Tuyên truyền về chuẩn mực đạo đức của đội ngũ Chấp hành viên trong toàn Hệ thống

11/07/2022
Ngày 20/10/2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký Quyết định số 1577/QĐ-BTP về việc ban hành Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên.


Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên được xây dựng trên cơ sở phù hợp với vị trí, vai trò, tính chất, đặc thù công việc của Chấp hành viên là tổ chức thi hành án, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ công lý; phù hợp chủ trương, đường lối, nghị quyết, quy định về xây dựng đội ngũ cán bộ, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Kế thừa và phát triển những nội dung chuẩn mực đạo đức chấp hành viên hiện hành còn phù hợp với thực tiễn, truyền thống tốt đẹp của đội ngũ chấp hành viên đã được thực tế kiểm nghiệm qua hơn 19 năm thực hiện Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP.
I. SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC BAN HÀNH CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CHẤP HÀNH VIÊN PHÙ HỢP VỚI TÌNH HÌNH MỚI
1. Cơ sở thực tiễn
Ngày 27/02/2002, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP về Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên. Có thể nói, việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức đã tạo được sự chuyển biến lớn, quan trọng về nhận thức của cán bộ lãnh đạo, đảng viên, chấp hành  viên cơ quan THADS trong tu dưỡng, rèn luyện về lập trường, tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, bản lĩnh trong thi hành công vụ. Tuy nhiên, qua hơn 19 năm thực hiện đã nảy sinh nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập. Cụ thể như sau:
Một là, chuẩn mực đạo đức chấp hành viên được ban hành năm 2002, một số chuẩn mực đạo đức chấp hành viên đã được “luật hóa” trong Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hai là, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong điều kiện mới thì chấp hành viên không những cần có năng lực mà cần có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt theo yêu cầu, hoàn cảnh mới để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ba là, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, nghị quyết, quy định về xây dựng đội ngũ cán bộ.
Bốn là, tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền và hội nhập quốc tế trong những năm qua đã giúp làm rõ hơn, nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò trung tâm của chấp hành viên trong công tác THADS.
Năm là, thời gian qua, nhiều cơ quan xét xử, tố tụng, nội chính đã xây dựng, ban hành các chuẩn mực đạo đức.
2. Cơ sở chính trị, pháp lý
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
- Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
- Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
3. Cơ sở pháp lý
- Luật THADS năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014.
- Luật cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).
- Quyết định số 2659/QĐ-BTP ngày 03/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp.
II. Tổ chức phổ biến và quán triệt về các nội dung CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CHẤP HÀNH VIÊN
Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên, cấp ủy Đảng và tập thể lãnh đạo các cơ quan THADS đặc biệt quan tâm, coi trọng và chỉ đạo thực hiện nghiêm trong toàn thành phố.
Các cơ quan THADS đều in Chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên ban hành kèm theo Quyết định số 1577/QĐ-BTP, đóng khung, treo tại sảnh, cửa ra vào của các cơ quan THADS, phòng làm việc của Chấp hành viên, bảo đảm trang trọng, dễ theo dõi, nhận biết. Đối với việc in, treo tại sảnh, cửa ra vào, tùy từng cơ quan, đơn vị xác định kích thước nhưng tối thiểu khổ 90cm x 150cm, nền đỏ, chữ màu vàng
Bên cạnh đó, các cơ quan THADS quan tâm chấn chỉnh việc thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ, nêu cao tính trách nhiệm trong công việc, tổ chức quán triệt kịp thời, đầy đủ các văn bản hướng dẫn của cấp trên; chủ động, quan tâm phản ánh gương người tốt, việc tốt, tôn vinh những đóng góp, những tấm gương tận tụy, mẫu mực của Chấp hành viên; thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông báo chí, xây dựng hình ảnh đẹp về người công chức thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự “kỷ cương, trách nhiệm, tin cậy, thân thiện”.
Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ đối với chấp hành viên được xác định là  yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động thi hành án. Vì vậy, trong Hệ thống THADS, cấp ủy Đảng và lãnh đạo các cơ quan THADS thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trục thuộc triển khai, quán triệt kịp thời đến các chấp hành viên trong đơn vị các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo, chấn chỉnh về kỷ luật, kỷ cương Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Tư pháp, của Tổng cục THADS và Thành ủy, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp. Việc thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương có kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Qua công tác kiểm tra hàng năm về kỷ luật kỷ cương tại các đơn vị, về cơ bản các chấp hành viên đều có ý thức, trách nhiệm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đúng các quy trình, quy chế làm việc; nâng cao đạo đức, kỷ luật, kỷ cương công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân; thực hiện tốt quy tắc, văn hóa ứng xử của công chức; không sử dụng thời giờ làm việc để làm việc riêng; không hút thuốc lá nơi công sở, trong phòng làm việc, phòng họp, hội trường; nghiêm cấm việc sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa của ngày làm việc.
Đội ngũ chấp hành viên các cơ quan THADS về cơ bản đều vững vàng về chính trị, trong sáng về đạo đức, thành thạo về chuyên môn nghiệp vụ; có trình độ, năng lực, kỹ năng, nhất là có tư duy đổi mới, sáng tạo, năng lực thực tiễn, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của ngành và địa phương giao cho.
III. NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA CHUẨN MỰC ĐẠO ĐỨC CHẤP HÀNH VIÊN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 1577/QĐ-BTP
1. Điểm mới so với Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP
Các nội dung trong Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP gần như đã được thể chế hóa vào các quy định tại Luật THADS (Điều 20 nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên, Điều 21 những việc Chấp hành viên không được làm), Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư số 03/2017/TT-BTP ngày 05/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chức danh, mã số ngạch và tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức chuyên ngành THADS, sửa đổi bổ sung theo Thông tư số 08/2020/TT-BTP ngày 28/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,...
Do đó, trong Quyết định số 1577/QĐ-BTP, ngoài việc kế thừa và phát triển những nội dung chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên hiện hành còn phù hợp với thực tiễn thì cũng đã rà soát, sửa đổi, bổ sung những nội dung trong Quyết định số 51/2002/QĐ-BTP còn chồng chéo, chung chung, chưa đầy đủ, chưa có quy định để điều chỉnh, loại bỏ những quy tắc đã được pháp luật quy định, điều chỉnh để tránh trùng lặp.
2. Điểm mới so với Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp
Quyết định số 1577/QĐ-BTP về chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên có nội dung học tập chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức ngành Tư pháp do đây là những nội dung chung trong các chuẩn mực đạo đức, phù hợp với quan điểm toàn diện.
Bên cạnh đó, do đặc thù của người Chấp hành viên, chuẩn mực đạo đức Chấp hành viên theo Quyết định số 1577/QĐ-BTP nhấn mạnh đến các nội dung về “khách quan, đúng mực, dân vận khéo”, “yêu nghề, bản lĩnh, chuyên nghiệp”, “tích cực, chủ động, chặt chẽ”… Những nội dung này đều gắn với tính chất, chức trách, nhiệm vụ của Chấp hành viên.