1. Đối với công tác THAHC
Về công tác chỉ đạo điều hành, hoàn thiện thể chế
Thứ nhất, đối với công tác chỉ đạo, điều hành
Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, trong đó có nhiệm vụ, giải pháp: “
Tạo chuyển biến cơ bản, bền vững, thực chất công tác thi hành án dân sự, hành chính”, Bộ Tư pháp đã ban hành Chương trình công tác trọng tâm trong công tác THADS, theo dõi THAHC năm 2021 và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện trong toàn hệ thống THADS. Để Luật Tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính được triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả ở các địa phương, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Ban Thường vụ các Tỉnh ủy, Thành ủy đề nghị tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này, đến nay nhiều nơi công tác THAHC đã có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cũng đã yêu cầu rà soát tình hình THAHC của 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó tập trung chỉ đạo rà soát cụ thể từng bản án hành chính chưa thi hành của 07 tỉnh, thành phố
[1]. Trên cơ sở kết quả rà soát, Bộ Tư pháp đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
[2], trong đó đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc THAHC, nhất là những bản án không có khó khăn, vướng mắc, có thể tổ chức thi hành ngay; đối với những bản án có khó khăn, vướng mắc đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp nghe báo cáo để có chỉ đạo tháo gỡ, do đó công tác THAHC ở nhiều địa phương có sự chuyển biến rõ rệt. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã phân công đầu mối giúp UBND quản lý công tác THAHC để đưa công tác này ở các địa phương ngày càng đi vào nề nếp.
Ở các địa phương, quán triệt Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản kiến nghị của Bộ Tư pháp, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục có văn bản đôn đốc, chỉ đạo công tác THAHC trên địa bàn, một số nơi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã có Chỉ thị về công tác THAHC
[3]. Nhiều lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp thực hiện việc đôn đốc, chỉ đạo đối với từng bản án hành chính chưa thi hành trên địa bàn
[4].
Như vậy, thông qua công tác quản lý, chỉ đạo điều hành, nhất là sau khi Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, nhận thức của UBND, Chủ tịch UBND các cấp về công tác THAHC ngày càng được nâng cao, từ đó đã có sự chuyển biến tích cực về công tác THAHC.
Thứ hai, đối với công tác hoàn thiện thể chế về THAHC
Năm 2021, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, để đề xuất đưa chỉ tiêu về THAHC là một trong những chỉ tiêu thống kê Quốc gia báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định. Phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng Thông tư liên tịch về hướng dẫn phối hợp thống kê thi hành án dân sự (THADS), theo dõi THAHC
[5]. Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã có văn bản
[6] hướng dẫn việc báo cáo, thống kê về công tác THAHC nhằm đưa công tác này đi vào nề nếp, đáp ứng yêu cầu quản lý.
Để đánh giá kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập của các quy định khi áp dụng trong thực tiễn thực hiện Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Bộ Tư pháp đã tổ chức sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định số 71/2016/NĐ-CP trên phạm vi cả nước
[7], đối tượng thực hiện việc sơ kết là Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan phối hợp thực hiện sơ kết là Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Kết quả sơ kết là cơ sở quan trọng để Bộ Tư pháp báo cáo Chính phủ tiếp tục có sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hoặc đề xuất hoàn thiện pháp luật về THAHC trong thời gian tiếp theo.
Về kết quả THAHC
Theo báo cáo của UBND và Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, từ 01/10/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tổng số bản án hành chính mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước là bên phải thi hành án là:
944 bản án (trong đó, kỳ trước chuyển sang 467 bản án), tăng 114 bản án so với cùng kỳ năm 2020
[8]. Qua rà soát, tổng hợp chung cho thấy án hành chính chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai
[9] (90%) và tập trung ở các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh (205 bản án); Bà Rịa - Vũng Tàu (59 bản án); Đắk Lắk (56 bản án); Kiên Giang (44 bản án); Hà Nội (40 bản án); Long An (39 bản án); Phú Yên (38 bản án); Quảng Nam (38 bản án); Bình Thuận (33 bản án), Lâm Đồng (29 bản án). Trong tổng số 944 bản án hành chính phải thi hành, có 325 bản án đã có quyết định buộc THAHC của Tòa án.
Đến hết ngày 30/9/2021, cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước đã thi hành xong
455/944 bản án, tăng
92 bản án so với cùng kỳ năm 2020
[10], đang tiếp tục thi hành
489 bản án, trong số này có 455 bản án người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND các cấp và có 252 bản án hành chính mới có hiệu lực trong năm 2020 và năm 2021.
