Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2025

17/12/2024
Ngày 17/12/2024, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2025. Đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.



Tham dự Hội nghị, về phía các ban, bộ, ngành ở Trung ương có các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Phạm Gia Túc; Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Hữu Đông. Cùng dự có các Lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương; Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội; đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội: Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban xã hội, Ủy ban đối ngoại, Ban Công tác đại biểu; đại diện Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo các tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương. Về phía Bộ Tư pháp có đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, cùng dự có các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Tịnh và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ. Chủ trì và điều hành tại điểm cầu địa phương có các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Trong năm 2024, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện thống nhất, đồng bộ, theo đúng phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững” của Chính phủ; bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các nghị quyết của Quốc hội; các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Quốc hội về tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; phát triển kinh tế - xã hội (KTXH); đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2024.

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ
Cụ thể, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế nói chung, pháp luật nói riêng là một trong ba đột phá chiến lược tiếp tục được xác định tại Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng là lĩnh vực được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và dành nhiều thời gian, nguồn lực để tham mưu, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tham gia có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp phát sinh, góp phần tháo gỡ vướng mắc kìm hãm sự phát triển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Bộ, ngành Tư pháp đã kịp thời nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội đề xuất các giải pháp đổi mới công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, nhất là tập trung triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”.
Trong năm, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành đã phối hợp tham mưu Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận, bàn về công tác pháp luật tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ và 11 Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; thông qua 28 luật tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Kỳ họp thứ 7, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Riêng tại Bộ Tư pháp đã chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 luật, 01 nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 832 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Các địa phương đã ban hành 4.832 VBQPPL cấp tỉnh, 2.144 VBQPPL cấp huyện và 2.629 VBQPPL cấp xã. Một số bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều văn bản như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật
Công tác kiểm tra, rà soát VBQPPL được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn và gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành VBQPPL, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, khả thi, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật, tạo thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng và thực hiện pháp luật. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã tham mưu triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL nhằm khẩn trương rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành 03 luật sửa đổi 13 luật trong lĩnh vực tài chính, kế hoạch đầu tư để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển. Năm 2024, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 6.099 VBQPPL. Riêng tại Bộ Tư pháp đã tiếp nhận, phân loại, kiểm tra 3.040 văn bản. Các địa phương đã kiểm tra theo thẩm quyền 5.195 VBQPPL.

Công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính tiếp tục đạt mức cao
Công tác thi hành án dân sự (THADS), theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhờ đó, kết quả THADS năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, cụ thể:
Kết quả THADS năm 2024 , các cơ quan THADS đã thi hành xong 620.657 việc, tăng 45.838 việc (tăng 7,97%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 83,88% (tăng 0,62%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 0,63% so với chỉ tiêu được giao. Về tiền: Đã thi hành xong hơn 116.531 tỷ đồng, tăng hơn 27.119 tỷ đồng (tăng 30,33%) so với cùng kỳ năm 2023; đạt tỉ lệ 51,84% (tăng 5,06%) so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn 5,39% so với chỉ tiêu được giao.
Năm 2024, một số địa phương đạt kết quả THADS cao về việc và tiền như: Thành phố Hồ Chí Minh (58.058 việc/trên 34.804 tỷ đồng), Thành phố Hà Nội (46.944 việc/trên 25.038 tỷ đồng), Đồng Nai (20.529 việc/trên 2.093 tỷ đồng), Bình Dương (16.564 việc/trên 4.560 tỷ đồng), Long An (18.440 việc/trên 2.073 tỷ đồng)...
Về kết quả THAHC, trong năm 2024, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành là 1.973 bản án, quyết định (số lượng kỳ trước chuyển sang là 776, phát sinh trong kỳ báo cáo là 1.197), tăng 559 bản án, quyết định so với năm 2023 (tăng 73,7%); các cơ quan thi hành án đã thi hành xong 896 bản án, quyết định (tăng gần 54% so với năm 2023).
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc cho người dân
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được Bộ, ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp, trong đó tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo” đạt được nhiều kết quả. Trong đó, nổi bật là hoàn thành việc kết nối chính thức và triển khai thí điểm cấp phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID trên toàn quốc, được Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đánh giá là hoạt động chuyển đổi số nổi bật trong năm 2024; hoạt động liên thông điện tử 02 nhóm TTHC “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí” được kết nối thông suốt, ổn định, với số lượng hồ sơ tăng cao; hoàn thành liên thông nhóm TTHC cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân và Đăng ký kết hôn.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Bộ tiếp tục tăng cường các cuộc họp, chỉ đạo trực tuyến; thực hiện cải cách hành chính và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO trong công tác chuyên môn, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho người dân, doanh nghiệp... qua đó, chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 1) trong số các bộ, ngành được đánh giá.
Ngoài ra, các công tác: hộ tịch, quốc tịch, chứng thực; quản lý nhà nước về con nuôi; đăng ký biện pháp bảo đảm; bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý; hợp tác quốc tế; …. đều đạt những kết quả đáng ghi nhận.

