Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn công tác Bộ Tư pháp Lào gồm có: đồng chí Khamphone Sipaseuth, Chánh Văn phòng Bộ; đồng chí Bountha Xongyerthao, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ; đồng chí Bounmek Bannavong, Vụ trưởng Vụ Thanh tra Bộ; đồng chí Inthapangna Khieovongphachanh, Vụ trưởng Vụ Xây dựng pháp luật; đồng chí Douangmany Laomao, Giám đốc Trung tâm giải quyết tranh chấp kinh tế, Bộ Tư Pháp Lào; đồng chí Sommay Sy Uudomphanh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; đồng chí Phetsamone Tannouvong, Phó Vụ trưởng Vụ Kiểm tra và Thẩm định văn bản; đồng chí Gamoula Sayavong; Trưởng phòng Tổ chức, Vụ Tổ chức- Cán bộ, Bộ Tư Pháp Lào.
Về phía Việt Nam còn có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Hữu Huyên – Quyền Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp; đại diện Lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng cục gồm: đồng chí Nguyễn Xuân Tùng - Chánh Văn phòng Tổng cục, đồng chí Lê Thị Kim Dung, - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, đồng chí Nguyễn Thị Hoàng Giang - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 3, đồng chí Hoàng Thế Anh - Giám đốc Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin và đồng chí Nguyễn Như Chiến, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2.
Trong không khí cởi mở và hữu nghị, Tổng Cục trưởng Mai Lương Khôi đã thông tin cho Đoàn cán bộ tư pháp Lào về kết quả THADS của Việt Nam trong thời gian qua, đặc biệt đồng chí Tổng cục trưởng cho biết, công tác THADS năm 2018 được Quốc hội Việt Nam đánh giá cao, góp phần tích cực bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, đóng góp ngân sách, giải phóng các nguồn lực kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Tại buổi làm việc, đồng chí Mai Lương Khôi và các đại diện của đơn vị trực thuộc Tổng cục đã chia sẻ, cung cấp các thông tin theo đề nghị của phía bạn về các nội dung như: công tác phối hợp trong công tác tổ chức THADS giữa các cơ quan tư pháp (Bộ Tư pháp - Tòa án - Viện kiểm sát - Bộ Công an); mô hình tổ chức Hệ thống theo ngành dọc; kinh nghiệm giải quyết tổ chức thi hành án dân sự đối với những án tồn đọng (điều kiện xác minh, phân chia án tồn đọng, án có điều kiện thi hành, án không có điều kiện thi hành); vấn đề tự nguyện thi hành của người phải thi hành án,…
Thay mặt Đoàn công tác của Lào, đồng chí Sởm Súc - Sim Pha Vong, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lào cảm ơn sự chia sẻ của các thành viên Việt Nam tham dự buổi hội đàm, đặc biệt là đồng chí Tổng Cục trưởng Mai Lương Khôi. Đồng chí cũng đánh giá những chia sẻ của Tổng cục thi hành án dân sự rất hữu ích và là cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc xây dựng Luật Thi hành án của Lào do công tác thi hành án dân sự của hai nước cũng có nhiều điểm tương đồng do đó đây là sẽ kinh nghiệm để Bộ Tư pháp Lào nghiên cứu và vận dụng vào việc xây dựng Luật Thi hành án của Lào, nhất và vấn đề tổ chức hệ thống thi hành án theo ngành dọc. Theo kế hoạch, Bộ Tư pháp Lào sẽ có bản giải trình về việc sửa đổi Luật Thi hành án trình Bộ Chính trị Lào vào đầu năm 2019. Bộ Tư pháp Lào mong rằng sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành dân sự trong thời gian tới.
Văn phòng Tổng cục