Sẽ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành án trong lĩnh vực phá sản

08/11/2017
Đánh giá của Ngân hàng thế giới về phá sản
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 19-2017 của Chính phủ đề ra mục tiêu “Nâng cao tỷ lệ phục hồi doanh nghiệp và rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 60 tháng xuống dưới 30 tháng trong năm 2017 và dưới 24 tháng đến năm 2020”. Theo Ngân hàng thế giới, một hệ thống phá sản thiết thực sẽ có chức năng như bộ lọc bảo đảm việc duy trì các công ty có hiệu quả kinh tế và tái phân phối các nguồn lực đối với các công ty hoạt động thiếu hiệu quả. Thủ tục phá sản nhanh và tiết kiệm sẽ nhanh chóng mang các hoạt động đầu tư kinh doanh sớm quay trở lại bình thường.


Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, với thời gian giải quyết phá sản kéo dài tới 60 tháng, chi phí phá sản khá lớn, chiếm 14,5% giá trị tài sản và đặc biệt là hoạt động kinh doanh sau phá sản hầu như không thể phục hồi, các tài sản thanh lý đều bị bán từng phần mà không duy trì được mục đích sử dụng ban đầu, và cuối cùng là tỷ lệ thu hồi tài sản của chủ nợ là rất thấp, 21.6 cent/01 dollar. Theo đánh giá, hiệu quả giải quyết phá sản doanh nghiệp tại Việt Nam trên thế giới có thứ hạng 125/190 và gần thấp nhất trong khối các quốc gia ASEAN, cụ thể: Thailand (xếp hạng 23), Singapore (xếp hạng 29), Malaysia (xếp hạng 46), Philipines (xếp hạng 56), Brunei (xếp hạng 57), Cambodia (xếp hạng 72), Indonesia (xếp hạng 76), Vietnam (xếp hạng 125), Myanmar (xếp hạng 164), Lao PDR (xếp hạng 169).
Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 19-2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020, đề ra mục tiêu “Nâng cao tỷ lệ phục hồi doanh nghiệp và rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp từ 60 tháng xuống dưới 30 tháng trong năm 2017 và dưới 24 tháng đến năm 2020”.
Sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn
Ngày 19/6/2014, Quốc hội đã thông qua Luật Phá sản (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015) thay thế Luật Phá sản năm 2004 với nhiều thay đổi về cơ chế phá sản, đồng thời làm rõ chế độ trách nhiệm, nâng cao tính chuyên nghiệp của cá nhân, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, chế định Quản tài viên, Chấp hành viên… Đặc biệt, Luật Phá sản năm 2014 đã dành 01 chương riêng (Chương XII) quy định về thi hành quyết định tuyên bố phá sản, tạo điều kiện cho công tác thi hành các quyết định phá sản được thuận lợi. Nhìn chung, những điểm mới này đã giúp cho việc xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản được nhanh gọn hơn, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các chủ nợ.
Sau khi có Luật Phá sản năm 2014, việc giải quyết các việc phá sản đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể: năm 2013 các cơ quan thi hành án dân sự chỉ thụ lý 11 việc với số tiền trên 6.5 tỷ đồng. Sau khi Luật có hiệu lực, năm 2015, các cơ quan thi hành án dân sự thụ lý 42 việc với số tiền là trên 305 tỷ đồng, 06 tháng đầu năm 2017 là 147 việc với số tiền là trên 236 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tiễn thi hành án phá sản thời gian qua cũng cho thấy nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là sự chưa tương thích giữa các quy định của Luật Phá sản năm 2014 và Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2014). Điển hình như quy định về tạm đình chỉ giải quyết yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, thực hiện nghĩa vụ về tài sản giữa khoản 1 Điều 41 Luật Phá sản và khoản 2 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự; quy định về thời hạn ra quyết định thi hành án về phá sản giữa điểm e khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự và khoản 1 Điều 120 Luật Phá sản; quy định về quyết định đình chỉ và kết thúc thi hành quyết định tuyên bố phá sản giữa Điều 17, 126 Luật Phá sản và  Điều 50 Luật Thi hành án dân sự.
Ngoài ra, một số quy định của Luật Phá sản năm 2014 cũng chưa được làm rõ trong gây khó khăn cho Chấp hành viên trong quá trình thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Cụ thể như Luật chưa xác định rõ trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự ở giai đoạn Quản tài viên thực hiện quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp phá sản; về cơ chế phối hợp và giám sát hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; về định giá, đấu giá tài sản; về thu hồi nợ của doanh nghiệp phá sản ở nhiều địa phương; về phân chia tài sản sau khi bán đấu giá tài sản thanh lý…
Để góp phần rút ngắn thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19-2017, khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nêu trên, Bộ Tư pháp hiện đang chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao tổng kết thực tiễn và triển khai xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số thủ tục thi hành quyết định của Tòa án về giải quyết phá sản.
                                                                                                Xuân Bách


Các tin khác