2. Đối với công tác theo dõi THAHC
Về công tác triển khai thực hiện và hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ
Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Tổng cục THADS đặt công tác theo dõi THAHC là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch công tác năm của Hệ thống THADS nhằm triển khai hiệu quả Luật Tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP
[11]. Theo các Chương trình, Kế hoạch đã ban hành, chỉ tiêu theo dõi THAHC được đề ra trong năm 2021 là:
“Các cơ quan THADS thực hiện theo dõi thi hành đối với 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có quyết định buộc thi hành án”.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về trình tự, thủ tục THAHC đối với bản án có nội dung không chấp nhận yêu cầu khởi kiện và trách nhiệm theo dõi của các cơ quan THADS, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất về phạm vi bản án hành chính thuộc trách nhiệm theo dõi THAHC của cơ quan THADS, theo đó, cơ quan THADS chỉ theo dõi đối với bản án hành chính có quyết định buộc THAHC theo quy định tại khoản 2 Điều 312 Luật Tố tụng hành chính
[12]. Trên cơ sở thống nhất giữa Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng cục THADS đã có văn bản hướng dẫn
[13] thực hiện thống nhất trong toàn Hệ thống THADS, đồng thời chỉ đạo các cơ quan THADS thực hiện đúng, đủ và hiệu quả trách nhiệm theo dõi THAHC theo quy định của Luật Tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP
[14].
Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Tư pháp, hướng dẫn của Tổng cục THADS, Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức quán triệt và triển khai đầy đủ, kịp thời đến các Chi cục THADS trực thuộc và các phòng chuyên môn thuộc Cục, bảo đảm thực hiện đúng, đủ và hiệu quả trách nhiệm theo dõi THAHC theo quy định, đồng thời giúp UBND cùng cấp trong việc rà soát, thống kê, tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả công tác THAHC trên địa bàn theo định kỳ và đột xuất.
Về kết quả thực hiện theo dõi THAHC
Từ ngày 01/10/2020 đến hết ngày 30/9/2021, các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi
325/325 bản án hành chính có quyết định buộc THAHC của Tòa án (trong đó: Số kỳ trước chuyển sang là 157 bản án), đạt tỷ lệ 100%. Kết quả: Các cơ quan THADS đã tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 258 vụ việc; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 67 vụ việc; đăng tải công khai 322 quyết định buộc THAHC của Tòa án. Trong tổng số 325 bản án cơ quan THADS thực hiện theo dõi, đã có 116 bản án được các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thi hành xong; số tiếp tục thực hiện theo dõi là 209 bản án.
Đánh giá chung
Về kết quả đạt được: Trong bối cảnh bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, Chính phủ, Bộ Tư pháp đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác THAHC, từ công tác chỉ đạo, điều hành đến công tác hoàn thiện thể chế, hướng dẫn chỉ đạo nghiệp vụ. Trong đó: (1) Hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tư pháp bảo đảm trọng tâm, trọng điểm; (2) ở các địa phương, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có sự chuyển biến rõ nét, bảo đảm thực hiện tốt hơn trách nhiệm của người đứng đầu, người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án theo đúng quy định. Công tác theo dõi THAHC mặc dù còn nhiều khó khăn do tính chất nhạy cảm, phức tạp của hoạt động THAHC, song hầu hết các cơ quan THADS đã triển khai thực hiện đúng, đủ và hiệu quả trách nhiệm theo dõi THAHC; nhiều địa phương, UBND các tỉnh, thành phố đã phân công Cục THADS giúp UBND quản lý công tác THAHC trên địa bàn.
Về tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc
- Vẫn còn 489 bản án hành chính đã có hiệu lực chưa được thi hành xong (chiếm tỷ lệ 52%), trong đó tập trung ở địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh (164 bản án); Hà Nội (36 bản án); Đắk Lắk (35 bản án); Kiên Giang (33 bản án); Bà Rịa - Vũng Tàu (28 bản án); các tỉnh Long An, Phú Yên mỗi tỉnh 19 bản án; Bình Phước (17 bản án); Quảng Nam (15 bản án); Đồng Nai (14 bản án); Bình Thuận (13 bản án). Trong đó, còn nhiều bản án, người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và có những bản án tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành dứt điểm
[15].
- Tuy còn nhiều bản án hành chính tồn đọng, song chưa có trường hợp cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước bị xử lý trách nhiệm do chậm thi hành bản án hành chính, mặc dù Nghị định số 71/2016/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định cụ thể về các chế tài xử lý trách nhiệm đối với người chậm, không chấp hành bản án hành chính.
- Một số quy định của pháp luật về THAHC chưa được quy định rõ ràng, cụ thể dẫn đến phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng trên thực tế, như quy định về trình tự, thủ tục thi hành bản án hành chính có nội dung bác đơn yêu cầu khởi kiện quy định tại khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính.
Về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
Nguyên nhân khách quan
- Hoạt động THAHC theo Luật Tố tụng hành chính và Nghị định số 71/2016/NĐ-CP là cơ chế “tự thi hành” của người phải thi hành án là cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, chưa có cơ chế cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp không tự nguyện THAHC, trong khi đây là lĩnh vực nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến người phải thi hành án là cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước và bên được thi hành án là người dân.
