Giao Tòa án ra quyết định đưa bản án ra thi hành: Đảm bảo sự gắn kết, khả thi của bản án.

24/06/2014
Một trong những nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm trong phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự chiều qua 23/6 là có nên giao Tòa án nhân dân ra “Quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành”.


Tăng cường trách nhiệm của Tòa án

Ngoài các loại quyết định thuộc thẩm quyền ban hành của Tòa án như quy định hiện hành (quyết định miễn, giảm thi hành án; quyết định đình chỉ thi hành án trong trường hợp đã kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm), Tòa án chỉ cần ra một loại quyết định mang tính chất quyền lực Tư pháp, đó là quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành, qua đó cũng xác nhận bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành; các loại quyết định khác trong quá trình thi hành án dân sự chỉ mang tính chất hành chính, thuộc về nghiệp vụ thi hành án dân sự thì do cơ quan, tổ chức Thi hành án dân sự thực hiện. Với tinh thần này, Dự thảo Luật đã giao Tòa án nhân dân ra “Quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành”.

Đại biểu H’Yim Kđoh, Đăk Lăk bày tỏ sự tán thành cao với quy định này, vì theo đại biểu “Kết quả thi hành án những năm qua đạt cao cho thấy mô hình cơ quan Thi hành án hiện nay là phù hợp. Quy định như Dự thảo sẽ đảm bảo tính ổn định, không làm tăng thêm bộ máy, biên chế, đồng thời đảm bảo sự gắn kết của Tòa án, bảo đảm bản án đã tuyên phải được các cơ quan, tổ chức thi hành nghiêm”

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận), Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), Huỳnh Ngọc Ánh (Hồ Chí Minh), Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) cùng chung lập luận thi hành án là khâu cuối cùng của tố tụng. Thực tế nhiều bản án không rõ khó thi hành, khi thi hành án đề nghị giải thích thì Tòa án trả lời chậm hoặc không trả lời khiến quá trình thi hành án bị kéo dài. Vì thế giao Tòa án ra quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành là khắc phục những tồn tại, cắt khúc như hiện nay. Đồng thời, gắn kết trách nhiệm của Tòa án trong giải thích, đính chính bản án của Tòa án, tăng niềm tin của người dân, góp phần giảm thiểu khiếu kiện, cũng tăng trách nhiệm của Tòa án khi tuyên án.

Tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, nhiều ý kiến tán thành với Tờ trình và Dự thảo Luật về giao Tòa án nhân dân ra “Quyết định đưa bản án, quyết định ra thi hành”. Quyết định này thể hiện quyền lực Tư pháp, làm cơ sở cho cơ quan Thi hành án dân sự tổ chức thi hành bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Quy định này vừa bảo đảm sự gắn kết trách nhiệm của Tòa án nhân dân đối với bản án, quyết định của mình, đồng thời không gây ra xáo trộn lớn về tổ chức và thẩm quyền.

Tuy nhiên, quá trình thảo luận cũng còn những ý kiến khác nhau. Đại biểu Hồ Văn Năm (Đồng Nai) cho rằng nên giữ nguyên như hiện hành (Tòa án chỉ chuyển giao bản án, quyết định). Giao Tòa án ra quyết định đưa bản án ra thi hành theo đại biểu “Là hình thức, thêm thủ tục, vì người dân vừa phải đến tòa rồi lại đến cơ quan Thi hành án, trong khi sắp tới sẽ lập Tòa án khu vực, dân sẽ phải đi lại nhiều cơ quan, tốn kém”. Theo đại biểu, muốn tăng cường trách nhiệm Tòa án chỉ cần tăng cường kiểm tra, và giải quyết các vấn đề vướng mắc khi ban hành bản án.

Giảm chi phí khi giao xác minh điều kiện thi hành án cho chấp hành viên

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án. Đại biểu H’Yim KĐoh (Đăk Lăk) chỉ rõ: trước đây pháp luật quy định người được thi hành án không phải làm đơn, nhưng thực hiện quy định này nhiều vướng mắc, nhiều bản án hai bên tự thực hiện với nhau dẫn đến tình trạng án tồn từ năm này qua năm khác.Thực tế, thực hiện quy định này hiện nay cũng không vướng mắc do đó, có đơn yêu cầu như dự luật là hợp lý. Đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) và nhiều đại biểu khác cũng nhận định quy định này phù hợp nguyên tắc của pháp luật dân sự, phù hợp thực tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đại biểu bày tỏ sự quan ngại khi làm đơn sẽ khó khăn cho người dân vì thực tế, nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số trình độ hiểu biết pháp luật rất hạn chế, họ không hiểu phải có đơn yêu cầu án mới được thi hành. Đồng thời việc làm đơn sẽ gây tốn kém chi phí, mất thời gian. Do đó, loại ý kiến này đề nghị Tòa án (hoặc cơ quan Thi hành án) phải ra quyết định thi hành án đối với những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, không buộc người được thi hành án phải có đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp người được thi hành án có đơn đề nghị không thi hành án, từ bỏ quyền, lợi ích của mình theo bản án, quyết định của Tòa án thì cơ quan Thi hành án lập biên bản ghi nhận việc đó và đình chỉ thi hành án.

Riêng quy định chuyển nghĩa vụ xác minh điều kiện thi hành án từ người được thi hành án về cho chấp hành viên, tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội tán thành. Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) chỉ rõ thực tế “Xác minh điều kiện thi hành án là khâu thực tế đang có rất nhiều hạn chế, thậm chí tiêu cực. Nếu giao chấp hành viên xác minh điều kiện thi hành án sẽ thuận lợi hơn cho người dân và tiết kiệm chi phí…”. Đồng tình với dự thảo luật, nhưng đại biểu Nguyễn Thái Học đề nghị bổ sung quy định trong trường hợp kết quả xác minh của chấp hành viên khác với kết quả xác minh của người được thi hành án thì giải quyết thế nào, cơ quan nào có trách nhiệm thụ lý xem xét khiếu nại này.

Về vấn đề này, tại báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp cũng tán thành với dự thảo Luật về việc sửa đổi quy định về xác minh điều kiện thi hành án theo hướng, giao trách nhiệm này cho cơ quan Thi hành án dân sự, đồng thời vẫn tạo điều kiện cho người được thi hành án tự mình hoặc nhờ cá nhân, tổ chức được pháp luật quy định xác minh điều kiện của người phải thi hành án để cung cấp thông tin cho cơ quan Thi hành án dân sự. Tuy nhiên về thủ tục, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án và nâng cao trách nhiệm của cơ quan Thi hành án dân sự, Ủy ban Tư pháp cho rằng thời hạn tiến hành xác minh cần được rút ngắn hơn.

Thu Hằng