Thống nhất hướng dẫn việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại bằng một văn bản có tính pháp lý cao - nhu cầu tất yếu

10/03/2014
Để triển khai Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội và Quyết định số 510/QĐ-TTg ngày 25/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại”, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT- BTP- NHNNVN giữa Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 17/01/2014 hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng, hiện nay đang có 03 Thông tư, Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện thí điểm, cụ thể:


- Thông tư số 03/2009/TT-BTP ngày 30/9/2009 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ- CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Thông tư 03).

- Thông tư liên tịch số 12/2010/TTLT-BTP-BTC-TANDTC ngày 24/6/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định 61/2009/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại và chế độ tài chính đối với Văn phòng Thừa phát lại (sau đây gọi là Thông tư 12).

- Thông tư liên tịch số 13/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 07/7/2010 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thủ tục thực hiện một số công việc của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Thông tư 13).

Trước đây, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tài chính xây dựng 03 Thông tư, Thông tư liên tịch (độc lập) để sửa đổi, bổ sung đối với 3 Thông tư, Thông tư liên tịch hiện hành. Tuy nhiên, đến nay, được sự thống nhất của các Bộ, ngành, Bộ Tư pháp đang chủ trì trong việc xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23 tháng 11 năm 2012 của Quốc hội. Vậy, lý do gì các Bộ, ngành thống nhất việc cần thiết xây dựng 01 Thông tư liên tịch để thay thế 03 Thông tư, Thông tư liên tịch hiện hành như vậy?.

Thứ nhất, một số nội dung của 03 Thông tư hướng dẫn hiện hành cần được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn thực hiện việc thí  điểm chế định Thừa phát lại, đặc biệt là việc mở rộng địa bàn thí điểm chế định này đến một số địa phương ngoài thành phố Hồ Chí Minh cũng như để phù hợp với Nghị định số 135/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ.

- Thông tư 12 hiện hành hướng dẫn về chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại và chế độ tài chính của văn phòng Thừa phát lại cần sửa đổi, bổ sung Thông tư trên cả về tên gọi, cơ cấu và bổ sung một số quy định quan trọng về chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại đều cần được sửa đổi, bổ sung.

- Thông tư 13 quy định hướng dẫn về thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại có các nội dung hướng dẫn về tống đạt, lập vi bằng, kiểm sát hoạt động Thừa phát lại thì qua rà soát, nghiên cứu cho thấy các hướng dẫn trên cũng đều cần được sửa đổi, bổ sung tên gọi, đặc biệt là các quy định về loại văn bản tống đạt; về nội dung lập vi bằng.

- Thông tư 03 hướng dẫn một số nội dung về thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại và một số nội dung mang tính chất hành chính trong hoạt động Thừa phát lại, gồm các phần: Xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp tổ chức thi hành án; giải quyết một số vấn đề phát sinh khi Văn phòng Thừa phát lại giải thể, chấm dứt hoạt động; biểu mẫu nghiệp vụ Thừa phát lại; Thẻ, trang phục Thừa phát lại. Qua rà soát, nghiên cứu cho thấy ngoài việc sửa đổi tên gọi, hầu hết các nội dung này cũng đều cần được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là về xác minh điều kiện thi hành án, trực tiếp tổ chức thi hành án, biểu mẫu nghiệp vụ và trang phục Thừa phát lại.

Đây là những nội dung mà khi đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản trên chưa nhận thấy hết, nhưng trong quá trình soạn thảo thấy cần thiết sửa đổi, bổ sung. Do có nhiều điều khoản sửa đổi, bổ sung nên theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần xây dựng các Thông tư thay thế (thay vì xây dựng các Thông tư sửa đổi, bổ sung như đề xuất ban đầu).

Thứ hai, một số quy định của 03 Thông tư có sự liên kết với nhau, việc tách riêng các quy định trên sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng nên cần quy định thống nhất trong cùng một văn bản hướng dẫn.

Nhìn tổng quát, 03 Thông tư trên hướng dẫn các nội dung: Thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại; chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại; chế độ tài chính, hành chính trong hoạt động của Thừa phát lại. Các nội dung này có sự gắn kết với nhau, cần quy định trong cùng một văn bản hướng dẫn. Bên cạnh đó, việc quy định trong cùng một văn bản cũng sẽ tránh trùng lặp. Ví dụ:

- Các khoản chi phí tống đạt do ngân sách Nhà nước chi trả và các chi phí khác phát sinh được quy định tại Thông tư 12 nhưng các loại văn bản được tống đạt, việc ký hợp đồng dịch vụ tống đạt lại được quy định ở Thông tư 13 và biểu mẫu hợp đồng lại được quy định ở Thông tư số 03. Vì vậy, chỉ riêng việc tống đạt 1 văn bản, Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự và Văn phòng Thừa phát lại phải áp dụng quy định của 03 Thông tư khác nhau, điều này gây khó khăn rất lớn cho quá trình áp dụng pháp luật.

- Về việc tổ chức thi hành án dân sự: Chi phí thi hành án dân sự được quy định tại Thông tư 12, cách thức tổ chức thi hành án được quy định tại Thông tư số 03 và việc kiểm sát thi hành án dân sự, thực hiện kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân lại được quy định tại Thông tư 13…

Nếu xây dựng 01 Thông tư thay thế 03 Thông tư nêu trên thì dự thảo Thông tư mới dự kiến sẽ gồm các nội dung cơ bản sau:

Phần thứ nhất, hướng dẫn về thủ tục thực hiện công việc của Thừa phát lại (những nội dung này được sửa đổi, bổ sung từ nội dung của Thông tư 13 và một phần của Thông tư 03).

Phần thứ hai, hướng dẫn về chi phí thực hiện công việc của Thừa phát lại (những nội dung này được sửa đổi, bổ sung từ nội dung của Thông tư số 12 và một phần của Thông tư 13).

Phần thứ ba, hướng dẫn về chế độ tài chính, hành chính trong hoạt động của Thừa phát lại (những nội dung này được sửa đổi, bổ sung từ Thông tư 03 và một phần Thông tư 12).

Phần thứ 4: Tổ chức thực hiện.

Việc xây dựng một Thông tư như trên sẽ phù hợp hơn so với quy định tại 03 Thông tư như hiện hành.

Thứ ba, việc xây dựng 01 Thông tư hướng dẫn sẽ tạo thuận lợi trong việc áp dụng, phù hợp với tinh thần cải cách trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Việc xây dựng một Thông tư thay thế cả 03 Thông tư nói trên là một nhiệm vụ rất quan trọng và cần thiết để có một văn bản pháp lý liên ngành thống nhất áp dụng, tạo thuận lợi, dễ dàng hơn cho Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự, các Sở Tư pháp, cho các Văn phòng Thừa phát lại và cả người dân để tiếp cận và áp dụng các quy định của pháp luật về Thừa phát lại - Những quy định còn mới mẻ và xa lạ với nhiều người dân trong thời điểm hiện nay.

Hoàng Thu Thủy