- Hầu hết các bản án hành chính chưa thi hành xong đều thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai, đây là lĩnh vực hết sức phức tạp, các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện thường có lịch sử kéo dài nhiều năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành giải quyết, hiện trạng quản lý, sử dụng đất theo đó đã có nhiều biến động, trong khi hệ thống các quy định của pháp luật đất đai thường xuyên thay đổi.
- Một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành hoặc không phù hợp với thực tế, gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan hành chính nhà nước trong quá trình thi hành bản án
[16].
- Thực tiễn áp dụng pháp luật quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực phát sinh tranh chấp hành chính còn có quan điểm khác nhau giữa cơ quan xét xử và cơ quan quản lý nhà nước cấp trên về ngành, lĩnh vực. Điều này gây khó khăn cho cơ quan nhà nước là bên phải THAHC trong việc thực hiện bản án hành chính của Tòa án và quy định, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên.
Nguyên nhân chủ quan
- Một số địa phương, người đứng đầu UBND các cấp, đặc biệt là Chủ tịch UBND cấp tỉnh chưa dành sự quan tâm đúng mức và đầy đủ cho công tác THAHC, dẫn đến thiếu sâu sát, quyết liệt và kịp thời trong việc chấp hành và chỉ đạo chấp hành bản án hành chính. Đây là nguyên nhân căn bản dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong công tác THAHC.
- Trong nhiều vụ việc, Chủ tịch UBND và người được Chủ tịch UBND ủy quyền đã không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa theo triệu tập của Tòa án để cung cấp kịp thời, đầy đủ tài liệu, chứng cứ phục vụ cho quá trình xét xử của Tòa án, dẫn đến những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong giai đoạn thi hành bản án.
- Đối với những bản án có khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi hành, nhiều địa phương không chủ động báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cơ quan nhà nước cấp trên, đặc biệt đến thời điểm hiện nay, mặc dù còn nhiều bản án hành chính người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, nhưng các địa phương không chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tháo gỡ hoặc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết của cấp có thẩm quyền.
- Một bộ phận cơ quan, người có thẩm quyền được Luật Tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP giao trách nhiệm trong công tác THAHC còn nể nang, né tránh việc kiến nghị cũng như xử lý trách nhiệm của người phải thi hành án trong việc chậm, không chấp hành bản án hành chính.
3. Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Về phương hướng, nhiệm vụ
- Tập trung hoàn thiện pháp luật về THAHC, trong đó: (1) Trên cơ sở kết quả sơ kết 05 năm triển khai thi hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành; (2) hoàn thiện thể chế về báo cáo, thống kê công tác THAHC bảo đảm đưa công tác này ngày càng đi vào nề nếp đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác THAHC.
- Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành, nhất là những bản án hành chính đã kéo dài nhiều năm. Hệ thống THADS theo dõi 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có quyết định buộc THAHC của Tòa án.
- Tổng hợp, thống kê đầy đủ tình hình và kết quả THAHC trên phạm vi cả nước nói chung và ở mỗi địa phương nói riêng; thực hiện báo cáo thường kỳ trình Quốc hội về công tác thi hành án.
Về giải pháp
- Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành và UBND các cấp trong việc chấp hành, chỉ đạo chấp hành nghiêm pháp luật tố tụng hành chính, thi hành kịp thời, đầy đủ các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật.
- Tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ, Bộ Tư pháp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong quản lý nhà nước về công tác THAHC; công tác phối hợp giữa các địa phương và các bộ, ngành có liên quan để tạo sự chuyển biến trong kết quả THAHC.
- Chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án hành chính tồn đọng kéo dài. Đối với các vụ việc có khó khăn, vướng mắc vượt quá khả năng tháo gỡ ở địa phương, yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo.
- Kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng, nghiệp vụ về công tác theo dõi THAHC đối với các cơ quan THADS địa phương trong phạm vi cả nước.
- Xử lý theo quy định các đơn thư, phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến công tác THAHC. Xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm người phải thi hành án không thi hành, thi hành nhưng không đầy đủ hoặc chậm thi hành bản án hành chính.
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, báo cáo, thống kê về THAHC, trong đó: (1) Tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và giải trình các vấn đề được đặt ra trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê để trình Quốc hội thông qua, trong đó có nội dung đề nghị bổ sung kết quả THAHC vào danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia; (2) Bộ Tư pháp khẩn trương phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC về hướng dẫn phối hợp trong thống kê THADS, trong đó có các biểu mẫu thống kê mới về công tác theo dõi THAHC, đưa công tác theo dõi THAHC của hệ thống THADS ngày càng đi vào nề nếp; (3) Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các cấp thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo, thống kê về công tác THAHC thuộc phạm vi quản lý.
Nguyễn Thanh Nam
Vụ Nghiệp vụ 3