân cấp quản lý cán bộ.
Bốn là, Thông tư số 02/2017/TT-BTP bổ sung quy định mới về hồ sơ bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển. Điều 63 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định việc tuyển chọn và bổ nhiệm Chấp hành viên như sau:
- Việc tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển thuộc địa bàn biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2020, khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện, không phải là đơn vị thủ phủ của tỉnh, có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,3 trở lên, thuộc biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
+ Người được tuyển chọn để bổ nhiệm Chấp hành viên có đơn cam kết tình nguyện công tác tại cơ quan thi hành án dân sự nêu trên (điểm a khoản 1 Điều 63 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP) từ 05 năm trở lên.
- Danh sách các cơ quan thi hành án dân sự thuộc địa bàn được tuyển chọn, bổ nhiệm Chấp hành viên không qua thi tuyển theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.
- Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chấp hành viên đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 63 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên.
- Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên được thành lập ở cấp tỉnh, gồm Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc 01 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Phó Chủ tịch Hội đồng là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự; các Ủy viên là đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, thường trực Ban Chấp hành Hội Luật gia cấp tỉnh; thư ký giúp việc là Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ Cục Thi hành án dân sự. Danh sách Hội đồng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể. Phiên họp của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng triệu tập theo đề nghị của Cục trưởng Thi hành án dân sự. Hội đồng chỉ tiến hành phiên họp khi có ít nhất hai phần ba số thành viên trở lên tham gia. Mọi quyết định của Hội đồng được thông qua tại phiên họp của Hội đồng; thông qua quyết định khi có quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành.
Hướng dẫn thực hiện quy định nêu trên, Điều 64 Thông tư số 02/2017/TT-BTP quy định hồ sơ bổ nhiệm Chấp hành viên đối với các trường hợp này, bao gồm:
- Tờ trình của Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên;
- Biên bản họp Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên;
- Đơn đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên của công chức theo mẫu tại Phụ lục số 3 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2017/TT-BTP;
- Tài liệu quy định tại các điểm b, d, đ, e khoản 1 Điều 63 Thông tư số 02/2017/TT-BTP, cụ thể bao gồm:
+ Sơ yếu lý lịch theo mẫu do Bộ Nội vụ ban hành có xác nhận của cơ quan quản lý công chức hoặc theo quy định của Bộ Quốc phòng đối với trường hợp bổ nhiệm Chấp hành viên trong quân đội;
+ Giấy chứng nhận sức khoẻ do bệnh viện đa khoa cấp huyện trở lên cấp còn trong thời hạn quy định;
+ Bản kê khai tài sản;
+ Bản sao các văn bằng, chứng chỉ có chứng thực.
Năm là, bổ sung quy định mới về bổ nhiệm bổ sung Chấp hành viên sơ cấp. Để khắc phục tình trạng có những cơ quan thi hành án dân sự thiếu Chấp hành viên và không có đủ số lượng người trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên để bổ nhiệm, trong khi ở các đơn vị khác lại có người trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên nhưng thừa chỉ tiêu bổ nhiệm Chấp hành viên và những trường hợp khách quan khác, Thông tư số 02/2017/TT-BTP đã quy định về bổ nhiệm bổ sung Chấp hành viên sơ cấp như sau:
- Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm bổ sung Chấp hành viên sơ cấp trong các trường hợp sau đây:
+ Trường hợp người đã được xác định trúng tuyển nhưng không hoàn thiện đủ hồ sơ để bổ nhiệm hoặc không đến nhận công tác theo quy định thì bị hủy bỏ kết quả thi tuyển và người có kết quả thấp hơn liền kề cùng đơn vị đăng ký dự thi nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 Điều 59 Thông tư số 02/2017/TT-BTP được xác định trúng tuyển bổ sung để bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp.
+ Trường hợp những người đã thi tuyển có đủ điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 Điều 59 Thông tư số 02/2017/TT-BTP nhưng nằm ngoài chỉ tiêu Chấp hành viên sơ cấp được phân bổ cho đơn vị mà người đó đã đăng ký thi tuyển, nếu có nguyện vọng thì được xem xét, xác định trúng tuyển bổ sung vào các đơn vị khác không có đủ người trúng tuyển theo chỉ tiêu được phân bổ để bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp. Trường hợp nhiều người cùng có nguyện vọng thì thứ tự xác định thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 Điều 59 Thông tư số 02/2017/TT-BTP.
