Hệ thống thi hành án dân sự với chặng đường 78 năm hình thành và phát triển

17/07/2024
Hướng tới Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự, mỗi công chức làm công tác thi hành án dân sự đã và đang tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp và lòng tự hào nghề nghiệp, tích cực hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu nhiệm vụ được giao.


Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác

Mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của hệ thống thi hành án dân sự ngày nay chính là việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946, theo đó, Ban Tư pháp xã có trách nhiệm “Thi hành những mệnh lệnh của các Thẩm phán cấp trên”. Tiếp đó, Sắc lệnh số 85/SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trực tiếp giao cho “Thẩm phán huyện có nhiệm vụ đem chấp hành các án hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án hộ, mà chính Tòa án huyện hoặc Tòa án cấp trên đã tuyên”. Với sự ra đời của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 đã chuyên nghiệp hóa hoạt động thi hành án dân sự thông qua việc xác lập chức danh “nhân viên chấp hành án” với vị trí, chức năng và nhiệm vụ cụ thể. Trên cơ sở đó, ngày 13/10/1972, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ra Quyết định số 186/TC về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên, từ đây, tên gọi “chấp hành viên” chính thức ra đời và được sử dụng cho đến ngày nay.
Giai đoạn từ khi Hiến pháp 1980 và Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 1981 ra đời đến trước tháng 7/1993, tổ chức và hoạt động của cơ quan thi hành án thực hiện theo nguyên tắc song trùng, mặc dù đã chuyển giao nhiệm vụ quản lý sang Bộ Tư pháp nhưng thực chất trong việc quản lý ở địa phương mới dừng lại ở vai trò quản lý chung, việc quản lý đội ngũ cán bộ tòa án cũng như bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động thi hành án sẽ do chính quyền địa phương đảm nhiệm, do vậy, hoạt động thi hành án ở giai đoạn này chưa được chú trọng nhiều.
Năm 1993, Quốc hội khóa IX ban hành Nghị quyết về việc bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Tòa án nhân dân các cấp sang cơ quan thuộc Chính phủ, theo đó, các cơ quan thi hành án dân sự chính thức được thành lập và hoạt động. Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua với nhiều đổi mới quan trọng, tuy nhiên, qua 05 thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập nhất định. Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong các Pháp lệnh trước, đồng thời, tiếp tục củng cố và hoàn thiện các quy định về thi hành án dân sự, Luật Thi hành án dân sự năm 2008 đã ra đời và tiếp tục được sửa đổi, bổ sung qua các năm 2014, 2018, 2020, 2022 chính là bước tiến quan trọng, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền cải cách tư pháp, yêu cầu vận hành của thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Hoạt động thi hành án dân sự được thực hiện chính là bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án và các cơ quan tài phán được thi hành trên thực tế, khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước, đồng thời giữ vững ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trải qua quá trình 78 năm, công tác thi hành án dân sự luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, đặc biệt là Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp. Do đó, mặc dù trong bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước còn nhiều khó khăn, hệ thống thi hành án dân sự còn gặp phải nhiều thách thức nhưng với những nỗ lực không ngừng, hoạt động thi hành án dân sự ngày càng trưởng thành, lớn mạnh trên mọi phương diện, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, được thể hiện ở một số khía cạnh như sau:
Một là, trong những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã kịp thời, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước cũng như nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở quan điểm, định hướng của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp đối với công tác thi hành án dân sự qua từng năm, Tổng cục Thi hành án dân sự tăng cường quán triệt, chỉ đạo Hệ thống thi hành án dân sự để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã giúp cho công tác thi hành án dân sự ở các địa phương được coi trọng đem lại những kết quả thiết thực trong thực thi pháp luật, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại các địa phương.
