Thứ nhất, thay đổi tiêu chuẩn về năng lực ngoại ngữ, tin học
So với Thông tư số 77/2019/TT-BTC, Thông tư số 29/2022/TT-BTC đã cắt giảm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ trong tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng; xác định tiêu chuẩn về ngoại ngữ tin học là tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của các ngạch kế toán viên cao cấp, kế toán viên chính, kế toán viên:
“có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản và sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm”.
Đồng thời, tiêu chuẩn về năng lực ngoại ngữ của các ngạch công chức chuyên ngành kế toán theo quy định mới sẽ căn cứ vào yêu cầu của từng vị trí việc làm. Điều này khác so với quy định tiêu chuẩn về năng lực ngoại ngữ tại Thông tư số 77/2019/TT-BTC: có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 4 (ngạch kế toán viên cao cấp), bậc 3 (ngạch kế toán viên chính), bậc 2 (ngạch kế toán viên) và bậc 1 (ngạch kế toán viên trung cấp) khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT.
Riêng đối với ngạch kế toán viên trung cấp, Thông tư số 29/2022/TT-BTC không yêu cầu về năng lực ngoại ngữ, tiếng dân tộc, chỉ yêu cầu
sử dụng thành thạo các thiết bị văn phòng và các trang thiết bị khác phục vụ yêu cầu nhiệm vụ.
Ngoài ra, Thông tư số 29/2022/TT-BTC quy định một số trường hợp phải cung cấp chứng chỉ ngoại ngữ để xác định khả năng sử dụng ngoại ngữ, tin học đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn ngạch, cụ thể:
- Đối với việc xét tuyển dụng, kiểm tra, sát hạch tiếp nhận vào công chức, xét nâng ngạch công chức mà quy định không tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ, tin học (trừ trường hợp kiểm tra sát hạch tiếp nhận vào công chức mà người ứng tuyển là viên chức đã được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp có tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn của ngạch dự kiến tuyển dụng).
- Đối với việc chuyển xếp ngạch từ các ngạch hành chính, chuyên ngành khác vào ngạch kế toán khi thay đổi vị trí việc làm, trường hợp tiêu chuẩn trình độ ngoại ngữ, tin học của ngạch đang giữ thấp hơn ngạch dự kiến chuyển.
Thứ hai, thay đổi tiêu chuẩn về chứng chỉ bồi dưỡng ngạch
So với Thông tư số 77/2019/TT-BTC, tên chương trình chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán tại Thông tư số 29/2022/TT-BTC đã thay đổi:
- Thông tư số 77/2019/TT-BTC quy định tiêu chuẩn ngạch kế toán viên cao cấp
có chứng chỉ bồi dưỡng ngạch kế toán viên cao cấp (điểm c khoản 4 Điều 5); tiêu chuẩn ngạch kế toán viên chính
có chứng chỉ bồi dưỡng ngạch kế toán viên chính (điểm b khoản 4 Điều 6); tiêu chuẩn ngạch kế toán viên
có chứng chỉ bồi dưỡng ngạch kế toán viên (điểm b khoản 4 Điều 7); tiêu chuẩn ngạch kế toán viên trung cấp
có chứng chỉ bồi dưỡng ngạch kế toán viên trung cấp (điểm b khoản 4 Điều 8).
- Thông tư số 29/2022/TT-BTC quy định tiêu chuẩn ngạch kế toán viên cao cấp
có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương, có bằng cao cấp lý luận chính trị-hành chính (điểm c khoản 4 Điêu 5); tiêu chuẩn ngạch kế toán viên chính
có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính và tương đương, có bằng cao cấp lý luận chính trị-hành chính (điểm b khoản 4 Điều 6)
; tiêu chuẩn ngạch kế toán viên
có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên và tương đương (điểm b khoản 4 Điều 7)
. Riêng đối với ngạch kế toán viên trung cấp không quy định về tiêu chuẩn chứng chỉ bồi dưỡng ngạch.
Như vậy, quy định về tiêu chuẩn bồi dưỡng ngạch tại Thông tư số 29/2022/TT-BTC “mở” hơn so với Thông tư số 77/2019/TT-BTC vì có thể sử dụng chứng chỉ tương đương để xem xét bổ nhiệm vào ngạch công chức chuyên ngành kế toán.
Ngoài ra, Thông tư số 29/2022/TT-BTC cũng quy định công chức chuyên ngành kế toán có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch trước ngày 30/6/2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước tương ứng theo quy định mới (khoản 4 Điều 25).
Thứ ba, thay đổi tiêu chuẩn về tiêu chuẩn lý luận chính trị đối với ngạch kế toán viên cao cấp
Theo Thông tư số 29/2022/TT-BTC bỏ quy định có bằng cử nhân chính trị là đáp ứng tiêu chuẩn lý luận chính trị đối với ngạch kế toán viên cao cấp, cụ thể:
Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị của cơ quan có thẩm quyền (điểm c khoản 4 Điều 5)
.
Thông tư số 29/2022/TT-BTC tiếp tục quy định
“Trường hợp công chức không có bằng tốt nghiệp chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán nhưng đã được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm vào ngạch kế toán viên, kế toán viên chính trước ngày 01/01/2014 thì vẫn tiếp tục được làm kế toán theo quy định tại khoản 7 Điều 18 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP; trường hợp thi nâng ngạch cao hơn phải thỏa mãn các điều kiện quy định tại Thông tư này” (khoản 1 Điều 25).
Ngoài ra, Thông tư số 29/2022/TT-BTC cũng quy định
công chức đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên ngành kế toán theo quy định của pháp luật từ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì được xác định là đáp ứng quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn của ngạch chuyên ngành kế toán quy định tại Thông tư này tương ứng với ngạch đã được bổ nhiệm (khoản 3 Điều 25)
.
Thứ tư, thay đổi về thời gian giữ ngạch, điều kiện để dự thi nâng ngạch công chức chuyên ngành kế toán
So với Thông tư số 77/2019/TT-BTC, Thông tư số 29/2022/TT-BTC quy định cụ thể hơn về thời gian giữ ngạch để dự thi nâng ngạch kế toán viên cao cấp
đang giữ ngạch Kế toán viên chính và có thời gian giữ ngạch Kế toán viên chính hoặc tương đương từ đủ 06 năm trở lên, trong đó phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch kế toán viên chính tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch (điểm a khoản 5 Điều 5); nâng ngạch kế toán viên chính
đang giữ ngạch Kế toán viên và có thời gian giữ ngạch Kế toán viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch kế toán viên tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch (điểm a khoản 5 Điều 6); nâng ngạch kế toán viên
đang giữ ngạch kế toán viên trung cấp và có thời gian giữ ngạch kế toán viên trung cấp hoặc tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ ngạch kế toán viên trung cấp tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi nâng ngạch (khoản 5 Điều 7).
Thứ năm, thay đổi về văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án, điều kiện để dự thi nâng ngạch công chức chuyên ngành kế toán
So với Thông tư số 77/2019/TT-BTC, Thông tư số 29/2022/TT-BTC quy định “mở” hơn về tiêu chuẩn văn bản quy phạm pháp luật, đề tài, đề án, cụ thể:
- Đối với trường hợp dự thi nâng ngạch kế toán viên cao cấp: bổ sung thêm đối tượng
tham gia xây dựng văn bản, đề tài, đề án; bỏ quy định về việc đề tài, đề án
đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu hoặc phê duyệt (điểm b khoản 5 Điều 5).
- Đối với trường hợp dự thi nâng ngạch kế toán viên chính: bỏ đối tượng chủ trì xây dựng văn bản, đề tài, dự án, đề án (chỉ yêu cầu tham gia xây dựng); bỏ quy định về việc đề tài, đề án
đã được cấp có thẩm quyền nghiệm thu hoặc phê duyệt; sửa đổi cấp xây dựng đề tài, đề án, dự án từ cấp tỉnh, cấp huyện thành
cấp cở sở trở lên là điều kiện dự thi nâng ngạch (điểm b khoản 5 Điều 6).
Thứ sáu, thay đổi về quy định chuyển xếp lương
Thông tư số 29/2022/TT-BTC quy định cụ thể hơn về việc chuyển xếp lương sang ngạch công chức chuyên ngành kế toán (mới) được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV.
Trường hợp công chức chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện để chuyển xếp lương vào ngạch công chức chuyên ngành kế toán (mới) theo quy định thì tiếp tục được xếp lương theo ngạch công chức hiện hưởng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành. Trong thời hạn 05 năm này, công chức phải hoàn thiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo theo yêu cầu của ngạch công chức chuyên ngành (mới). Khi công chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện ở ngạch công chức chuyên ngành (mới) thì cơ quan quản lý hoặc sử dụng công chức chuyển xếp lương theo hướng dẫn tại khoản 1 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV. Trường hợp công chức không hoàn thiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo theo yêu cầu của ngạch công chức thì thực hiện tinh giản biên chế theo quy định của pháp luật (Điều 25).
Như vậy, Thông tư số 29/2022/TT-BTC quy định mở rộng đối tượng xếp lương khi chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn (Thông tư số 77/2019/TT-BTC chỉ quy định đối với ngạch kế toán viên trung cấp), thay đổi thời hạn tiếp tục xếp lương, hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn (Thông tư số 77/2019/TT-BTC quy định 6 năm kể từ ngày Thông tư có hiệu lực), thay đổi cách thức xử lý nếu không hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn trong thời hạn, bỏ quy định xem xét bố trí lại công việc.
Thứ bảy, bãi bỏ Thông tư số 77/2019/TT-BTC
Kể từ ngày 18/7/2022, Thông tư số 29/2022/TT-BTC có hiệu lực, bãi bỏ Thông tư số 77/2019/TT-BTP, bãi bỏ các quy định liên quan đến việc chuyển xếp ngạch mới đối với kế toán viên cao đẳng:
Cơ quan quản lý công chức có trách nhiệm xây dựng đề án và tổ chức thực hiện thi nâng ngạch từ ngạch kế toán viên cao đẳng lên ngạch kế toán viên đối với các trường hợp đáp ứng các tiêu chuẩn của ngạch kế toán viên trừ điều kiện về thời gian giữ ngạch. Các công chức hiện đang giữ ngạch kế toán viên cao đẳng được xếp tương ứng vào ngạch kế toán viên trung cấp và tiếp tục được xếp lương theo ngạch hiện hưởng (công chức loại A0) cho đến khi xếp ngạch mới (nâng ngạch Kế toán viên) (khoản 2 Điều 24).
Do vậy, cơ quan quản lý công chức cần khẩn trương rà soát và thực hiện việc chuyển xếp ngạch đối với công chức vẫn đang giữ ngạch kế toán viên cao đẳng trước ngày 18/7/2022.
Trên đây là những quy định mới về ngạch công chức chuyên ngành kế toán trong Thông tư số 29/2022/TT-BTC ngày 03/6/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (có hiệu lực kể từ ngày 18/7/2022). Có thể nói, Thông tư số 29/2022/TT-BTC đã kịp thời sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn ngạch công chức chuyên ngành kế toán phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc bảo đảm cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp, trong đó có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; cắt giảm chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm
[1].
Lê Thị Thu Thảo, Thẩm tra viên Vụ Tổ chức cán bộ,
Tổng cục Thi hành án dân sự