Trong hai ngày 04 và 05/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2015. Đến dự và chỉ đạo Hội nghị còn có Đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đại diện các Bộ, Ban, Ngành ở Trung ương, Tổng cục Thi hành án dân sự, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đại diện một số Văn phòng Thừa phát lại.
Hội nghị đã đánh giá kết quả và những tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác thi hành án dân sự năm 2014; thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao kết quả, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và căn bản trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp Hoàng Sỹ Thành cho biết, số thụ lý mới về thi hành án dân sự tăng so với năm 2013, đặc biệt là về tiền, nhưng các cơ quan Thi hành án dân sự đã thi hành xong số việc và số tiền cao hơn năm 2013, tỷ lệ thi hành án xong về việc đạt cao hơn năm 2013 và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tính đến ngày 30/09/2014, tổng số vụ việc thụ lý của toàn Ngành là 779.298 việc, tăng 47.119 việc (6,43%) so với năm 2013; tổng số tiền thụ lý trên 95.109 tỷ đồng, tăng 24.547 tỷ đồng (34,78%) so với năm 2013.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thi hành án dân sự còn một số tồn tại, hạn chế: Kết quả thi hành án về tiền chưa hoàn thành chỉ tiêu thi hành án xong (còn thiếu 0,28% so với chỉ tiêu Quốc hội giao), số việc và tiền chuyển kỳ sau còn nhiều. Việc thực hiện các chỉ tiêu khác tuy đã tiến bộ, nhưng chưa thực sự đáp ứng theo yêu cầu tại Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội; công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương còn hạn chế nhất định; kỷ cương, kỷ luật tại một số đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm, tình trạng cán bộ, công chức, kể cả cán bộ quản lý vi phạm kỷ luật còn cao….
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả tích cực trong công tác thi hành án dân sự và thực hiện thí điểm Thừa phát lại mà Bộ, Ngành Tư pháp và các cơ quan Thi hành án dân sự đã đạt được trong năm 2014. Mặc dù ghi nhận tỷ lệ thi hành án xong về việc đã vượt chỉ tiêu Quốc hội giao, song Phó Thủ tướng cũng chỉ ra các hạn chế, bất cập trong công tác thi hành án dân sự như tình trạng chấp hành viên, cán bộ thi hành án dân sự vi phạm kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật có xu hướng tăng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hội nghị cần phân tích các nguyên nhân của thực trạng, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khắc phục hạn chế của cơ quan Thi hành án dân sự.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2015 là năm thứ ba công tác thi hành án dân sự thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội về công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và công tác thi hành án; cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự. Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị: Bộ, Ngành nhanh chóng xây dựng Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự cần kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý sai phạm. Những cán bộ, công chức tuy chưa phát hiện được sai phạm, tiêu cực nhưng nếu có nhiều dư luận không tốt thì cũng phải có biện phải luân chuyển hoặc thay đổi vị trí công tác; bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; với Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân 13 địa phương thực hiện thí điểm Thừa phát lại; Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh cần tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, đặc biệt là các vụ án lớn, phức tạp, các vụ việc có khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài gây bức xúc trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Phó Thủ tướng đối với công tác thi hành án dân sự, Bộ trưởng Hà Hùng Cường hứa sẽ tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, đồng thời sẽ nỗ lực, cố gắng cao nhất để trong năm 2015 và những năm tiếp theo đề ra những giải pháp quyết liệt để giải quyết những tồn đọng và đưa công tác thi hành án dân sự chuyển biến thực chất và bền vững.
Nhắc lại những yếu kém còn tồn đọng trong công tác thi hành án dân sự, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Kết quả về tiền chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, số việc chuyển từ 2014 sang năm 2015 còn ở mức cao, lên gần 1,4 triệu việc, không những không giảm mà còn tăng so với số việc chuyển từ năm 2012 sang 2013; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ chưa nghiêm, cán bộ vi phạm pháp luật tăng (98 cán bộ, tăng 2 lần năm 2013, trong đó 10 cán bộ bị xử lý hình sự, tăng 2 lần so với năm 2013) và Nhiều sai phạm của của cán bộ chưa được phát hiện; công tác thống kê số lượng một số nơi thiếu chính xác, số liệu kế toán nghiệp vụ và số liệu thống kê còn vênh; việc ứng dụng công nghệ thông tin và thi hành án còn chậm so với yêu cầu…
Từ hạn chế nêu trên, Bộ trưởng đề nghị: “cả hệ thống cơ quan Thi hành án dân sự không được bằng lòng với kết quả đạt được, không được chững lại, cố gắng phấn đấu để công tác thi hành án dân sự có sự chuyển biến thật sự thực chất và bền vững”. Bước sang năm 2015, Quốc hội đã ban hành kế hoạch chung về phát triển kinh tế xã hội, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến thi hành án dân sự và giữ nguyên chỉ tiêu giao trong Nghị quyết 37. Bộ trưởng nhận định, năm 2015 có nhiều khó khăn, nhưng thuận lợi được xem là cơ bản, thể chế được hoàn thiện như Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự, Luật Phá sản, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thi hành án dân sự đã khẳng định vị thế của cơ quan Thi hành án dân sự, và một thuận lợi khác đó là, từ nay đến cuối năm 2015 Thừa phát lại sẽ vào cuộc và chia sẻ công việc với thi hành án nhiều hơn.
Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Thi hành án dân sự sớm xây dựng kế hoạch đúng tiến độ để sớm triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự; tập trung quyết liệt để giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành và giảm mạnh các vụ án còn tồn đọng; xiết chặt công tác tuyển dụng để nâng cao chất lượng nguồn cán bộ, không để người đứng đầu có hai nhiệm kỳ ở một địa bàn; tăng cường công tác chỉ đạo, giải quyết tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành vào công tác chuyên môn của thi hành án dân sự, tạo minh bạch công khai, qua đó phòng chống tham nhũng; tranh thủ sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự phối hợp với các cơ quan có liên quan, chủ động xây dựng quy chế phối hợp, giải quyết tốt kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân, phối hợp với Tòa án nhân dân để đính chính những bán án có vấn đề…