Hai là, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, do đó, không ngừng bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về thi hành án dân sự là yêu cầu đặt ra ở bất kì giai đoạn nào. Hiện nay, mặc dù hệ thống pháp luật thi hành án dân sự cơ bản đầy đủ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khả thi, tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, khắc phục những bất cập, hạn chế còn tồn tại thì Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành cần tiếp tục được nghiên cứu sửa đổi phù hợp. Ngày 8/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, theo đó, Luật THADS (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Việc chú trọng công tác hoàn thiện thể chế sẽ tiếp tục tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động thi hành án dân sự, góp phần vào việc đưa kết quả thi hành án dân sự đạt và vượt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Ba là, tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức làm công tác thi hành án dân sự luôn được quan tâm, củng cố, kiện toàn, ngày càng trong sạch, vững mạnh. Theo Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự trực thuộc Bộ Tư pháp (đã sửa đổi, bổ sung ngày 02/8/2023) thì Tổng cục thi hành án dân sự được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương đến địa phương, bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất, tạo ra sự tương đồng với tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp khác giúp cho công tác phối hợp giữa các cơn quan được thực hiện tốt hơn, hiệu quả công tác thi hành án được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự được đảm bảo về số lượng và nâng cao về chất lượng, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ, chính trị và các lĩnh vực khác phục vụ cho công tác chuyên môn. Các đồng chí ở mỗi cương vị khác nhau luôn nâng cao và nhận thức rất rõ về các yêu cầu đòi hỏi đối với công việc trong các văn bản, chỉ đạo của Đảng, Bộ và Tổng cục. Toàn hệ thống tiếp tục nâng cao nhận thức về trách nhiệm công việc theo Quy định số 132-QĐ/TW, ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Công văn số 693-CV/BCSĐ ngày 11/01/2024 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Việc tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển đội ngũ công chức làm công tác thi hành án dân sự sẽ giúp cho quá trình thực thi công vụ đạt được hiệu quả, đáp ứng với yêu cầu về quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Bốn là, các cấp ủy, chính quyền địa phương có nhận thức ngày càng sâu sắc, đầy đủ về vị trí, vai trò của hoạt động thi hành án dân sự. Từ đây, việc thực hiện công tác phối hợp liên ngành cũng được đặc biệt quan tâm chú trọng để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Quy chế phối hợp liên ngành với các bộ, ngành liên quan như Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Nội chính, Công an, Ngân hàng, Bảo hiểm xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả trong thực tiễn, qua đó nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, nhất là giải quyết các vướng mắc phát sinh từ bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, kéo dài tại các địa phương và việc xử lý tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Đẩy mạnh công tác phối hợp sẽ giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, từ đó góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Những đóng góp của hệ thống thi hành án dân sự trong những năm qua đối với sự phát triển của đất nước đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, đặc biệt, sự ghi nhận và tin tưởng này đã được thể hiện bằng việc Đảng, Nhà nước cũng đã tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân thuộc hệ thống thi hành án dân sự như: Huân chương lao động hạng Nhất, Huân chương lao động hạng Ba, Cờ Thi đua Chính phủ và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Năm là, kết quả thi hành án về việc và tiền năm sau cao hơn năm trước, số việc thi hành án tồn đọng liên tục giảm qua các năm. Mặc dù qua mỗi giai đoạn, số lượng án thụ lý mới liên tục tăng cao nhưng với quyết tâm của toàn hệ thống thi hành án dân sự nên đã đạt được những kết quả đáng kể. Năm 2023, kết quả thi hành án dân sự, về việc, tổng số phải thi hành là 922.311 việc; có điều kiện thi hành 690.448 việc; thi hành xong 574.819 việc, đạt 83,25%, tăng 0,75% so với năm 2022. Về tiền, tổng số tiền phải thi hành là trên 388,5 nghìn tỷ đồng; có điều kiện thi hành trên 191 nghìn tỷ đồng. Thi hành xong gần 89,5 nghìn tỷ đồng, đạt 46,78%, tăng 1,24% so với năm 2022. Đặc biệt, kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đạt cao, đã thi hành xong 2.264 việc, thu được gần 20,5 nghìn tỷ đồng, tăng gần 4,5 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 27,62% về tiền so với năm 2022. Kết quả thi hành án dân sự có sự chuyển biến tích cực qua từng năm đã góp phần giải phóng các nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn, khơi thông, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức, hướng tới sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Hướng tới Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự, mỗi công chức làm công tác thi hành án dân sự đã và đang tiếp tục phát huy những truyền thống tốt đẹp và lòng tự hào nghề nghiệp. Toàn thể hệ thống thi hành án dân sự tích cực hoàn thành tốt mọi chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, xứng đáng với vai trò, vị trí quan trọng của công tác này trong hoạt động tư pháp, góp phần đưa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật được thực thi trên thực tế, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội tại địa phương, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.