Tăng cường bảo vệ cán bộ hơn nữa trước những hành vi chống đối thi hành án

23/10/2021
(PLVN) - Công tác thi hành án dân sự vẫn luôn được coi là một lĩnh vực đặc thù, đặc biệt do liên quan đến quyền lợi của các bên. Vì vậy, phát sinh tình trạng một số người phải thi hành án có hành vi chống đối, đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có biện pháp quyết liệt hơn để bảo vệ cán bộ trước những hành vi vi phạm pháp luật.


Thực tiễn cho thấy trong nhiều vụ việc, người phải thi hành án lợi dụng quyền tố cáo nhằm làm mất uy tín của cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) nhằm kéo dài thời gian thi hành án. Khi đó, cán bộ, chấp hành viên trở thành “đối tượng” tấn công của người phải thi hành án.
Điển hình là vụ vu khống cán bộ THADS mà TAND huyện Đại Từ (Thái Nguyên) vừa xét xử sơ thẩm. Theo nội dung bản án, từ năm 2012-2013, Ngô Văn Tân và vợ là bà Lưu Thị Phương, trú tại Xóm Cạn, xã Ký Phú, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nhiều lần vay tiền của ông Lê Văn Sơn, trú tại TDP Cầu Thành, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Khi vay tiền, Tân có thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sơn. Sau nhiều lần thỏa thuận, vợ chồng Tân không trả nợ nên ông Sơn đã làm đơn khởi kiện vụ án dân sự đến TAND huyện Đại Từ yêu cầu Tân và bà Phương trả lại tiền cho ông Sơn.
Tại Bản án sơ thẩm số 01/2018/DSST ngày 05/01/2018 TAND huyện Đại Từ buộc Tân phải trả số tiền là 1.643.428.125 đồng, buộc bà Phương phải trả số tiền 303.428.125 cho ông Sơn. Do Bản án này bị kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm nên ngày 11/9/2018, TAND tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành xét xử.
Tại Bản án số 45/2018/DSPT ngày 11/9/2018 của TAND tỉnh Thái Nguyên, buộc Tân và bà Phương có trách nhiệm phải trả cho ông Lê Văn Sơn số tiền 350.000.00 đồng, buộc Tân phải có trách nhiệm trả cho ông Sơn số tiền 1.340.000.000đ. Sau khi Tân và bà Phương thanh toán cho ông Sơn số tiền 350.000.000 đồng, ông Sơn có trách nhiệm trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên Ngô Văn Tân.
Sau khi Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, do Tân và không chấp hành, không trả tiền cho ông Sơn. Ngày 28/01/2019 ôn đơn yêu cầu thi hành án đến Chi cục THADS huyện Đại Từ đề nghị thi hành Quyết định của Bản án nêu trên. Chi cục THADS huyện Đại Từ đã tiếp nhận đơn đề nghị của ông Sơn. Thời điểm này, ông Hoàng Nguyên K là Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Đại Từ đã ban hành Quyết định THADS số 433/QĐ-CCTHADS về việc yêu cầu ông Sơn và bà Phương thi hành phần Quyết định của Bản án số 45/2018/DSPT của TAND tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời phân công bà Lục Thị Q (là chấp hàn Chi cục THADS huyện Đại Từ) được phân công tổ chức thi hành án theo quyết định này.
Quá trình giải quyết thi hành án, đến ngày 9/7/2019, Tân làm đơn tố cáo ông K và bà Q đến Cơ quan VKSNDTC về hành vi nhận hối lộ. Sau khi nhận được đơn tố cáo của Tân, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã tiến hành kiểm tra, xác minh nguồn tin theo quy định và xác minh “Không có sự việc phạm tội xảy ra” theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự. Sau đó Tân tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi Vụ 6 VKSNDTC và Vụ 6 VKSNDTC đã bác đơn khiếu nại của ông Tân, giữ nguyên Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan điều tra - VKSNDTC.
Việc Ngô Văn Tân bịa đặt tố cáo nhận hối lộ đến cơ quan pháp luật đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của bản thân nên bà Q và ông K đã làm đơn đề nghị xử lý đối với Ngô Văn Tấn về tội “Vu khống”. Vì vậy, TAND đã tuyên phạt Ngô Văn Tân 24 tháng tù về tội “Vu khống”. Ngoài ra, Tân phải chịu án phí hình sự, án phí dân sự, buộc phải bồi thường tổn thất tinh thần, danh dự, uy tín bị xâm phạm cho ông K 10 triệu đồng, bà Q 14,9 triệu đồng; phạt bổ sung 10 triệu đồng sung công quỹ nhà nước.
Quy định pháp luật đã có, cần mạnh tay xử lý hơn
Không chỉ gây tổn hại về mặt tinh thần, có đối tượng chống đối thi hành án còn tấn công đoàn cưỡng chế thi hành án. Trong đó, có vụ việc xảy ra tại ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND huyện Cái Nước đã tuyên phạt bị cáo Phạm Hoàng Kiếm và Phạm Công Nguyên 5 năm tù về tội “Chống người thi hành công vụ” và 8 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Cùng với tội danh “Chống người thi hành công vụ”,2 bị cáo khác trong vụ án cũng bị tuyên án tù. Về trách nhiệm dân sự, 4 bị cáo phải bồi thường số tiền hơn 20 triệu đồng.
Bộ luật Hình sự của chúng ta đã quy định rõ các tội danh cho người chây ỳ, chống đối như tội chống người thi hành công vụ hay không chấp hành án. Xuất phát thực tế còn nhiều những hành vi chây ỳ, chống đối, cản trở quá trình thi hành án mà vì nhiều lý do đang bị “bỏ qua”, nhiều ý kiến đề nghị, cần phải xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo đảm răn đe, tránh tình trạng nhờn luật. Các cơ quan THADS cũng cần có kiến nghị kịp thời đến cơ quan chức năng để bảo vệ cán bộ, chấp hành viên của mình, phối hợp chặt chẽ để ngăn ngừa các vi phạm pháp luật.
Còn về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng cần trao thêm nhiều quyền năng; có cơ chế bảo vệ tốt hơn cho chấp hành viên,cán bộ thi hành án, đặc biệt trong quá trình cưỡng chế; nâng cao việc sử dụng phương tiện, công cụ hỗ trợ. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa các ngành để đảm bảo các hành vi vi phạm được xử lý kịp thời, nghiêm minh. Các cơ quan chức năng trong phạm vi nhiệm vụ quyền hạn của mình đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về THADS, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong lĩnh vực này...
T.Quyên
Nguồn: baophapluat.vn