Ngày 30/3/2023, Tổng cục THADS đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Hệ thống Thi hành án dân sự chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2023-2025, với những nội dung chính sau đây:
Một là: Chỉ đạo tập trung nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến về quan điểm của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo và các văn bản, đề án, chương trình liên quan do ngành Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo, tổ chức thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong Hệ thống THADS về chính sách, chủ trương giảm nghèo của Đảng và Nhà nước theo Nghị quyết số 160/NQ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23 tháng 6 năm 2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030; Nghị quyết số 24/2021/QH15 ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025.
Hai là: Tham gia góp ý kiến các văn bản, đề án có liên quan đến chính sách pháp luật cho người nghèo và hệ thống pháp luật về an sinh xã hội cho người nghèo; tham gia tích cực các hoạt động của Ban chỉ đạo, Tổ công tác Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 triển khai; tham gia các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 do cơ quan đơn vị được giao thực hiện.
Ba là: Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp THADS đối với các trường hợp liên quan đến người được thi hành án, người phải thi hành án là những người nghèo; ra Quyết định đúng thời hạn đối với bản án, quyết định của Tòa án về dân sự đã có hiệu lực theo đúng quy định của pháp luật; phân loại chính xác việc, tiền có điều kiện thi hành, chưa có điều kiện thi hành; khắc phục thiếu sót về trình tự, thủ tục trong THADS; tập trung giải quyết kịp thời, dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo và những vụ việc thi hành án dân sự cho các đối tượng phải thi hành án, được thi hành án là người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.
Bốn là: Lồng ghép thực hiện phong trào thi đua “Hệ thống Thi hành án dân sự chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2023-2025 và phong trào thi đua “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” với việc triển khai thực hiện Kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị, bảo đảm tính khả thi, liên tục, thường xuyên và hiệu quả. Tập trung phổ biến, quán triệt cho công chức, người lao động biết về các nội dung của phong trào thi đua; đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan tới người nghèo và nhân dân khu vực nông thôn để nâng cao nhận thức của nhân dân đối với công tác THADS.
Năm là: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của đội ngũ công chức, người lao động các cơ quan thi hành án dân sự tại các đơn vị địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để tổ chức thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự. Thường xuyên giữ mối liên hệ với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người nghèo và nhân dân khu vực nông thôn đối với công tác THADS, từ đó, có biện pháp tổ chức thi hành án thích hợp, đảm bảo thấu tình đạt lý, giữ được truyền thống tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng dân cư.
Sáu là: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về THADS; hướng dẫn, đổi mới cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho người nghèo; xây dựng mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp giúp người nghèo được tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách, pháp luật, thực hiện các quyền, hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho người nghèo; phối hợp tổ chức các hoạt động Trợ giúp pháp lý tại các địa bàn thụ hưởng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025
- Nội dung kế hoạch đưa ra các hình thức thực hiện phong trào thi đua thông qua các hoạt động đó là:
- Các cơ quan THADS địa phương cần quan tâm các đối tượng là cán bộ công chức trong cơ quan, đơn vị có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời hỗ trợ xã nghèo, hộ nghèo, người nghèo bằng các hình thức phù hợp như: hỗ trợ về điều kiện làm việc cho Ủy ban nhân dân xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đóng góp xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương; trao quà và học bổng, giúp học sinh nghèo vượt khó; quyên góp, ủng hộ về tiền, hiện vật, cây, con giống; hỗ trợ xây dựng tủ sách pháp luật; nhận phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, phụng dưỡng người già cô đơn, trẻ em tàn tật, ủng hộ, giúp đỡ gia đình liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; khuyến khích các đơn vị đóng góp ngày công tham gia xây dựng đường giao thông các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; tích cực tham gia ủng hộ các loại quỹ Mặt trận tổ quốc, công đoàn các cấp và và các địa phương tổ chức quyên góp, ủng hộ…
- Huy động các nguồn lực và sức đóng góp của công chức, người lao động trong toàn hệ thống để hỗ trợ người nghèo khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất cho người nghèo và nhân dân ở khu vực nông thôn, nhất là những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
- Vận động các công chức, người lao động trong toàn hệ thống Thi hành án dân sự tham gia giúp đỡ các xã nghèo, thôn nghèo, người nghèo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Toàn Hệ thống phấn đấu hỗ trợ 15 hộ nghèo làm nhà Đại đoàn kết, nhà tình thương giai đoạn 2023 - 2025.
- Phấn đấu mỗi địa phương chọn ít nhất 01 xã nghèo trở lên để tham gia giúp đỡ, vận động các gia đình có điều kiện giúp đỡ hộ nghèo; vận động khuyến khích các gia đình thi đua lao động, phát triển sản xuất, làm kinh tế, thoát nghèo bền vững và giúp đỡ các cá nhân và gia đình khác về kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, chất lượng, đạt hiệu quả kinh tế, đảm bảo cuộc sống ấm no, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình an sinh xã hội.
Thanh Hà