Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc thí điểm chế định Thừa phát lại (TPL) là nội dung quan trọng trong Chiến lược cải cách tư pháp. Mặc dù còn có những hạn chế, bất cập nhưng qua hai giai đoạn thí điểm, hoạt động TPL đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và yêu cầu của Hiến pháp 2013. Các tổ chức TPL đã xác lập được vị trí nhất định trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân và cơ quan Nhà nước lựa chọn. Với tính chất là một loại hình dịch vụ pháp lý được thí điểm, trong điều kiện thể chế chưa đầy đủ lại chịu tác động của nhiều yếu tố không thuận lợi cả về chủ quan lẫn khách quan, nên khó tránh khỏi những hạn chế, bất cập. Tuy nhiên, kết quả thí điểm (kể cả mặt ưu điểm và các tồn tại, hạn chế) đã cung cấp khá đầy đủ, toàn diện cơ sở thực tiễn để quyết định về vấn đề này. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép chấm dứt việc thí điểm và cho phép TPL chính thức hoạt động trong phạm vi cả nước.
Về các vấn đề cụ thể, UBTVQH cho biết, nhiều ý kiến tán thành phạm vi hành nghề của TPL như hiện hành gồm 4 nhiệm vụ, quyền hạn đó là: tống đạt văn bản tố tụng và văn bản thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự. Có ý kiến đề nghị thu hẹp phạm vi công việc của TPL, đồng thời không quy định TPL được cưỡng chế thi hành án dân sự có huy động lực lượng.
Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội: Chiến lược cải cách tư pháp đặt nhiệm vụ thí điểm chế định TPL nhằm “hoàn thiện các chế định bổ trợ tư pháp” và “thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc thi hành án”. Thực tiễn thí điểm cho thấy, việc cho phép TPL hành nghề ở 4 lĩnh vực như Chính phủ quy định là phù hợp với định hướng nói trên. Với tính chất là một loại hình dịch vụ pháp lý, việc một số lĩnh vực hành nghề chưa đạt hiệu quả (xác minh điều kiện, trực tiếp tổ chức thi hành án dân sự) thì cần được đánh giá đầy đủ, khách quan để có giải pháp khắc phục và hoàn thiện về thể chế, nâng cao hiệu quả hoạt động. Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cho giữ phạm vi hành nghề của TPL như hiện hành, đồng thời, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, Điều 2 dự thảo Nghị quyết đã quy định giao Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động của TPL.
Về một số ý kiến đề nghị cần chấm dứt các ưu đãi, đặc biệt là việc sử dụng ngân sách Nhà nước để chi trả dịch vụ của TPL. Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định các ưu đãi đối với các tổ chức TPL, trong đó có việc Nhà nước bổ sung một phần kinh phí cho Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) để sử dụng dịch vụ TPL chỉ được áp dụng ở giai đoạn thí điểm. Sau khi được cho phép chính thức đi vào hoạt động trong phạm vi cả nước thì các tổ chức TPL được tổ chức và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và cung cấp các dịch vụ theo nguyên tắc thỏa thuận với người dân và cơ quan Nhà nước theo cơ chế thị trường. Do vậy, Nhà nước sẽ không còn bao cấp thêm một phần kinh phí cho Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự để sử dụng dịch vụ TPL như ở giai đoạn thí điểm.
Thu Hằng
Nghị quyết về thực hiện chế định TPL vừa được Quốc hội thông qua ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định TPL theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 của Quốc hội. Chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định TPL trong phạm vi cả nước kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.
Nghị quyết giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, tổ chức thực hiện chế định TPL trong phạm vi hành nghề theo quy định hiện hành, có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong hoạt động TPL và chịu trách nhiệm tổ chức đào tạo nghề TPL.
Các tổ chức TPL được thành lập theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH12 của Quốc hội tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị quyết này cho đến khi Quốc hội ban hành Luật TPL.
Chính phủ phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai thi hành Nghị quyết này và chuẩn bị dự án Luật TPL, báo cáo Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIV. |