Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi, các thành viên Ban chỉ đạo và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.
Báo cáo về thực trạng về ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành Tư pháp, đồng chí Tạ Thành Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin nêu rõ kết quả ứng dụng công nghệ thông tin trong Ngành Tư pháp về hạ tầng kỹ thuật và đảm bảo an toàn thông tin; các phần mềm ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
|
|
Đối chiếu với nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020; các mục tiêu, nhiệm vụ tại được giao tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin năm 2017 của Ngành Tư pháp, việc triển khai và hoàn thành nhiệm vụ đã đạt được các mục tiêu cơ bản của Kế hoạch. Các hạng mục công việc đã hoàn thành tiếp tục tạo những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng cho sự phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý của Bộ, ngành. Một số lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, tạo ra cách làm mới, hiện đại, được cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị quan tâm hưởng ứng, tích cực triển khai, tạo ra những thay đổi cơ bản trong phương pháp làm việc và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới tiêu biểu như việc triển khai Cơ sở dữ liệu Hộ tịch điện tử toàn quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã được được, việc triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin năm vừa qua còn một số tồn tại, hạn chế. Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành Tư pháp năm 2018 đã được cụ thể hóa tại Quyết định số 2709/QĐ-BTP ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngành Tư pháp năm 2018.
Đồng chí Mai Lương Khôi, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự phát biểu đánh giá cao sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ, phối hợp tích cực của các đơn vị thuộc Bộ đối với ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống Thi hành án dân sự; đồng chí báo cáo làm rõ một số nhiệm vụ công nghệ thông tin mà Tổng cục Thi hành án dân sự, các cơ quan thi hành án dân sự đã và đang tập trung triển khai thực hiện.
|
|
Có thể nói rằng tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống Thi hành án dân sự đã có nhiều chuyển biến tiến bộ, tích cực. Về hạ tầng kỹ thuật, ở Trung ương 100% cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục được trang bị mỗi người 01 máy tính kết nối mạng nội bộ (LAN) và mạng internet, các phòng làm việc được trang bị một số thiết bị khác phục vụ công tác như máy in, máy fax, máy scan, máy photocopy, điện thoại... Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại Tổng cục chủ yếu do Cục Công nghệ thông tin bảo đảm (về hệ thống máy chủ, đường truyền, lưu trữ, an ninh, an toàn thông tin…). Tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương: Cán bộ, công chức được trang bị tương đối đầy đủ các trang thiết bị tin học phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ, đạt yêu cầu 01 máy tính/01người; 100% các Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự đã thiết lập hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối mạng Internet. Hàng năm, Tổng cục đều chỉ đạo các đơn vị thuộc Tổng cục, các Cục Thi hành án dân sự rà soát, trang cấp máy tính và thiết bị tin học cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Nhân lực hiện nay ở Tổng cục có Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin là đơn vị trực thuộc tham mưu trong công tác nghiên cứu và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin của toàn Hệ thống, Trung tâm có 03 đồng chí có trình độ cử nhân công nghệ thông tin (trong đó 01 đồng chí được phân công phụ trách mảng thống kê thi hành án dân sự). Ở các cơ quan thi hành án dân sự hiện nay được phân bổ 01 biên chế chuyên trách công nghệ thông tin/Cục Thi hành án dân sự (hầu hết các Cục Thi hành án dân sự đã tuyển đủ số biên chế này, một số đơn vị giao kiêm nhiệm phụ trách), các Chi cục Thi hành án dân sự chưa có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin. Hàng năm, Tổng cục phối hợp với các đơn vị liên quan (Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Công nghệ thông tin, Học viện Tư pháp) xây dựng Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng kiến thức công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan thi hành án dân sự.
Một số ứng dụng nội bộ đã xây dựng triển khai như đã xây dựng và triển khai thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức THA và báo cáo thống kê (năm 2017). Hiện nay đã thực hiện việc phát triển phần mềm và tập huấn cho các công chức, chấp hành viên các cơ quan thi hành án dân sự và hiện đang triển khai chính thức phần mềm tại 15 Cục Thi hành án dân sự
[1]. Phần mềm Quản lý văn bản đi/đến tại Tổng cục và các Cục Thi hành án dân sự. Phần mềm Quản lý cán bộ và chức danh tư pháp tại Tổng cục và các Cục Thi hành án dân sự. Phần mềm Lưu trữ dùng chung cho hệ thống tổ chức các cơ quan thi hành án dân sự (đang sử dụng tại Tổng cục và một số Cục Thi hành án dân sự). 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Tổng cục, các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đều được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ công tác chuyên môn nghiệp vụ (khoảng 10.000 tài khoản), dung lượng cao nhất lên đến 5GB. Đầu tư mua sắm, lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống giao ban trực tuyến với 64 điểm cầu (tại Tổng cục và 63 Cục Thi hành án dân sự) phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành nhanh chóng, tiết kiệm. Đầu tư và đưa vào sử dụng hệ thống tổng đài nhắn tin SMS. Triển khai cấp chữ ký số cho Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục, các Cục và một số Trưởng phòng chuyên môn của Cục Thi hành án dân sự. Trình phê duyệt Đề án cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; hiện đã triển khai khảo sát, xây dựng báo cáo đề xuất giải pháp và đang triển khai các nội dung theo Kế hoạch. Trong thời gian qua đã tổ chức thu thập, phân loại, lưu trữ các cơ sở dữ liệu điện tử về thi hành án dân sự (dữ liệu kết quả thi hành án dân sự, tổ chức cán bộ, văn bản quản lý điều hành, văn bản pháp luật về thi hành án dân sự…).
Ứng dụng phục vụ người dân doanh nghiệp, nâng cấp, phát triển Trang thông tin thi hành án dân sự thành Cổng thông tin điện tử thi hành án dân sự. Xây dựng, triển khai Trang thông tin điện tử cho 63 Cục Thi hành án dân sự địa phương. Cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến cấp độ 2 trên Cổng/Trang Thông tin điện tử thi hành án dân sự
[2]. Hiện đã triển khai hỗ trợ trực tuyến thi hành án dân sự trên Cổng/Trang Thông tin điện tử thi hành án dân sự đối với yêu cầu thi hành án dân sự; yêu cầu xác nhận kết quả thi hành án dân sự; thủ tục khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự. Thực hiện đăng tải công khai danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Cổng/Trang Thông tin điện tử thi hành án dân sự theo quy định.
Các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự năm 2018 đang triển khai, Tổng cục đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin trình Lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong thi hành án dân sự năm 2018 (Quyết định số 465/QĐ-BTP ngày 20/3/2018), theo đó xác định 05 nhiệm vụ chính triển khai thực hiện trong năm 2018, gồm: (1) Triển khai phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự; (2) Triển khai Hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp Chi cục Thi hành án dân sự; (4) Xây dựng, tập huấn và triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu điện tử người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; (5) Xây dựng và tập huấn, triển khai phần mềm quản lý cán bộ thi hành án dân sự.
Riêng đối với Phần mềm quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê thi hành án dân sự, Tổng cục đã ban hành Quyết định số 427/QĐ-TCthi hành án dân sự ngày 23/3/2018 khai Phần mềm giai đoạn 1 tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắt đầu từ ngày 01/4/2108. Hiện nay, Tổng cục đang trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ người dùng tại các cơ quan thi hành án dân sự, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và Viettel thực hiện tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan thi hành án dân sự địa phương. Qua thời gian đầu sử dụng cho thấy các cơ quan thi hành án dân sự đã tích cực, quyết liệt triển khai việc sử dụng phần mềm đến các công chức lãnh đạo, Chấp hành viên, cán bộ tiếp nhận, thụ lý và các công chức khác. Cán bộ sử dụng phần mềm bước đầu đã đăng nhập và thực hiện các chức năng trên phần mềm theo như hướng dẫn trong quá trình tập huấn. Đến nay cả 15 tỉnh, thành phố đều đã triển khai phần mềm đến các Chi cục, Tổng cục đã theo dõi, quản lý được các hồ sơ nhập vào hệ thống và thường xuyên đôn đốc, hỗ trợ các đơn vị trong việc nhập hồ sơ dữ liệu. Tổng cục đã bố trí 03 cán bộ thường xuyên trực hỗ trợ người dùng từ 15 Cục và các Chi cục trực thuộc, trực tiếp giải đáp các ý kiến phản hồi từ phía người dùng để tiếp tục tổng hợp hoàn thiện phần mềm trước khi triển khai trong toàn quốc từ ngày 01/8/2018. Một số đơn vị đề nghị cho triển khai sớm (Vĩnh Phúc, Sóc Trăng), Tổng cục sẽ triển khai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi hành án dân sự cũng còn gặp một số khó khăn, hạn chế, như: Việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong toàn hệ thống thi hành án dân sự chưa được thực hiện đồng bộ, đường truyền internet tại một số cơ quan thi hành án dân sự địa phương chưa thật sự đảm bảo, tốc độ đường truyền chậm, không ổn định; công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin ở các cơ quan thi hành án dân sự địa phương chưa được chú trọng. Công tác xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu điện tử vẫn còn tình trạng cắt khúc, chưa tạo lập được cơ sở dữ liệu tập trung, nhất là tích hợp cơ sở dữ liệu của từng địa phương thành cơ sở dữ liệu chung thống nhất của cả hệ thống thi hành án dân sự. Việc xây dựng triển khai một số phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin mặc dù đã được thực hiện nhưng còn chậm so với yêu cầu. Kỹ năng sử dụng máy tính, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của một số cán bộ, công chức thi hành án dân sự còn hạn chế, nhất là tại các Chi cục Thi hành án dân sự. Chưa có nhiều chính sách khuyến khích, đãi ngộ nên chưa thu hút được nguồn nhân lực công nghệ thông tin có trình độ chuyên môn cao.
Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong Hệ thống Thi hành án dân sự đã được quan tâm chỉ đạo, bám sát các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, chương trình kế hoạch đề ra, bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, công tác phối hợp giữa Tổng cục, Cục Công nghệ thông tin, Cục Kế hoạch Tài chính và các đơn vị liên quan được thực hiện thường xuyên, hiệu quả.