06 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2025, bên cạnh, việc thực hiện các giải pháp mang tính chất thường xuyên, Bộ, ngành Tư pháp xác định một số giải pháp chủ yếu, phù hợp với bối cảnh năm 2025. Cụ thể:
Tiếp tục đổi mới, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng cường công tác cải cách hành chính; thực hiện nghiêm các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, nhất là những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến phát triển KTXH năm 2025.
Tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học pháp lý; có cơ chế thu hút nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp, trình độ chuyên môn cao về làm việc tại Bộ, ngành Tư pháp.
Chủ động hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; điều chỉnh linh hoạt việc triển khai các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế nhưng vẫn thực hiện được đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Tập trung đầu tư nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng để đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành Tư pháp, nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch công tác; cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp; phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, nhất là các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp; kịp thời chia sẻ, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.
Tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương; kịp thời báo cáo, tham mưu các giải pháp đổi mới, sáng tạo, hiệu quả, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để xin ý kiến chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Bộ, ngành.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm (nếu có); đồng thời, kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân đã nỗ lực hoàn thành xuất sắc, đạt kết quả cao trong triển khai, tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã quán triệt Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp. Cụ thể:
Thứ nhất, đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật, bắt đầu từ việc mới tư duy. Đồng chí Tổng Bí thư kết luận một số định hướng đổi mới xây dựng pháp luật, trong đó đáng chú ý là chỉ đạo “Nghiên cứu việc tổ chức soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật tập trung, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ, thống nhất”. Theo đó, Bộ Tư pháp cần sớm tham mưu trình Chính phủ trình Quốc hội Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng pháp luật.
Thứ hai, phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng, thi hành pháp luật. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phát huy cao độ tính Đảng trong xây dựng và thi hành pháp luật, “Phải coi việc lãnh đạo thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật và lãnh đạo công tác thi hành pháp luật để bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp uỷ, tổ chức đảng, của mỗi đảng viên, trước hết là cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên trong Bộ, ngành Tư pháp”. Kết luận này đặt ra yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận về tổ chức thi hành các chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là việc phải thể chế hóa được thành pháp luật; công tác xây dựng pháp luật cần được bắt đầu, được bám sát để thể chế hóa đầy đủ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật.
Thứ ba, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, đồng chí Tổng Bí thư kết luận nhiều nội dung, trong đó có tập trung xây dựng văn hoá tuân thủ pháp luật, trước hết là trong cán bộ, đảng viên và cán bộ, đảng viên ngành Tư pháp; thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và xây dựng cơ chế hữu hiệu để chủ động phát hiện, tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật; Hoàn thiện quy định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật theo hướng ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, cơ sở giải thích, áp dụng pháp luật để bảo đảm sức sống của pháp luật thay vì thường xuyên thay đổi pháp luật.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật. Đồng chí Tổng Bí thư kết luận một số nội dung, trong đó đáng chú ý là: “Đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật”. Các cơ quan pháp luật và tư pháp đang nỗ lực phát triển công nghệ, chuyển đổi số, trong đó có ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong công tác pháp luật.
Ngoài ra, trong Thông báo số 108-TB/VPTW, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo “Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao và có cơ chế điều động, luân chuyển cán bộ, công chức của Bộ, ngành Tư pháp đi địa phương để bổ sung kinh nghiệm thực tiễn. Các cấp ủy địa phương quan tâm phân công cấp ủy viên phụ trách công tác tư pháp và cơ cấu Giám đốc Sở Tư pháp tham gia cấp ủy cấp tỉnh”.
Thứ năm, xử lý các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế. Đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu phải: “Nâng cao vai trò của Bộ, ngành Tư pháp trong tham gia xây dựng thể chế và pháp luật quốc tế, nâng cao trách nhiệm phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, xử lý hiệu quả các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình hội nhập quốc tế, kịp thời bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước Việt Nam”.
Tăng cường phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật
Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đánh giá cao sự phối hợp giữa Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Bộ Tư pháp để thực hiện kịp thời các công tác liên quan đến xây dựng pháp luật. Một trong dấu ấn của sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan là việc tham mưu giúp Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai có hiệu quả tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới mạnh mẽ tư duy lập pháp; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng các dự án được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua.
Đồng chí nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, phấn đầu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2021-2026; đồng thời tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Vì vậy, đồng chí mong muốn Bộ Tư pháp, các cơ quan Chính phủ tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật, các cơ quan Quốc hội để bảo đảm chất lượng của các dự án Luật, Nghị quyết; cùng với đó tiếp tục tham mưu giúp Quốc hội, Chính phủ tổ chức hội nghị triển khai Luật, Nghị quyết đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 8. 
Đồng chí cũng khẳng định, Ủy ban Pháp luật nói riêng và các cơ quan Quốc hội nói chung sẽ đồng hành cùng Bộ Tư pháp trong việc giám sát, triển khai thực hiện Nghị quyết; gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, để pháp luật đi vào cuộc sống. Trong thời gian tới, Ủy ban Pháp luật sẽ xây dựng cơ chế đánh giá hiệu quả chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh, xử lý khó khăn, vướng mắc nếu phát sinh.

Tập trung hoàn thiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) - Luật của các Luật
Để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, đồng chí Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế cho rằng, cần tập trung hoàn thiện, trình Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (sửa đổi). Trong đó quy định rõ, cụ thể trình tự, thủ tục xây dựng chính sách và soạn thảo VBQPPL vừa chặt chẽ vừa linh hoạt để phản ứng kịp thời trước sự thay đổi của kinh tế - xã hội; có sự phân biệt giữa lập pháp và lập quy; xây dựng chính sách rõ ràng, khả thi, đúng thẩm quyền, bám sát thực tiễn và được đánh giá tác động đầy đủ, cụ thể, thực chất. Bên cạnh đó, Luật Ban hành VBQPPL (sửa đổi) cũng sẽ quy định rõ về giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật ở cả góc độ nội dung, thẩm quyền, hình thức nhằm tạo hành lang pháp lý an toàn, khuyến khích dám nghĩ, dám làm trong thực tiễn; đồng thời hạn chế việc sửa đổi, bổ sung pháp luật ko cần thiết, đảm bảo sức sống và tính ổn định của pháp luật theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Về đội ngũ làm công tác tham mưu xây dựng pháp luật, đồng chí mong muốn đội ngũ này tiếp tục tham mưu, đề xuất sửa đổi các VBQPPL để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lam phát. Đồng chí cũng đề xuất các đơn vị tham mưu xây dựng luật hoặc nghị quyết của Quốc hội để quy định nguyên tắc sửa đổi, trình tự sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy và có cơ chế để tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.