Thực hiện Quyết định số 2140/QĐ-BTP ngày 12/11/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và Kế hoạch số 6490/KH-BTP ngày 12/11/2024 của Bộ Tư pháp về việc kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tại tỉnh Bình Thuận, trong các ngày 05 và 06/12/2024, Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của UBND, Chủ tịch UBND các cấp tại tỉnh Bình Thuận.
Tham dự các buổi kiểm tra, về phía Đoàn kiểm tra có đồng chí Nguyễn Văn Lực - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp - Phó Trưởng đoàn và các thành viên Đoàn kiểm tra là đại diện các cơ quan: Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế Bộ Tư pháp. Về phía địa phương có đồng chí Đoàn Anh Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đồng chí Nguyễn Hồng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và đại diện lãnh đạo của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án dân sự, Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính… và một số đồng chí lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.
|
Phát biểu tại buổi kiểm tra, đồng chí Nguyễn Văn Lực nêu rõ, công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính ngày càng nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị đại biểu Quốc hội. Năm 2018 và năm 2022, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức giám sát chuyên đề việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của UBND, Chủ tịch UBND. Ngay sau khi Ủy ban Tư pháp Quốc hội có Báo cáo kết quả giám sát, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, yêu cầu đối với Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số bộ, ngành, trong đó giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chấp hành Luật Tố tụng hành chính; tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan thực hiện kiểm tra, đôn đốc công tác thi hành án hành chính, nhất là các địa phương có số lượng lớn các bản án hành chính phải thi hành. Theo số liệu thống kê về kết quả công tác thi hành án hành chính hàng năm, năm 2024 tỉnh Bình Thuận là một trong các địa phương có số lượng các bản án hành chính chưa được thi hành xong còn nhiều. Do đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã có Quyết định số 2140/QĐ-BTP ngày 12/11/2024 thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tại tỉnh Bình Thuận nhằm đánh giá tình hình chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và công tác thi hành án hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, trong đó làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị đối với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận và các cơ quan, đơn vị có liên quan có các giải pháp nhằm bảo đảm chấp hành nghiêm pháp luật về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra và các ý kiến của địa phương, để triển khai thực hiện một cách hiệu quả những chỉ đạo, yêu cầu của Quốc hội đối với công tác chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính, Đoàn kiểm tra đã có một số kiến nghị, đề nghị bước đầu đối với Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cụ thể như sau:
Một là, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật TTHC năm 2015, các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc chấp hành các quy định của pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của vụ án; trách nhiệm tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa và trách nhiệm tự nguyện thi hành án hành chính.
Hai là, có giải pháp nâng cao chất lượng ban hành các QĐHC, thực hiện HVHC của UBND, Chủ tịch UBND các cấp cũng như các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh, nhất là trong việc thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất… hạn chế tối đa những sai sót, vi phạm trong quá trình ban hành QĐHC làm phát sinh khiếu nại, khiếu kiện hành chính. Xem xét và có biện pháp xử lý trách nhiệm đối với công chức trong việc tham mưu ban hành các QĐHC bị Tòa án tuyên hủy.
Ba là, đối với các vụ việc phát sinh khiếu kiện, quá trình tham gia tố tụng hành chính, đề nghị Chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn tỉnh cần kịp thời cung cấp tài liệu chứng cứ, đề cao trách nhiệm trong việc tham gia đối thoại, tham dự các phiên tòa xét xử của Tòa án. Coi đối thoại là cơ hội để giải quyết vụ việc một cách hiệu quả nhất, chủ động sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ các QĐHC, chấm dứt thực hiện các HVHC ngay khi có phát hiện vi phạm làm căn cứ để Tòa án đình chỉ vụ án.
Bốn là, đối với các bản án chưa thi hành xong. Đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo, đưa các vụ việc thi hành án hành chính phức tạp tại địa phương vào diện lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cấp ủy, người đứng đầu Ủy ban nhân dân các cấp cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công tác thi hành án hành chính, từ đó chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc thi hành án hành chính. Chủ tịch UBND các cấp cần thực hiện nghiêm, quyết liệt hai vai trò là người phải thi hành án trong các phán quyết của Tòa án và là thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án trong việc đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý nghiêm trách nhiệm người có thẩm quyền cấp dưới không chấp hành án hành chính theo đúng quy định. Trường hợp cần thiết thì lập tổ công tác để tổng hợp, rà soát, đánh giá, lập kế hoạch, lên phương để tham mưu giải quyết dứt điểm đối với từng vụ việc cụ thể./.
Nguyễn Thanh Nam, Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục Thi hành án dân sự