- Hồ sơ và thủ tục đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên sơ cấp đối với các trường hợp tại điểm b khoản 1 Điều 62 Thông tư số 02/2017/TT-BTP được thực hiện theo quy định tại Điều 61 Thông tư số 02/2017/TT-BTP và bổ sung thêm các tài liệu sau:
+ Đơn trình bày nguyện vọng của người đề nghị được chuyển đến đơn vị còn chỉ tiêu và cam kết tình nguyện phục vụ từ 03 năm trở lên tại đơn vị đăng ký xét trúng tuyển bổ sung;
+ Văn bản đồng ý cho chuyển công tác của cơ quan quản lý công chức theo phân cấp.
Sáu là, Thông tư số 02/2017/TT-BTP bổ sung quy định mới điều động, biệt phái Chấp hành viên. Để bảo đảm việc cân đối giữa số lượng Chấp hành viên và lượng án phải thi hành, đặc biệt là trong những tình huống thiếu hụt Chấp hành viên đột xuất trong những khoảng thời gian nhất định, trong khi lượng án lại tăng đột biến và những tình huống khách quan khác, Thông tư số 02/2017/TT-BTP đã bổ sung quy định điều động, biệt phái Chấp hành viên, như sau:
- Tổng Cục trưởng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tiến hành điều động, biệt phái Chấp hành viên từ đơn vị có khối lượng công việc ít đến đơn vị có khối lượng công việc nhiều trong phạm vi thẩm quyền được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phân cấp theo quy định.
- Chấp hành viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian thực hiện điều động, biệt phái sẽ được ưu tiên xem xét khi tiến hành quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Bảy là, để có cơ sở pháp lý khuyến khích, tăng cường Chấp hành viên về công tác tại các đơn vị có khó khăn về nguồn bổ nhiệm Chấp hành viên, Thông tư số 02/2017/TT-BTP đã quy định: “Khuyến khích công chức cơ quan thi hành án dân sự thuộc các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển đăng ký dự thi tuyển làm Chấp hành viên sơ cấp tại cơ quan thi hành án dân sự ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.
Tám là, Thông tư số 02/2017/TT-BTP bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục bổ nhiệm Thẩm tra viên thi hành án dân sự, cụ thể:
Thứ nhất, về đối tượng và nguyên tắc bổ nhiệm được quy định tại Điều 66 Thông tư số 02/2017/TT-BTP, bao gồm:
- Công chức hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, đang giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên tại các vị trí việc làm có yêu cầu trình độ Cử nhân Luật.
- Công chức các cơ quan khác được tiếp nhận về hệ thống tổ chức thi hành án dân sự, đang giữ ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên tại các vị trí việc làm có yêu cầu trình độ Cử nhân Luật.
- Không được bổ nhiệm ngạch Thẩm tra viên thi hành án dân sự đối với công chức đang giữ ngạch thấp hơn.
Thứ hai, về hội đồng kiểm tra, sát hạch và nội dung kiểm tra, sát hạch được quy định tại Điều 67 Thông tư số 02/2017/TT-BTP, cụ thể như sau:
- Cơ quan quản lý công chức quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra, sát hạch đối với công chức được dự kiến bổ nhiệm sang các ngạch Thẩm tra viên, bao gồm:
+ Hội đồng kiểm tra, sát hạch để chuyển ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp của Tổng cục Thi hành án dân sự gồm 05 thành viên: Chủ tịch Hội đồng là 01 Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, các uỷ viên gồm có 03 lãnh đạo đại diện các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, 01 lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ (kiêm Thư ký Hội đồng);
+ Hội đồng kiểm tra, sát hạch để chuyển ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp của các cơ quan thi hành án dân sự địa phương gồm 05 thành viên: Chủ tịch Hội đồng là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, các uỷ viên gồm có 01 lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án dân sự, 01 lãnh đạo Phòng Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, 01 Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự, 01 lãnh đạo Phòng Tổ chức cán bộ (kiêm Thư ký Hội đồng).
- Hội đồng kiểm tra, sát hạch tiến hành kiểm tra, sát hạch về trình độ, năng lực của công chức được dự kiến bổ nhiệm sang các ngạch Thẩm tra viên để tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan quản lý công chức báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định bổ nhiệm ngạch Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thẩm tra viên cao cấp.
- Công chức đang giữ một trong các ngạch Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp, Chấp hành viên cao cấp khi bổ nhiệm sang các ngạch Thẩm tra viên tương đương thì không phải kiểm tra, sát hạch.
ThS. Nguyễn Văn Nghĩa, Tổng cục Thi hành án dân sự
1. Điểm c khoản 1 Điều 68 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/06/2015.
2. Điều 4
3. Điều 57
4. Điều 62
5. Điều 65
6. Điểm c khoản 1 Điều 55.