Khác với những nội dung kiểm tra được tiến hành các năm trước đây đối với các cơ quan thi hành án địa phương, nội dung kiểm tra năm 2007 của Cục thi hành án dân sự bên cạnh việc tập trung vào nội dung kiểm tra công tác lập hồ sơ, phân loại và giải quyết việc thi hành án; công tác thu, chi tiền thi hành án; công tác tiếp nhận, xử lý và giải quyết khiếu nại của đương sự, còn có nội dung kiểm tra việc lưu trữ hồ sơ, sổ sách thi hành án và tình hình thực hiện chế độ thống kê và báo cáo công tác thi hành án nhằm đánh giá đúng thực trạng và nhấn mạnh vai trò của mảng công tác này. Phạm vi kiểm tra là hoạt động tổ chức thi hành án của Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ trong khoảng thời gian một năm rưỡi, từ giai đoạn 01/10/2005 đến 31/3/2007.
Tại buổi khai mạc, đồng chí Phạm Quốc Việt, Trưởng Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ đã báo cáo trước Đoàn kiểm tra về tình hình chung cũng như cụ thể các mặt hoạt động thuộc nội dung kiểm tra nói trên. Đồng chí cũng báo cáo Đoàn kiểm tra về việc Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ vừa mới kết thúc xong 15 ngày kiểm sát trực tiếp đối với Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ theo kế hoạch kiểm sát của năm 2007.
Sau khi nghe Trưởng Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ báo cáo, Đoàn đã tiến hành công tác kiểm tra theo kế hoạch đã đề ra.
Sau khi kết thúc kiểm tra, đồng chí Trưởng đoàn đã thay mặt Đoàn thông báo sơ bộ kết luận đánh giá về tình hình hoạt động tổ chức thi hành án tại Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ. Qua kiểm tra, Đoàn đánh giá cao những mặt mạnh của Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ trong việc chấp hành kỷ luật lao động, thể hiện không chỉ bằng việc ban hành Nội quy của cơ quan thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ, mà còn là sự chấp hành nghiêm của Lãnh đạo và công chức cơ quan nội quy trên trong thực tế; sự sâu sát và tinh thần trách nhiệm của Lãnh đạo cơ quan đối với cán bộ, công chức trong đơn vị và đối với nhiệm vụ được giao bằng việc ban hành các quy chế như Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, Quy chế làm việc của Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ, Quy ước xét thi đua khen thưởng của Cơ quan thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ; sự cố gắng của đội ngũ Chấp hành viên lâu năm cũng như sự nỗ lực của những chuyên viên trẻ để hoàn thành nhiệm vụ được giao thể hiện qua việc nâng cao kết quả tổ chức thi hành án và đảm bảo việc chấp hành nghiêm pháp luật. Bên cạnh việc đánh giá những ưu điểm, mặt mạnh của Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ, Đoàn cũng đã chỉ ra những sai sót cụ thể còn gặp phải trong các mặt hoạt động tại địa bàn cần phải khắc phục trong thời gian tới. Tại buổi kết luận, Đoàn cũng đã ghi nhận, giải đáp những kiến nghị của Thi hành án dân sự thành phố Cần Thơ liên quan đến việc cải tiến các biểu mẫu về báo cáo, thống kê thi hành án, kiến nghị về biểu mẫu biên lai thu phí, lệ phí của cơ quan thuế; hướng dẫn cụ thể về hình thức định thời hạn tự nguyện thi hành án cho người phải thi hành án và hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến thủ tục uỷ thác và thực hiện uỷ thác thi hành án, nhất là đối với thi hành án theo đơn yêu cầu thi hành án của đương sự.
Qua kết quả kiểm tra định kỳ của Cục thi hành án dân sự đối với các cơ quan thi hành án địa phương cũng như qua kiến nghị của chính các cơ quan thi hành án được kiểm tra cho thấy việc kiểm tra và thường xuyên kiểm tra của Cục thi hành án dân sự là rất cần thiết, một mặt, nhằm giúp địa phương phát huy những mặt mạnh cũng như nhận biết những điểm còn sai sót để chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, đảm bảo chấp hành đúng pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án, mặt khác, cũng là cơ hội để Cục lắng nghe, nắm bắt được những vướng mắc, khó khăn rất thực tế của từng địa phương mà qua các báo cáo hoặc các diễn đàn chính thức khó có thể chuyển tải hết, để từ đó có những giải pháp giải quyết phù hợp hơn với thực tiễn. Hiện tại, khoảng cách giữa hai lần kiểm tra định kỳ hoạt động thi hành án của Cục thi hành án dân sự đối với mỗi cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh trung bình là 5-8 năm ./.
Anh Ngọc