Công tác thi hành án tiếp tục có những chuyển biến

13/11/2018
Sáng 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo về công tác thi hành án năm 2018.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, năm 2018, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác Thi hành án dân sự, thi hành án hình sự, quản lý nhà nước về theo dõi thi hành án hành chính theo chỉ tiêu, Nghị quyết của Quốc hội; công tác thi hành án tiếp tục có những chuyển biến, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Thi hành xong hơn 570 ngàn việc
Cụ thể, trong công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, Bộ trưởng cho biết: đã ban hành 01 Thông tư liên tịch và 03 Thông tư. Như vậy, hệ thống văn bản pháp luật THADS về cơ bản đã được hoàn thiện với 02 Nghị định, 01 Chỉ thị, 09 Thông tư liên tịch và 16 Thông tư.
Về kết quả THADS, theo dõi thi hành án hành chính: Tổng số việc phải thi hành là 914.083 việc. Kết quả phân loại: 711.990 việc có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ 77,89%. Thi hành xong 571.708 việc, (tăng 22.293 việc), đạt tỉ lệ 80,30%. Tổng số tiền phải thi hành là hơn 178.628 tỷ đồng. Kết quả phân loại: Trên 90.000 tỷ đồng có điều kiện thi hành, chiếm tỷ lệ 51,28%. Thi hành xong trên 34.520 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,35%. Số việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong chuyển kỳ sau là 140.282 việc, tương ứng với số tiền hơn 55.488 tỷ đồng, giảm 3.567 việc (2,48%), tương ứng với số tiền hơn 1.268 tỷ đồng (2,24%).
Về thu hồi các khoản nợ của tổ chức tín dụng: Thi hành xong: 4.251 việc, đạt tỷ lệ 17,07%, thu được hơn 24.575 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 22,55%.
Công tác xác minh, phân loại điều kiện thi hành án, ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án và đăng tải công khai thông tin về tên, địa chỉ, nghĩa vụ phải thi hành án của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Cổng, Trang thông tin điện tử THADS tiếp tục được thực hiện nghiêm túc.
Cơ quan có thẩm quyền đã xét miễn, giảm tổng số 5.867 việc, tương ứng với trên 70 tỷ đồng. Đồng thời, ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với 9.857 trường hợp.
Giải quyết xong 645/666 việc đề nghị hướng dẫn nghiệp vụ, đạt tỷ lệ 96,84%. Tiếp nhận và giải quyết xong 3.080 việc/3.171 việc khiếu nại, tố cáo  thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 97,13%. Thực hiện nghiêm túc việc đăng tải Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 trên Cổng, Trang thông tin điện tử. Đối với các vụ việc phức tạp, kéo dài, Bộ Tư pháp đã tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tập trung giải quyết dứt điểm một số vụ việc.
Về theo dõi thi hành án hành chính, cũng theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội, đã thực hiện theo dõi 363 bản án, quyết định của Tòa án; ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 336 việc; đăng tải công khai 57 Quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 128 việc; kiến nghị xử lý đối với 13 trường hợp. Thi hành xong là 139 việc, trong đó thi hành xong 25/50 việc người phải thi hành án là Chủ tịch UBND, UBND chưa thi hành án từ năm 2017.
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã tổ chức giám sát Ban cán sự Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư pháp giai đoạn 2016 - 2017, trong đó có công tác THADS. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề về chấp hành pháp luật tố tụng hành chính. HĐND, MTTQ Việt Nam, VKSND các cấp đã thực hiện 229 cuộc giám sát, 1.061 cuộc kiểm sát.
Đội ngũ công chức THADS tiếp tục được củng cố và kiện toàn với 4.112 Chấp hành viên; 729 Thẩm tra viên và 1.791 Thư ký.
Tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động THADS: triển khai giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích; thống nhất triển khai, vận hành phần mềm Quản lý THADS trên toàn quốc.
Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn khó thi hành
Bên cạnh đó, công tác thi hành án dân sự cũng còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc: còn một số sai sót, vi phạm trong nghiệp vụ THADS. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng có giá trị lớn đã được đưa ra xét xử, tổ chức thi hành án nhưng gặp một số khó khăn, vướng mắc, như: số tiền phải thi hành lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm thi hành giá trị thấp; tài sản đã bị tẩu tán, che giấu, hợp lý hóa.
Việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Chưa có hướng dẫn về các khoản thuế, phí mà người phải thi hành án còn nợ, các khoản thuế liên quan đến chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản chưa được thanh toán; Chưa có sự thống nhất thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán nghĩa vụ nộp án phí để thu cho ngân sách nhà nước; Trong hỗ trợ tiền thuê nhà trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất.
Bộ trưởng Lê Thành Long cũng chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu: Số việc và tiền thụ lý ngày càng nhiều và tiếp tục tăng cao; còn hơn 202 nghìn việc với gần 86.000 tỷ đồng chưa có điều kiện thi hành chuyển kỳ sau nhưng phải theo dõi, đôn đốc, xác minh theo định kỳ; nhiều vụ án kinh tế - tham nhũng lớn, tính chất phức tạp, hạng mục tài sản phải kê biên lớn, nhiều chủng loại hoặc mới được thụ lý đang trong giai đoạn đầu của quá trình tổ chức thi hành án; thể chế về xử lý tài sản nằm ở nhiều địa phương còn chưa đồng bộ; nhiều vụ án tín dụng, ngân hàng có giá trị phải thi hành án lớn nhưng tài sản thế chấp, cầm cố khi phát mãi để thi hành án còn phải trả rất thấp. Hoạt động tín dụng tại một số ngân hàng còn thiếu chặt chẽ như thẩm định giá tài sản thế chấp trước khi cho vay cao hơn nhiều lần so giá thẩm định khi kê biên đấu giá; không chặt chẽ trong việc kiểm tra thực địa, xác định ranh giới và tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp. Chưa có cơ chế riêng trong thẩm định giá tài sản phát mãi để thi hành án, đặc biệt chưa tính đến tính rủi ro, tâm lý “e ngại” của người mua tài sản kê biên. Người được thi hành án, đặc biệt là các tổ chức tín dụng không nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án trong trường hợp không có người tham gia đấu giá hoặc đấu giá không thành.
Về kết quả triển khai Nghị quyết 107/2015/QH13 về thực hiện chế định thừa phát lại, Bộ trưởng cho biết: tiếp tục hoàn thiện thể chế với việc hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP; Nghị định sửa đổi Nghị định số 110/2013/NĐ-CP; Đã bổ nhiệm 524 Thừa phát lại hành nghề tại 31 tỉnh, thành phố; tổ chức các khóa đào tạo nghề và các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thừa phát lại; Hiện có 68 Văn phòng Thừa phát lại hoạt động với tổng doanh thu trên 128 tỷ đồng.
Tuy nhiên, kết quả hoạt động của một số Văn phòng Thừa phát lại chưa đồng đều; một số Thừa phát lại chưa thực sự quan tâm đến việc nâng cao trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp; còn hiện tượng chạy theo số lượng vi bằng để tăng doanh thu hoặc lập vi bằng nhằm mua bán, chuyển nhượng đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu.
Nguyên nhân là do thể chế về Thừa phát lại vẫn trong quá trình hoàn thiện và chưa đồng bộ với các bộ luật, luật có liên quan; nhu cầu sử dụng dịch vụ này tại một số địa phương chưa nhiều; người dân còn có tâm lý, tư tưởng băn khoăn, e ngại khi sử dụng dịch vụ của Thừa phát lại.
Đề nghị tăng cường các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2018, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Luật tố tụng hành chính năm 2015 và các văn bản pháp luật liên quan. Hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, theo dõi thi hành án hành chính được Quốc hội giao. Tập trung triển khai thực hiện kết quả giám sát về thi hành án hành chính.
Hoàn thiện thể chế về Thừa phát lại; nâng cao chất lượng đội ngũ hành nghề Thừa phát lại; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động Thừa phát lại; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về THAHC..
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, Chính phủ  đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về khoản án phí thu cho ngân sách nhà nước. Đề nghị Quốc hội chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra để phòng ngừa, hạn chế tẩu tán tài sản. Đề nghị Ngành Tòa án quan tâm hơn đến tính khả thi của bản án, quyết định, nhất là trong các vụ án lớn, đảm bảo các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thực thi trên thực tế. Đề nghị VKSND các cấp xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội quan tâm phê duyệt ngân sách xây dựng kho vật chứng đối với các đơn vị chưa được đầu tư.
Thu Hằng
Nguồn Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp