Tổ soạn thảo Thông tư về quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ tại các cơ quan Thi hành án dân sự họp lần thứ nhất

20/05/2016
Ngày 18/5/2016, Tổ soạn thảo Thông tư về quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ tại các cơ quan Thi hành án dân sự (được thành lập theo Quyết định số 173/QĐ-BTP ngày 04/2/2015 của Bộ Tư pháp) đã họp lần thứ nhất, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thanh Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổ trưởng Tổ soạn thảo.

Theo Quyết định số 173/QĐ-BTP ngày 04/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch công tác năm 2016 của Tổng cục Thi hành án dân sự, năm 2016, Tổng cục Thi hành án dân sự có nhiệm vụ chủ trì, giúp Bộ Tư pháp xây dựng Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về quản lý kho vật chứng, tài sản tạm giữ tại các cơ quan Thi hành án dân sự (dự kiến ban hành trong quý III/2016). Triển khai thực hiện nhiệm vụ này, Tổng cục Thi hành án dân sự đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư pháp ban hành Quyết định thành lập Tổ soạn thảo; có Công văn số 823/TCTHADS-NV2 ngày 21/3/2016 yêu cầu Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng tổng kết thực tiễn tiếp nhận, bảo quản, quản lý, xử lý vật chứng thi hành án dân sự và xây dựng báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành của toàn hệ thống; Dự thảo Kế hoạch chi tiết xây dựng Thông tư; Rà soát các quy định mới của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung, Nghị định số 18/2002/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 70/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trên cơ sở đó xây dựng đề cương dự thảo thông tư.
Tại cuộc họp Tổ soạn thảo, sau khi công bố Quyết định thành lập Tổ soạn thảo, đồng chí Nguyễn Văn Tuấn - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2, Tổ phó Tổ soạn thảo đã thông qua dự kiến kế hoạch xây dựng Thông tư, báo cáo định hướng xây dựng và những nội dung cơ bản của đề cương dự thảo thông tư. Theo đó:
- Thông tư được xây dựng căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 6  Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý kho vật chứng[1]; Điều 24 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật[2] và nhằm giải quyết các vướng mắc, khó khăn, bất cập trong thực tiễn giao, nhận, quản lý, xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương.
- Việc xây dựng thông tư cần đảm bảo nội dung phù hợp với quy định của Luật Thi hành án dân sự đã sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn thi hành, pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự mới được sửa đổi; không quy định chồng chéo, trùng lặp với các quy định đã có; cụ thể, chi tiết toàn bộ quá trình tiếp nhận, quản lý, xử lý vật chứng để làm căn cứ áp dụng hiệu quả, thống nhất cho các cơ quan Thi hành án dân sự; đặc biệt tập trung quy định một số vấn đề: (i) Quy mô, tiêu chuẩn nhà kho vật chứng; (ii) Tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn của thủ kho vật chứng và các cơ quan, cá nhân có liên quan; (iii) Xử lý các trường hợp phát sinh trong quản lý vật chứng; xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ tồn đọng; (iv) các biện pháp xử lý vật chứng.
Trên cơ sở các ý kiến thảo luận của thành viên Tổ soạn thảo, thường trực Tổ soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu để xây dựng dự thảo Thông tư, dự thảo Tờ trình; tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các đơn vị có liên quan; khảo sát thực tiễn... theo kế hoạch để đảm bảo xây dựng thông tư chất lượng, đúng thời hạn.
Nguyễn Thị Ngân - Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục Thi hành án dân sự
 
[1] “Điều 6
1. Mỗi cục thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và mỗi chi cục thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được tổ chức một kho vật chứng để phục vụ công tác xét xử và thi hành án.
2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc thành lập, quy mô, tiêu chun xây dựng kho vật chứng và quy định nội quy kho vật chứng thuộc các cơ quan thi hành án dân sự.
[2] Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành thông tư để quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình.