Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác thi hành án dân sự trong năm 2009 và những năm tiếp theo

25/02/2009
Năm 2009 là một năm với rất nhiều nhiệm vụ mới được đặt ra đối với công tác thi hành án dân sự. Những nhiệm vụ này về cơ bản được quy định tại các văn bản như Quyết định số 2425/QĐ-BTP ngày 29/12/2008 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Luật thi hành án dân sự năm 2008 và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật này; Quyết định số 136/QĐ-BTP ngày 14/01/2009 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2009; Quyết định số 1414/QĐ-BTP ngày 07/8/2008 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân dân sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Trên cơ sở đó, một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác thi hành án dân sự trong năm 2009 và những năm tiếp theo đã được xác định, bao gồm:


Một là, triển khai thực hiện Quyết định số 2425/QĐ-BTP ngày 29/12/2008 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Luật thi hành án dân sự và Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật này, với các nội dung cơ bản sau đây:

a) Rà soát các quy định của pháp luật luật hiện hành, xác định những văn bản, quy định còn hoặc không còn phù hợp với quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008, trên cơ sở đó đề xuất việc huỷ bỏ, sửa đổi, bổ sung bảo đảm có hiệu lực cùng với Luật này từ ngày 01/7/2009. Xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự gồm 02 Nghị định, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 07 Thông tư liên tịch, đó là:

- Nghị định quy định chi tiết về hệ thống tổ chức thi hành án và công chức làm công tác thi hành án.

- Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn về thủ tục thi hành án dân sự.

- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục các cơ quan thi hành án dân sự tại các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ hướng dẫn về trình tự, thủ tục thi tuyển, bổ nhiệm Chấp hành viên; bổ nhiệm Chấp hành viên không thông qua thi tuyển.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn một số vấn đề về hoạt động thi hành án.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản nộp ngân sách nhà nước theo quy định của Luật thi hành án dân sự.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc miễn thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000đồng theo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật thi hành án dân sự.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an hướng dẫn trại giam, trại tạm giam thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền thi hành án.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an hướng dẫn bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

- Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hướng dẫn về bảo đảm tài chính để thi hành án.

Ngoài ra, sẽ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật khác về thi hành án phù hợp với quy định của Luật thi hành án dân sự năm 2008.

b) Chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ngay một số công việc để thi hành có kết quả ngay sau khi Luật thi hành án dân sự có hiệu lực.

c) Tuyên truyền, phổ biến Luật thi hành án dân sự.

d) Bồi dưỡng nghiệp vụ về Luật thi hành án dân sự.

đ) Thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (Thừa hành viên).

e) Kiện toàn một bước tổ chức, cán bộ Cục Thi hành án dân sự và các cơ quan thi hành án dân sự.

f) Tổng kết việc thực hiện uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho Giám đốc Sở Tư pháp trong việc quản lý một số mặt công tác tổ chức cán bộ thi hành án dân sự.

g) Tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực thi hành án dân sự.

Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ về thi hành án dân sự đã được quy định và các nhiệm vụ về thi hành án dân sự mới được bổ sung, nhấn mạnh thêm tại Quyết định số 136/QĐ-BTP ngày 14/01/2009 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp năm 2009, đó là tiếp tục tổ chức thực hiện Chỉ thị số 21/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện tốt Luật Thi hành án dân sự, Nghị quyết của Quốc hội về thi hành Luật Thi hành án dân sự nhằm tạo chuyển biến mạnh trong công tác THADS, với những nội dung công việc cụ thể sau đây:

a) Toàn ngành THADS phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu thi hành xong 75 % về việc và 55% về tiền trên số vụ việc có điều kiện thi hành, giảm từ 10 đến 15% án tồn đọng; giải quyết khiếu nại đúng thời hạn, đúng pháp luật ngay từ cơ sở, giảm thiểu những khiếu nại phức tạp mới phát sinh; giảm từ 20 đến 25 % các vụ khiếu nại phức tạp, kéo dài; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án về tăng cường cơ sở vật chất, xây dựng trụ sở, kho vật chứng, kinh phí hoạt động cho các cơ quan THADS.

Rà soát, đề nghị miễn thi hành các khoản thu cho ngân sách Nhà nước có giá trị không quá 500.000 đồng mà thời gian tổ chức thi hành án đã quá 05 năm tính đến ngày 01/7/2009 nhưng không có điều kiện thi hành.

Giao chỉ tiêu cụ thể về thi hành án theo từng địa bàn, từng địa phương; tổ chức các đợt cao điểm thi hành án trong cả nước; hoàn thành việc tổng rà soát các vụ việc tồn đọng chưa thi hành.

Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác kiện toàn tổ chức, cán bộ cơ quan THADS, trong việc chỉ đạo tổ chức các đợt cao điểm THADS tại những nơi có số lượng án lớn, phức tạp; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong công tác THADS.

b) Kiện toàn tổ chức, cán bộ của Cục THADS, cơ quan Thi hành án dân sự địa phương theo Luật Thi hành án dân sự và Nghị định hướng dẫn thi hành; chuẩn bị tốt cho công tác chuyển giao việc quản lý một số mặt công tác tổ chức, cán bộ của cơ quan Thi hành án dân sự từ Giám đốc Sở Tư pháp (theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) sang cho Trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh, đồng thời với việc xây dựng Thông tư phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức thi hành án địa phương; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu Trưởng Thi hành án dân sự cấp huyện và cơ quan Thi hành án dân sự chỉ có một chấp hành viên; nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ quy định những cơ quan Thi hành án dân sự cụ thể ở các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa được tuyển chọn người có trình độ cử nhân luật làm Chấp hành viên không qua thi tuyển.

c) Chủ động ban hành hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thi hành án dân sự; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn những nội dung cơ bản của Luật; tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ngành tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong khi thi hành Luật.

d) Triển khai Đề án thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại TP. HCM khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, từ đó nghiên cứu phương án mở rộng địa bàn thí điểm sang một số địa phương khác; xây dựng và trình Đề án chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giao cho Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về thi hành án, Đề án thành lập cơ quan Thi hành án khu vực.

Hy vọng rằng với sự tập trung, nỗ lực cao của các cấp Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, tinh thần đổi mới công tác thi hành án dân sự trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng đã được thể chế hoá vào Luật thi hành án dân sự năm 2008, Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật này, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như các Quyết định của Bộ Tư pháp về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện và các văn bản pháp luật khác có liên quan, sẽ được triển khai thực hiện đúng tiến độ, sớm phát huy hiệu quả điều chỉnh của Luật thi hành án dân sự trong việc bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong thời gian tới./.

Văn Nghĩa