Ngày 13/11/2024, Quốc hội đã thông qua
Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, trong đó có nội dung đề cập đến chính sách tiền lương từ năm 2025.
Về thực hiện chính sách tiền lương, một số chính sách xã hội, Quốc hội thống nhất chưa tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Quốc hội cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3 của Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội.
Quốc hội cho phép từ ngày 01/7/2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.
Quốc hội cũng cho phép các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.
Theo đó, chính sách tiền lương từ năm 2025 đáng chú ý nhất là việc sẽ không tăng tiền lương cán, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong năm 2025. Đồng nghĩa với việc lương cơ sở từ năm 2025 vẫn giữ nguyên ở mức 2.34 triệu đồng/tháng theo Nghị định số 73/2024/NĐ-CP.
Khoản 2 Điều 3
Nghị định số 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở
:
“1. Mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
a) Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định này;
b) Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
c) Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
2. Từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng/tháng.”
Tại Mục 5
Kết luận 83-KL/TW ngày 21 tháng 6 năm 2024 của Bộ Chính trị về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024, Bộ Chính trị yêu cầu Ban Kinh tế Trung ương chủ trì sơ kết việc thực hiện
Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018.
Trong đó phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành có liên quan nghiên cứu đánh giá sự phù hợp, tính khả thi và đề xuất việc thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp để
trình Trung ương xem xét sau năm 2026 khi Bộ Chính trị ban hành và triển khai thực hiện hệ thống Danh mục vị trí việc làm trong hệ thống chính trị.
Khi thực hiện 05 bảng lương mới theo vị trí việc làm cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 là bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
Theo đó, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ và các ban, bộ, ngành đề xuất tiếp tục cải cách tiền lương sau 2026 để trình Trung ương xem xét. Nếu tình hình phù hợp và không có gì thay đổi thì
sau năm 2026 sẽ thực hiện 5 bảng lương và 9 chế độ phụ cấp mới của khu vực công cho phù hợp.
Như vậy, theo tinh thần trên, rất có thể sau năm 2026 mới bãi bỏ mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương.
Điều này phụ thuộc vào Chính phủ sau khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp khả năng ngân sách Nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước
(theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 73/2024/NĐ-CP).
Ngoài ra Quốc hội cũng cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương dành để cải cách tiền lương như quy định tại khoản 2 Điều 3
Nghị quyết 34/2021/QH15:
“
Điều 3. Về thực hiện chính sách tiền lương
...
2. Tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.
Cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính số tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán dành để cải cách chính sách tiền lương, bao gồm: thu tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước.”
Bên cạnh đó, Nghị quyết giao Chính phủ tập trung điều hành chính sách tài khóa chủ động, hợp lý, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, nhịp nhàng với chính sách tiền tệ và các chính sách khác; kịp thời ứng phó với biến động phức tạp của tình hình trong nước và ngoài nước, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cùng với đó, Chính phủ cần quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý thu, cơ cấu lại nguồn thu bảo đảm tính bền vững; mở rộng cơ sở thu; chống thất thu, chuyển giá trốn thuế; gian lận thương mại, đặc biệt trong các hoạt động thương mại dựa trên nền tảng số; đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế.
Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm xây dựng phương án sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, gắn với việc sửa đổi cơ chế phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi một cách tổng thể, thận trọng, có đánh giá tác động đầy đủ nhằm bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo Nghị quyết, Chính phủ cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả;
Ngoài ra, cần có giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đề xuất, công tác chuẩn bị, phê duyệt dự án ODA, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho từng giai đoạn thực hiện. Xem xét trách nhiệm trong xây dựng dự toán không sát thực tế, tổ chức thực hiện thiếu hiệu quả dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công thấp. Nghiên cứu, đề xuất việc xử lý các bất hợp lý phát sinh trong chế độ cho một số đối tượng, ngành nghề; đề xuất việc tiếp tục điều chỉnh tăng tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp…; Tiếp tục tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, cơ cấu lại nợ công.