Tổng cục Thi hành án dân sự: tổ chức Hội thảo “Thực tiễn thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành: Định hướng hoàn thiện”

21/02/2019
Thực hiện Quyết định số 1527/QĐ-BTP ngày 05/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về phê duyệt Kế hoạch hoạt động của Dự án Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020 (dự án JICA) và Kế hoạch số 4451/KH-TCTHADS ngày 06/12/2018 của Tổng cục THADS, sáng ngày 20/2/2019, tại Hà Nội, Tổng cục THADS và dự án JICA đồng tổ chức Hội thảo “Thực tiễn thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành: Định hướng hoàn thiện” cho các tỉnh khu vực phía Bắc.

Hội thảo do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1 Tổng cục THADS Lê Thị Kim Dung và bà Kamada Sakiko - Chuyên gia Dự án JICA đồng chủ trì. Tham dự Hội thảo có ông Nagahashi Masanori -  Đại diện Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp Nhật Bản; Vụ 11- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Vụ Pháp chế và quản lý khoa học- Tòa án nhân dân tối cao cùng đông đảo đại diện đến từ cơ quan, Ban, ngành liên quan và các Cục, một số Chi cục THADS của 15 địa phương.
Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Văn Lực nêu rõ, sau gần 10 năm thực hiện Luật THADS và 5 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2008, bên cạnh những mặt tích cực, kết quả đạt được thì qua quá trình áp dụng quy định của Luật Thi hành án dân sự, kết quả khảo sát, tổng hợp của Tổng cục đã cho thấy có rất nhiều nội dung khó khăn vướng mắc (85 nội dung liên quan đến Luật và 58 vấn đề liên quan đến Nghị định). Do vậy, Hội thảo là cơ hội để các đại biểu trao đổi, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc; từ đó đề xuất các giải pháp hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành án tại Việt Nam.
Mở đầu Hội thảo, bà Lê Thị Thu Hiền- Phó Chánh Văn phòng thay mặt Đoàn khảo sát trình bày tóm tắt báo cáo kết quả khảo sát“Đánh giá pháp luật và thực tiễn áp dụng Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn”đã thực hiện tại 05 địa phương (tỉnh Vĩnh Phúc, Yên Bái, Lào Cai, Gia Lai, Phú Yên). Báo cáo đã nêu rõ những kết quả khảo sát tại các địa phương, đã tổng hợp được 108 vấn đề khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật THADS, Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, đồng thời đề xuất, kiến nghị các giải pháp để giải quyết các khó khăn vướng mắc đó.
Tiếp đó, Hội thảo đã được nghe ông Nguyễn Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS trình bày chuyên đề thực tiễn thi hành Luật THADS và một số khó khăn vướng mắc và dự kiến phương án giải quyết. Trong đó, tập trung phân tích 14 vấn đề vướng mắc về Luật THADS(những bản án quyết định đưa ra thi hành; thẩm quyền ra quyết định thi hành án  giữa Cục và Chi cục; ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu hay chủ động; xác định án chưa có điều kiện thi hành; chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án đối với người thứ ba; ủy thác thi hành án; thứ tự thanh toán thi hành án; định giá lại tài sản kê biên; giảm giá, bán đấu giá tài sản; kê biên quyền sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận QSDĐ; việc tiêu hủy tài sản không còn giá trị sử dụng; hoãn thi hành án trong trường hợp có tranh chấp tài sản và trách nhiệm của cơ quan ra bản án, quyết định trong thi hành án). Từng vấn đề  đã được đưa đề xuất các định hướng dự kiến giải quyết.
Tiếp tục Hội thảo, bà Bùi Thị Bích Hằng- Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2 đã tham luận trao đổi về những vấn đề khó khăn, vướng mắc khi thi hành quyết định của Tòa án về giải quyết phá sản. Sau khi nghe các chuyên đề trao đổi nêu trên, các đại biểu tham dự Hội thảo đã có những ý kiến phát biểu thiết thực, cụ thể. Theo đó, bà Hoàng Thị Lý- đại diện Vụ 11 Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng kết quả khảo sát và các vấn đề Hội thảo đưa ra thực sự cần thiết. Chia sẻ khó khăn với cơ quan THADS, bà Hoàng Thị Lý kiến nghị khôi phục cơ chế trả lại đơn yêu cầu thi hành án, nới rộng điều kiện về mức tiền và thời gian cần thiết để miễn giảm nghĩa vụ thu nộp ngân sách Nhà nước nhằm giảm án tồn đọng chưa có điều kiện thi hành án; bên cạnh đó cần có sự bàn bạc thống nhất để có văn bản hướng dẫn liên ngành địa phương đối với nội dung thứ tự thanh toán tiền thi hành án gắn với việc yêu cầu thi hành án và mở rộng thứ tự ưu tiên thanh toán, …Về phía Tòa án nhân dân tối cao,bà Trần Thị Lịch, Vụ Pháp chế và quản lý khoa học đã phát biểu đánh giá cao việc Tổng cục tổ chức Hội thảo và việc sửa đổi bổ sung Luật là rất cần thiết do Luật THADS liên quan đến nhiều nội dung tố tụng để trên thực tế phối hợp được nhịp nhàng, nhanh chóng hơn.
Tại Hội thảo, nhiều cơ quan THADS đã trao đổi, thảo luận sôi nổi về khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Luật THADS và các văn bản hướng dẫn trên thực tiễn thi hành tại địa phương. Ông Vũ Hồng Dương, Phó Cục trưởng Cục THADS thành phố Hà Nội tâm huyết với các nội dung phối hợp của các ngành trong công tác thi hành án trong khi đó ông Lương Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục THADS thành phố Hải Phòng và ông Hoàng Đức Nam, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Quảng Ninh trăn trở với các nội dung về kê biên dự án, tài sản hình thành trong tương lai. Ông Phạm Đình Chiến, Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hải Dương chia sẻ khó khăn trong án phá sản, bà Nguyễn Thị Lan Phó Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bắc Giang phản ánh khó khăn trong án chưa có điều kiện thi hành. Ông Lê Anh Tuấn, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Lào Cai đề xuất các nội dung mang tính đột phá như ban hành Bộ luật THADS, quy định chức năng thẩm phán thi hành án, trao quyền cho Chấp hành viên, phân cấp tổ chức thi hành án từ trung ương đến địa phương, bổ nhiệm Chấp hành viên tổ chức THADS tại Tổng cục. Đại diện Chi cục THADS quận Thanh Xuân chia sẻ khó khăn về việc ra quyết định thi hành án doanh nghiệp vốn 100% nhà nước, tổ chức thi hành án đối với tài sản ở nhiều nơi, cần sửa đổi quy định trao trách nhiệm giải thích bản án của Tòa án,..
Đến với Hội thảo, bà KAMADA SAKIKO– Chuyên gia Dự án JICA cũng chia sẻ về vấn đề bảo lãnh cho người có nghĩa vụ đã chết theo quy định của pháp luật Nhật Bản. Đồng thời, hứa sẽ đồng hành cùng Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp thực hiện các dự án tiếp theo liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đến thi hành án dân sự.
Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Lực, thay mặt Tổng cục THADS ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự Hội thảo, đồng thời khẳng định trong thời gian tới, Tổng cục THADS sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tăng cường các hoạt động về thi hành án dân sự. Tích cực rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng để có sở sở sửa đổi bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP hoàn thiện nhất.
Vụ Nghiệp vụ 1