Hội thảo do bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục THADS và Ông Nagahashi Masanori, Thẩm phán, Chuyên gia dài hạn của Dự án JICA đồng chủ trì.
Hội thảo đã được nghe các báo cáo viên trình bày 03 chuyên đề: (1) Những vướng mắc trong các quy định về tổ chức cán bộ tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự; giải pháp khắc phục do đồng chí Lê Dương Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ TCCB trình bày; (2) Thực trạng tổ chức bộ máy các cơ quan thi hành án dân sự; những vướng mắc và giải pháp khắc phục do đồng chí Phạm Thành Trung – Phó Vụ trưởng Vụ TCCB trình bày; (3) Thực trạng tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, người lao động của cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Bắc Giang; những khó khăn, vướng mắc và giải pháp khắc phục do đồng chí Nguyễn Thị Bích Tần – Cục trưởng Cục THADS tỉnh Bắc Giang trình bày.
Các đại biểu đã có phần trao đổi, thảo luận tích cực, sôi nổi. Tại Hội thảo đã nghe 12 ý kiến, đại diện 11 Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Nam Định, Cần Thơ, Đăk Lăk, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Cao Bằng, Hà Nam,... tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: vị thế, chức năng của cơ quan THADS là cơ quan hành chính hay cơ quan tư pháp; ý kiến đối với đề xuất sáp nhập các phòng chuyên môn, các chi cục; về phân bổ chỉ tiêu biên chế; chuyển đổi vị trí công tác; công tác quy hoạch cán bộ; quy định về bổ nhiệm, cách chức Chấp hành viên; tinh giản biên chế… Các cơ quan THADS địa phương cũng đề nghị Tổng cục phải có tiêu chí rõ ràng và lộ trình về việc sáp nhập các đơn vị phòng ban, chi cục; đề nghị cần tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo về vấn đề này.
Hội thảo cũng được nghe chuyên gia Dự án JICA chia sẻ về mô hình tổ chức thi hành án tại Nhật Bản, theo đó, tại Nhật Bản, cơ quan thi hành án dân sự thuộc Tòa án; chỉ có 02 thành phố lớn là Tokyo và Osaka có sự phân tách thành các đơn vị/ bộ phận trong phòng thi hành án (ví dụ: bộ phận chuyên thi hành án phá sản, hôn nhân gia đinh, thu hồi nợ,...); đối với các địa phương có lượng án ít, số việc không nhiều, Chấp hành viên không bắt buộc phải làm việc đủ 05 ngày làm việc/tuần nhưng phải đảm bảo hoàn thành công việc được giao. Theo số liệu thống kê năm 2018, ở Nhật Bản hiện có 318 Chấp hành viên đang làm công tác thi hành án dân sự.
Phó Tổng cục trưởng Trần Thị Phương Hoa ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến trao đổi tại buổi Hội thảo, đồng thời khẳng định, Tổng cục THADS sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan THADS về việc sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy Hệ thống, có những tổng hợp và tham mưu Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp để phù hợp với tình hình các địa phương, bảo đảm quyền lợi của các công chức, viên chức, người lao động trong Hệ thống. Ngoài ra, thay mặt Lãnh đạo Tổng cục, Phó Tổng cục trưởng bày tỏ sự cảm ơn Chính phủ Nhật Bản, Dự án JICA đã đồng hành và hỗ trợ Bộ Tư pháp nói chung, Tổng cục THADS nói riêng trong các hoạt động liên quan đến hoàn thiện hệ thống pháp luật về THADS.
Văn phòng Tổng cục